Hàng triệu người dân và các thế hệ phi công quân sự trong và ngoài nước không khỏi xúc động, tiếc thương một nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại - Nguyễn Văn Bảy giã biệt cuộc đời ở tuổi 84 sau tai biến đột ngột lúc làm vườn.
Từ nông dân trở thành phi công huyền thoại
Nghe tin ông mất, người dân quê ông cùng dọn cây, dọn cỏ ven đường để xe tang đưa linh cữu ông Bảy về vùng đất sen hồng. Giờ đây, căn nhà nhỏ giản dị nằm giữa cánh đồng, bên cạnh một ruộng nấm rơm vắng đi bóng dáng của một con người bình dị đã làm nên huyền thoại: Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công không quân nhân dân Việt Nam. Ông là một trong số ít phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Còn với người dân vùng đất sen hồng nơi ông sinh ra, lớn lên và sinh sống những ngày cuối đời, ông Bảy là một huyền thoại sống. Từ một người nông dân miền Tây chân chất, ông đã được đào tạo để trở thành 1 phi công lái máy bay và nhiều lần làm kẻ thù khiếp sợ. Người dân nơi đây nhớ mãi vì ông đã làm nên niềm tự hào, rằng chúng ta không phải là những phận người An Nam nhụt khí, mà có thể là những chiến binh lao vút vào không trung, chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, Tổ quốc mình.
“Đất nước hòa bình - tao trở về với đồng ruộng”, là câu nói ấn tượng, đậm chất Nam bộ của “phi công huyền thoại” khi trả lời phóng viên “Vì sao ông không ở lại thành phố an nhàn tuổi già?”. Trong nhiều lần nói chuyện, chưa khi nào ông tự nhận hoặc nhắc đến danh hiệu cao quý “phi công huyền thoại” mà đồng chí, đồng đội và nhân dân đặt cho mình.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1935 tại ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông Bảy sinh ra trong một gia đình nghèo, có đến 10 anh em, ông là người con thứ 7 và do người Nam bộ hay gọi theo thứ tự nên cái tên Nguyễn Văn Bảy dần thành tên chính.
Do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành lớp đào tạo, tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.
Trong thời gian 1965-1968, ông tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES.
Các chiến công hiển hách của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy được tái hiện trong cuốn sách “MIG 17 và MIG 19 trong chiến tranh Việt Nam”. Trong phần giới thiệu về cuốn sách của sĩ quan không quân Hungary Istvan Toperczer xuất bản năm 2001 viết: "Không quân Việt Nam đã sản sinh ra hàng chục phi công át chủ bài trong khi Mỹ chỉ có 2 phi công và 3 hoa tiêu đạt danh hiệu này trong cùng giai đoạn". Phi công át chủ bài là những người bắn hạ từ 5 máy bay của đối phương trở lên và Đại tá Nguyễn Văn Bảy là một trong số đó.
Ấn tượng với cách đánh sáng tạo, quả cảm của phi công Nguyễn Văn Bảy, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, đánh giá: “Ông là một phi công đặc biệt và độc đáo nhất của chúng ta và trên thế giới tức là dùng máy bay Miq17 bắn rơi 7 máy bay. Sau này, chúng tôi được nghiên cứu và tiếp xúc trực tiếp nghe ông truyền đạt lại những kinh nghiệm, mới thấy đấy là cách đánh riêng của Việt Nam, cách đánh độc đáo - gọi là cách đánh du kích. Ông nói chỉ có đánh quần thảo với nó, nắm thắt lưng địch mà đánh, thì đánh của không quân Miq17 cũng phải đánh như thế”.
Kỷ niệm gắn liền với số 7
Ông Nguyễn Văn Bảy kể, cuộc đời ông có nhiều kỷ gắn liền số bảy: tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay Miq17, được phong Anh hùng năm 1967. Giọng nói cởi mở, thân tình mỗi khi ông nhắc lại lúc được học lái máy bay: ít nhất cũng phải xong lớp 10 (tương đương trình độ 12/12 ngày nay), trong khi mình mới học lớp 3. Theo phương châm “cần gì, học đó”, đúng một tuần học văn hóa, ông đã hoàn thành xong… 7 lớp. Bảy cười khà khà bảo: “Hồi đó tao cao 1m67, nặng 69kg. Ông bà, cha mẹ đều là nông dân. Nằm mơ tao cũng không nghĩ mình được đi học lái máy bay”.
Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia. Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.HCM. Năm 1990, ông cùng vợ về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009 gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.
Khi hỏi tại sao ông lại chọn nơi còn nhiều khó khăn để sinh sống lúc tuổi già, ông Bảy tâm sự: “Tao là con em nông dân, lớn lên lúc nước mất nhà tan, thân trai ra đi đền nợ nước. Xong chuyện nước non, đất nước hòa bình, phát triển thì tao lại trở lại với đồng ruộng ở chính nơi mình sinh ra thôi”.
Về miệt vườn sinh sống những tháng ngày cuối đời, thấy cảnh người dân nghèo chưa có điện, ông Bảy vận động doanh nghiệp, bà con góp tiền cùng chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng quê. Nhiều người dân nơi đây cho biết, hàng tháng ông dùng số lương hưu của mình, tiền hoa lợi từ vườn cây, ao cá, cho thuê đất trồng lúa để giúp đỡ các hộ nghèo, các em học sinh và những cựu chiến binh đang khó khăn; thường xuyên góp gạo từ thiện cho Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật địa phương.
Đường đến nhà ông Bảy phải đi theo quốc lộ 80 dọc bờ sông Hậu về phía thượng nguồn 12 cây số tới huyện Lai Vung, rẽ vào con đường nhỏ, đi tiếp chừng 4 cây số, rồi lại rẽ vào con đường nhỏ hơn chừng 2 cây số. Khó khăn trong đi lại nhưng đã có nhiều cựu phi công của nước Mỹ đã cất công tìm đến xóm nhỏ này, trong đó có Trung tướng Steve Ritchie, được cho là phi công Mỹ giỏi nhất trong cuộc chiến Việt Nam và đại tá - tiến sĩ Marshall L.Michel, người có nhiều công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Họ đã đến đây chỉ để gặp cho bằng được một phi công Việt Nam được xếp hạng ACES.
Để râu để nhớ ơn Bác Hồ
Nhìn ông, người ta thấy ông có chòm râu hao hao giống Bác Hồ. Ông nói rằng: khi ông bắn rơi máy bay thứ 7 thì Bác Hồ biết tin, Bác Hồ lo là ông nếu đánh nhau tiếp thì có thể sẽ hy sinh, như vậy là Bác có lỗi với đồng bào miền Nam nên Bác đề nghị không để ông đi đánh nhau nữa, chỉ làm việc ở mặt đất. Ông đã để râu như thế để tưởng nhớ và biết ơn Bác Hồ.
Những lần về thăm ông tại quê nhà Lai Vung, chúng tôi đã được dịp nghe ông kể những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ông kể được gặp Bác khi cùng 2 đồng đội được Bác trao Huy hiệu sau khi được phong Anh hùng về thành tích bắn hạ máy bay Mỹ. Sau đó ông có thêm 6 lần được trao Huy hiệu Bác Hồ, lúc thì Bác trực tiếp trao, lúc do lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân trao. Nhiều lần Bác đến thăm đơn vị, ông đều được thay mặt để báo cáo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với Bác.
Ông kể cuối năm 1967, sau khi đã bắn hạ 7 máy bay Mỹ, chính Bác Hồ đã gợi ý cấp trên không nên để ông tiếp tục trực tiếp nghênh chiến với máy bay Mỹ, mà lui về làm công tác huấn luyện, điều hành. Sau này ông mới được biết lý do là Bác lo ngại những phi công chiến đấu hàng đầu nếu trực tiếp tham gia có thể hy sinh, tổn thất sẽ rất lớn trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ quyết liệt.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy có một vinh dự lớn là được Quân chủng Phòng Không - Không quân chọn tham gia đứng canh bên linh cữu Bác Hồ. Ngày 9/9/1969, cũng chính Ông là người lái chiếc MiG17 dẫn đầu biên đội bay thấp trên Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người.
Lúc 9 giờ ngày 24/9, lễ viếng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - không quân bắt đầu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM).
|
Không ai có thể tránh khỏi quy luật của cuộc sống. Tuy nhiên, câu chuyện về một người anh hùng sống giản dị, không màng danh lợi, chân chất với ruộng đồng cho đến phút cuối đời mãi lưu danh trong sử sách và trong lòng các thế hệ phi công quân sự và người dân.
“Kỷ lục của ông trong thời chiến là phi thường, chắc chắn ông sẽ luôn đứng đầu trong các phi công của mọi thời đại. Nhưng những nỗ lực của ông trong hòa bình và hòa giải có thể còn quan trọng hơn nữa khi tình bạn giữa các nước chúng ta và giữa các đối thủ trước đây đã phát triển. Biết ông, đối với bản thân tôi là một điều đặc biệt trong cuộc đời. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông những điều tốt lành", Rick Hartnack - cựu Thuyền trưởng USMC và người hỗ trợ F-4 với phi công Charlie Tutt.
|