Trong thế giới âm nhạc và đời sống âm nhạc của thế giới từ xưa đến nay không có sự kiện nào nổi tiếng và để lại dấu ấn lịch sử bằng một sự kiện âm nhạc được tổ chức suốt 3 ngày liền ở Mỹ cách đây đúng nửa thế kỷ (từ 15 - 17/8/1969).
Một sự kiện âm nhạc đi vào lịch sử nước Mỹ
Tên gọi chính thức của sự kiện này là Woodstock Music and Art Fair, tạm dịch là Liên hoan nghệ thuật và âm nhạc Woodstock. Woodstock là một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thành phố New York, Mỹ. Những người tổ chức muốn liên hoan diễn ra ở nơi đây vì địa điểm cách không xa đô thị lớn là New York và vì Woodstock vốn cũng không vô danh ở Mỹ nhờ có sự cư ngụ của một số văn nghệ sĩ lừng danh thế giới như Bob Dylan. Tuy nhiên, cả người đứng đầu chính quyền ở làng này lẫn người dân đều phản đối việc tổ chức sự kiện âm nhạc lớn ở nơi đây. Những người tổ chức phải tìm kiếm nơi khác và rồi chọn được thị trấn Bethel cách Woodstock 90km. Dù không được tổ chức ở chính Woodstock, liên hoan âm nhạc này vẫn mang cái tên hiệu ban đầu kia.
Ban tổ chức dự kiến có khoảng 200.000 người tới dự nhưng rồi cuối cùng có đến hơn 400.000 người và làm cho ban tổ chức quá tải trên mọi phương diện, tuy nhiên không đến nỗi bị vỡ trận. An ninh và trật tự về cơ bản vẫn được đảm bảo trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Chỉ có việc hậu cần là không thể đáp ứng được nhu cầu cho dù về sau được sự hậu thuẫn đắc lực và tự nguyện của người dân ở đó cũng như của chính quyền và quân đội Mỹ.
32 ban nhạc rock nổi tiếng nhất nước Mỹ và thế giới được mời đến cùng với nhiều ca sĩ lừng danh đương thời. Richie Havens khai mạc và Jimmy Hendrix trình diễn cuối cùng. Ravi Shankar đến từ Ấn Độ: Joan Baez, Janis Joplin và những thần tượng âm nhạc khác của giới trẻ thuộc cái gọi là "Thế hệ 68" đều xuất hiện trên sân khấu trở nên quá bé nhỏ giữa biển người lớn.
Hồi ấy chưa có màn hình lớn nên nghệ sĩ trên sân khấu không nhìn thấy khán giả ở xa và khán giả ở xa cũng chẳng nhìn thấy nghệ sĩ. Khán giả nhận ra nghệ sĩ qua âm nhạc và nghệ sĩ dùng âm nhạc để tạo nên bầu không khí độc nhất vô nhị xưa nay trong suốt ba ngày liền ở nước Mỹ.
Mưa và nắng, đói và khát, điều kiện vệ sinh tồi tệ không ngăn cản được khán giả kiên trì tham dự suốt hai ngày đầu và chỉ ra về rất nhiều trong đêm cuối cùng. Cho nên chỉ còn khoảng 40.000 người được chứng kiến những khoảnh khắc được coi là đỉnh cao của sự kiện với màn trình diễn liên tục suốt hơn 2 ngày liền của Jimmy Hendrix.
Lúc đầu, ban tổ chức bán vé với giá không hề rẻ (180 USD/vé). Nhưng chỉ sau có một ngày thì khán giả đã xô đổ hàng rào buộc ban tổ chức phải tuyên bố là liên hoan miễn phí cho tất cả mọi người.
Một sự kiện âm nhạc vậy thôi mà lại được đi vào lịch sử nước Mỹ. Năm 2017, nơi diễn ra sự kiện này năm 1969 được chính phủ Mỹ công nhận là di tích văn hoá quốc gia và sân khấu năm xưa được nỗ lực dựng lại đúng chỗ và đúng hình hài khi xưa của nó. Sự kiện này trở thành huyền thoại ở nước Mỹ và trên thế giới với những tình tiết có đúng và được thêu dệt. Nó được dựng thành phim tài liệu và được trao Giải Oscar năm 1971.
Những nghịch lý của Woodstock
Woodstock 1969 đi cùng với nhiều nghịch lý. Nó không diễn ra ở Woodstock mà lại mang cái tên ấy. Nó được bốn thương gia cùng nhau mưu tính tổ chức để kiếm lời nhưng lại trở thành sự kiện không bán vé. Về sau, nhờ bán bản quyền thương hiệu và kinh doanh thương hiệu mà nó lại sinh lời lớn cho những người tổ chức.
Nhưng nghịch lý lớn nhất và đáng chú ý nhất ở Woodstock 1969 là ý nghĩa của nó đối với lịch sử không phải trên phương diện âm nhạc mà trên phương diện hoàn toàn khác. Giá trị lớn nhất của sự kiện âm nhạc lớn nhất thế giới này là tuyên ngôn, thông điệp và tác động chính trị xã hội của nó đối với nước Mỹ cùng với ảnh hưởng tới thế giới bên ngoài.
Nước Mỹ trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đặc biệt trong những năm cuối thập kỷ bị rung chuyển đến tận gốc rễ bởi làn sóng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, bởi bạo lực từ phân biệt chủng tộc và sắc tộc, bởi những vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy, ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy thuộc Đảng Cộng hoà Mỹ và mục sư da đen Martin Luther King.
Thời ấy, giới trẻ sôi động làn sóng muốn sống tự do, thoát khỏi sự giám sát của bố mẹ, bất bình với chính sách của chính phủ và dùng việc hành xử trái ngược với văn hoá truyền thống để "tự giải phóng mình".
Liên hoan âm nhạc và nghệ thuật Woodstock năm 1969 tạo cho họ cơ hội để sống những ngày thực sự tự do như họ mong muốn, thể hiện thái độ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam như họ muốn thể hiện. Và sử dụng ma tuý. Và tự do tình dục. Khẩu hiệu của họ là "Yêu chứ không gây chiến tranh". Hay "Hoà bình và tình yêu".
Họ muốn phát đi thông điệp là đã đến lúc phải làm thay đổi cơ bản nước Mỹ. Họ muốn thức tỉnh nhận thức của cả đất nước Mỹ về những vấn đề nhức nhối dai dẳng, về bất công và bất bình đẳng trong xã hội, về tính phi lý của các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành ở nước ngoài. Sự kiện âm nhạc ở Woodstock năm 1969 vì thế được coi là Tuyên ngôn của Thế hệ 68 và đánh dấu bước chuyển giai đoạn và chuyển thời trong nhận thức của giới trẻ ở nước Mỹ về nước Mỹ và thế giới. Cũng trong chừng mực ấy, sự kiện âm nhạc lớn này đã góp phần rất đáng kể vào việc làm thay đổi nước Mỹ.
Woodstock 1969 độc nhất vô nhị trên mọi phương diện đến nỗi cả sau nửa thế kỷ vẫn không có gì thay thế hay tiếp nối được ở Mỹ. Nhiều nghệ sĩ trình diễn ở sự kiện âm nhạc năm 1969 đã có đỉnh cao vinh quang ở đấy càng làm cho huyền thoại về sự kiện âm nhạc này càng thêm huyền bí và cuốn hút hậu thế. |
Năm 1994, liên hoan này được tổ chức lại để kỷ niệm 25 năm Woodstock 1969. Rồi năm 1999 cũng có sự kiện tương tự để kỷ niệm 30 năm Woodstock 1969. Nhưng cả hai đều chỉ là cái bóng nhỏ của sự kiện lớn khi xưa và chỉ là hoài niệm về cái đã qua chứ không tiếp nối được ý nghĩa và giá trị lịch sử của sự kiện năm 1969.
Năm nay, lúc đầu cũng có ý định tổ chức lại sự kiện ở chính nơi xưa để kỷ niệm nửa thế kỷ sự kiện xưa nhưng rồi không được thực hiện bởi có quá ít nghệ sĩ nhận lời tham dự. Woodstock 1969 độc nhất vô nhị trên mọi phương diện đến nỗi cả sau nửa thế kỷ vẫn không có gì thay thế hay tiếp nối được ở Mỹ.
Nhiều nghệ sĩ trình diễn ở sự kiện âm nhạc năm 1969 đã có đỉnh cao vinh quang ở đấy. Sau sự kiện không lâu, một số biểu tượng và thần tượng của giới trẻ thủa ấy như Janis Joplin hay Jimmy Hendrix qua đời rất đột ngột ở độ tuổi còn rất trẻ. Sự đoản thọ của họ làm cho họ càng thêm bất tử với Liên hoan âm nhạc và nghệ thuật Woodstock 1969, làm cho huyền thoại về sự kiện âm nhạc này càng thêm huyền bí và cuốn hút hậu thế.