Hệ lụy của chiến tranh tiền tệ thế giới
Mới rồi, sau khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá so với đồng USD và chính phủ Mỹ chính thức coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ, không chỉ ở trong hai nước này mà còn ở cả nhiều nơi khác nữa trên thế giới lập tức sôi động cuộc tranh luận về nguy cơ bùng phát cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Cho tới nay, chiến tranh tiền tệ đã từng xảy ra trên thế giới, đã từng nhiều lần ngấp nghé xảy ra và luôn ám ảnh như cơn ác mộng đối với kinh tế, thương mại và tiền tệ thế giới. Hệ luỵ và hậu quả của chiến tranh thương mại luôn vô cùng tai hại đối với cả thế giới.
Chiến tranh thương mại trong thực chất là một dạng của xung khắc kinh tế giữa các nước với nhau mà công cụ và vũ khí chính được sử dụng là tiền tệ với những công cụ và biện pháp chính sách tiền tệ như tỷ giá hối đoái, lãi suất, dự trữ ngoại hối... Đồng bản tệ của quốc gia nào cũng thường ở một trong hai tình trạng là đúng với giá trị thật của nó hay không đúng với giá trị thật của nó, tức là được chủ ý giữ cho nó yếu hơn hoặc mạnh hơn so với thực tế của nó.
Chiến tranh tiền tệ xảy ra khi đồng bản tệ bị chủ ý làm cho yếu đi hơn so với thực tế của nó, tức là bị cố tình phá giá. Đồng bản tệ bị phá giá có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu vì hàng xuất khẩu rẻ đi, khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng xuất khẩu tăng lên. Xuất khẩu tăng kích thích sản xuất tăng và tạo công ăn việc làm. Chính vì thế mà ở những mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên và định hướng vào xuất khẩu, đồng bản tệ yếu tạo ra được tác động tích cực.
Nhưng việc chủ ý phá giá đồng bản tệ lại gây thiệt hại trực tiếp cho các đối tác khác. Các đối tác này sẽ đối phó bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nếu các đối tác này cũng dùng biện pháp phá giá đồng bản tệ để đối phó thì tức khắc bùng phát cuộc chạy đua về phá giá đồng tiền và dẫn đến xảy ra chiến tranh tiền tệ. Tiền đề không thể thiếu đối với cuộc chiến tranh tiền tệ là cuộc chạy đua phá giá đồng tiền này để đối phó và trả đũa lẫn nhau.
Mặt trái của phá giá đồng tiền là giá trị tiền tệ không ổn định và lòng tin của người tiêu dùng trong nước cũng như của nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định tiền tệ của nước đó nói riêng và vào triển vọng phát triển kinh tế xã hội ở nước đó nói chung bị tổn hại nặng nề. Phá giá đồng tiền sẽ khuấy động nguy cơ lạm phát và dòng vốn đầu tư sẽ chảy ra nước ngoài. Cho nên chiến tranh tiền tệ chỉ có tác dụng nhất thời, ngắn hạn và với mức độ cũng hạn chế.
Khủng hoảng tài chính từ chiến tranh tiền tệ
Cuộc chiến tranh tiền tệ đầu tiên trên thế giới xảy ra trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Năm 1931, chính phủ Anh phá giá đồng Bảng Anh 25%. Nhiều nước khác cũng phá giá đồng tiền của họ. Mỹ phá giá đồng tiền của Mỹ năm 1933. Sau đấy có thêm những nước khác tham gia phá giá đồng tiền như Bỉ hay Pháp.
Ngày 25/9/1936, Mỹ cùng với Anh và Pháp ký kết với nhau thoả thuận chấm dứt cuộc chiến tranh tiền tệ này để ổn định trở lại các mối quan hệ về tài chính, tiền tệ và thương mại giữa các đối tác này. Nhiều quốc gia khác sau đấy tham gia thoả thuận trên như Bỉ, Hà Lan hay Thuỵ Sỹ.
Từ đó về sau, trên thế giới không xảy ra chiến tranh tiền tệ như thế nữa nhưng chuyện phá giá đồng tiền vẫn thường xuyên được đối tác này hay đối tác kia thực hiện. Chẳng hạn như Trung Quốc và Nhật Bản duy trì đồng bản tệ yếu suốt thời gian dài để kích thích xuất khẩu. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công năm 2008, ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), cả Trung Quốc nữa, chủ trương và thực thi chính sách giảm lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng cũng như thị trường tài chính. Không ít nhà nghiên cứu kinh tế và chuyên gia kinh tế cho rằng đấy cũng là một dạng chiến tranh tiền tệ toàn cầu.
Liệu có chiến tranh tiền tệ thế giới?
Chuyện tiền tệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc có phần khác. Sau 12 vòng đàm phán thương mại chưa đưa lại kết quả, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại 10% đối với thêm 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 1/9 tới. Nếu phía Mỹ thật sự thực hiện quyết sách này của ông Trump thì trên thực tế Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, cụ thể là 25% đối với 250 tỷ USD và 10% đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ông Trump quyết định như vậy cho dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí với nhau là sẽ tiếp tục đàm phán thương mại trong tháng 9 tới. Trung Quốc đáp trả bằng việc ngừng hoàn toàn nhập khẩu nông sản của Mỹ và để cho đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ năm 2008 bị mất giá so với đồng USD. Phía Mỹ phản ứng bằng việc chính thức coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ - lần đầu tiên kể từ năm 1994. Trước những diễn biến này, Fed lần đầu tiên từ năm 2008 giảm lãi suất cơ bản đối với đồng USD.
Giữa Mỹ và Trung Quốc cho tới nay chưa hình thành cuộc chạy đua phá giá đồng tiền. Fed giảm lãi suất cơ bản trước khi Trung Quốc để cho đồng Nhân dân tệ bị mất giá. Từ năm 2008, Trung Quốc chủ ý không để cho đồng bản tệ bị mất giá và đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để giữ đồng Nhân dân tệ không mất giá. Chỉ cần Trung Quốc ngừng can thiệp thì đồng Nhân dân tệ sẽ tức khắc bị mất giá. Vì thế, hiện không phải Trung Quốc phá giá đồng tiền mà chỉ không tiếp tục giữ cho đồng bản tệ không bị mất giá.
Sự trùng hợp về thời điểm giúp cho biện pháp chính sách này của Trung Quốc có được tác động của một đối sách đắc dụng trong cuộc xung khắc thương mại với Mỹ. Nhưng có thể thấy rất rõ là Trung Quốc, ít nhất thì cũng ở vào thời điểm hiện tại, không chủ trương kích hoạt cuộc chiến tranh tiền tệ với Mỹ. Cả ở phía Mỹ cũng không thấy có chủ ý này khi biện pháp đối phó trước hết không phải là phá giá đồng USD mà là liệt Trung Quốc vào diện quốc gia thao túng tiền tệ. Ông Trump có thể sẵn sàng gây chiến tranh tiền tệ với Trung Quốc nhưng không có quyền buộc Fed phải chạy đua phá giá đồng tiền với Trung Quốc. Nó theo cách khác, không phải ông Trump mà Fed mới quyết định Mỹ có gây chiến và tham chiến về tiền tệ với Trung Quốc hay không.
Ngày 13/8 vừa qua, ông Trump bất ngờ quyết định lùi thời điểm bắt đầu áp thuế quan bảo hộ thương mại 10% đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho đến giữa tháng 12 tới. Qua đó có thể thấy là phía Mỹ sẽ không để xảy ra chiến tranh tiền tệ với Trung Quốc cho dù cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa hai bên sẽ còn dai dẳng nữa. Ngày nay, chiến tranh tiền tệ ít có khả năng xảy ra trên thế giới đơn giản vì cuộc chơi ấy chỉ đưa lại toàn kẻ thua chứ không để cho ai thắng và lợi chưa thấy đến thì đã thấm đủ cái hại.
Cho tới nay, chiến tranh tiền tệ đã từng xảy ra trên thế giới, đã từng nhiều lần ngấp nghé xảy ra và luôn ám ảnh như cơn ác mộng đối với kinh tế, thương mại và tiền tệ thế giới. Hệ luỵ và hậu quả của chiến tranh thương mại luôn vô cùng tai hại đối với cả thế giới. |