INF hết thời

Hệ luỵ của việc INF sụp đổ không thể lường hết được đối với an ninh chiến lược nói chung trên thế giới và quan hệ quốc tế.

 

Việc INF đã chính thức sụp đổ ngày 2/8 không những làm rạn vỡ cả quá trình và hệ thống cơ chế có được lâu nay về giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới, mà còn làm dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới và để ngỏ nhiều câu hỏi về những động cơ phía sau sự sụp đổ này.

INF - kết quả đàm phán nhiều năm trời giữa Mỹ và Liên Xô

Ngày 2/8 vừa qua, Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung, gọi tắt là INF, được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987 hết hiệu lực. Thật ra, văn kiện này được hai bên thoả thuận khi ký kết là để cho có hiệu lực vô hạn định, trừ khi một trong hai bên quyết định không còn tuân thủ nó nữa và 6 tháng sau đó sẽ hết hiệu lực. Ngày 1/2 năm nay, phía Mỹ đã tuyên cáo quyết định ấy và vì thế nó mới hết hiệu lực vào ngày 2/8 vừa qua. Nó được Mỹ và Liên Xô ký kết ngày 8/12/1987 nhân cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Liên Xô ở thủ đô Washington của nước Mỹ và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/1988.

Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ngày 8/12/1987 (ảnh: Reuters)Nội dung cốt lõi nhất của INF là huỷ bỏ tất cả tên lửa hạt nhân được phóng đi từ mặt đất, phân chia thành 2 diện là tên lửa hạt nhân tầm trung có tầm bắn từ 500 - 1.000km và từ 1.000 - 5.500km. Nó không bao hàm giải trừ vũ khí hạt nhân cho tên lửa với tầm bắn từ 150 - 500km và cũng không có chế tài những loại tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm, tàu chiến trên biển hay từ máy bay.

Có thể thấy INF là thoả thuận giữa Mỹ và Liên Xô chỉ cho một diện nhất định chứ không phải cho tất cả các loại vũ khí hạt nhân của hai bên. Dù vậy, INF vẫn được coi là bộ phận quan trọng và quyết định nhất của toàn bộ quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân nói chung giữa Mỹ và Liên Xô. Vào thời điểm ấy, trên thế giới không chỉ có Mỹ và Liên Xô có vũ khí hạt nhân nói chung và tên lửa hạt nhân tầm trung nói riêng. Nhưng vì khi đó là thời chiến tranh lạnh và xung đột Đông - Tây, hiển thị cụ thể ở cuộc đối đầu và đối địch ý thức hệ cũng như quân sự giữa Mỹ và Liên Xô nên giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga được coi trọng hàng đầu và chủ yếu.

INF là kết quả đàm phán kéo dài nhiều năm trời giữa Mỹ và Liên Xô. Trước đó có chuyện hai bên tăng cường triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu. Tên lửa hạt nhân tầm trung của Liên Xô phóng đi từ mặt đất trong thực chất không phải là mối đe doạ an ninh lớn và gây nguy hiểm nhiều trực tiếp cho Mỹ nhưng lại có thể như thế đối với các đồng minh quân sự của Mỹ trong NATO ở châu Âu. Mặt khác, tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ triển khai trên lãnh thổ các nước thành viên NATO ở châu Âu lại có thể đe doạ và gây nguy hiểm trực tiếp cho an ninh của Liên Xô.

Tai hại và hệ lụy

INF không chỉ xoá bỏ mối đe doạ an ninh lẫn nhau này cho cả hai bên mà đồng thời còn có tác dụng gây dựng và củng cố lòng tin lẫn nhau để có được những bước tiến xa hơn và thực chất hơn về giải trừ vũ khí hạt nhân nói chung, về cải thiện quan hệ của Mỹ và NATO với Liên Xô. Vì thế, việc INF không còn hiệu lực làm rạn vỡ cả quá trình và hệ thống cơ chế có được lâu nay về giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới, huỷ hoại những cản trở và kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới. Tác động của việc này rất tai hại và hệ luỵ của nó thật không thể lường hết được đối với an ninh chiến lược nói chung trên thế giới và quan hệ quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn lý do phía Nga vi phạm INF để biện minh cho quyết định phía Mỹ ngừng tuân thủ INF. Một khi phía Mỹ đơn phương chấm dứt hiệu lực của INF thì phía Nga không còn thấy sự cần thiết và có lý do để tiếp tục tuân thủ hiệp ước này nữa.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm (Ảnh: USNI News)Thật ra thì trước khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ, phía Mỹ đã có ý lật ngược dần những cam kết với Liên Xô về giải trừ vũ khí hạt nhân. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, vũ khí hạt nhân vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh và chính trị thế giới của cả Mỹ lẫn Nga, nhưng mục tiêu và tác động răn đe hạt nhân đối với nhau giảm đi rất nhiều và không còn đáng kể nhất như trước nữa. Mỹ chủ trương rút khỏi những cam kết lâu nay về giải trừ vũ khí hạt nhân để hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân hiện có, phát triển những thế hệ vũ khí hạt nhân mới và định hình cũng như theo đuổi chiến lược vũ khí hạt nhân hoàn toàn khác. INF dần hết thời vì thế.

Một lý do khác khiến INF bị Mỹ coi là lỗi thời là Mỹ nhòm ngó đến kho vũ khí hạt nhân của một số nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. INF chỉ ràng buộc Mỹ và Nga trong khi trên thế giới ngoài hai nước này ra còn có một số nước khác có vũ khí hạt nhân và có tên lửa hạt nhân tầm trung. Cho nên cách suy tính của Mỹ là chỉ khi huỷ bỏ INF thì Mỹ mới có được danh chính để phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới hay hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân hiện có hoặc nhằm tới thoả thuận nhiều bên mới về giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới với sự tham gia của tất cả các nước có vũ khí hạt nhân, đương nhiên trước hết là Trung Quốc, chứ không phải là thoả thuận mới về giải trừ vũ khí hạt nhân cho riêng Mỹ và Nga. Trong chừng mực ấy, việc Mỹ rút khỏi INF cũng còn là cú đòn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Cũng vì thế, không có gì là khó hiểu khi phản ứng của Trung Quốc là kêu gọi Mỹ và Nga tiếp tục duy trì hiệu lực của INF và kiên quyết khước từ tham gia vào thoả thuận mới về giải trừ vũ khí hạt nhân. Trung Quốc muốn tiếp tục đứng ngoài quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới và tiếp tục coi chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới là chuyện riêng thuần tuý giữa Mỹ và Nga, là chuyện của Mỹ và Nga.

INF hiện đã là quá khứ. Mỹ và Nga đều ngỏ ý sẵn sàng tiến hành đàm phán về thoả thuận mới thay thế INF. Nhưng Nga không kiên quyết đòi phải có sự tham gia của Trung Quốc như Mỹ bởi Nga có mối quan hệ với Trung Quốc khác biệt cơ bản về bản chất và mức độ so với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước mắt và cả về trung hạn nữa đều không thể có được sự khởi đầu cho quá trình đàm phán giữa Mỹ và Nga cũng như giữa các nước có vũ khí hạt nhân về thoả thuận giải trừ vũ khí hạt nhân mới. Chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới vì thế trở nên rất cần thiết và cấp thiết nhưng bế tắc ngay từ đầu.

Chạy đua vũ trang hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ có giữa Mỹ và Nga sẽ trở nên khó tránh khỏi trong thời gian tới. INF không động chạm đến kho vũ khí của các nước khác ngoài Mỹ và Nga có vũ khí hạt nhân nhưng vẫn có tác động tích cực tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Bây giờ nó hết hiệu lực và hiệp ước mới thay thế nó không biết có thể có được không và nếu có được thì bao giờ mới có. Vì thế trước mắt chạy đua vũ trang sẽ thắng thế và lấn át, tác động rất tiêu cực và hệ luỵ rất tai hại.

Việc INF không còn hiệu lực làm rạn vỡ cả quá trình và hệ thống cơ chế có được lâu nay về giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới, huỷ hoại những cản trở và kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới. Tác động của việc này rất tai hại và hệ luỵ của nó thật không thể lường hết được đối với an ninh chiến lược nói chung trên thế giới và quan hệ quốc tế.

Sa Thảo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận