Từ 'chàng hề' làng báo đến ông chủ Bojo cá tính của số 10 phố Downing

Lịch sử chính trường Anh có lẽ hiếm có nguyên thủ mà ngay từ trước khi bước vào trọng trách mới, đã có vô số những câu chuyện đồn thổi.

 

Lịch sử chính trường Anh có lẽ hiếm khi có những nguyên thủ mà ngay từ trước khi bước chân vào trọng trách mới, đã có vô số những câu chuyện đồn thổi như Bojo - cách gọi thân mật của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Chuyện thật có, thị phi có, chuyện hay có, chuyện dở cũng chẳng hiếm nhưng dù là hay dở, thật giả, thì tất cả cũng cho thấy phủ Thủ tướng Anh giờ đây đã có một ông chủ vô cùng cá tính.

Ký giả cứng đầu

Giới làm báo xứ sở sương mù những năm cuối 1990 có lẽ không xa lạ gì với cái tên Boris Johnson. Đơn giản bởi chàng ký giả của tờ Daily Telegraph khi đó là chủ nhân của khá nhiều scandal đình đám. Trước khi về Daily Telegraph và ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành văn học cổ điển, lịch sử và triết học tại Đại học Balliol, Đại học Oxford, năm 1988, chàng cử nhân Boris Johnson (tên đầy đủ là Alexander Boris de Pfeffel Johnson) về đầu quân cho tờ The Times of London. Thông minh, tham vọng và khá hoạt bát dù vậy cá tính khá khác biệt, bướng bỉnh, thậm chí khá kiêu ngạo của Bojo không nhận được cảm tình của tòa soạn. Mọi sự lên đến đỉnh điểm vào năm sau (năm 1989), ông bị quy vào tội “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” khi đưa sai trích dẫn trong một bài báo về khám phá khảo cổ cung điện của Vua Edward II và ngay sau đó bị BBT tờ The Times of London sa thải thẳng tay, kết thúc 1 năm tác nghiệp chóng vánh.

Ông Boris Johnson phát biểu tại London, Anh ngày 23/7, sau khi được bầu làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ (Ảnh: KT)Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may. Max Hastings - Tổng biên tập tờ Daily Telegraph, với mối quen biết và lại “ưng cái bụng” với kiểu “ta đây” kiêu kiêu nhưng thông minh, cá tính của Bojo nên bất chấp scandal, vẫn gật đầu đánh rụp nhận ngay Bojo về Tòa soạn, đảm nhiệm công việc phóng viên thường trú tại Brussels suốt từ năm 1989-1994. Sẽ không quá lời nếu nói với Bojo, Daily Telegraph thực sự là “mảnh đất lành”. Mới ở tuổi 25 nhưng Boris Johnson đã trở thành cái tên “phải lưu ý” đối với nhiều chính trị gia Anh và EU khi đọc những bài báo hấp dẫn nhưng cũng đầy tính phản biện, phê phán, đặc biệt “nóng” và “xốc óc” là những bài báo mang đậm tính mỉa mai, chê bai những quyết định của EU, mà theo cách gọi của nhiều độc giả, đồng nghiệp thời đó là “báo chí chống châu Âu”. Những cuộc đối chất của phóng viên thường trú Bojo tại Ủy ban châu Âu luôn khiến đồng nghiệp không thể rời mắt bởi tài đối đáp, hùng biện hơn người của Bojo.

Trước sự “bài châu Âu” gay gắt của Bojo, nhiều người lấy làm lạ bởi cha ông từng là công chức làm việc cho các cơ quan châu Âu và thậm chí từng là nghị sĩ châu Âu (1979 - 1984) . Những người biết ông trong giai đoạn ông làm đặc phái viên (1989 - 1994) đều chỉ nhớ ông là người giỏi tạo ra kiểu báo chí "Euromyths" mà giờ đây người ta quen gọi là "tin giả" về châu Âu. Trong mắt những độc giả, đồng nghiệp khâm phục Bojo thì đây rõ là một ký giả uyên thâm, sắc sảo, nhưng với những kẻ kỳ thị, Bojo đích thị là một kẻ "Euromyths", chuyên tạo ra những tin tức giả - fake news về châu Âu, không ngại sáng tác ra các câu chuyện để đạt mục đích tạo ra một hình ảnh EU quan liêu, chuyên đưa ra những quyết định ngu xuẩn.  Dù vậy, những ì xèo, kì thị ấy dường như chẳng “xi nhê” chút nào tới quan điểm của chàng phóng viên thường trú Bojo. Chuyện kể rằng, Tòa soạn có thể sẽ phải biên tập gần hết, thậm chí sửa lại hoàn toàn nhưng về phần mình, Bojo cương quyết không bao giờ thay đổi giọng điệu của mình trong những bài viết về EU.

Thành công của Bojo, dù tai tiếng xen lẫn nổi tiếng, đã là lý do khiến năm 1994, Boris Johnson được gọi về London và được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý Tổng biên tập tờ Telegraph, chủ trì mục chủ chốt bậc nhất của tờ báo: mục chính trị. Cũng trong khoảng thời gian này, Bojo tiếp tục vướng vào một scandal với người bạn Darius Guppy khi hai người cùng nhau lên kế hoạch đe dọa một đồng nghiệp. Nhưng thật kỳ lạ, bê bối là vậy nhưng không hề ảnh hưởng đến sự thăng tiến của Bojo. Năm 1999, Bojo được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí The Spectator sau một thời gian làm chủ mục cho tờ này. Trên cương vị TBT The Spectator, Bojo đã có một slogan nổi tiếng… “xốc óc” cho tờ báo: "Tờ Spectator không đầu hàng trước bất kỳ ai. The Spectator luôn đúng và không xin lỗi bất kỳ ai”.

Khi “lời tiên tri” ứng nghiệm

Cứng đầu, khăng khăng kiểu “phát ngôn” bất chấp đến mức bị vạ miệng, thậm chí từng bị những đồng nghiệp ác cảm xem là “gã hề trong làng báo Anh” nhưng thật kỳ lạ, Bojo lại liên tục thăng tiến không ngừng. Năm 1999, nước Anh đã không chỉ chứng kiến một Bojo nhà báo tiếng tăm mà còn là chứng kiến một chính trị gia Bojo đầy triển vọng. Năm 2001, Bojo được bầu làm ứng viên đảng Bảo thủ của thị trấn Henley-on-Thames. Tuy nhiên, năm 2004, ông bị lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard sa thải vì vướng phải bê bối nói dối. Năm 2005, khi David Cameron được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Bojo trở lại làm bộ trưởng giáo dục đại học. Năm 2008, Bojo rút khỏi Nghị viện và đánh bại Ken Livingstone của đảng Lao động để trở thành thị trưởng của thành phố London. Năm 2012, Bojo tái đắc cử vị trí Thị trưởng.

Sau khi Anh bỏ phiếu rời EU và Thủ tướng Cameron từ chức, ngài Bojo được dự đoán có khả năng cao trở thành Thủ tướng dù bản thân ông tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đua. Năm 2016, khi bà Theresa May trở thành Thủ tướng Anh, bà đã bổ nhiệm ông Boris làm Ngoại trưởng nước này. Tháng 7/2018, ông Boris từ chức Bộ trưởng Ngoại giao vì lập trường trái ngược với bà May về Brexit. Ngày 27/3/2019, bà May tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng nếu thoả thuận Brexit bà đàm phán với EU không được Nghị viện chấp thuận. Ngay sau tuyên bố này của bà May, dư luận đã xôn xao về việc ai sẽ là người thay thế bà và Boris Johnson là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Và ngày 23/7 vừa qua, đúng như dự đoán, chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 phố Downing không ai khác là Boris Johnson.

Kết quả này làm người ta nhớ lại câu chuyện xảy ra vào một ngày tháng 6 cách đây 21 năm, năm 1998, ở Cardiff.  Hôm đó là cuộc họp báo do Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair tổ chức. Ký giả 34 tuổi Bojo đặt câu hỏi nhưng lại phát biểu dài dòng không khác một chính khách đọc bài diễn văn. Thủ tướng Blair, khi đó đã thốt lên đầy vẻ mỉa mai: "Boris này, nói hay như thế thì có lẽ cậu nên làm thủ tướng mới phải!”.

Có lẽ chính ông Tony Blair cũng không ngờ lời nói của mình đã trở thành lời tiên tri ứng nghiệm đến thế. Ký giả Bojo dài dòng, cứng cổ năm nào đã trở thành ông chủ mới của ngôi nhà số 10 phố Downing.

Bojo cá tính hay “Donald Trump của nước Anh”

“Donald Trump của nước Anh” là biệt danh đầy tính châm chọc mà tờ The Guardian - tờ báo nhiều năm qua chưa lúc nào thôi chứng tỏ không ưa gì vẻ ngoài khác người cũng như cá tính độc tôn, bất chấp của Bojo dành cho tân Thủ tướng Anh. Với The Guardian, cái kiểu “ai cũng chỉ trích”, hay “vạ miệng”, công kích bất chấp nhắm vào những đối tượng cho là trái ngược quan điểm, kiểu vò tung mái tóc trước khi lên truyền hình, đội những chiếc mũ kiểu dáng quái lạ, sự tôn thờ chủ nghĩa dân túy… của vị Thủ tướng mới chẳng khác mấy với vị đồng cấp bên xứ cờ hoa.

Cũng như Donald Trump, trong suốt sự nghiệp của mình, Bojo từng không ít lần "vạ miệng". Năm 2006, ông phải xin lỗi Papua New Guinea sau khi viết trên tờ Daily Telegraph rằng: "10 năm qua, chúng tôi, các thành viên đảng Bảo thủ đã trở nên quen thuộc với những kẻ cực đoan ăn thịt người và giết người theo phong cách Papua New Guinea". Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, ông khiến chủ nhà Trung Quốc tức giận khi nói rằng môn bóng bàn không phải do người Trung Quốc sáng tạo ra mà thực tế được phát triển từ một trò chơi mang tên "whiff-whaff" của Anh.

Tuy nhiên, “nội bộ” cả hai vị nguyên thủ này đều “cả cười” trước biệt danh mà tờ The Guardian đặt ra. Chúc mừng người đồng cấp, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng viết trên trang cá nhân rằng "Ông ấy sẽ rất tuyệt!", và tuyên bố là một fan "bự" của Johnson. Còn về ông chủ mới của Phủ Thủ tướng Anh, “Donald Trump của nước Anh” chẳng là chuyện ông để tâm. Điều ông bận lòng nhất là việc nước Anh có hoàn thiện tiến trình Brexit đúng mốc hạn định (ngày 31/10/2019) “dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa” như ông đã tuyên bố hay không. Và nếu điều này không thành hiện thực thì không ai có thể đoán trước sinh mệnh chính trị của ông sẽ đi về đâu - một lo lắng hoàn toàn có cơ sở khi EU luôn tỏ thái độ cứng rắn rằng EU không có kế hoạch đàm phán lại thỏa thuận mà họ đã nhất trí với bà May năm 2018.

Ông Boris Johnson và bạn gái Carrie Symonds (Ảnh: Getty Images)

Ngoài sự nghiệp chính trị ồn ào, tân Thủ tướng Anh cũng có đời tư tốn giấy mực của báo giới không kém. Bojo kết hôn lần đầu năm 1987 với Allegra Mostyn-Owen, nhưng hai người ly dị năm 1993. Chỉ 12 ngày sau khi ly hôn, ông làm đám cưới với nữ luật sư Marina Wheeler và có với bà này 4 người con. Tin đồn Carrie Symonds, 31 tuổi, chuyên gia về Quan hệ Công chúng (PR) và Boris Johson bắt đầu hẹn hò xuất hiện từ năm ngoái, khi hai người bị bắt gặp đang ăn tối cùng nhau vào Lễ Tình nhân 14/2. Mới đây, vị tân thủ tướng đã gây ồn ào khi được cho là đưa Carrie Symonds chuyển tới số 10 phố Downing. Nếu đúng thì Boris Johnson và bạn gái Carrie Symonds trở thành cặp đầu tiên sống chung tại dinh thủ tướng mà chưa kết hôn.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận