50 năm con người đặt chân lên Mặt Trăng

Sự kiện con người đặt chân lên Mặt Trăng là dấu mốc quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian vũ trụ của loài người trên trái đất.

 

Năm 1969 những nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng. Đây là dấu mốc quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian vũ trụ của nhân loại.

Dấu mốc của loài người

Từ thời rất xa xưa đến nay, con người trên trái đất đã có ước vọng và khát vọng chinh phục không gian vũ trụ mà trước hết và cụ thể nhất là đặt chân lên Mặt Trăng.

Nhà văn Pháp Jules Gabriel Verne đã thể hiện cả khát vọng ấy lẫn niềm tin là con người thật sự có khả năng đặt chân lên Mặt Trăng trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Chuyến đi tới Mặt Trăng". Năm 1969, điều này đã trở thành sự thật khi những nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng.

Con người lần đầu đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969 (Ảnh: National Geographic)Ngày 21/7/1969, hơn 500 triệu người trên thế giới đã theo dõi trực tiếp qua truyền hình hai nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Amstrong và Buzz Aldrin cách nhau 20 phút đặt chân lên Mặt Trăng. Giây phút ấy, Neil Amstrong đã có câu nói rất nổi tiếng "Một bước đi nhỏ của con người nhưng bước nhảy vĩ đại của nhân loại". Sau đó, có thêm 10 nhà du hành vũ trụ nữa của Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng. Cho tới nay, chỉ có Mỹ đưa con người lên Mặt Trăng. Trước Mỹ, Liên Xô đã đưa tàu thám hiểm lên Mặt Trăng. Trung Quốc cũng đã thành công với việc hạ cánh tàu thám hiểm ở phía bên kia của Mặt Trăng. Mấy tuần nữa sẽ biết liệu Ấn Độ có thành công hay không với việc phóng tàu thám hiểm lên Mặt Trăng.

Sự kiện con người đặt chân lên Mặt Trăng là dấu mốc vàng son quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian vũ trụ của loài người trên trái đất. Nó diễn ra ở thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây nên thường được gắn liền với cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô.

Đầu tiên là vũ khí hạt nhân. Rồi đến "Sự kiện Sputnik" năm 1957 khi Liên Xô phóng lên quỹ đạo quanh trái đất vệ tinh đầu tiên. Con chó Laika đã bay cùng Sputnik 2 lên quỹ đạo xung quanh trái đất. Năm 1961, Juri Gagarin trở thành người đầu tiên bay lên không gian vũ trụ. Rồi Alan Shepard là người Mỹ đầu tiên bay lên đó.

Phi hành đoàn hạ cánh thành công lên Mặt Trăng: Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin. Armstrong và Aldrin là hai phi hành gia sau đó đặt chân lên Mặt Trăng. Collins ở lại modul bay trên quỹ đạo của Apollo 11 (Ảnh: NASA)Năm 1962, tổng thống Mỹ John F. Kennedy tuyên cáo chương trình nghiên cứu và chinh phục Mặt Trăng cho nước Mỹ với tên gọi là Apollo. Ông Kennedy tuyên bố cho tới cuối thập kỷ 60 sẽ đưa người Mỹ lên Mặt Trăng. Mỹ thua Liên Xô ở chương trình phóng vệ tinh và giờ muốn gỡ gạc bằng kết quả là đưa người Mỹ lên Mặt Trăng trước khi Liên Xô đưa được người của mình lên Mặt Trăng. Thành quả mà Mỹ đạt được với chương trình chinh phục Mặt Trăng vì thế gắn liền với tên tuổi của ông Kennedy.

Cũng trong năm 1962, Alexeij Leonow, người Nga, là người đầu tiên bước ra không gian vũ trụ. Năm 1966, Liên Xô phóng tàu Luna 9 lên Mặt Trăng. Năm 1968, tàu Apollo 8 của Mỹ bay quanh Mặt Trăng. Và năm 1969, Mỹ đưa được người lên Mặt Trăng.

Tự hào về trí tuệ của con người trên trái đất

Apollo 11 thực hiện sứ mệnh và sự kiện lịch sử này. Từ độ cao 110km so với bề mặt của Mặt Trăng, con tàu mẹ Apollo 11 đã thả bộ phận đổ bộ và bộ phận này đã hạ cánh xuống bề mặt đầy bụi dày của Mặt Trăng. Neil Amstrong xuống trước, rồi đến Buzz Aldrin. Những hình ảnh được truyền về trái đất và được chụp lại có thể làm con người trên trái đất thất vọng về điều kiện thù địch với cuộc sống trên Mặt Trăng, nhưng lại khiến nước Mỹ nói riêng và cả nhân loại tự hào bởi đưa lại niềm tin là trí tuệ lao động sáng tạo của con người trên trái đất có đủ khả năng giúp nhân loại vươn tới và chinh phục những hành tinh xa xôi và thế giới sâu thẳm trong không gian vũ trụ.

Hai nhà du hành vũ trụ Mỹ đã cắm quốc kỳ Mỹ trên đó, đã đi khảo sát và đã thu lượm hơn 21kg đất đá trên bề mặt của Mặt Trăng đưa về trái đất. Sau hơn 2 giờ, họ trở lại bộ phận đổ bộ, khởi động tên lửa đẩy và bay trở lại con tàu mẹ Apollo 11. Sau đấy, Mỹ còn thực hiện một vài lần đổ bộ nữa xuống Mặt Trăng và rồi chấm dứt chương trình này vào năm 1972. John F. Kennedy không được tận mắt chứng kiến thành quả của chương trình Apollo bởi bị ám sát năm 1963 ở Dallas.

Thế giới nửa thế kỷ sau sự kiện Apollo 11 đã khác biệt rất cơ bản trên mọi phương diện. Thay vì đối địch và cạnh tranh nhau sống mái, Mỹ và Nga đã từ lâu hợp tác với nhau cùng chinh phục vũ trụ và nhiều đối tác khác nữa cùng tham gia. Con người đã vươn ra xa hơn rất nhiều vào không gian vũ trụ bao la và kỳ bí. Những con tàu vũ trụ đã đưa cái nhìn của con người trên trái đất tới được bề mặt của nhiều hành tinh khác và tới tận ranh giới của dải Thiên Hà. Nhưng Mặt Trăng vẫn là hành tinh duy nhất cho tới nay được con người đặt chân đến.

Nửa thế kỷ sau sự kiện Apollo 11, chuyện ganh đua ai trước ai sau, ai thắng ai thua và ai thành công ai thất bại không còn có ý nghĩa gì nữa bởi giá trị lâu bền của nó là bằng chứng về khả năng chinh phục không gian vũ trụ của con người trên trái đất và về trí tuệ lao động sáng tạo của con người có thể biến rất nhiều điều tận cả hàng ngàn năm tưởng không thể trở thành có thể.

Mở ra những khát vọng chinh phục không gian vũ trụ sống động

Nhiều thập kỷ qua, Mặt Trăng vẫn ở rất gần con người trên trái đất nhưng gần như bị lãng quên. Mãi cho tới gần đây, sự quan tâm để ý đến Mặt Trăng mới lại được phục hồi. Trung Quốc và Ấn Độ cũng như một số quốc gia khác nữa như Nhật Bản hay Israel đang theo đuổi chương trình chinh phục không gian vũ trụ riêng, trong đó có Mặt Trăng. Khoa học, kỹ thuật và công nghệ cần thiết cho công cuộc này đã từ lâu không còn là riêng của Mỹ hay Nga. Chuyện chinh phục không gian vũ trụ không còn là việc chỉ có nhà nước mới có đủ khả năng làm mà tư nhân tham gia ngày càng nhiều. Bên cạnh mục đích chính trị, việc chinh phục không gian vũ trụ ngày nay còn mang cả tính quân sự, an ninh và thương mại. Mặt Trăng vì thế lại trở nên hấp dẫn và quyến rũ. Cuộc chinh phục Mặt Trăng nói riêng và không gian vũ trụ nói chung hiện trở thành lĩnh vực vừa có hợp tác lại vừa có ganh đua giành ưu thế, ảnh hưởng và sự công nhận.

Thế giới nửa thế kỷ sau sự kiện Apollo 11 đã khác biệt rất cơ bản trên mọi phương diện. Con người đã vươn ra xa hơn rất nhiều vào không gian vũ trụ bao la và kỳ bí. Nhưng Mặt Trăng vẫn là hành tinh duy nhất cho tới nay được con người đặt chân đến.

Khát vọng của con người trên trái đất chinh phục không gian vũ trụ hiện tại vẫn rất cháy bỏng và nhờ những thành tựu như Apollo 11 cách đây nửa thế kỷ vẫn luôn sống động. Câu hỏi lớn cho đến nay con người trên trái đất vẫn chưa có được câu trả lời xác thực và thuyết phục là trong không gian vũ trụ bao la ấy liệu ở đâu đó có thế giới cuộc sống như trái đất của chúng ta hay không. Con người chưa có được bằng chứng về sự sống ở đâu đó khác ngoài trái đất, nhưng điều ấy không có nghĩa là chỉ có trên trái đất mới có sự sống. Con người tin rằng trên Mặt Trăng không có sự sống nhưng có thể đưa sự sống lên Mặt Trăng hoặc sử dụng Mặt Trăng phục vụ cho cuộc sống của con người trên trái đất. Và đấy chắc là mục đích của thời kỳ và giai đoạn mới trong công cuộc chinh phục Mặt Trăng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận