Bởi với họ, GS không chỉ là nhân tài Toán học kiệt xuất mà còn là một nhân cách lớn, người truyền cảm hứng về tinh thần tự học thành công hiếm có, một cuộc đời hoạt động khoa học không ngưng nghỉ, người kẻ sĩ nặng lòng với sự nghiệp giáo dục nước nhà, trọn một đời chỉ nguyện “Xin được nói thẳng”, dù biết rõ rằng,“Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói ngay thẳng khó nghe).
1. GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, trong bài viết tưởng nhớ về con người mà ông cho rằng “là một trong số rất ít các nhà khoa học mà khi nhắc đến tên thì hầu hết mọi người Việt Nam đều biết”, có đoạn “email cuối cùng mà chúng tôi nhận được từ ông được viết lúc 21 giờ 47 ngày 15/2/2018, khi ông đã sang tuổi 91, thể hiện những trăn trở của mình đối với nền giáo dục nước nhà”.
Và trước đó, suốt 20 năm cuối cùng của cuộc đời, nghĩa là khi đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, cây đại thụ của nền toán học Việt Nam, người từng tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho tất cả các môn học của hệ giáo dục phổ thông 10 năm, người thầy của nhiều nhà khoa học tài năng, cán bộ khoa học đầu ngành, cán bộ lãnh đạo khoa học có uy tín… vẫn không ngừng trăn trở trước những tồn tại bức thiết, thậm chí nhức nhối, đau xót của nền giáo dục nước nhà. Những trăn trở ấy được vị kẻ sĩ đất Quảng Nam, hậu duệ của cụ Tổng đốc Hoàng Diệu bất khuất, kiên trinh năm nào, luôn “Xin được nói thẳng”, thẳng thắn, cương trực, chẳng né tránh, nề hà ngay trên mặt báo. Dù kẻ sĩ ấy biết, chẳng mấy ai muốn nghe lời “nghịch nhĩ”, nhưng ông vẫn kiên định với nghĩ suy ấy của mình, bởi từ lâu, ông tâm niệm “người trí thức không được sống hèn”.
Ông nói thẳng trước nhiều chuyện: thi cử, dạy thêm - học thêm, cải cách giáo dục, in mới sách giáo khoa… Năm 1999, trong bản kiến nghị “Mấy giải pháp cấp bách về giáo dục” gửi Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Bộ GD-ĐT, GS Hoàng Tụy thẳng thắn mà rằng chuyện thi cử giờ đã trở nên nặng nề quá mức cần thiết, gây nên áp lực tâm lý và vật chất không thể chấp nhận được cho xã hội và mọi gia đình. Dạy thêm, luyện thi tràn lan, ảnh hưởng tệ hại đến uy tín nghề giáo và chất lượng giáo dục. Chi phí cao so với hiệu quả sử dụng, mỗi năm đều in mới sách giáo khoa, rất tốn kém mà không có điều kiện cải tiến nội dung lẫn hình thức.
Năm 2004, nhân việc Chính phủ chuẩn bị báo cáo đặc biệt về giáo dục trước Quốc hội, GS Hoàng Tụy đã có bài viết nhìn lại toàn diện và sâu sắc những vấn đề lớn của ngành giáo dục, trong đó chẳng ngại ngần chỉ rõ: “Hiện nay, trong khi khắp nơi trên thế giới đang sôi sục phong trào chấn hưng giáo dục, nếu ta cứ để giáo dục lay lắt thế này mà không thấy sự tụt hậu của nó thì tương lai ảm đạm đang chờ chúng ta, thế hệ này sẽ mang tội lớn với con cháu”. Cũng với tâm thế chẳng ngại đụng chạm, năm 2005, ông đặt vấn đề: “Giáo dục là hàng hóa?”, cho rằng dù muốn hay không thì trên thực tế đã có thị trường giáo dục rồi, vì vậy, không nên né tránh việc xem giáo dục là hàng hóa, và rằng phải xem đó là thứ hàng hóa đặc biệt, chứ không thể là một hàng hóa như mọi loại hàng hóa khác. Nhà nước phải có trách nhiệm chính cung ứng cho dân thứ hàng hóa này và xã hội phải có cơ chế hữu hiệu kiểm soát chất lượng của nó”.
Trong bản kiến nghị năm 2009, GS Hoàng Tụy và một nhóm tri thức đã kiến nghị về cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục. Giai đoạn từ năm 2010-2010, theo dòng lịch sử giáo dục, GS Hoàng Tụy tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp về đổi mới thi cử và SGK. Với ông, một nền giáo dục tiên tiến hay lạc hậu thể hiện ngay qua SGK.
Với GS, nền giáo dục Việt Nam phải là nền giáo dục được “khai sáng”. Một nền giáo dục trong đó con người là trọng tâm, con người phải được đặt lên hàng đầu, con người là quyết định, con người của tự do sáng tạo, không có bất cứ “vòng kim cô” nào cả. “Trong cuộc chiến để dành chỗ xứng đáng với tầm vóc dân tộc, trong một thế giới nhiều biến động, chỉ có một chiến dịch khả dĩ thành công, đó là dựa vào trí tuệ và tài năng để khắc phục những yếu kém khác. Như vậy, lẽ sống còn của dân tộc kêu gọi ta hãy chăm lo đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nhân tài” - GS Hoàng Tụy không ít lần nhấn mạnh.
4 vấn đề ông từng kiến nghị trong cải cách giáo dục gồm: cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy; cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; thay đổi căn bản cung cách học và thi; chuyển giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong đời sống giáo dục.
Những trăn trở khôn nguôi, những lời “nghịch nhĩ” ấy đã được tập hợp trong cuốn sách “Xin được nói thẳng” ra mắt ngày 16/6 vừa qua, như một món quà ý nghĩa dành cho người kẻ sĩ một đời nặng tình với giáo dục, với giang sơn. “Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm nào đó của ông nhưng không ai không cảm động trước sự nhiệt tình của giáo sư bởi ông như đang giãi bày tâm sự sâu nặng của chính mình. Và dường như trong từng lời nói ấy có cả sự day dứt của một con người khi chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời mình” - GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, người từng có nhiều năm gắn bó với GS Hoàng Tụy bộc bạch trong ngày cuốn “Xin được nói thẳng” ra mắt.
2. Có lẽ cho tới nay, chưa mấy nhà toán học Việt Nam nào lại giành về cho mình nhiều phần thưởng, công trình toán học danh giá như ông. Là một trong 2 người tiên phong xây dựng ngành Toán học của Việt Nam, GS Hoàng Tụy còn là "cha đẻ" của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng. Năm 1964, GS Hoàng Tụy phát minh phương pháp lát cắt Tụy, được coi là mốc đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành Toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục. Hơn 100 công trình khoa học của ông được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực của toán học. Cuốn sách tối ưu toàn cục tiếp cận xác định mà ông viết chung với GS Reiner Horst được đánh giá là "kinh thánh" của chuyên ngành tối ưu toàn cục.
Là Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 1980-1990, GS Hoàng Tụy đã dẫn dắt Viện phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền Toán học Việt Nam và uy tín quốc tế. Năm 1994, Viện được Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba công nhận là trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển. Năm 2007, ông cùng các cộng sự thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện, chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội. Tháng 9/2011, ông là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng trong lĩnh vực này. Với nhiều thành tựu xuất sắc, GS Hoàng Tụy còn được trao các danh hiệu như tiến sĩ danh dự Trường ĐH Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011).
|
Với một người tri thức, nói như GS Nguyễn Xuân Xanh, “người đã sống với niềm đam mê Toán học, với triết lý nhẫn nhục chịu đựng của phương Đông, và với khí tiết của Hoàng Diệu trong tính cách” thì có lẽ sự trân trọng của xã hội, của đồng nghiệp, của học trò dành cho người trí thức xứ Quảng và trên hết niềm cảm hứng mà ông truyền tới cộng đồng mới là sự tưởng thưởng lớn nhất. Đó là tinh thần tự học, tự nghiên cứu; Là tâm thế nghèo khó, vất vả chẳng thể nào cản bước nghiệp học hành, miễn là bên trong mình có niềm say mê; Là tâm thế dù cả trong những ngày tháng gian nan nhất, khi cả nước phải ăn bo bo để sống, khi các nghiên cứu sinh thắp đèn dầu, vừa vỗ muỗi đen đét, vừa phe phẩy quạt nan để làm toán thì người trí thức, người làm khoa học vẫn không được phép sống lúi xùi, ẩu tả, đánh đổi cuộc sống vật chất tạm thời; Là tâm thế “đã là người trí thức, muốn đóng góp cho đất nước thì phải có tinh thần dấn thân, cống hiến tối đa”…
Niềm cảm hứng ấy, những triết lý giáo dục đầy tinh thần nhân văn và thời đại mà ông từng “Xin được nói thẳng” ấy… chính là những hạt mầm vô giá mà GS Hoàng Tụy đã để lại cho hậu thế, bên cạnh những công trình Toán học ông từng được tôn vinh.