Vị Tổng thống kỳ lạ và ý tưởng bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập

Ngày 4/7/2019 này là tròn 243 năm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ ra đời, chính thức công bố một quốc gia Hoa Kỳ độc lập.

 

Hơn hai thế kỷ đã trôi qua, nhưng “chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc” vẫn vẹn nguyên giá trị trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động ngày hôm nay.  

Chính khách trứ danh và kỳ lạ bậc nhất nước Mỹ  

Với hàng triệu triệu người dân Mỹ, Thomas Jefferson (1743-1826) luôn là vị Tổng thống ấn tượng nhất, trứ danh nhất. Theo cách hình dung của các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị, Thomas Jefferson thường được xếp thứ ba về sự tích cực và uy tín, sau vị Tổng thống đầu tiên George Washington (1789-1797) và Abraham Lincoln (1861-1865).

Ấn tượng ấy được tạo dựng không chỉ bởi vị Tổng thống thứ 3, ngoại trưởng đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ này là vị khai quốc công thần của nước Mỹ, một trong những người ủng hộ sớm nhất và nhiệt thành nhất cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của người Mỹ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ - Cộng hòa Hoa Kỳ, tác giả chính của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, chính thức thông báo cho toàn thế giới việc 13 thuộc địa thuộc lãnh thổ Bắc Mỹ này ly khai khỏi Anh Quốc, hình thành quốc gia độc lập.

Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson - người khởi thảo Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.        Ảnh: Hulton Archive/Getty ImagesVĩ thanh mà Thomas Jefferson để lại còn là ấn tượng về một chính khách thông tuệ bậc nhất. Theo nhiều tài liệu còn lưu giữ, ngay từ khi còn rất nhỏ, chàng trai Thomas Jefferson đã được cha - một người rất ham học hỏi, truyền lại cho niềm đam mê bất tận với tri thức, sách vở. Cũng chính từ niềm đam mê ấy, lại được cha sớm mời thầy dạy dỗ, kèm cặp (9 tuổi đã được học tiếng Latin và Hy Lạp, 14 tuổi đã được học về ngôn ngữ cổ điển, văn học, toán học), mà ngay khi còn là một cậu bé, Thomas Jefferson đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, đã có thể  “tập tọe” đọc các tác phẩm cổ điển nguyên bản, dần sau đó tiếp cận dần với tư tưởng triết học khá “hại não” của các nhà triết học cổ đại.

Năm 1760, ở tuổi 17, Thomas Jefferson đã vào học tại Đại học William and Mary - trường đại học lâu đời thứ 2 tại Mỹ chỉ sau Harvard, có trụ sở tại Williamsburg, thủ phủ bang Virginia và năm 1767, ở tuổi mới chỉ 24, chàng thanh niên Thomas Jefferson đã trở thành một trong những luật sư được đào tạo bài bản nhất và cũng nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc bấy giờ.

Những năm về sau này, trên nhiều trọng trách, từ thống đốc bang Virginia, công sứ Mỹ ở Pháp, Ngoại trưởng, Phó Tổng thống rồi Tổng thống… Thomas Jefferson càng có cơ hội chứng minh vốn học thức uyên thâm, sâu rộng của mình. Không chỉ là một luật sư, một chính trị gia cừ khôi, Thomas Jefferson còn là chuyên gia trong nhiều  ngành như nông nghiệp học, kiến trúc học, địa lý học, khí tượng học, từ nguyên học, khảo cổ học, toán học, mật mã học, trắc lượng học và cổ sinh vật học. Ông còn là “chuyên gia ngoại ngữ” khi ngoài tiếng Anh, ông còn tinh thông 5 thứ tiếng là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan, tiếng La tinh, và Hy Lạp cổ. Chưa hết, Thomas Jefferson còn là người đa tài khi có thể chơi violin rất điệu nghệ.

Tài năng hiếm có, vinh quang ít ai bì kịp nhưng Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ lại có một cuộc đời ngập trong nợ nần và đã phải sống trong nghèo đói đến tận những giây phút cuối cùng. Khoản nợ lớn từ bố vợ là nguồn cơn cho nỗi thống khổ của Thomas Jefferson. Thu nhập từ mọi nguồn chẳng thấm tháp là bao với món nợ ấy. Để trang trải Thomas Jefferson cứ phải “giật gấu vá vai” để rối tới cuối cuộc đời, ông nợ nhiều đến nỗi phải đệ đơn lên bang Virginia xin bán đấu giá đất tư, nhưng chính quyền tiểu bang từ chối.

Chuyện kể rằng trong cơn túng quẫn, Thomas Jefferson thậm chí đã đem bộ sách sưu tập trị giá 50.000USD của mình bán lại cho Thư viện Quốc hội với giá 23.500USD để lấy tiền trả nợ. Bệnh tật càng khiến gánh nợ của ông thêm nặng. Biết tin về thảm cảnh của Tổng thống, dân chúng khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức quyên góp nhưng vẫn không đủ để trả những khoản nợ và chi phí y tế cho ông. Danh  hiệu “tổng thống nghèo đói nhất lịch sử nước Mỹ” chính là điều kỳ lạ nhất về Thomas Jefferson.

Bản Tuyên ngôn đậm khát vọng tự do, dân chủ, bình đẳng

          Gần như cả cuộc đời phải sống trong bần hàn, túng quẫn nhưng điều huyền diệu là dường như không một lúc nào trong tâm hồn Thomas Jefferson không thôi hừng hực ngọn lửa khát vọng về tự do, dân chủ và bình đẳng. Thực tế trong những năm tháng đứng đầu đất nước của mình, mong muốn lớn nhất của Thomas Jefferson là điều hành đất nước không hoang phí, vừa đảm bảo trật tự vừa đảm bảo cho các công dân một nền tự do toàn phần để họ có thể làm mọi việc nâng cao đời sống của cá nhân mình.

Thomas Jefferson đối xử với các viên chức cao cấp và với các đại diện giới bình dân với sự tôn trọng như nhau. Những viên chức trong bộ máy của Tổng thống Jefferson được dạy cho quen với ý nghĩ rằng họ chỉ là công bộc của nhân dân. Một trong những khát khao riêng tư lớn nhất của Thomas Jefferson là trả lại tự do cho tất cả các nô lệ của mình (nhưng vì nợ nần cuối cùng ông chỉ giải phóng được 5 người nô lệ gần gụi nhất). Sâu thẳm trong vị nguyên thủ luôn là niềm “ham muốn nắm bắt một xã hội lý tưởng”, một “xã hội tự do, độc lập và bình đẳng”.

          Và tháng 6/1776, khi được Quốc hội Mỹ giao trọng trách là thành viên trong một ủy ban 5 người (gồm Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert Livingston) soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, niềm khát khao, nỗi mong muốn tột bậc nhưng sâu thẳm ấy đã có cơ hội được bộc lộ trọn vẹn.

Sự thông tuệ hiếm có, khả năng vận dụng ngôn ngữ điêu luyện ít ai bì kịp là lý do khiến Thomas Jefferson được tín nhiệm giao làm người đầu tiên khởi thảo dự thảo văn bản chính trị quan trọng này. Chỉ mất 17 ngày, Thomas Jefferson đã soạn ra một trong những bản tuyên bố đẹp đẽ nhất và mạnh mẽ nhất về quyền tự do và bình đẳng trong lịch sử thế giới.    

Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776. Ảnh: istockphoto

Nước Mỹ đến nay đã qua 243 mùa độc lập, hơn hai thế kỷ kể từ ngày Thomas Jefferson sống và viết Tuyên ngôn độc lập cho xứ sở cờ hoa, thế giới cũng đã qua bao cuộc biến thiên… nhưng điều mà Thomas Jefferson đã khẳng định trong văn kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên; rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng; rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm; trong đó có quyền sống; tự do và mưu cầu hạnh phúc; rằng để đảm bảo những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân” thì không một thế lực, luồng tư tưởng nào có thể phủ nhận.

          Bằng chứng là 13 năm sau, một lần nữa, tư tưởng ấy lại được lĩnh hội trọn vẹn trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng và quyền lợi. Sự khác biệt xã hội chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích chung” và “Mục đích của mọi tổ chức chính trị là việc bảo toàn các nguồn lợi thiên nhiên và bảo toàn các quyền con người không thể bị tước bỏ. Các quyền đó là tự do, tài sản, sự an toàn, và quyền được chống lại mọi sự áp bức”.

            Và 169 năm sau, tinh thần tự do, bình đẳng lại được Hồ Chí Minh - vĩ nhân thế giới - nhấn mạnh trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra câu ấy có ý nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

          Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Box:

Dù bản Tuyên ngôn độc lập được tuyên bố vào ngày 4/7/1776 đã trải qua nhiều lần sửa đổi so với bản khởi thảo đầu tiên, nhưng những từ ngữ bất hủ về tinh thần tự do, dân chủ, bình đẳng mà Thomas Jefferson đã viết vẫn được lưu lại trọn vẹn.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận