Chống ma túy: Cuộc chiến chưa hẹn ngày kết thúc!

Rất nhiều máu, nước mắt, mạng người đã, đang và sẽ còn đổ xuống trong cuộc chiến chống ma túy đầy gian nan này.

 

Chưa bao giờ ngừng khốc liệt, chưa hẹn ngày kết thúc, cuộc chiến của cả thế giới… đó là những cụm từ chung nhất đang được dùng để nói về cuộc chiến chống ma túy trên phạm vi toàn cầu. Rất nhiều máu, nước mắt, mạng người đã, đang và sẽ còn đổ xuống trong cuộc chiến gian nan này.

Những con số gây choáng váng

Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), trong phiên họp lần thứ 69 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), diễn ra từ ngày 23-28/5/2016 tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sỹ) đã đưa ra những con số khiến các đại biểu choáng váng: Trên toàn cầu, khoảng 27 triệu người bị rối loạn sử dụng ma túy. Khoảng 13% những người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV. Các chất hướng thần mới tiếp tục sinh sôi nảy nở với tốc độ chưa từng có với hơn 600 chất được báo cáo tại hơn 100 quốc gia, và đã dẫn đến việc tăng lạm dụng, nhập viện khẩn cấp và có những trường hợp tử vong.

Cuộc chiến chống ma túy toàn cầu sẽ còn rất gian nan (ảnh: KT)Bản phúc trình về ma túy thế giới năm 2018 do Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm công bố tháng 6/2018 cho biết: mức sản xuất ma túy trên thế giới đã tăng 65% lên đến 10.500 tấn từ năm 2016 đến 2017, và trong năm 2017, hơn 1.400 tấn cocaine được sản xuất trên thế giới, mức cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 450.000 người chết do sử dụng ma túy. Khoảng 275 triệu người từ 15 đến 64 tuổi sử dụng chất gây nghiện bất hợp pháp ít nhất một lần trong năm 2017 và gần 1,5 triệu người chết vì lạm dụng ma túy.

Những con số đáng quan ngại hơn đến từ báo cáo của UNODC: thị trường buôn bán và tình trạng lạm dụng ma túy kích thích dạng Amphetamine (ATS) - thứ tạo ra gánh nặng bệnh tật rất cao và chỉ đứng sau các ma túy thuộc nhóm chất dạng thuốc phiện - đang có xu hướng tăng mạnh trong các năm gần đây. ATS giờ đây là loại ma túy phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau cần sa với ước tính có khoảng 37 triệu người sử dụng ATS trên toàn cầu. Thị trường buôn bán ATS cũng gia tăng không ngừng trong các năm vừa qua. Năm 2015, toàn thế giới ghi nhận số lượng bắt giữ Amphetamine và Methamphetamine cao kỷ lục, đặc biệt là ở các khu vực như Đông Nam Á và Nam Á, biến các khu vực này trở thành điểm nóng nhất của thị trường buôn bán ATS.

Khi ma túy là con rắn bảy đầu

Điều đáng nói, những con số gây choáng váng ấy không ngừng gia tăng theo thời gian. Những trận chiến chống ma túy, chống tội phạm ma túy đã được tiến hành từ rất lâu, rất mạnh mẽ, quyết liệt, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều máu, mạng người đã đổ xuống trên trận chiến này, nhưng kết quả tích cực từ cuộc chiến này thì quá hạn chế. Cứ triệt phá đường dây, ổ nhóm ma túy này thì dường như càng có nhiều thêm những đường dây, ổ nhóm khác mọc lên, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn. Vấn nạn ma túy đã không những không bị ngăn chặn mà ngày càng vươn rộng chiếc vòi bạch tuộc, bành trướng mạnh mẽ trên khắp các quốc gia, châu lục. “Thủ phủ”, “thủ đô” của ma túy đã không chỉ dừng lại ở một số nước châu Mỹ La tinh như Columbia, Mexico mà đến nay đã lan rộng ra nhiều nước. Nhiều tờ báo đã ví von mafia ma túy sinh sôi giống như con rắn bảy đầu trong thần thoại Hy Lạp. Khi các cơ quan chống ma túy chặn bắt những tên buôn lậu, chúng lại tìm lối đi khác. Khi các cánh đồng trồng cây cocain hay cây anh túc bị phun thuốc trừ cỏ phá hủy, chúng lại chuyển sang trồng ở nơi mới.

Tại khu vực Đông Nam Á, UNODC cho biết Lào và Thái Lan là những tuyến đường buôn ma túy trọng điểm. Thành phẩm cuối cùng sẽ đi dọc theo các tuyến ven sông Mekong, từ đó phân phối khắp Đông Nam Á và Trung Quốc. UNODC cũng một lần nữa đánh giá Tam giác vàng tiếp tục “danh bất hư truyền” là đầu mối sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Nhưng thông tin mới nhất lại là việc hiện nay trong vùng Tam giác vàng, Myanmar được mệnh danh là "thủ phủ ma túy đá thế giới" và đầu não sản xuất ma túy đá của Myanmar chính là bang Shan.

Tại khu vực Nam Á, kể từ năm 2001, khi chế độ Taliban sụp đổ, khối lượng sản xuất ma túy ở đất nước này không những không giảm mà còn tăng gấp 45 lần. Ở Afghanistan hiện nay có tới 14% dân số tham gia vào việc buôn bán ma túy. Điều đáng nói là ở nước này, bất kỳ công dân nào cũng có thể tham gia kinh doanh ma túy mà không sợ bị trừng phạt.

Tại khu vực châu Phi, Mozambique từ lâu trở thành một địa điểm trung chuyển ma túy. Mozambique được coi là quốc gia xuất khẩu ma túy lớn hàng thứ 2 thế giới với 40 tấn heroine trung chuyển qua biên giới nước này mỗi năm. Heroine được coi là món hàng xuất khẩu siêu lợi nhuận của Mozambique, chỉ đứng sau nhôm và than.

Nhiều tờ báo đã ví von mafia ma túy sinh sôi giống như con rắn bảy đầu trong thần thoại Hy Lạp (ảnh: KT)Tại khu vực Trung Đông, Iran đang là một trong những quốc gia dần trở nên bế tắc trong cuộc chiến ma túy. Con số người nghiện tiếp tục gia tăng hàng năm, mặc dù Iran là một trong ít quốc gia thường xuyên áp dụng hình phạt tử hình đối với những kẻ buôn lậu ma túy. Hiện có hơn 2,2 triệu trên tổng số 80 triệu dân Iran nghiện ma túy. Với quốc gia láng giềng Iraq, vấn nạn ma túy cũng khủng khiếp không kém. Chính quyền nước này từ lâu đã xem việc chống ma túy nan giải không khác gì chống khủng bố. Tòa án Iraq xử lý khoảng 30 vụ liên quan đến ma túy mỗi ngày. Iraq đang trên bờ vực biến thành một trung tâm ma túy không chỉ ở Trung Đông mà trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, quốc gia vẫn được tiếng là cực rắn với ma túy, thực trạng cũng tồi tệ chẳng kém. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, nếu có khoảng 58.220 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam thì, theo số liệu năm 2017 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch, tổng số người tử vong vì ma túy tại nước Mỹ là 70.327. Tổng thống Mỹ D.Trump từng tuyên bố rằng biên giới Mỹ là con đường vận chuyển trái phép rất nhiều loại chất gây nghiện như ma túy đá, heroine, cocaine và fentanyl.

"Chỉ tính riêng con số tử vong vì heroin, mỗi tuần có đến 300 công dân Mỹ thiệt mạng, và 90% số heroine này được đưa vào qua đường biên giới phía Nam nước Mỹ. Trong năm nay (năm 2019), số người Mỹ tử vong vì ma túy sẽ còn nhiều hơn số binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam năm xưa", ông Trump bức xúc.

Chống ma túy: Cần một cách tiếp cận mới, một phương cách mới

Thực tế cuộc chiến chống ma túy gian nạn, tồi tệ và bế tắc đến mức năm 1998, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Đại hội đồng LHQ đã phải tổ chức kỳ họp đặc biệt về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS 1998). Tại kỳ họp này, Tuyên bố Chính trị cũng như nhiều biện pháp phòng, chống ma túy mạnh mẽ đã được đưa ra.

Tuy nhiên, những biện pháp được đưa ra tại UNGASS 1998 đã không giúp tạo nên những biến chuyển tích cực đáng kể nào. Thậm chí, ma túy vẫn trên đà diễn biến ngày càng phức tạp và ngày càng bộc lộ nhiều xu hướng mới nguy hiểm hơn.

18 năm sau, ngày 19/4/2016, Đại Hội đồng LHQ lần thứ hai trong lịch sử,  đã một lần nữa phải tiến hành Kỳ họp đặc biệt về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS 2016). Mục tiêu lớn nhất đặt ra cho Kỳ họp thứ 2 này là đánh giá sự tiến bộ cũng như thất bại, đồng thời tìm một giải pháp mới cho cuộc chiến với ma túy.

Cũng chính thời điểm năm 2016 này, Tổng thống khi đó của Columbia - nơi xuất khẩu cocaine lớn nhất thế giới - ông Juan Manuel Santos khi phát biểu trong buổi lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình tại Oslo (Na Uy) đã nhấn mạnh, Colombia là quốc gia có nhiều người bị thiệt mạng nhất vì cuộc chiến chống ma túy và nước này có quyền khẳng định sau nhiều thập kỷ, cả thế giới chưa đạt được bất cứ thành công nào trong cuộc chiến này. Ông Juan Manuel Santos kêu gọi cần phải cấp bách thay đổi chiến thuật trong cuộc chiến chống ma túy và rằng cuộc chiến chống ma túy đòi hỏi phải có một giải pháp toàn cầu.

Quan điểm của ông Juan Manuel Santos cũng chính là điểm nhìn nhận chung của nhiều ý kiến thảo luận tại UNGASS 2016. Đại hội đồng LHQ ngày 19/4/2016 đã cùng nhất trí cần phải giải quyết vấn đề ma túy trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên cách làm như thế nào lại là vấn đề thể hiện sự khác biệt trong quan điểm của 193 thành viên. Nhiều ý kiến cho rằng nếu coi cuộc chiến chống ma túy là một cuộc chiến của cả thế giới thì cần có phương pháp mới để chiến thắng ma túy bằng cách giảm hình sự hóa và đặt con người vào vị trí trung tâm trong các giải pháp. Việc trừng phạt, bắt giữ, bỏ tù sẽ chỉ làm nhà tù đầy chật thêm các nạn nhân trong khi điều này không thể khiến người nghiện từ bỏ ma túy.

Dù là chọn giải pháp nào, thì vấn đề của các quốc gia trên toàn cầu là phải chọn nhanh, chọn đúng, nếu không thắng nhanh trong cuộc chiến ma túy toàn cầu thì con rắn bảy đầu ma túy sẽ còn biến hóa và hoành hành dữ dội hơn nữa.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận