Đúng như tuyên bố từ tháng 12 năm ngoái, ngày 7/3 vừa qua, Chính phủ Albania đã chính thức quyết định “đóng cửa” nền tảng chia sẻ video TikTok trong 1 năm, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực và bắt nạt gia tăng trên nền tảng, đặc biệt là trong giới trẻ. Đây là động thái được đánh giá là hết sức quyết liệt của quốc gia châu Âu nhỏ bé này.
Từ hành động cấm cửa “côn đồ khu phố” TikTok của Albania
Là một trong những quốc gia có diện tích và lượng dân số thuộc hàng khiêm tốn nhất châu Âu, nhưng những năm gần đây, mảnh đất xinh đẹp này ngày càng khiến thế giới ngạc nhiên, không chỉ bởi duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực Trung và Đông Nam Âu mà còn bởi sự quyết liệt trong khá nhiều quyết sách xã hội. Trong đó, gần đây nhất, khiến thế giới chú ý là thái độ khá cứng rắn với nền tảng chia sẻ video nổi tiếng bậc nhất toàn cầu TikTok.
Cụ thể, ngày 7/3, Nội các Albania đã thông qua quyết định đóng cửa TikTok trong vòng một năm. Theo Bộ trưởng Giáo dục Ogerta Manastirliu, chính quyền Albania đang làm việc với TikTok để triển khai các biện pháp như: kiểm soát của phụ huynh, xác minh độ tuổi và thêm ngôn ngữ Albania vào ứng dụng. Theo Bộ trưởng Manastirliu, để đi tới quyết định này, chính quyền Albania đã tổ chức 1.300 cuộc họp với khoảng 65.000 phụ huynh, và phần lớn trong số họ ủng hộ việc đóng cửa hoặc hạn chế TikTok.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2024, sau sự việc một cậu học sinh Albania đã bị bạn đồng niên đâm chết sau khi hai cậu bé có tranh cãi qua lại trên mạng xã hội, Thủ tướng Albania Edi Rama đã tuyên bố chính phủ nước này sẽ đóng cửa ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trong 1 năm, với cáo buộc rằng nền tảng này kích động các hành vi bạo lực và bắt nạt, đặc biệt là trong giới trẻ. "Trong một năm, TikTok sẽ bị đóng cửa hoàn toàn đối với mọi người. Sẽ không có TikTok ở Albania", Thủ tướng Albania tuyên bố.
Lý giải về thái độ quyết liệt với nền tảng chia sẻ video này, người đứng đầu Chính phủ Albania cho biết TikTok chính là một dạng “côn đồ của khu phố" không hơn, rằng chính TikTok là thủ phạm hàng đầu trong việc kích động bạo lực trong giới trẻ trong và ngoài trường học. "Tại Trung Quốc, TikTok thúc đẩy việc học sinh tham gia các khóa học, bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ truyền thống. Nhưng ở TikTok bên ngoài Trung Quốc, chúng ta chỉ thấy những thứ bẩn thỉu nhơ nhớp", nhà lãnh đạo Albania bức xúc.
“Albania có thể là một quốc gia nhỏ bé để đòi hỏi TikTok phải bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi những hiểm họa mà thuật toán của nó gây ra. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng TikTok sẽ hành động vì lợi ích chung của nhân loại. Nếu TikTok không bảo vệ trẻ em Albania, thì Albania sẽ tự đứng lên bảo vệ con em mình khỏi TikTok", Thủ tướng Rama nhấn mạnh.
Tới sự cần thiết phải ngăn chặn kịp thời mối nguy hại
"Vấn đề hiện tại không nằm ở con em chúng ta, mà ở chính chúng ta, ở xã hội mà chúng ta đang xây dựng. Vấn đề nằm ở TikTok và những ứng dụng khác, những thứ đang biến con em chúng ta thành những con tin của thời đại số" - có lẽ rất nhiều bậc cha mẹ ở nhiều quốc gia có chung nỗi bức bối, trăn trở như Thủ tướng Albania Edi Rama.
Nhiều bậc cha mẹ người Mỹ chắc tới tận giờ này vẫn không khỏi rùng mình hãi hùng khi nhớ lại thảm kịch tại một ngôi trường tại Michigan cách đây 4 năm. Thời điểm đó, một vụ xả súng có chủ đích xảy ra tại trường trung học Oxford khiến bốn người chết và bảy người bị thương. Trong số học sinh bị bắt, một em mới 13 tuổi. Em này đã đăng một bài viết có tính chất đe dọa, yêu cầu bạn cùng lớp phải nghỉ học. Điều đáng nói là hành động này thực chất chỉ là “bắt trend” “đẹ doạ xả súng trường học” thời điểm ấy đang lan tràn trên TikTok. Trào lưu này sôi động đến mức lúc ấy cả phụ huynh, trường học và thậm chí cả cảnh sát cũng tin rằng "nguy cơ xả súng hoàn toàn có thể xảy ra theo cách tương tự". Đáng quan ngại hơn nữa là phần đa những thứ bạo lực, rác rưởi như thế trong môi trường học đường nước Mỹ đều bắt nguồn từ TikTok. Đơn cử như trào lưu "Devious licks" (Nhất quỷ nhì ma) - thách thức học sinh ăn cắp và phá hoại tài sản của trường; trào lưu “tát giáo viên” - “#slapateacher”, "giơ ngón tay thối", "hôn bạn gái ở trường", "chạm vào ngực ai đó”…
Mới đây nhất, ngày 6/2/2025, TikTok lại bị khởi kiện tại Mỹ khi liên quan đến vụ việc 4 thiếu niên Anh tử vong sau khi tham gia thực hiện cái gọi là "thử thách ngạt thở" (blackout) vốn lan truyền trên nền tảng chia sẻ video ngắn này từ năm 2022. Trong thử thách này, người tham gia sẽ sử dụng bất kỳ hình thức nào để gây… ngạt thở cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời. Những người tham gia sẽ quay video quá trình thực hiện thử thách rồi chia sẻ lên mạng xã hội TikTok.
Không chỉ tại Mỹ, tại nhiều quốc gia khác, TikTok cũng bị phản ứng dữ dội khi là nơi tung ra những trào lưu nguy hại khôn lường với giới trẻ. Đơn cử như Tòa án Tối cao Venezuela ngày 30/12/2024 đã tuyên phạt TikTok 10 triệu USD do liên quan các thử thách lan truyền dẫn đến cái chết của 3 thiếu niên và gây ngộ độc cho 200 em học sinh tại quốc gia này. Những thử thách này thường cổ vũ người dùng tham gia các hành động như uống hoặc tiếp xúc các chất hóa học độc hại, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. “TikTok đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết và phù hợp" để ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung khuyến khích tham gia các thử thách nguy hiểm này” - Thẩm phán Tòa án Tối cao Venezuela tuyên bố.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Bắc Macedonia, Serbia và Kosovo cũng đã thông báo những tác động tiêu cực của nền tảng mạng xã hội này thông qua các trend đầy phản cảm và nguy hiểm.
Về phần mình, TikTok cho biết nền tảng này "nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề" và cam kết hợp tác với cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trách nhiệm của TikTok đến đâu trong việc kiểm soát nội dung và bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng nguy hiểm cho đến nay vẫn là câu hỏi ngỏ. Trong khi đó, TikTok vẫn kiếm bộn tiền khi vẫn giữ vững vị thế là một trong những nền tảng thu hút nhất với hơn 1 tỷ người đăng ký sử dụng trên toàn thế giới, đặc biệt với hàng loạt video cực ngắn chứa nội dung giải trí phong phú, các thử thách khuyến khích người dùng tạo video được lan truyền mạnh mẽ. Vì thế đến thời điểm này, muốn nói tới nỗ lực ngăn chặn mối nguy hại từ TikTok đến giới trẻ có thành công hay không, thì sự quyết liệt của riêng một quốc gia nào cũng đều là không đủ./.
Chính phủ Albania vừa quyết định “đóng cửa” nền tảng chia sẻ video TikTok trong 1 năm, với lý do ứng dụng này bị lợi dụng để kích động bạo lực và tình trạng bắt nạt, đặc biệt là ở trẻ em. Chính quyền Albania đang tích cực làm việc với TikTok để triển khai các biện pháp như: kiểm soát của phụ huynh, xác minh độ tuổi và thêm ngôn ngữ Albania vào ứng dụng. |
Hà Anh