Theresa May và bi kịch Brexit

Những sai lầm tai hại đã làm cho bi hài kịch của nước Anh với tên gọi là Brexit trở thành bi hài kịch cá nhân của bà May.

 

Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh về việc đảo quốc này ra khỏi EU (Brexit) ngày 25/6/2016 đến nay, đất nước này trượt dài hết từ bi hài kịch này sang bi hài kịch khác.

Dùng dằng câu chuyện Brexit

Khởi đầu là sự từ chức của thủ tướng Anh David Cameron. Đỉnh điểm hiện tại là sự từ chức của người kế nhiệm ông Cameron là bà Theresa May. Bi hài kịch tiếp và kết cục cuối cùng của chuyện Brexit vẫn còn ở phía trước, bất định và bất ngờ.

Brexit vẫn dang dở như suốt trong 3 năm qua nhưng bà May đã từ chức, đúng hơn là buộc phải từ chức. Người dân Anh đã mất lòng tin vào giới chính trị và cá nhân bà May trong việc xử lý chuyện Brexit. Đảng Bảo thủ của bà May không còn hậu thuẫn bà May. Các đảng phái chính trị khác không muốn và không thể hợp tác được với bà May nữa để xử lý chuyện Brexit. Nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh, sau người được mệnh danh là Bà đầm thép Margaret Thatcher, giống người nữ thủ tướng thứ nhất ở cái kết cục quyền lực chẳng được tốt lành gì.

Với việc từ chức của bà May, chuyện Brexit mới chỉ kết thúc đối với bà May chứ vẫn còn dai dẳng và tiếp tục bất định đối với nước Anh (ảnh: KT)Trong khi đó, cả hai đều có sự khởi đầu đầy hứa hẹn, đều được coi là sự giải cứu cho Đảng Bảo thủ Anh và cho nước Anh. Bà May trở thành thủ tướng Anh ngày 13/7/2016 trong bối cảnh không có ai khác đủ dũng cảm và tự tin để đứng ra đảm trách sứ mệnh xử lý chuyện Brexit. Nước Anh đâu có thiếu kẻ muốn đứng đầu chính phủ, nhưng không ở vào thời điểm ấy và không phải để thực hiện Brexit.

Ngay đến chính ông Boris Johnson, người hiện được nhìn nhận là có nhiều khả năng nhất để kế nhiệm bà May, khi ấy cũng đã bỏ quyền chạy lấy mình. Bà May nhận trọng trách và sứ mệnh lịch sử này, trở thành thủ tướng Anh sau 6 năm là Bộ trưởng Nội vụ. Chưa có bộ trưởng nội vụ nào tại nhiệm lâu như bà May. Dân chúng ở Anh khen thưởng sự quả cảm và tinh thần trách nhiệm này của bà May bằng sự tín nhiệm và mến mộ ở mức độ chưa có thủ tướng Anh nào từng có được.

Cử tri Anh lựa chọn Brexit nhưng việc xử lý Brexit lại không đơn giản như thế trừ khi phía Anh lựa chọn Brexit mà không cần đến bất cứ thỏa thuận nào với EU về quan hệ giữa hai bên trong tương lai, còn được gọi là Brexit rắn. Theo quy định hiện hành của EU, một thành viên EU ra khỏi EU có thời gian 2 năm để xử lý chuyện đó, tính từ khi thành viên ấy chính thức đặt vấn đề với EU về ý định ra khỏi này. Thời hạn ấy có thể được gia hạn thêm nhưng phải với sự đồng ý của tất cả các thành viên còn lại của EU. Brexit mềm hàm ý Brexit với thoả thuận giữa phía Anh và EU về mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai mà trước hết là việc nước Anh có tham gia nữa hay không và nếu tham gia thì tham gia đến mức độ nào và thời hạn nào thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan của EU. EU sẽ đàm phán với Anh về thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại mới. Điều được EU đặc biệt quan tâm là giao thương ở biên giới giữa Ireland (là thành viên EU) và Bắc Ireland (do Anh quản lý). Sự thông thương thuận lợi giữa Ireland và Bắc Ireland là một trong những nội dung mấu chốt trong Hiệp định hoà bình cho Bắc Ireland. EU có nhu cầu thiết thực là giải quyết chuyện Brexit nhưng việc thực hiện hiệp định này không bị ảnh hưởng gì.

Bi hài kịch của bà May hay Brexit?

EU phải chuẩn bị sẵn sàng cho cả hai kịch bản Brexit. EU muốn có Brexit mềm nhưng cũng lại vẫn phải chấp nhận Brexit rắn nếu phía Anh lựa chọn thế. Ở Anh, tâm lý chung là thực hiện Brexit nhưng không phải Brexit rắn mà là Brexit mềm.

Bà May lên cầm quyền, cam kết thực hiện Brexit. Ngày 29/3/2017, bà May gửi thư cho Uỷ ban EU, chính thức đặt vấn đề nước Anh ra khỏi EU. Như thế có nghĩa là nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Bà May tự đặt ra chỉ giới đỏ về thời gian trong khi không chịu bất cứ áp lực gì phải vội vàng như vậy.

Ngay từ đầu, bà May đã chủ ý thực hiện Brexit theo cách tiếp cận nước Anh ở trên thế mạnh, có được thoả thuận với EU thì cũng tốt nhưng nếu không có được thì cũng không sao. Quan điểm này chi phối mọi hành động của bà May trong quá trình xử lý chuyện Brexit. Bà May hiểu đơn giản phán quyết của người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý là nước Anh ra khỏi EU, chỉ cần ra khỏi EU chứ còn ra khỏi EU như thế nào cũng được. Người phụ nữ này đã không lưu ý đến thực tế là chỉ có đa số rất mong manh cử tri Anh ủng hộ Brexit chứ còn cũng gần một nửa dân Anh không muốn Brexit. Chiến lược của bà May là dùng kịch bản Brexit rắn để ép cả EU lẫn các phe cánh chính trị khác ở Anh để buộc tất cả chấp nhận Brexit như bà May chủ định.

Sai lầm tiếp theo của bà May là đã không chiến đấu đến cùng để ngăn cản toà án tối cao Anh phán quyết dành cho quốc hội Anh có tiếng nói quyết định cuối cùng về Brexit. Chính phủ tiến hành đàm phán với EU về Brexit nhưng quốc hội lại quyết định cuối cùng về Brexit. Thực tế này khiến EU bối rối và rất khó xử trong khi bà May lệ thuộc vào quốc hội ở công đoạn cuối cùng của quá trình xử lý chuyện Brexit. Muốn được quốc hội thông qua kết quả đàm phán với EU về Brexit, bà May cần đa số ủng hộ trong quốc hội.

Những sai lầm tai hại đã làm cho bi hài kịch của nước Anh với tên gọi là Brexit trở thành bi hài kịch cá nhân của bà May. Với việc từ chức của bà May, chuyện Brexit mới chỉ kết thúc đối với bà May chứ vẫn còn dai dẳng và tiếp tục bất định đối với nước Anh.

Biết như thế nhưng bà May vẫn quyết định cho tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, khi Đảng Bảo thủ có đa số trong quốc hội. Bà May mưu tính giành về kết quả bầu cử tốt hơn thế nhưng thực tế lại trái ngược. Đảng Bảo thủ của bà May bị mất đa số trong quốc hội. Lẽ ra từ lúc này, trong bối cảnh tình hình như thế, bà May phải sẵn sàng thoả hiệp hơn trong Đảng Bảo thủ và với các đảng phái chính trị khác ở Anh bởi chỉ như thế thì bà May mới có thể tìm kiếm được sự đồng thuận cần thiết trong quốc hội cho phê chuẩn kết quả đàm phán với EU về Brexit. Nhưng người phụ nữ này vẫn kiên quyết dùng kịch bản Brexit rắn làm con ngáo ộp để ép các vị dân biểu chấp nhận kết quả đàm phán của bà May với EU về Brexit, không thoả hiệp, không nhượng bộ.

Bà May đã bị quốc hội ba lần bác bỏ, thoát được hai lần bỏ phiếu bất tín nhiệm. Quốc hội Anh không đạt được sự đồng thuận quan điểm về bất cứ kịch bản Brexit nào được bà May đưa ra. Các vị dân biểu ở Anh phủ quyết mọi kịch bản về Brexit trong khi bản thân cũng không biết được muốn có Brexit kiểu gì. Nhưng cả điều ấy giờ đâu còn được họ quan tâm đến bằng chuyện bà May phải ra đi. Không có thủ tướng Anh nào khác đã bị phía quốc hội đối xử tệ bạc đến mức như bà May.

Bà May tự đẩy mình vào thảm trạng quyền lực hiện tại. Những sai lầm tai hại đã làm cho bi hài kịch của nước Anh với tên gọi là Brexit trở thành bi hài kịch cá nhân của bà May. Với việc từ chức của bà May, chuyện Brexit mới chỉ kết thúc đối với bà May chứ vẫn còn dai dẳng và tiếp tục bất định đối với nước Anh. Brexit vẫn là bài toán khó mà nước Anh chưa tìm ra được lời giải. Trong số tất cả những ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm bà May hiện chưa thấy có ai có triển vọng xử lý chuyện Brexit khả dĩ hơn bà May.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận