Không phải vô cớ khi suốt 72 năm qua, sự kiện điện ảnh được tổ chức thường niên ở thành phố biển xinh đẹp miền Nam nước Pháp là LHP thu hút được sự quan tâm nhất. Bởi Cannes sở hữu những điều rất đặc biệt, thậm chí khác người.
Ai đến Cannes cũng được? - Chuyện vậy mà không phải vậy
Ai được quyền đến Cannes? Câu hỏi ấy đã được đặt ra nhiều lần, từng khiến nhiều người băn khoăn từ nhiều năm qua, chứ chẳng phải đến tận bây giờ khi xuất hiện những ồn ào.
Với những ai am hiểu về lịch sử của Cannes, thấu hiểu những nội tình, những hỉ nộ ái ố của LHP này suốt hơn 7 thập kỷ qua, thì đáp án cho câu hỏi ấy sẽ là sự đa tầng trong ngữ nghĩa. Là việc: Ai cũng có thể đến Cannes. Bởi nói “đến Cannes” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc “đến LHP Cannes” và việc được “dạo bước trên thảm đỏ của Cannes” cũng đôi khi không phải là việc bạn được xem như một thành viên chính thức của sự kiện điện ảnh này, mà đơn giản họ xem bạn chỉ là “guest” - khách mời và đôi khi chỉ được lướt qua - trong khoảng thời gian tính phút, thậm chí bằng giây trên thảm đỏ.
Tất cả dù bạn là A, là B, hay là C nhưng tên tuổi của bạn không đủ nổi danh để BTC LHP biết bạn thì tất cả cũng đều chỉ nằm chung một danh từ riêng “guest” ấy thôi. Và khi rất nhiều scandal về cái gọi là “khách mời” của Cannes liên tiếp bùng nổ những năm gần đây thì công chúng còn nhận ra rằng đôi khi để được là “guest” của Cannes cũng chẳng quá khó, nếu bạn chịu bỏ ra số tiền không nhỏ. Theo “đơn giá” mới nhất được hé lộ bởi tờ Sina của Trung Quốc - quốc gia được xem là giữ kỷ lục về lượng các “ngôi sao vô danh” bỏ tiền đến LHP Cannes - vé đến LHP được rao bán trên một trang thương mại điện tử với yêu cầu đặt cọc ban đầu là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đồng) và giá cho từng vị trí xuất hiện trên thảm đỏ của LHP là hoàn toàn khác nhau, dao động từ khoảng 235 triệu đồng đến khoảng 340 triệu đồng cho vị trí VIP, thậm chí có thể lên đến hơn 400 triệu đồng. Còn nếu các “Guest” muốn có vị trí ghế ngồi hay tham dự các sự kiện khác của Cannes như các bữa tiệc bên lề thì họ lại phải tiếp tục móc hầu bao ra chi trả.
Những số tiền không hề nhỏ cho quãng thời gian ít ỏi lướt qua thảm đỏ nhưng ngày càng có nhiều người có tiền và ham mê phù hoa, danh tiếng hay các doanh nghiệp cần quảng bá thương hiệu, sẵn sàng móc hầu bao để chi trả, bằng chứng là nếu không nhanh chân “đặt ví giữ chỗ” ngay từ khi mùa LHP Cannes mới rậm rịch thì đừng mơ có tấm vé đến đây.
Nhưng cũng lại một tầng ý nghĩa khác, “Ai cũng có thể đến Cannes” không hề đồng nghĩa với việc “Ai thực sự được tham dự LHP Cannes”. Trong lịch sử 72 năm qua của LHP Cannes, đối tượng được BTC LHP gửi giấy mời luôn được quy định rõ ràng và chi tiết. Đầu tiên, khách mời là những người nằm trong hội đồng ban giám khảo và những nhà làm phim, diễn viên có phim tham gia tranh cử. Tiếp theo là những nhà tài trợ cho LHP Cannes hoặc những khách mời danh dự thường xuyên xuất hiện tại LHP - đó thường là những nhân vật đình đám, những ngôi sao điện ảnh, nhà phê bình phim hay các đạo diễn. Tất cả họ sẽ được tham gia vào các sự kiện chính của LHP. Họ cũng sẽ là những “mục tiêu” chính của ống kính truyền thông cũng như những nhân vật có quyền được lưu lại trên thảm đỏ trong khoảng thời gian nhất định, sau đó phải bước đi để nhường chỗ cho người tiếp theo. Cụ thể, khoảng thời gian đầu tiên của thảm đỏ Cannes sẽ dành cho các khách mời quan trọng nhất: các vị giám khảo, các đoàn làm phim và diễn viên của phim dự giải trong liên hoan, các đại diện được ưu ái nhất của các nhà tài trợ chính... Những nhân vật này lần lượt tiến vào thảm đỏ theo cá nhân hoặc theo đoàn dưới sự sắp xếp của các điều phối viên. Thảm đỏ lúc này trống hoàn toàn, khách mời sẽ có thời gian khoảng 2 phút (một số nhân vật đặc biệt sẽ được ưu ái lâu hơn như ngôi sao Trung Quốc Củng Lợi nhưng chính ngôi sao nữ này lại là người thường di chuyển rất nhanh) hoàn toàn “tự do” để đi từ đầu đến cuối thảm đỏ. Nhờ đó khi vào khuôn hình của ống kính phóng viên, khách mời đó sẽ không hề bị chen vào bởi bóng dáng của các khách mời khác.
Tuy nhiên, chính những vị khách mời vô danh đến Cannes “bằng cửa sau” mới chính là những người cố tình phớt lờ “quy định bất thành văn” này. Thế nên mới có chuyện rất nhiều người trong số họ, như mới đây nhất tại LHP Cannes lần thứ 72 là việc Lưu Dư Phi - diễn viên trong vai hầu gái của Cao Quý Phi ở Diên Hi Công Lược - bị BTC “đuổi khéo” khỏi thảm đỏ vì tạo dáng quá lâu. Bê bối đến mức ngay khi bị nhắc nhở, đuổi khéo thì Lưu Dư Phi vẫn coi như không hiểu gì, tiếp tục “bám trụ thảm đỏ” mải mê tạo dáng.
Giải thưởng là để tranh cãi
“Không tranh cãi, không phải Cannes”, “giải thưởng là để tranh cãi”… không nghi ngờ gì nữa, đó là “quan điểm, chủ trương” nhất quán được duy trì một cách bền bỉ đến ngang ngạnh, đến mức cố chấp của BTC LHP Cannes suốt 72 năm qua. Dường như không mùa trao giải nào của Cannes lại không có những tranh cãi. Ban giám khảo của Cannes đã quá quen với những tiếng la ó, phẫn nộ, những sự chỉ trích… mỗi khi giải thưởng được công bố. Đơn cử như tại LHP Cannes năm 1960, bộ phim La Dolce Vita khi được giải thưởng cao quý nhất - giải Cành cọ vàng đã khiến rất nhiều khán giả, đặc biệt là những người theo Công giáo giận dữ vì sự phóng khoáng tình dục mà bộ phim đề cập đến. Một bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng gây tranh cãi dữ dội nữa trong lịch sử Cannes có tên gọi “4 Months, 3 Weeks and 2 Days” của đạo diễn Cristina Mungiu. Bộ phim nói về nạn phá thai lậu đang hoành hành tại Rumani - một bức tranh xã hội, làn sóng ngầm trong giới trẻ Đông Âu. Sau khi đoạt giải, nhiều tranh cãi đã nổ ra cho việc có nên phổ biến bộ phim này, nhất là đối với trẻ vị thành niên và học sinh trung học hay không, vì nó đề cập khá nhiều về cách phá thai. Hay bộ phim “The Tin Drum” đoạt giải Cành cọ vàng vào năm 1979. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Gunter Grass, kể về một cậu bé lùn dị dạng Oskar Matzerath giữ nguyên chiều cao 94cm của tuổi lên 3 cùng những cuộc phiêu lưu ở “thế giới người lớn” giữa bối cảnh một nước Đức thời kỳ hậu Thế chiến thứ Hai đầy đen tối. Bộ phim đã tạo nên một làn sóng phản đối gay gắt khi ra mắt vì trong phim có những cảnh mô tả hành vi tình dục một cách trần trụi, đặc biệt lại do một diễn viên nhí thể hiện. Hay mới đây nhất, kỳ LHP Cannes lần thứ 72 này, ngay vừa khai cuộc đã tạo ra những tranh cãi gay gắt khi tuyên bố trao Cành Cọ Vàng danh dự cho Alain Delon - tài tử gạo cội nước Pháp. Một số nhà vận động phản đối giải này do Delon từng có những phát ngôn phân biệt giới tính và có hành vi bạo lực với phụ nữ.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao giải thưởng năm nào cũng gây tranh cãi nhưng BGK LHP vẫn phớt lờ đến cố chấp? Câu trả lời rất đơn giản: bởi với họ “không tranh cãi không là Cannes”, tranh cãi phải trở thành “đặc sản” tạo nên thương hiệu, sức hút riêng biệt cho Cannes. Cũng bởi để “tạo nguồn” nuôi dưỡng cho những tranh cãi này nên LHP Cannes từ lâu đã mở rộng cửa, nguyện làm sân chơi của những nhà làm phim độc lập, là điểm đến của rất nhiều bộ phim gây sốc kiểu như đề tài tình dục, bạo lực, tôn giáo... Cũng chính bởi quan điểm này nên khác với giải thưởng Oscar chỉ vinh danh những bộ phim đã công chiếu, ít nhiều có doanh thu và thường chỉ lựa chọn phim Mỹ, trừ hạng mục phim nước ngoài thì mỗi quốc gia được chọn 1 phim để tham dự, LHP Cannes sẵn sàng giới thiệu những bộ phim sắp được công chiếu, thậm chí hầu hết là những phim chưa ai biết đến và bất kỳ nhà làm phim ở quốc gia nào cũng có thể gửi phim tham dự Cannes, miễn là tuân theo điều lệ LHP. Và cũng chính bởi sự cởi mở của LHP này đã khiến các nhà làm phim thoải mái chọn Cannes làm nơi trình làng những tác phẩm mang tính sáng tạo đến mức dị biệt, phá cách đến mức gây sốc của mình. Tạo nên một “Cành cọ vàng” với những tranh cãi ác liệt càng là thành công không giấu giếm của LHP Cannes.
Tại LHP Cannes, việc lựa chọn ra bộ phim hay nhất đạt giải Cành cọ vàng là
một quy trình rất phức tạp. Hội đồng ban giám khảo chấm giải gồm 9 thành viên.
Họ phải tuyên thệ không được tiết lộ bất cứ thông tin nào về quá trình đánh giá các
tác phẩm điện ảnh để tránh sự soi xét của phía truyền thông. Các thành viên trong
BGK sẽ dành ra 4 - 5 tiếng/ngày để tập trung xem phim và hoàn toàn không được
tiếp xúc với những bài phê bình, đánh giá, dự đoán liên quan đến kết quả của giải
thưởng này. Họ sẽ liên tục phải tham gia cuộc họp bí mật và tranh luận về bộ phim
để từ đó chọn ra ứng cử viên sáng giá nhất cho giải thưởng uy tín bậc nhất nền điện
ảnh. Chủ tịch BGK sẽ có trách nhiệm điều phối các hoạt động chung cho cả hội
đồng, bao gồm sắp xếp các cuộc họp và đảm bảo các hoạt động diễn ra thật sự hiệu
quả. |