Cô đơn: 'Đại dịch' chưa có lối ra của toàn cầu

Đến nay, hơn một năm trôi qua, mối đe dọa về tình trạng cô đơn không những không vơi bớt mà đang ngày càng diễn tiến theo chiều hướng đáng quan ngại hơn.

 

Tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa "tình trạng cô đơn" vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, hơn một năm trôi qua, mối đe dọa này không những không vơi bớt mà đang ngày càng diễn tiến theo chiều hướng đáng quan ngại hơn.

2.761 cuộc gọi khẩn cấp hay chuyện về nỗi khốn cùng của những người mắc chứng cô đơn

Tháng 7/2023, dòng tin trên tờ Mainichi của Nhật Bản đã khiến nhiều người sửng sốt, rồi chạnh lòng xót xa. Chuyện là bà Hiroko Hatagimi (51 tuổi) tại thành phố Matsudo (Chiba, Nhật Bản) bị bắt vào ngày 13/7 với tội danh cản trở hoạt động của sở cứu hỏa địa phương. Cụ thể, trong khoảng thời gian dài, từ tháng 8/2020 - 5/2023, bà Hatagami đã liên tục gọi điện vào số tổng đài khẩn cấp, với con số khổng lồ 2.761 cuộc gọi để yêu cầu Sở Cứu hỏa Matsudo điều xe cứu thương đến hỗ trợ mình. Nhưng khi xe cứu thương đến nơi, bà lại từ chối kiểm tra sức khỏe hoặc khẳng định bản thân không thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp trước đó. Bị yêu cầu ngừng các cuộc gọi lại nhưng bà vẫn tiếp tục. Tại cơ quan điều tra, Hatagami thừa nhận các cáo buộc, nói với các nhà điều tra rằng bà làm như vậy vì muốn có ai đó lắng nghe và quan tâm mình.

68.000 người Nhật có thể chết trong cô độc mỗi năm. (Ảnh: AFP)Trên thế giới hiện nay, những trường hợp khốn khổ vì chứng cô đơn hành hạ như bà Hiroko Hatagimi đã không còn là sự hiếm. Điều đáng quan ngại hơn nữa là cô đơn hiện không chỉ phổ biến trong đối tượng người già như chúng ta bấy lâu vẫn lầm tưởng mà thực tế đang thống trị trên đối tượng người trẻ - đối tượng những tưởng cuộc sống chỉ mới hiện diện những nụ cười hồn nhiên. Một cuộc khảo sát toàn cầu do Meta-Gallup thực hiện trên 142 quốc gia năm 2013 cho thấy có tới 24% người từ 15 tuổi trở lên cho biết họ cảm thấy “rất cô đơn” hoặc “khá cô đơn?”; tương đương tỷ lệ cứ 4 người trưởng thành thì có gần 1 người cảm thấy cô đơn. Đáng báo động hơn nữa là số lượng “cái chết cô đơn” ngày càng gia tăng.

Theo số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số người chết đơn độc cũng ngày càng tăng - với 3.661 người vào năm 2023 tăng từ 3.559 ca vào năm 2022 và 3.378 ca vào năm 2021. Tại Nhật Bản, tình trạng cũng đáng báo động không kém. Từ năm 2020, tờ Mainichi Shimbun đã đưa tin cho biết tại Tokyo và Osaka trong giai đoạn từ 2017 - 2019 có 538 người đã “chết cô đơn” trong khi sống với người thân. Mới đây nhất, hồi đầu năm 2024, cảnh sát Nhật Bản cho rằng nước này có thể ghi nhận tới 68.000 người cao tuổi qua đời một mình tại nhà mỗi năm. Số người chết một mình do tự cô lập, bỏ bê bản thân cũng dự kiến tăng cao.

Một nghiên cứu từ năm 2018 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy những người trẻ từ 16-24 tuổi là đối tượng thường xuyên cảm thấy cô đơn hơn bất kỳ nhóm tuổi trưởng thành nào.

Tình trạng đáng quan ngại tại Nhật Bản đến mức, nội các Nhật Bản hồi năm 2021 đã phải bổ nhiệm một vị Bộ trưởng giữ trọng trách giải quyết tình trạng cô đơn tại nước này. Trước đó, những quốc gia khác, như Anh, cũng đã bổ nhiệm chức danh tương tự với quan chức phụ trách việc đưa những cá nhân tách biệt quay trở lại với xã hội. Chưa hết, theo các báo cáo The Guardian thu được, ở châu Phi, 12,7% thanh thiếu niên cảm thấy cô đơn, cao gấp đôi so với 5,3% ở châu Âu .

Nan giải cuộc chiến đối phó

Không ngoa để nói rằng cô đơn giờ đây với nhiều nước thực sự đã là “vấn nạn quốc gia”, là cuộc chiến vô cùng nan giải nhưng không thể không tìm cách ứng phó. Bởi như khẳng định từ WHO, sự cô đơn là một trong những mối lo ngại lớn nhất về sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe, phúc lợi và sự phát triển. Theo Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, tác động gây tử vong của sự cô đơn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên từng trải qua tình trạng cô đơn kinh niên có nguy cơ đột quỵ cao hơn 56%, so với những người luôn nói rằng họ không cô đơn. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết: “Những người không có đủ mối quan hệ xã hội chặt chẽ sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ, lo âu, mất trí nhớ, trầm cảm, tự tử và hơn thế nữa”.

Ảnh minh họa: KTNhưng ứng phó như thế nào cho hiệu quả lại là câu hỏi không dễ có câu trả lời thuyết phục. Nhấn mạnh “cô đơn và cô lập không chỉ là vấn đề cá nhân mà là nhiệm vụ mà xã hội phải cùng nhau giải quyết”, chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ chi hơn 451 tỷ won (tương đương hơn 320 triệu USD) từ ngân sách trong 5 năm tới để giúp đỡ những người cô đơn chữa lành và tái hòa nhập hoàn toàn với cộng đồng, qua đó tạo nên một “thành phố không có ai cô đơn”. Trong đó, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, bao gồm tổng đài tư vấn liên quan đến sự cô đơn theo đường dây nóng 24/7, triển khai các chuyên gia tới thăm khám và tư vấn trực tiếp, mở rộng các dịch vụ tư vấn tâm lý và không gian xanh, xây dựng “hệ thống tìm kiếm” để xác định những cư dân nào đang sống cô lập cần được giúp đỡ, tổ chức các hoạt động khuyến khích mọi người ra ngoài và kết nối với người khác...

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, đơn cử như thông qua Đạo luật phòng ngừa và quản lý cái chết cô đơn cũng như sửa đổi luật nhằm hỗ trợ tài chính cho thanh, thiếu niên sống ẩn dật lên tới 650.000 won mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt, khôi phục lại các mối quan hệ xã hội và tìm việc làm.

“Những người không có đủ mối quan hệ xã hội chặt chẽ sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ, lo âu, mất trí nhớ, trầm cảm, tự tử và hơn thế nữa”.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO

Ảnh minh họa: KTNăm 2023, Lulea - một thành phố ở miền Bắc Thụy Điển đã quyết định đưa ra một giải pháp đơn giản nhằm kết nối những cư dân cô đơn. Giải pháp này chính là yêu cầu những cư dân tại đây nói "xin chào" khi nhìn thấy nhau trên đường. Cụm từ "xin chào" (Säg hej) cũng được quảng bá trên xe buýt và các trường học. Thậm chí, thành phố còn tổ chức các buổi hội thảo nhằm chỉ dẫn cho người dân về cách chào hỏi thân thiện.

Hạt San Mateo của bang California, Mỹ từng thông qua một nghị quyết, tuyên bố “cô đơn” là một tình trạng sức khỏe khẩn cấp của cộng đồng và đưa ra cam kết giúp công dân tại đây kết nối với nhau.

Tại Nhật Bản, quốc gia công nghệ này còn đưa ra “trò chơi công nghệ” làm bạn với con người, giúp con người chống cô đơn.

Tuy nhiên, tất cả những giải pháp trên chỉ mang tính chất ứng phó. Trên hết, là con người trong chúng ta phải có ý định kết nối và chia sẻ. Nói như Giáo sư Micael Dahlen của Trường Kinh tế Stockholm: "Sự cô đơn và cô lập là những vấn đề lớn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và xảy ra ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Điều này đi kèm với lối sống hiện tại khi mà chúng ta không nhất thiết phải gặp nhau ở mức độ như trước đây. Điều này còn trở nên phổ biến hơn vào mùa đông khi chúng ta ít ra ngoài và ít giao tiếp xã hội". Hay như nhìn nhận của Tiến sĩ Ami Rokach, nhà tâm lý học lâm sàng, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Học thuật ở Or Yehuda, Israel, về những hành động có thể chống lại sự cô đơn: “Kết bạn, tình nguyện, tham gia các khóa học, nơi chúng ta có thể gặp gỡ và trò chuyện với mọi người sẽ giúp ích rất nhiều”.

Chừng nào con người còn muốn thoát khỏi thế giới của riêng mình, thoát khỏi vô vàn những áp lực bủa vây, thoát khỏi những mê cung của những trò chơi công nghệ giải trí thế hệ mới, chủ động tìm về với chính cuộc sống thân thuộc thường ngày, kết nối và chia sẻ, chừng ấy sự cô đơn trong bản thân mỗi người mới có thể có cơ hội được giải toả và chừng ấy mới có hy vọng, “đại dịch cô đơn” sẽ thuyên giảm./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận