25 năm đường hầm xuyên biển

Suốt 25 năm qua, đường hầm xuyên biển được coi là một trong những biểu tượng cho hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục.

 

Hiện thực hoá một giấc mơ dai dẳng của châu lục

Ngày 6/5 vừa qua là đúng 25 năm ngày khánh thành đường hầm xuyên biển nối châu Âu lục địa với nước Anh, tận sâu dưới đáy eo biển Manche. Nó dài tổng cộng 50,45km, trong đó có 37km dưới đáy biển.

Trong một phần tư thế kỷ qua, đường hầm này nối nước Anh với châu Âu đại lục, được coi là một trong những biểu tượng cho hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục. Nhưng thật bi hài cho cả châu lục và nước Anh khi ngày kỷ niệm lại ở vào bối cảnh nước Anh đang chuẩn bị ra khỏi EU, tách biệt với châu Âu lục địa. Dù vậy vẫn không thể phủ nhận được rằng đường hầm này đã hiện thực hoá một giấc mơ dai dẳng mấy thập kỷ của châu lục.

Đường hầm này có nhiều tên gọi khác nhau, trong tiếng Anh là Channel Tunnel, trong tiếng Pháp là Tunnel sous la Manche, trong tiếng Đức là Eurotunnel hay trong tiếng Hà Lan là Kanaltunnel. Nó bao gồm hai tuyến đường xe lửa một chiều riêng biệt từ Anh sang Pháp và từ Pháp sang Anh, ở giữa là một đường hầm khác với hai làn xe ô tô nhỏ chuyên dùng cho cứu hộ hay duy tu, bảo dưỡng và vận hành đường hầm, tất cả ở độ sâu khoảng 40m so với mặt nước biển.

Tàu cao tốc hãng Eurostar chạy qua đường hầm (nguồn ảnh: internet)Ý tưởng về kết nối đảo quốc Anh với châu Âu lục địa đã có từ rất lâu rồi. Năm 1753, Nicolas Desmaret (người Pháp) nêu ra ý tưởng này đầu tiên. Năm 1802, kỹ sư mỏ người Pháp Albert Matheu là người đầu tiên đưa ra thiết kế hoàn chỉnh cho công trình nối đảo quốc với châu lục. Hoàng đế Napoleon Bonarte cũng đã trao đổi với giới chức lãnh đạo Anh về dự án nối đôi bờ eo biển Manche. Từ sau đó liên tiếp có nhiều ý tưởng thiết kế cụ thể của các kỹ sư và các nhà khoa học người Pháp và người Anh. Năm 1851, hoàng đế Pháp Napoleon Đệ Tam thành lập hẳn một hội đồng khoa học chuyên nghiên cứu về tính khả thi của dự án lớn này. Nhưng tất cả đều bị coi là không khả thi.

Ý tưởng kết nối rất phong phú và đa dạng, từ làm nổi trên biển như cầu phao đến cầu kiên cố bắc ngang eo biển, từ tạo đảo nhân tạo làm những điểm trung chuyển đến đường ống đặt trên đáy biển. Sự phản đối của Bộ Quốc phòng Anh - viện dẫn lý do an ninh - cũng là một nhân tố khiến dự án lớn suốt bao nhiêu năm không được triển khai thực hiện đến cùng. Năm 1955, Bộ Quốc phòng Anh không còn phản đối dự án này nữa. Năm 1957, nhóm làm việc đa quốc gia đầu tiên về xây dựng đường hầm này được thành lập. Tháng 7/1960, một công trình nghiên cứu đưa ra khuyến nghị xây dựng hai đường ống cho xe hoả và một đường ống phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn và duy tu, bảo dưỡng - đúng như mô hình được thực thi sau này. Năm 1971, chính phủ Pháp và Anh nhất trí cùng nhau soạn thảo kế hoạch thực hiện dự án. Năm 1973, thoả thuận được chính thức ký kết giữa hai nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1975 đã làm cho việc thực hiện dự án bị ngừng lại. Mãi đến năm 1984, thoả thuận kia mới được hồi sinh. Toàn bộ dự án được xem xét lại, đàm phán lại và thoả thuận lại, được hai bên ký kết năm 1986 và có hiệu lực chính thức năm 1987. Vốn đầu tư xây dựng hoàn toàn của tư nhân và việc quản lý, vận hành cũng như kinh doanh cũng đều do tư nhân thực hiện. Trong quá trình xây dựng đường hầm đã có 11 công nhân thiệt mạng.

Niềm tự hào của châu lục

Hai tuyến đường hầm cho xe lửa cách nhau 30m, đều có đường kính 7,6m. Đường hầm ở giữa chỉ có đường kính 4,8m. Cứ cách 375m lại có đường hầm nối cả 3 tuyến này với nhau nhằm mục đích cứu hộ, cứu nạn. Cùng lúc có thể có đến 12 chuyến tàu chạy xuyên đường hầm. Xe ô tô và xe tải nhỏ được đặt trên tàu lửa di chuyển từ bên này sang bên kia. Ở hai đầu hầm có hai nhà ga lớn, đủ lớn để những con tàu có thể quay đầu, chuyển hướng chạy. Hàng năm có trung bình gần 7 triệu người đi qua đường hầm này. Thời gian đi qua là 35 phút, trong đó có 20 phút hoàn toàn dưới biển.

Giá trị kinh tế và thương mại của dự án xây dựng đường hầm xuyên biển này không có được ngay mà phải được tích tụ lại suốt thời gian dài và đến nay chứng tỏ dự án có hiệu quả kinh tế xác thực và thiết thực. Đường hầm xuyên biển này có được giá trị kinh tế tăng cao sau khi chính phủ Anh và chính phủ Pháp đầu tư mở rộng và hiện đại hoá mạng lưới các tuyến đường giao thông trên bộ từ hai bên đầu hầm tới các sân bay lớn và thành phố lớn ở vùng lân cận.

Về kỹ thuật, đường hầm xuyên biển này được coi là một kiệt tác. Nó không chỉ là đường hầm xuyên biển dài nhất trên thế giới mà còn đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện về an toàn. Nó là niềm tự hào của châu Âu về khả năng sáng tạo và trình độ kỹ thuật công nghệ.

Đường hầm này còn có ý nghĩa chính trị rất to lớn. Nó nối nước Anh với châu Âu lục địa với hàm ý châu Âu thống nhất thành một khối, nước Anh hướng về châu Âu và châu Âu không phải bao gồm châu Âu lục địa và châu Âu hải đảo. Trong quá khứ lịch sử ở châu Âu, nước Anh luôn biệt lập chứ không gắn kết với châu lục, luôn khác chứ không giống châu lục. Con đường hầm này làm thay đổi tất cả. Nó được coi là biểu tượng cho châu Âu hiện đại trong thế giới hiện đại.

Trang sử mới sau sinh nhật lần thứ 25

Nó có giá trị tinh thần và tâm lý rất to lớn đối với người dân trên châu lục. Chẳng phải nhờ nó mà một giấc mơ và khát vọng đeo đẳng bao đời nay đã trở thành hiện thực đối với họ hay sao? Như thể một thời mới được bắt đầu. Như thể trang sử mới được lật giở cho châu lục.

Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette (đại diện cho ê-kíp Pháp) và kỹ sư Graham Fagg (đại diện ê-kíp Anh) trong ngày thông hầm 12/12/1990 (ảnh: AFP)Từ mấy năm nay, con đường hầm này lại trở thành một trong những tâm điểm của chuyện chính trị thời sự châu lục. Bởi làn sóng người tỵ nạn. Trên thế giới vốn có những đồn thổi cho rằng xin tỵ nạn ở Anh dễ được chấp nhận hơn là xin tỵ nạn ở châu Âu lục địa. Vì thế, nhiều người tỵ nạn sau khi đã nhập cảnh vào EU liền tìm đến đầu hầm ở phía nước Pháp để tìm cách vượt biển đến nước Anh. Họ không đi bộ mà trốn trên những còn tàu đi từ Pháp sang Anh. Hỗn loạn và bạo lực, tội phạm và phá phách đã xảy ra ở phía bên Pháp. Những hình ảnh ở đây đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho cuộc khủng hoảng di cư và người tỵ nạn của EU trong những năm vừa qua.

Nước Anh sắp ra khỏi EU. Vì thế, việc thông thương qua đường hầm này rồi sẽ không còn được chóng vánh như trước nữa bởi giữa Anh và Pháp lại có chuyện kiểm soát biên giới. Đường hầm nối nước Anh với đại lục suốt 25 năm qua rồi đây sẽ trở thành một nơi nước Anh chia tay và cách biệt với đại lục. Người Anh đã quyết định lựa chọn như thế. Cũng vì vậy mà trong những ngày này, châu Âu không biết nên vui hay buồn khi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của đường hầm xuyên biển Manche.

Đường hầm xuyên biển nối châu Âu lục địa với nước Anh được khởi công xây dựng ngày 15/12/1987 và khánh thành ngày 6/5/1994, tiêu tốn vốn đầu tư tương đương với 15 tỷ euro. Đích thân Nữ hoàng Anh Elizabeth II. và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand tới cắt băng khánh thành đường hầm xuyên biển.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận