Australia đã trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc ứng xử cực quyết liệt và mạnh tay khi vừa tung ra đề xuất dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Dư luận đang tạo “cơn bão” tranh cãi khi nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi nhưng cũng tạo nên nhiều phản ứng gay gắt từ phía chuyên gia, công ty công nghệ và người dùng trẻ tuổi.
“Cải cách mang tính bước ngoặt”
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Australia Anthony Albanese trước việc ngày 21/11, Chính phủ Australia đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội nhằm cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội và đề xuất mức phạt lên tới 32 triệu USD đối với các nền tảng mạng xã hội vi phạm. “Chúng tôi đang gửi thông điệp tới các công ty mạng xã hội để họ làm trong sạch hành vi của mình” - Thủ tướng Australia nhấn mạnh. Người đứng Chính phủ Australia đặc biệt lưu ý: “Các nền tảng truyền thông xã hội sẽ có trách nhiệm chứng minh rằng họ đang thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn trẻ chưa đủ tuổi truy cập. Trách nhiệm này không thuộc về cha mẹ hay người dùng trẻ tuổi, và họ sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào. Các công ty cung cấp dịch vụ sẽ phải thực hiện những biện pháp cần thiết để ngăn chặn quyền truy cập của trẻ em trong độ tuổi bị cấm".
“Nếu bạn là đứa trẻ 14 tuổi, xem những nội dung xấu độc vào thời điểm đang trải qua những thay đổi trong cuộc sống và trưởng thành, đó sẽ là khoảng thời gian thực sự khó khăn. Những gì chúng tôi đang làm là lắng nghe và sau đó là hành động”, ông Albanese nhấn mạnh.
Thủ tướng Australia cho rằng, mạng xã hội đang gây hại cho trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần và kêu gọi chấm dứt tình trạng này. Ông Albanese khẳng định, trách nhiệm thực thi luật này không thuộc về cha mẹ hay trẻ em, mà thuộc về các nền tảng mạng xã hội.
Trước đó, bà Michelle Rowland, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia, đã mạnh mẽ lên tiếng cho rằng dù mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho những người trẻ tuổi như giúp họ duy trì kết nối nhưng cũng đi kèm nhiều tác hại và tác hại khó lường nhất là về sự an toàn và sức khoẻ tinh thần. "Đối với quá nhiều người Australia trẻ tuổi, phương tiện mạng xã hội có thể gây hại. 2/3 trẻ em từ 14 đến 17 tuổi tại Australia đã tiếp xúc với các nội dung độc hại, bao gồm lạm dụng ma túy, tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Thuật toán của mạng xã hội không chỉ thao túng tâm lý mà còn giữ chân người dùng trên nền tảng lâu hơn. Các mạng xã hội biết quá rõ về người dùng, đôi khi vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng" - Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia nhấn mạnh.
Bà Michelle Rowland cũng chia sẻ: “Là người mẹ của hai cô con gái nhỏ, tôi hiểu rõ điều này. Tôi muốn nói với các bậc phụ huynh rằng… khi nói đến việc bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại do nội dung hoặc hành vi gây nghiện gây ra do mạng xã hội, chúng tôi luôn đứng về phía các bạn”. Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia đặc biệt nhấn mạnh: “Mạng xã hội có trách nhiệm xã hội - đó là lý do tại sao chúng tôi đang thực hiện những thay đổi lớn để yêu cầu các nền tảng chịu trách nhiệm về sự an toàn của người dùng”.
Theo Dự luật vừa được Chính phủ Australia công bố, các mạng xã hội như TikTok, Instagram và Facebook được yêu cầu phải áp dụng hệ thống xác thực độ tuổi để ngăn chặn người dùng chưa đủ tuổi truy cập. Đặc biệt, ngay cả khi có sự đồng ý của phụ huynh hoặc tài khoản đã đăng ký từ trước, cũng sẽ không có ngoại lệ. Nếu được thông qua, các nền tảng mạng xã hội sẽ có một năm để triển khai và thực hiện các quy định mới. Chính phủ Australia cam kết dự luật sẽ duy trì sự linh hoạt, cho phép trẻ truy cập các nền tảng hỗ trợ giáo dục và sức khỏe như Headspace, Google Classroom hay YouTube.
Với việc đưa ra dự luật này, Australia trở thành một trong những quốc gia đầu tiên luật hóa độ tuổi tham gia mạng xã hội và cũng là một trong những quốc gia mạnh tay nhất với mạng xã hội.
Làn sóng tranh cãi và cuộc chiến nhiều thách thức
Dự luật sau khi được đưa ra đã ngay lập tức tạo nên làn sóng tranh cãi trái chiều gay gắt. "Nếu không có hành động mạnh tay, tình trạng bắt nạt trực tuyến và lan truyền nội dung độc hại sẽ tiếp tục” - một ý kiến ủng hộ dự luật cho hay. “Trẻ em đang bị tiếp xúc với nội dung khiêu dâm có hại, chúng bị cung cấp thông tin sai lệch, có vấn đề về hình ảnh cơ thể, có tình trạng tống tiền tình dục, kẻ săn mồi trực tuyến, bắt nạt. Có rất nhiều tác hại khác nhau mà trẻ em phải cố gắng kiểm soát trong khi nhóm đối tượng này không có kỹ năng hoặc kinh nghiệm sống để có thể kiểm soát tốt những điều đó. Cái giá phải trả là gì nếu chúng ta không làm vậy? Nếu chúng ta không đặt sự an toàn của trẻ em lên trên lợi nhuận và quyền riêng tư?” - Bà Sonya Ryan, nhà vận động an toàn mạng nổi tiếng, một trong những người ủng hộ nhiệt tình dự luật này bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, song song với đó, những phản ứng gay gắt đối với dự luật cũng không phải là ít. Leo Puglisi, một sinh viên 17 tuổi ở Melbourne (Australia) cho rằng, lệnh cấm này sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề và rằng mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của thế hệ trẻ.
Giới công nghệ, đặc biệt là các ông chủ mạng xã hội thì phản ứng dự luật này như một lẽ đương nhiên. Trong một bài đăng trên X ngày 21/11, tỷ phú công nghệ Elon Musk, chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội X, đã chỉ trích hết sức gay gắt dự luật khi cho rằng: "Có vẻ như đây là cách gián tiếp để kiểm soát quyền truy cập Internet của tất cả người dân Australia". Trước đó, ông Musk đã gọi chính phủ Australia là “phát xít” vì kế hoạch trấn áp thông tin trực tuyến sai lệch.
Ngày 26/11, hãng Google và hãng Meta, chủ sở hữu của mạng xã hội Facebook kêu gọi Chính phủ Australia hoãn dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng hầu hết các mạng xã hội, đồng thời cho biết cần thêm thời gian để đánh giá tác động tiềm ẩn của dự luật này. Theo Google và Meta, Chính phủ Australia nên chờ đợi kết quả thử nghiệm xác minh độ tuổi áp dụng quy định trên trước khi thông qua dự luật.
Ở một góc nhìn trung dung hơn, bà Sunita Bose, Giám đốc điều hành DIGI- cho rằng, thay vì cấm truy cập các nền tảng mạng xã hội, cần một cách tiếp cận cân bằng để tạo ra không gian mạng phù hợp với lứa tuổi và rằng: “Giữ an toàn cho thanh thiếu niên trên không gian mạng là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đề xuất cấm truy cập các nền tảng kỹ thuật số là phản ứng của thế kỷ 20 đối với những thách thức của thế kỷ 21”.
Thực tế, trước Australia đã có không ít quốc gia mạnh tay với mạng xã hội. Trước đó, hồi tháng 3/2024, Thống đốc bang Florida của Mỹ, ông Ron DeSantis đã ký ban hành luật cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội. Theo đó, các nền tảng truyền thông xã hội phải đóng tài khoản của trẻ dưới 14 tuổi. Biện pháp tương tự cũng áp dụng đối với tài khoản do trẻ dưới 16 tuổi lập mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Ngoài ra, luật cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội sử dụng hệ thống đánh giá của bên thứ ba để sàng lọc những người chưa đủ tuổi lập tài khoản. Cũng tại nước Mỹ, tháng 3/2023, Utah đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật quy định việc tiếp cận của trẻ em đối với mạng xã hội. Sau đó, các bang khác như Arkansas, Louisiana, Ohio và Texas cũng đưa ra những biện pháp tương tự. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã yêu cầu các công ty công nghệ phải có sự đồng ý của cha mẹ để truy cập dữ liệu của trẻ em dưới 13 tuổi.
Cũng trong năm 2023, Pháp đã đề xuất lệnh cấm mạng xã hội đối với những người dưới 15 tuổi, nhưng người dùng có thể tránh lệnh cấm này nếu có sự đồng ý của cha mẹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến chống lại mạng xã hội của các chính phủ đang phải đối mặt với nhiều thách thức về pháp lý cũng như công nghệ. Liên minh châu Âu từng định ban hành luật tương tự nhưng phải bỏ cuộc do lo ngại về việc quy định trên có thể làm giảm quyền sử dụng mạng của trẻ vị thành niên. “Quyền tự do biểu đạt” là yếu tố thường được viện dẫn nhiều nhất trong những ý kiến phản ứng lại những quy định này.
Rõ ràng, luật hoá độ tuổi tham gia mạng xã hội là bước đi tiên phong nhưng cũng đầy thách thức của Australia. Bản thân Thủ tướng nước này Albanese quyết liệt là thế nhưng cũng không giấu giếm những lo ngại: Đây là một vấn đề toàn cầu không đơn giản mà các chính phủ trên khắp thế giới đang phải cố gắng giải quyết./.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho rằng, mạng xã hội đang gây hại cho trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần và kêu gọi chấm dứt tình trạng này. Ông Albanese khẳng định, trách nhiệm thực thi luật này không thuộc về cha mẹ hay trẻ em, mà thuộc về các nền tảng mạng xã hội.
|
Hà Anh