Hiện tượng Han Kang hay sự thắng thế của 'quyền lực mềm' văn hoá Hàn Quốc

Cái tên Han Kang trở thành một 'cơn sốt', một hiện tượng khi được vinh danh tại một trong những hạng mục giải thưởng Nobel danh giá nhất - giải Nobel Văn học...

 

Tạp chí Monocle của Anh năm 2020 từng đánh giá rằng quyền lực mềm của Hàn Quốc đứng thứ 2 trong số các nước trên thế giới, chỉ sau Đức. Và giờ đây, khi cái tên Han Kang trở thành một “cơn sốt”, một hiện tượng khi được vinh danh tại một trong những hạng mục giải thưởng Nobel danh giá nhất - giải Nobel Văn học, sức công phá của “quyền lực mềm” Hàn Quốc đã không dừng lại ở đó.

Hiện tượng văn học Hàn Quốc chiếm lĩnh thế giới

Tại buổi công bố giải thưởng Nobel Văn chương 2024 tại Stockholm, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Mats Malm, đã chia sẻ lý do Han Kang được vinh danh: "Vì giọng văn mang chất thơ ca mãnh liệt của bà đối diện với những thương tích lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người… Bà có nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa người sống và người chết, trong phong cách thơ ca và thử nghiệm của mình. Bà đã trở thành một nhà cải cách trong văn xuôi đương đại". Và Han Kang đã là người Hàn Quốc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học.

Nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 14/11/2023. (Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN)Nhưng chừng ấy chưa phải là lý do để Han Kang trở thành niềm tự hào của người dân xứ Hàn. Bởi từ rất lâu, Han Kang đã là một hiện tượng tại đất nước này khi một loạt tác phẩm của cây bút này như “The Vegetarian”, “The White Book”, “Human Acts” và “Greek Lessons đều là những tác phẩm cực nổi tiếng và ăn khách. Trong đó, tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Han Kang không gì khác là “The Vegetarian” - Người ăn chay, tác phẩm không chỉ làm say mê độc giả Hàn Quốc mà còn từng được giải thưởng văn học quốc tế Booker (International Booker Prize) hồi năm 2016. “Tác phẩm khắc họa một cách sắc bén nhưng đầy tính thơ về những hậu quả bạo lực phát sinh từ việc nhân vật chính từ chối ăn thịt” - Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn chương, nói về “The Vegetarian”. “The Vegetarian” được xuất bản bằng tiếng Hàn vào năm 2007, và sau đó được dịch sang tiếng Anh năm 2015 trước khi được xuất bản sang nhiều thứ tiếng khác như tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Ý, tiếng Thụy Điển…

Các cuốn sách của Han Kang đã trở thành hiện tượng tại Hàn Quốc và bán chạy tại nhiều nước trên thế giới.Sau đó, vào năm 2018, cuốn tiểu thuyết “The White Book” - "Trắng" - “câu chuyện của người đang cố gắng nói lời tiễn biệt với một phần quan trọng trong mình” của Han Kang cũng đã lọt vào vòng chung kết giải thưởng Booker. Tương tự như “Người ăn chay”, “Trắng” cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng khác như tiếng Hà Lan, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha…

Hai lần làm rúng động giải thưởng danh giá Booker và giờ đây là giải thưởng Nobel danh giá đã là những nguyên do lý giải vì sao cái tên Han Kang không chỉ được săn lùng tại Hàn mà còn cả tại nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, thậm chí tại Mỹ. “Không chỉ “The Vegetarian” mà các cuốn khác của Han Kang cũng đã bán hết" - một nhân viên tại Barnes & Noble, một chuỗi hiệu sách lớn nằm trên Đại lộ số 5 ở Manhattan, New York, cho biết. "Toàn bộ sách của Han Kang đã bán hết cách đây hai ngày. Sách của Han Kang đã bán rất chạy ngay cả trước khi bà đoạt giải Nobel Văn học” - nhân viên tại chi nhánh McNally Jackson Rockefeller Center, một chuỗi hiệu sách tại New York cũng cho biết.

Thêm một bước tiến lớn của Hàn Quốc trên bản đồ văn hoá thế giới

Những cuốn sách bán chạy trên phạm vi toàn thế giới, giải thưởng Nobel danh giá… nhưng chừng ấy chưa phải là những điều khiến cả đất nước Hàn Quốc bùng nổ trong niềm vui sướng, khiến từ Tổng thống Yoon Suk Yeol cho đến các ngôi sao K-pop hàng đầu như BTS, hân hoan xúc động.

Với họ, chiến thắng là "một thành tựu lịch sử", hơn thế, như lời Tổng thống Yoon Suk Yeol là "một khoảnh khắc đáng tự hào của dân tộc". Tự hào dân tộc, bởi chiến thắng này một lần nữa cho thấy văn hoá Hàn Quốc lại một lần nữa chinh phục thế giới.

Điều đáng nói hơn nữa là cách truyền thông, báo chí cho đến Tổng thống, chính trị gia và người nổi tiếng Hàn Quốc đón nhận và chúc mừng chiến thắng của Han Kang. Gần như tất cả các ngôi sao đình đám nhất của xứ Hàn, từ Go Hyun Jung, Kim Hye Soo, Ryu Jun Yeol, Moon Ga Young, Kim Min Ha, nhóm BTS… đều đăng tải rộng rãi lời chúc trên tài khoản mạng xã hội hàng chục triệu người theo dõi. Các tờ báo lớn lại đưa tin các sao Hàn như thành viên BTS chúc mừng Han Kang lên hàng đầu… Nhờ vậy, những người hâm mộ K-pop trên toàn cầu dù có thể không quá quan tâm đến văn học nhưng sau khi đọc “tút” của thần tượng, đọc báo chí đã đổ xô đi tìm đọc các tác phẩm của tác giả mà thần tượng của họ đã hân hoan ngợi ca. Hiện tượng Han Kang sau Nobel Văn học 2024 càng trở nên bùng nổ là vì vậy. Như nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc Yu In Chon, “giải Nobel Văn học của Han không chỉ là thành tựu cá nhân của Han Kang, mà còn là chiến thắng của ngành xuất bản Hàn Quốc và toàn thể đất nước" - có lẽ cũng không là ngoa ngôn.

Thành viên BTS đăng lời chúc mừng hân hoan khi nhà văn Han Kang được giải Nobel."K-pop, K-content, K-food, K-beauty - những thứ này đã rất ấn tượng, nhưng giờ là văn học. Tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến ​​văn hóa Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ như vậy trong cuộc đời mình" - lý giải của người dẫn chương trình phát thanh Kim So-young đã là lời giới thiệu hết sức khéo léo về sự lan toả và thắng thế của văn hoá Hàn Quốc tới toàn cầu. Từ BTS, từ Blackpink, từ Ký sinh trùng" (Parasite) từng đoạt 4 giải Oscar năm 2020 tới giờ đây là Han Kang… sức ảnh hưởng toàn cầu của văn hóa Hàn Quốc đã trở thành thực tế không thể phủ nhận, Và, làm thế nào để có được sức ảnh hưởng và quyền lực mềm ấy - từng được Tạp chí Monocle của Anh đánh giá đứng thứ 2 trong số các nước trên thế giới, chỉ sau Đức, lại là “bí quyết mang tầm dân tộc” mà có lẽ không phải quốc gia nào cũng có thể học theo./.

Việc nâng cao quyền lực mềm đã trực tiếp "chuyển hóa" thành hiệu quả kinh tế đáng kể, xuất khẩu lương thực của Hàn Quốc đạt mức cao mới. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu nông sản và thực phẩm phụ của Hàn Quốc đạt 10.000 tỷ won (7,4 tỷ USD), lập kỷ lục mới. Món cơm cuộn rong biển (gimbap), bánh gạo chiên (tteokbboki), gà rán Hàn Quốc... cũng trở thành một trong những biểu tượng văn hóa mới của nước này.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận