Maha Vajiralongkorn - chuyện về 'Người kế vị đặc biệt'

Trong mắt của người dân Thái Lan, tân quốc vương Maha Vajiralongkorn là người kế vị hết sức đặc biệt.

 

Ngày 4/5 vừa qua, sau 69 năm, người dân Thái Lan mới có cơ hội được chứng kiến lễ đăng quang của một đấng quân vương, trong nỗi háo hức, mong chờ, kỳ vọng và cả những tò mò… Bởi trong mắt nhìn của họ, tân quốc vương Maha Vajiralongkorn là người kế vị hết sức đặc biệt.

“Sinh ra để làm Vua”

Đó có lẽ là điều đặc biệt đầu tiên về vị Vua mới của đất nước Thái Lan. Sinh ngày 27/7/1952 tại thủ đô Bangkok, giây phút Maha Vajiralongkorn chào đời có lẽ là khoảnh khắc giàu xúc cảm nhất với gia đình Hoàng gia, nhất là với quốc vương Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Sirikit bởi rốt cuộc thì họ cũng đã có một cậu con trai, hoàng gia Thái rốt cuộc cũng đã có người kế vị, bao áp lực, bao lo lắng giờ đã được rũ bỏ phần nào. Giờ đây, công việc của đức vua Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu là việc chăm chút như thế nào để “quả ngọt đơm hoa”, thái tử được yêu chiều sẽ trở thành người thừa kế ngai vàng xứng đáng trong tương lai.

Nhà vua Maha Vajiralongkorn trong lòng cha, cố quốc vương Bhumibol Adulyadej, bên mẹ bế em gái, Công chúa Sirindhorn, vào năm 1955 (Ảnh: T.L)Để cây xanh tươi thì không gì hơn là một cái gốc vững bền. Nhận diện rất rõ điều đó, đức vua Bhumibol Adulyadej đã rất cẩn trọng ngay từ việc đặt tên cho cậu con trai duy nhất của mình. Chuyện kể rằng ngay khi Maha Vajiralongkorn, vua Bhumibol Adulyadej viện cậy đến người đứng đầu Phật giáo Thái Lan để thỉnh xin một cái tên ý nghĩa, phù hợp với Thái tử. Cái tên Vajiralongkorn đã đến với vị vua thứ 10 của triều đại Chakri với nghĩa là được trang trí bằng đá quý hoặc sấm sét, thể hiện trọn vẹn sự quyền quý và sức mạnh của một đấng quân vương. Việc học hành của Thái tử Maha Vajiralongkorn cũng được chú trọng hết mức. Những ngày còn thơ bé, Thái tử Maha Vajiralongkorn theo học thầy riêng trong cung điện Dusit. Sau khi học xong tiểu học ở Thái Lan, năm 1966, ở tuổi chớm 14, Maha Vajiralongkorn được đưa sang Anh học tập, theo học trung học. 9 năm tại nước Anh là từng ấy thời gian vị Vua tương lai của Thái Lan theo học tại nhiều trường, hết trung học tại Sussex cho đến trường nội trú Millfield ở Somerset.

Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida trong lễ đăng quang (Ảnh: HANDOUT, AFP/Getty Images)Năm 1972, ở tuổi tròn 20, sứ mệnh của Maha Vajiralongkorn đã an bài khi ngày 28/12/1972 tại đại cung Ananda Samakhom, quốc vương Bhumibol Adulyadej đã tổ chức lễ tấn phong Hoàng thái tử cho hoàng tử Maha Vajiralongkorn. Mang trong mình lời thề tuyệt đối trung thành với đất nước, với nhân dân, nguyện cống hiến vì sự phồn thịnh, hạnh phúc của Thái Lan, sự nghiệp học hành, tu dưỡng bản thân của Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn càng được chú trọng. Nhận thấy môi trường quân đội luôn là môi trường lý tưởng nhất để trui rèn kỷ luật và nhân cách - những yếu tố thiết yếu của một vị Vua tương lai - đức vua Bhumibol Adulyadej đã yêu cầu chuyển Maha Vajiralongkorn tới rèn luyện tại Trường Quân sự Hoàng gia Australia. Cũng chính từ việc theo học ngôi trường này, Maha Vajiralongkorn hoàn toàn là có thể là một phi công quân sự và thực tế ông từng tham gia các chương trình huấn luyện quân sự với các đơn vị không quân tác chiến đặc biệt. Năm 1976, tốt nghiệp trở về nước, Maha Vajiralongkorn vẫn tiếp tục hành trình tự trui rèn bản thân bằng việc tiếp tục phục vụ cho quân đội hoàng gia Thái Lan và từng là người đứng đầu tiểu đoàn vệ binh hoàng gia Thái Lan. Năm 1978, Maha Vajiralongkorn trở thành chỉ huy trưởng lực lượng Ngự lâm quân. Hoàng thái tử tiếp tục sự nghiệp quân sự với những tu nghiệp tại Hoa Kỳ, Anh về đào tạo lực lượng đặc biệt, chiến tranh phi quy ước và kỹ thuật đào tạo tiên tiến. Giờ đây, với tư cách là đức quân vương, Maha Vajiralongkorn nắm toàn quyền chỉ huy quân đội Thái Lan và là người quyền lực bậc nhất đất nước.

Cứng rắn và kiệm lời

Ngay từ khi mới sinh ra đã được ấn định việc làm Vua, quá trình giáo dục vô cùng nghiêm khắc, nếu không muốn nói là khắc nghiệt của Hoàng gia, của môi trường học tập quân sự, cộng thêm những năm tháng dài đứng trong binh ngũ cộng với những quy định về phát ngôn của Hoàng gia... nên sẽ không hề là điều lạ nếu biết rằng tính cách nổi trội nhất của vị tân vương xứ Thái Lan là sự cứng rắn và kiệm lời. Chủ động trong việc ra các quyết định, hiếm khi tham vấn các cận thần, sẵn sàng trừng phạt, sa thải kể cả những trợ lý thân cận nhất của Hoàng gia nếu có phạm phải những hành vi bị cấm… đó là những minh chứng sự cứng rắn của tân vương Thái Lan.

Hoàng gia Thái Lan đến giờ vẫn truyền tai nhau câu chuyện cách đây 2 năm ông thẳng thừng sa thải, tước bỏ mọi danh hiệu mà hoàng gia từng trao tặng cho trợ lý hàng đầu của hoàng gia Distorn Vajarodaya vì có hành vi trốn thuế, sử dụng khoản tiền từ thiện 25 triệu baht vào mục đích riêng - động thái mà Maha Vajiralongkorn đánh giá là “độc ác”. Sau những sự vụ như của Distorn Vajarodaya, ông còn yêu cầu các cận thần và vệ sĩ của hoàng gia phải học thuộc bộ quy tắc ứng xử cơ bản có từ thời vua Rama VI (1881-1925) trong đó nhắc nhở các cận thần phải khiêm nhường, không được khoe khoang và không bao giờ ngờ vực hay phản ứng lại nhà vua.

Sự cứng rắn của quốc vương Maha Vajiralongkorn còn thể hiện ở việc chẳng ngại ngần thể hiện rõ quan điểm trước mọi sự việc. “Ai đúng quốc vương thẳng thắn khen ngợi, nhưng nếu làm sai sẽ bị trừng phạt”, Sulak Sivaraksa, nhà nghiên cứu về hoàng gia Thái Lan cho biết.

Hiếm khi xuất hiện trên truyền hình, từ chối hầu hết các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông… đó là lý do khiến Quốc vương Maha Vajiralongkorn bị cho là người kiệm lời và kín tiếng. Thực ra điều này chưa hẳn đã từ cá tính của riêng nhà vua bởi Hoàng gia Thái Lan từ lâu đã có những quy định khá hà khắc về việc hé lộ đời tư về nhà vua và Hoàng tộc. Phỉ báng hoàng gia hay đồn đoán về quyền lực của hoàng gia là không được phép ở đất nước này. Hình ảnh của đức vua được giám sát cẩn thận bởi các cố vấn tin cậy, đội ngũ cận vệ và những luật lệ nghiêm khắc quy định cách truyền thông Thái Lan khắc họa về hoàng gia. Một lý do nữa lý giải có sự kiệm lời hay kín tiếng của tân quân vương là việc thời gian trước đây, cuộc  sống của ông hầu hết ở nước ngoài vì thế những hình ảnh về ông không được phổ biến tại Thái Lan.

Trở thành vị vua thứ 10 của triều đại Chakri có lịch sử từ năm 1782 ở Thái Lan, bên cạnh đó là cái bóng quá lớn của vua cha - người được xem là Nhà vua của nhân dân, hình mẫu của vị vua vĩ đại, khiêm tốn, nghiêm túc và vị tha được người dân, các tầng lớp xã hội và tướng lĩnh Thái Lan rất mực tôn kính, Quốc vương Maha Vajiralongkorn đang gánh trên đôi vai mình rất nhiều kỳ vọng. Trong nền chính trị quân chủ lập hiến của Thái Lan, nhà vua sở hữu vai trò hết sức đặc biệt, đặc biệt trong vai trò hòa giải các đảng phái đối lập và duy trì sự đoàn kết trong nội bộ quốc gia. 

Cũng bởi tấm màn khép kín của truyền thông mà ngay cả nhiều người dân Thái Lan cũng ít được biết được rằng vị quân vương tưởng chừng rất khô khan, cứng nhắc, khó tính ấy thực sự là người rất ham mê thể thao và có sức thu hút mạnh với phái đẹp. Thuở xưa, bạn học tại nước ngoài từng đặt cho Maha Vajiralongkorn biệt danh “hoàng tử bóng đá” vì ông rất mê đá bóng và chơi rất hay. Những năm tháng theo học các trường đại học tại Anh và Australia, hoàng tử Maha Vajiralongkorn đều là thành viên trụ cột của đội bóng trường mình học. Giải bóng đá Mor Vor Kor Cup là do chính đức vua Maha sáng lập. Ngoài bóng đá, Maha Vajiralongkorn còn yêu thích môn xe đạp, đua ngựa, polo, bóng bầu dục, chèo thuyền,… và độc đáo hơn ông còn là một phi công lái Boeing 737. Maha Vajiralongkorn trải qua 4 cuộc hôn nhân và mới đây, ngay trước lễ đăng quang, ông đã tuyên bố lập nữ tướng Suthida - người từng là tiếp viên hàng không trước khi trở thành tướng chỉ huy đơn vị đặc nhiệm thuộc lực lượng cận vệ của Quốc vương, làm hoàng hậu.

Nhà vua Maha Vajiralongkorn (Ảnh: Time) Tuy nhiên gần đây, mọi sự dường như cá nhân nhà vua cũng như Hoàng gia Thái Lan đã có những bước chuyển trong nhìn nhận về công tác truyền thông hình ảnh. Ví dụ mới nhất nhất là lễ đăng quang của Quốc vương Vajiralongkorn là buổi lễ lên ngôi vua lần đầu tiên sau 69 năm ở Thái Lan, được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Trong buổi lễ này, lần đầu tiên Quốc vương đã xuất hiện trước ánh nhìn của công chúng với một hình ảnh khác, không chỉ là một vị vua thường chỉ thấy trong bộ âu phục hoàng gia mà trong bộ áo choàng trắng để thực hiện nghi lễ. Cũng từ buổi truyền hình trực tiếp này, công chúng lần đầu tiên được chứng kiến những hình ảnh đời thường rất thân mật, dung dị của các thành viên Hoàng gia. Nhiều người dân Thái Lan đã đặc biệt ấn tượng trước hình ảnh Quốc vương Vajiralongkorn nở nụ cười rạng rỡ và dành tặng cho chị gái mình, Công chúa Ubolratana, một cái ôm nồng ấm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận