Thủ đô thời kỳ đầu giải phóng: Nhớ ơn những người mở lối…

Những nhà lãnh đạo đầu tiên của TP sau ngày giải phóng như Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, bác sĩ Trần Duy Hưng… đã mở lối cho Hà Nội, vượt qua khó khăn, thách thức

 

Hà Nội những ngày tháng 10/1954, sau những rộn rã cờ hoa mừng Thủ đô giải phóng, là bộn bề những khó khăn, phức tạp khi hạ tầng cơ sở nghèo nàn, lạc hậu, nạn đói, nạn mù chữ hoành hành, tệ nạn xã hội phổ biến... Nhưng điều kỳ diệu là, bằng quyết tâm, bằng trách nhiệm và cả tình yêu với Thủ đô, những nhà lãnh đạo đầu tiên của TP sau ngày giải phóng như Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, bác sĩ Trần Duy Hưng… đã mở lối cho Hà Nội, vượt qua khó khăn, thách thức, dần đứng vững và phát triển.

Từ một Hà Nội bị bủa vây bởi khó khăn, thách thức

Thủ đô Hà Nội sau ngày tiếp quản đứng trước muôn vàn khó khăn và cả những bất ổn, phức tạp. Kinh tế thành phố nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá; dịch vụ, thương nghiệp là chủ yếu, phụ thuộc, phần lớn là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ phục vụ sinh hoạt công cộng. Nông nghiệp sa sút, ruộng đất bỏ hoang nhiều, sức kéo trâu bò bị hủy hoại, thủy lợi kém phát triển. Theo một số thống kê, nông nghiệp ngoại thành thời điểm đó có tới gần 2.000ha ruộng bỏ hoang. Giao thông vận tải đều bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng.

Chợ Đồng Xuân tấp nập người mua bán. Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. (Nguồn: TTXVN)Hà Nội lúc đó mặc dù là trung tâm hàng đầu của cả nước về trình độ văn hoá nhưng vẫn còn hàng chục vạn người chưa biết chữ. Bên cạnh đó, hơn 7 vạn người không có việc làm, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, nạn đói hoành hành... Hàng nghìn người tàn tật, cơ nhỡ và trẻ em mồ côi, tệ nạn xã hội phổ biến...

Chưa kể vào thời điểm ấy, các thế lực thù địch, các đảng phái chính trị phản động ra sức xuyên tạc việc ký Hiệp định Geneva, chống phá chính quyền cách mạng khi vào tiếp quản, gây hoang mang trong nhân dân, dụ dỗ quần chúng di cư vào Nam... Những hoạt động chống phá của địch gây cho ta nhiều khó khăn trong việc ổn định xã hội, phục hồi kinh tế sau tiếp quản.

Trong bối cảnh đó, chính quyền cách mạng vừa mới được lập lại, còn khó khăn thiếu thốn nhiều mặt. Các tổ chức quần chúng đang trong quá trình củng cố. Lực lượng vũ trang Hà Nội, sau khi tiếp quản, tổng quân số chưa tới 100 người; lực lượng tự vệ trong thành phố số lượng và chất lượng đều rất hạn chế.

Có thể nói, sau ngày tiếp quản, quân và dân Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược và sự phá hoại của quân Pháp trước khi rút chạy, bị bủa vây trong bộn bề gian khó.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng bước vào Nhà hát Lớn, chuẩn bị cho buổi ra mắt Ủy ban Quân chính trước nhân dân Hà Nội, ngày 10/10/1954. (Ảnh: TL)

Tới tài điều hành của tướng Vương Thừa Vũ và hoạt động hiệu quả của Ủy ban Quân chính Hà Nội

Trước vô vàn khó khăn của ngày đầu tiếp quản Thủ đô, trước khối lượng công việc khổng lồ cần phải làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài viết trên Báo Nhân dân ngày 9/10/1954, đã nhấn mạnh: "Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp”.

Trọng trách lớn đầu tiên cần phải làm cho Thủ đô được giao cho Ủy ban Quân chính Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch- được Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập chỉ sau một ngày Thủ đô được giải phóng. Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực thi 8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng, trong đó có: 1- Bảo hộ tính mệnh, tài sản của toàn thể nhân dân trong thành phố; 2- Bảo hộ công thương nghiệp; 3- Tiếp thu và quản lý các xí nghiệp, công sở của chính quyền Pháp và Bảo Đại; 4- Bảo hộ các trường học, nhà thương, cơ quan văn hóa, giáo dục...; 5-Bảo hộ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều; 6- Thực hiện tự do dân chủ, bảo hộ tự do tín ngưỡng của nhân dân…

Theo đó, ngay khi vào Thành phố, Ủy ban Quân chính dưới sự chỉ đạo của tướng Vương Thừa Vũ đã đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ cấp thiết: chỉ đạo các Ban và các Sở quản lý cho guồng máy thành phố hoạt động bình thường; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Ủy ban Quân chính chỉ đạo Ban Kinh tế và các Sở thực hiện tốt chính sách; bảo đảm cho các hộ công thương nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh. Giữa tháng 10/1954, ba công ty quốc doanh gồm Công ty Lương thực, Công ty Bách hóa, Công ty Lâm thổ sản được thành lập để đảm bảo đời sống cho nhân dân. Các loại thuế đánh theo đầu người như thuế căn cước, thuế đảm phụ quốc phòng, thuế an ninh bị bãi bỏ. Ngày 11/10/1954, thành phố bắt đầu thu hồi tiền Đông Dương, tiền tệ được lưu thông bình thường. Những hành vi buôn bán tiền chợ đen, lũng đoạn thị trường đều bị nghiêm trị…

Mậu dịch Quốc doanh mở cửa để giải quyết nhu cầu cho đồng bào. Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường sau ngày giải phóng. Hà Nội bước sang một trang sử mới. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)Công tác trật tự trị an được đặc biệt chú trọng. Nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng được Ủy ban Quân chính hết sức quan tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện một cách chi tiết.

Các trường được mở lại sau ngày 15/10. Ba đoàn nghệ thuật sân khấu (Kim Chung, Kim Phụng, Lạc Việt); 16 rạp chiếu phim, Đài phát thanh Quán Sứ, Phòng thông tin Tràng Tiền, 140 hiệu sách, 100 hiệu ảnh… của xã hội cũ đều được tổ chức, quản lý lại, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phấn khởi phục vụ đại chúng. Công tác khám chữa bệnh cho người dân cũng được đặc biệt chú trọng. Ủy ban Quân chính cử cán bộ ngành y quản lý 5 bệnh viện của Nha y tế Bắc Việt và các cơ sở y tế của quân đội Pháp; đồng thời, quản lý 935 y bác sĩ, nhân viên ngành y tế của chính quyền cũ đã ở lại thành phố khám chữa phục vụ nhân dân.

Từ 11/9 đến 4/11/1954 là quãng thời gian hết sức ngắn ngủi nhưng Ủy ban Quân chính do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch và các ủy viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiếp quản và ổn định về mọi mặt, thực sự là “kỳ công của nhân dân ta mà kẻ địch phải hoảng sợ và toàn thế giới đều khen ngợi. Với riêng tướng Vương Thừa Vũ, những ngày điều hành thành công Ủy ban Quân chính đã là minh chứng cho thấy ông không chỉ là danh tướng tài ba, vị chỉ huy mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm lịch sử, người Đại đoàn trưởng dẫn đầu Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, mà còn là nhà lãnh đạo tài năng, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình, làm tốt mọi nhiệm vụ tiếp quản, giải quyết những vấn đề phát sinh, đem lại sự yên bình cho Thủ đô và niềm tin cho Nhân dân vào chính quyền mới.

Chủ tịch TP Trần Duy Hưng trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. (Ảnh tư liệu)Bác sĩ Trần Duy Hưng - Nhà lãnh đạo của những quyết sách linh hoạt

Nếu việc tổ chức bảo vệ thành thị, trấn áp bọn phản cách mạng, chống lại chính quyền nhân dân, phá hoại kinh tế… thuộc về trách nhiệm của Ủy ban Quân chính thì việc xây dựng các cơ quan chính quyền thành thị, nâng cao trình độ sinh hoạt tinh thần và vật chất của nhân dân… được giao cho Ủy ban Hành chính TP Hà Nội, được thành lập ngày 4/11/1954 do bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch.

Từ sự ra đời của Ủy ban hành chính TP Hà Nội, hệ thống chính quyền HN từ thành phố đến cơ sở cũng được thiết lập, kiện toàn, cả Hà Nội chia ra 36 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành gồm 46 xã, mỗi khu phố có một Ủy ban Hành chính khu phố. Chỉ sau một tháng ra đời, Ủy ban Hành chính Hà Nội đã nhanh chóng thay thế vai trò Ủy ban Quân chính, chủ động trong việc tổ chức và quản lý thủ đô Hà Nội.

Dĩ nhiên, nói tới thành công của Ủy ban Hành chính Hà Nội không thể không nhắc tới vị Chủ tịch Trần Duy Hưng. Hà Nội sau ngày giải phóng bộn bề trăm việc, từ ổn định đời sống và giải quyết việc làm cho nhân dân, khai hoang phục hóa, chống đói, xóa nạn mù chữ đến củng cố chính quyền từ TP xuống các quận, khu phố, làng xã… và vị Chủ tịch Trần Duy Hưng cũng không lúc nào ngơi nghỉ, nhưng dường như không nề hà bất cứ việc gì. Làm Trưởng ban Xóa nạn mù chữ, Chủ tịch Trần Duy Hưng xuống tận các ngõ xóm lao động ở Hai Bà Trưng, Đống Đa thăm hỏi, động viên Nhân dân tham gia các lớp bình dân học vụ buổi tối. Kết thúc ba năm thi đua diệt giặc dốt, Hà Nội được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai về thành tích thanh toán xong nạn mù chữ, trong đó có công lao to lớn của vị Chủ tịch tận tụy và mẫn cán.

Sau này, với những quyết sách mạnh mẽ, trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã giúp Hà Nội có được nhiều thành tựu lớn như: năng suất lúa của Hà Nội cao nhất miền Bắc, hoạt động công - thương nghiệp đi đầu cả nước; lá cờ đầu về phong trào Năm xung phong và Ba sẵn sàng… Chính ông cũng là người đưa ra tầm nhìn chiến lược khi muốn đưa sông Hồng trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển không gian Hà Nội, gắn với những lợi ích kinh tế cụ thể.

Là vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa, là người đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch thành phố lâu nhất, tổng cộng 24 năm… với người dân Hà Nội, đó là “Vị Chủ tịch thành phố lâu nhất, giỏi nhất và được dân yêu nhất”. Đó là phần thưởng vô giá khác dành cho một con người tài năng, đức độ, thanh liêm, hết lòng vì dân./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận