Mưa lớn 'trăm năm có một' ở châu Âu: Thế giới vật lộn với thời tiết cực đoan

Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nếu biến đổi khí hậu còn gia tăng.

 

Báo chí gọi đợt mưa lớn đang nhấn chìm cả Trung và Đông Âu trong biển nước và khiến nhiều người thiệt mạng cùng những tổn thất nặng nề về nhà cửa, cơ sở hạ tầng là mưa lớn trăm năm có một ở lục địa già. Hơn thế, đó là cái giá rất đắt của việc biến đổi khí hậu đang dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có tiền lệ.

Lục địa già và trận bão lụt thảm khốc chưa từng có trong gần 20 năm

Ngày 14/9, con bão mang tên Boris với sức gió cực mạnh kèm mưa lớn sau đó đã đổ bộ vào châu Âu, trong đó, đối tượng hướng đến của cơn bão này là Trung và Đông Âu, chịu tác động nặng nề nhất là Áo, Czech, Hungary, Romania và Slovakia. "Tôi đã sống ở đây 16 năm và chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt đến mức này", một cư dân tên Judith Dickson sống tại thành phố Sankt Poelten (Áo) chia sẻ trong thảng thốt. Và Judith Dickson không phải là cư dân châu Âu duy nhất hoảng loạn vì trận mưa bão lần này. "Nước tràn vào nhà, phá hủy các bức tường, mọi thứ", Sofia Basalic (60 tuổi), cư dân làng Pechea của Romania, thuộc vùng Galati, thốt lên. "Đây là thảm họa có quy mô khủng khiếp", Emil Dragomir, thị trưởng của Slobozia Conachi, ngôi làng ở Galati, với 700 ngôi nhà đã bị ngập lụt cho biết.

Một người dân di chuyển qua con phố ngập trong biển nước sau cơn mưa lớn tại Liege, Bỉ. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Còn Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu khẳng định: "So với năm 2013, lượng nước nhiều hơn gần gấp ba lần. Thật khó để ứng phó với cơn thịnh nộ của thiên nhiên". Tổng thống Romania Klaus Iohannis thì nhấn mạnh: “Trận lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến phần lớn đất nước, gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng”. “Chúng ta phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất”, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala nhấn mạnh. Báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất đã được ban hành ở một số khu vực của Ba Lan, Đức, Cộng hòa Czech, Áo và Slovakia. Cụ thể, trang web cảnh báo thời tiết của châu Âu Meteoalarm đã cảnh báo hiện tượng mưa lớn do bão Boris gây ra là “hiện tượng khí tượng dữ dội" và "có khả năng gây ra thiệt hại lớn”.

Tại Cộng hòa Czech, mực nước sông đã đạt mức cao nguy hiểm ở hàng chục khu vực, khiến chính quyền phải sơ tán hàng trăm người, bao gồm một bệnh viện ở thành phố lớn thứ hai Brno, để tránh lũ lớn. Một số thị trấn và thành phố ở phía đông bắc đã bị nhấn chìm, khiến hàng ngàn người phải sơ tán. Trực thăng quân sự đã tham gia cùng lực lượng cứu hộ trên thuyền để sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tại Ba Lan, do ảnh hưởng của bão Boris đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 2.600 người phải sơ tán chỉ trong ngày 16/9. Ở thành phố Klodzko, nhiều tuyến phố bị ngập úng và các cửa hàng vỡ kính cửa sổ. Nước lũ cũng đã nhấn chìm thành phố Glucholazy ở khu vực giáp biên giới Cộng hòa Séc, buộc nhiều cư dân phải tạm tránh trú trong một trường học. Các trường học và văn phòng ở những khu vực bị ảnh hưởng đã đóng cửa vào ngày 16/9. Nhiều thành phố của Ba Lan, bao gồm cả Warsaw, đã kêu gọi quyên góp thực phẩm cho những người sống sót sau trận lũ. Chính quyền Romania ngày 16/9 cho biết, có thêm 1 người tử vong ở hạt Galati, phía đông đất nước, nâng tổng số người tử vong ở đây lên 7 người. 4 người đã thiệt mạng ở Romania, nơi mưa lớn khiến hàng trăm người mắc kẹt trong các khu vực bị ngập. Các dịch vụ cứu hộ đã được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng, trong khi chính quyền ghi nhận lượng mưa ngày cao điểm là lớn nhất trong 100 năm.

Một toa tàu bị trật bánh do mưa lớn gần thị trấn Rochefort ở Bỉ. (Ảnh: AFP/Getty Images)Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán phải hủy các chuyến công du nước ngoài đã lên kế hoạch khi nước sông Danube dâng rất cao đe doạ tràn vào các bến cảng phía dưới của thành phố. Tại thủ đô Budapest của Hungary, các quan chức đã nâng dự báo mực nước sông Danube lên hơn 8,5m, gần mức kỷ lục 8,91m vào năm 2013. Reuters ngày 17/9 đưa tin, các con sông vẫn tiếp tục tràn bờ ở Czech, trong khi mực nước sông Danube đang dâng cao ở Slovakia và Hungary, và một số khu vực ở Áo và Romania cũng bị ngập trong nước lũ. Cho đến nay, hàng chục nghìn hộ gia đình tại Czech và Ba Lan vẫn không có điện hoặc nước ngọt. Ngày 17/9, các nhà chức trách cho biết số người thiệt mạng do thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt từ bão Boris gây ra ở Trung Âu đã tăng lên 22 nạn nhân. Cơ quan xếp hạng tín dụng Morningstar DBRS ước tính, thiệt hại do lũ lụt trên khắp Trung Âu sẽ có thể lên đến hơn một tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD).

Thời tiết ngày càng cực đoan và cái giá phải trả của nhân loại

Sự bất thường và sức công phá kinh hoàng của bão Boris đã khiến các nhà khoa học ngay lập tức phải vào cuộc. Theo những phân tích mới nhất, bão Boris là sự kết hợp hy hữu của các hiện tượng thời tiết. Nó bắt đầu khi một đợt không khí bất thường từ Bắc Cực va chạm với khí ấm bất thường từ miền Đông châu Âu. Không khí lạnh của Bắc Cực và không khí nóng ẩm của Đông và Nam Âu va chạm với nhau rồi hình thành một khu vực áp suất thấp gây bão. Không chỉ có thế, theo nhiều phân tích, lũ lụt kỷ lục ở Trung và Đông Âu là do tập hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu với độ ẩm đạt kỷ lục trên toàn cầu vào mùa hè năm nay đã “thêm dầu vào lửa”, làm cơn bão mạnh lên khi được bổ sung độ ẩm cũng như làm gia tăng lượng mưa lớn bất thường. Trước khi xảy ra lũ, lụt, Trung và Đông Âu đã trải qua một giai đoạn nóng đỉnh điểm hồi đầu tháng 9, nhiệt độ mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất.

Sạt lở nghiêm trọng tại thị trấn Erftstadt, phía tây nam thành phố Cologne, Đức khiến nhiều ngôi nhà bị sập, sụt lún. (Ảnh: AP)Không chỉ châu Âu, liên tiếp những thảm hoạ thiên tai khắp thế giới từ đầu năm tới nay cho thấy nhân loại ngày càng phải vật lộn với những hiện tượng thời tiết ngày càng dị thường và cái giá loài người phải trả cho biến đổi khí hậu sẽ ngày càng lớn. Đơn cử như hồi tháng 5/2024, thời tiết khắc nghiệt gây mưa lũ nghiêm trọng, càn quét nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại châu Âu, tình trạng lũ lụt do mưa lớn và bão đang tàn phá hàng loạt khu vực tại châu Âu như miền Bắc Italy, Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan... Số các ca thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất từ tháng 6 đến nay tại Ấn Độ đã lên đến gần 300 người, tại Nepal hơn 170 người… Mới đây nhất (ngày 16/9), bão Beninca lại đổ bộ vào Thượng Hải, Trung Quốc. Với sức gió tối đa đạt 151km/giờ ở gần mắt bão, Bebinca đã tấn công thành phố gần 25 triệu dân sáng 16/9, được xem là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải kể từ bão Gloria năm 1949.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra tất cả những thảm hoạ thiên tai tồi tệ trên, không gì khác vẫn là “thủ phạm rất cũ”: biến đổi khí hậu. Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nếu biến đổi khí hậu còn gia tăng. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các vấn đề liên quan đến khí hậu đã gây ra 85.000 - 145.000 ca tử vong trên khắp châu Âu trong 40 năm qua. Rõ ràng, tình trạng ấm lên toàn cầu nhanh chóng càng làm tăng thêm nhiều khó khăn cho châu Âu cũng như toàn cầu trong việc ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lan rộng - từ các đợt nắng nóng và cháy rừng ảnh hưởng đến châu Âu cho đến các trận lụt thảm khốc ở Bangladesh.

Một cây cầu bị hư hại khi nước tràn bờ sông Ahr ở Schuld, Đức. (Ảnh: AP)Sau cơn bão Boris, Tổng thống Romania Klaus Iohannis - nguyên thủ của một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của trận bão lụt lịch sử này, đã lên tiếng trên Facebook: "Chúng ta phải tiếp tục tăng cường năng lực dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan”, và rằng “Chúng ta một lần nữa phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu, điều ngày càng hiện diện rõ ràng trên khắp lục địa châu Âu với tác động nghiêm trọng đến con người”. Thậm chí Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa lên tiếng cảnh báo, nhiều rủi ro đã ở mức nghiêm trọng, có thể trở thành thảm họa nếu không hành động khẩn cấp và quyết đoán và rằng ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu phải là “một trong những ưu tiên hàng đầu”.

Theo số liệu của Cơ quan môi trường Liên minh châu Âu, lục địa này đang nóng lên nhanh nhất thế giới với tốc độ gấp đôi toàn cầu, khiến nguy cơ lũ lụt và nắng hạn luôn thường trực. Các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, hạn hán ngày càng tăng ở khu vực Nam và Bắc Âu, còn các nước ở vùng ven biển trũng lại đối mặt với nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn. Theo thống kê, cứ 8 người châu Âu thì có 1 người đang sống ở những khu vực có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng. 

Nhưng ưu tiên và hành động như thế nào để chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả lại là điều không dễ dàng, bởi thực tế đã chứng minh, muốn chống được biến đổi khí hậu trước hết phải chấp nhận hy sinh về lợi ích kinh tế. Thực tế đã chứng minh, tất cả các hoạt động phát triển kinh tế đều gây nên phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu. Các thông điệp cắt giảm bớt phát thải, đều rất có khả năng xung đột với các kế hoạch phát triển kinh tế. Vì thế, đây là bài toán nan giải không chỉ với riêng quốc gia nào./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận