Nhiều năm qua, là tuyến đường được người di cư, những kẻ buôn người lựa chọn để thâm nhập trái phép vào Anh, eo biển Manche trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với không ít người. Bởi chính trên tuyến đường biển này, hàng chục vụ lật tàu thảm khốc đã nhấn chìm sinh mạng của hàng trăm người di cư bất hạnh. Và chừng nào di cư bất hợp pháp còn là bài toán khó thì chừng ấy cơ ác mộng trên tuyến đường qua eo biển Manche vẫn chưa hẹn ngày kết thúc.
“Eo biển tử thần” hay tuyến đường của những thảm kịch
Nằm giữa nước Anh và nước Pháp, eo biển Manche là một đoạn biển dài khoảng 560km. Với chỗ rộng nhất là 240km, chỗ hẹp nhất là 34km và chỗ sâu nhất chỉ khoảng 172m, đây là biển nông nhỏ nhất quanh thềm lục địa châu Âu. Sóng to và nhiều dòng hải lưu mạnh, nhưng nơi đây từ lâu đã được người di cư, tị nạn chọn lựa là cung đường vượt biển để đến Anh chỉ bằng những con thuyền nhỏ. Thảm kịch xảy đến cũng từ sự lựa chọn đầy mạo hiểm đó.
Trước vụ lật thuyền ngày 3/9, khiến ít nhất 12 người di cư thiệt mạng, những thông tin đại loại “người di cư trên đường qua eo biển Manche” đã là một từ khoá quen thuộc trên các trang tìm kiếm với rất nhiều những thảm kịch đã xảy đến tại vùng eo biển này.
Theo truyền thông Pháp, tai nạn xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Boulogne-sur-Mer thuộc tỉnh Pas-de-Calais ở phía Tây Bắc nước Pháp khiến ít nhất 12 người thiệt mạng khi cố vượt eo biển Manche nối giữa Pháp và Anh. Con thuyền chở người di cư được làm bằng chất liệu nhựa bán cứng được đánh giá là thiếu an toàn và không phù hợp để vượt biển Manche. Do phải chở khoảng 70 người nên con thuyền đã bị quá tải, nhanh chóng bị lật chìm sau khi rời bờ chỉ khoảng 5km do sóng lớn.
Nhà chức trách Pháp cho biết các tàu tuần duyên Minck và Abeille Normandie của Pháp đã kịp thời có mặt, cứu hộ được 51 người nhưng ít nhất 12 người đã chết và nhiều người vẫn đang mất tích. Kể từ đầu năm, đã xảy ra 8 vụ chìm thuyền chở người di cư tại Boulogne-sur-Mer, trong đó 33 người thiệt mạng. Đây cũng là con số cao nhất trong các bờ biển của Pháp.
Tới thời điểm hiện tại, mới chỉ đầu tháng 9 nhưng đã có ít nhất 25 người di cư được ghi nhận thiệt mạng khi vượt biển eo biển Manche. Thảm kịch gần đây nhất, trước sự việc ngày 3/9 là 4 người di cư thiệt mạng khi tìm cách vượt eo biển Manche đến Anh trong đêm 11/7, ngày 23/4, 5 người di cư thiệt mạng ngoài khơi bờ biển Pháp sau khi cố gắng thực hiện hành trình nguy hiểm này.
Nhà chức trách Anh cho biết, số người di cư vượt eo biển Manche để nhập cư bất hợp pháp vào Anh đã tăng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2024 với 21.615 người. Từ năm 2018 đến nay, tổng cộng đã có gần 136.000 người di cư đã vượt qua eo biển từ Pháp trên những chiếc thuyền tạm bợ để vào Anh.
Thảm khốc nhất từ trước đến nay có lẽ là sự vụ xảy đến vào tháng 11/2021 khi 27 người di cư đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở eo biển Manche. Thời điểm đó, Anh, Pháp được cho là đã khẩu chiến gay gắt xung quanh vụ việc. Nếu không có những vụ giải cứu ngoạn mục, số người di cư bỏ mạng trên vùng biển này còn cao hơn nhiều lần.
Điều đáng nói là thảm kịch xảy đến liên tục nhưng vẫn không cản được “giấc mơ Anh” của người di cư. Hơn 100.000 người di cư đã vượt qua eo biển Manche trên những chiếc tàu nhỏ từ Pháp đến vùng Đông Nam nước Anh kể từ khi Anh bắt đầu công khai ghi nhận số người di cư đến đây vào năm 2018. Mới đây nhất, hồi tháng 8/2024, nước Anh đã phát hiện 18.342 người di cư trái phép qua eo biển Manche, cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những nỗ lực ngăn chặn bi kịch bất thành
Là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động di cư bất hợp pháp, Bộ Quốc phòng Anh từng lên tiếng cho hay tình trạng liên tục gia tăng các vụ vượt biển “nguy hiểm” đến nước này là không thể chấp nhận được. Chưa kể, làn sóng người di cư bất chấp nguy hiểm vượt eo biển Manche để đến Anh khiến nước này đứng trước sức ép lớn về an ninh và an sinh xã hội. Bộ Nội vụ Anh từng cho biết, mỗi ngày chính phủ nước này đã phải chi tới 6,8 triệu bảng Anh để cung cấp nơi tạm trú cho những người di cư.
Hàng loạt biện pháp nhằm siết chặt kiểm soát dòng người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua eo biển Manche đã được Chính phủ Anh đưa ra, đơn cử như việc tăng mức xử phạt nếu chủ lao động và chủ nhà cho người nhập cư trái phép làm việc hoặc thuê nhà. Anh cũng đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước trong giải quyết vấn đề di cư như hỗ trợ Trung tâm cảnh sát mới của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch chung chống đường dây buôn người và buôn bán tàu, thuyền chở người di cư bất hợp pháp.
Về phần mình, nhiều năm qua, Pháp cũng tăng cường nỗ lực chống di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche, trong đó có việc bắt tay cùng chính phủ Anh. Mới đây nhất, ngày 18/7, trong cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) diễn ra tại Anh, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát di cư trái phép và chống lại các băng đảng tội phạm đứng sau các vụ vượt biên bằng thuyền.
Dù vậy, việc số lượng người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche không ngừng gia tăng, bất chấp mọi hiểm hoạ rình rập đã cho thấy, mọi nỗ lực từ hai chính phủ Anh, Pháp vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn, thậm chí đó vẫn là bài toán khó chưa có lời giải khi những sách lược về hạn chế người nhập cư liên tục vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Đầu tháng 7/2024, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hủy bỏ kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda, một kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ tiền nhiệm. Dự luật đã gây ra rạn nứt trong chính đảng của cựu Thủ tướng Sunak, khi những người cánh hữu cho rằng nó chưa đủ cứng rắn, còn giới ôn hòa hơn trong đảng Bảo thủ lo ngại rằng nó đã đi quá xa. Thay vào đó, để kiểm soát vấn đề người nhập cư, Chính phủ Anh đang triển khai thành lập Bộ Tư lệnh An ninh biên giới, với tham vọng giải quyết tận gốc rễ nạn buôn người và kế hoạch hồi hương người di cư về quốc gia mà họ đã ra đi.
|
Và một khi những nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư còn bất thành thì thảm kịch cùng những ác mộng trên dòng biển Manche sẽ còn xảy đến. Giấc mơ phù hoa chưa thấy đâu thì mạng người đã đổ xuống giữa biển cả khôn cùng./.
Hà Anh