'Ứng vạn biến' để giữ vững tự do độc lập, cải tạo, kiến thiết đất nước

'Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn'. Nhưng, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực ứng vạn biến

 

Ngày 2/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Mặc dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, trong bộn bề gian khó, ngổn ngang của những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, nhưng Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam mới vẫn nỗ lực để hiện thực hoá cam kết “giữ vững tự do độc lập và cải tạo, kiến thiết đất nước sau bao năm bị giặc tàn phá”.

Từ những cam kết trong Tuyên cáo ngày thành lập

Ngày 27/8/1945, chỉ hai ngày sau khi từ Khu giải phóng Việt Bắc về đến Thủ đô Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng (do Đại hội quốc dân họp ngày 16/8/1945 tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang cử ra), trong đó có nội dung đề nghị thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia, bao gồm cả những đại biểu của các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ danh vọng không đảng phái. Tán thành đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ một ngày sau (28/8/1945), Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ mới và công bố danh sách Nội các thống nhất quốc gia.

Cuộc họp Chính phủ đầu tiên sau ngày Quốc khánh 2/9/1945. (Ảnh tư liệu).Bản Tuyên cáo nói rõ lý do, hoàn cảnh ra đời của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Toàn quốc đại biểu hội họp ngày 16, 17/8/1945 đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức là Chính phủ Nhân dân lâm thời Việt Nam để lãnh đạo nhân dân tranh đấu giành quyền độc lập”. “Sau ngày lịch sử 19/8/1945, chính quyền toàn quốc đã vào trong tay Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Toàn dân tộc đúc thành một khối ủng hộ chính quyền mới. Thể lòng dân nhà Vua cũng vui lòng thoái vị nhường quyền cho Chính phủ Nhân dân lâm thời. Phong trào cứu quốc cao vọt. Các tầng lớp nhân dân sôi nổi một bầu nhiệt huyết. Ai nấy đều sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Nhân dân lâm thời sẵn sàng đứng dậy chống ngoại xâm, phá âm mưu khôi phục nền thống trị của Pháp” - Tuyên cáo nhấn mạnh.

Đặc biệt, Tuyên cáo chỉ rõ Chính phủ Lâm thời không phải là “Chính phủ riêng của mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm đại biểu của các chính đảng. Chính phủ ấy là một “Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà chính thức”.

Sắc lệnh số 19 và 20 ngày 8/9/1945 về thiết lập lớp học bình dân cho nông dân thợ thuyền và bắt buộc học chữ quốc ngữ. (Ảnh TL)

Từ trọng trách ấy, Tuyên cáo kêu gọi toàn thể quốc dân đoàn kết một lòng với khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết, Tranh thủ hoàn toàn độc lập”, làm hậu thuẫn cho Chính phủ Lâm thời để giữ vững tự do độc lập và cải tạo, kiến thiết đất nước sau bao năm bị giặc tàn phá.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về độc lập của dân tộc Việt Nam và sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trong ngày lịch sử ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi nhân dân góp gạo chống giặc đói.Chính phủ lâm thời có 15 vị, 13 bộ trong đó: Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp; Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn; Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu; Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền; Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà; Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh; Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch; Bộ trưởng Giao thông Công chính Đào Trọng Kim; Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng; Bộ trưởng Cứu tế Xã hội Ngô Văn Tố; Ủy viên Chính phủ Cù Huy Cận; Ủy viên Chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

So với Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, thành phần của Chính phủ lâm thời gồm nhiều đại diện của các đảng phái, đoàn thể, mang tính dân chủ hơn, mở rộng thành phần tham gia, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân. “Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ về vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ mới. Từ đây, bộ máy tổ chức nhà nước được hình thành và dần hoàn thiện để lãnh đạo nhân dân củng cố, xây dựng chính quyền và giành độc lập hoàn toàn.

Các tầng lớp nhân dân thủ đô nô nức đi ủng hộ “Tuần lễ vàng”.Đến những quyết sách linh hoạt để tái thiết đất nước

Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 khi Cách mạng tháng 8 thành công đến tháng 11/1946 - trước ngày toàn quốc kháng chiến, một quãng thời gian không dài, nhưng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trải qua 5 lần cải tổ, từ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đến Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chính phủ kháng chiến - Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Điều đó cho thấy tầm nhìn và sự sáng tạo cũng như quan điểm “ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bộ máy Chính phủ có thể theo kịp với những biến đổi mau lẹ của thời cuộc. Trong đó, những quyết sách linh hoạt, những ứng phó nhanh lẹ của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là minh chứng điển hình.

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau Lễ độc lập, 15 thành viên của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Cũng ngay trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần phải được giải quyết ngay lập tức. Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được phát cho người nghèo”. Thứ hai, giải quyết nạn dốt, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Thứ ba, phải có một hiến pháp dân chủ và đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Thứ tư, phải giáo dục nhân dân từ bỏ những tật xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hóa dân ta, “mở cuộc chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”. Thứ năm, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”. Thứ sáu, tuyên bố: tín ngưỡng tự do Lương-Giáo đoàn kết.

Từ 6 nhiệm vụ cấp bách ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay lập tức thực thi bằng hàng loạt Sắc lệnh liên tiếp ra đời sau đó. Trong đó, tác động nhiều hơn cả là việc ngày 4/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập; ngày 7/9/1945, ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, ngày 8/9/1945, ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, ngày 20/10/1945, ra Thông tư giảm tô 25% so với mức địa tô trước Cách mạng; ngày 26/10/1945, ra Nghị định giảm thuế ruộng 20%.

Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Việt Nam Dân quốc Công báo năm 1945, số 1, trang 01 - 02.Đặc biệt, trước nạn đói hoành hành, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp kêu gọi toàn dân chống nạn đói, phát động chiến dịch cứu đói, kêu gọi mọi người nhường cơm xẻ áo đồng thời hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất.

Bên cạnh những sắc lệnh tác động đến đời sống dân sinh xã hội, Chính phủ lâm thời còn liên tiếp cho ra đời những sắc lệnh mang tính lịch sử tới nền dân chủ như việc ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội); Ngày 20/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Củng cố nền hành chính quốc gia cũng là một trong những việc được Chính phủ đầu tiên của đất nước hết sức chú trọng. Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Sau khi có Sắc lệnh số 63-SL, ở Bắc Bộ, trong số 227 huyện và thị xã, có 128 huyện và thị xã đã bầu được Ủy ban hành chính chính thức. ở Trung Bộ, trừ các tỉnh trực tiếp kháng chiến, tất cả các tỉnh còn lại đều đã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính chính thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên (3/9/1945).

Đáng chú ý nữa là việc ngày 31/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Ủy ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác.

Không chỉ là các công việc đối nội, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu còn rất chú trọng công tác đối ngoại, gìn giữ, bảo vệ nền độc lập. Đơn cử như việc ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện văn tới Tổng thống Mỹ khẳng định địa vị pháp lý của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế, trong việc giải quyết các vấn đề của Việt Nam và khu vực.

V.I. Lênin từng tổng kết: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Nhưng, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong vạn sự gian nan bủa vây, trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài”, đã nỗ lực hết sức, ứng biến linh hoạt, sáng tạo, để gìn giữ và củng cố thành công chính quyền vừa giành được. Như nhìn nhận của Giáo sư Đặng Phong: “Trong hoàn cảnh nghiệt ngã lúc đó, lụt và hạn hoành hành, giặc ngoại xâm hoành hành, tiền và phương tiện gần như không có gì, giống má cạn kiệt, trâu bò chết gần hết…, mà đánh thắng được giặc đói, thắng một cách oanh liệt thì quả là một kỳ công… Đó là sự nỗ lực của toàn dân. Nhưng không chỉ đơn giản là như vậy. Còn phải kể đến một nhân tố vô cùng quan trọng nữa: nhờ có chính quyền cách mạng, nhờ tài tổ chức của chính quyền đó”./. 

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận