Vị Đại tướng huyền thoại và cách mạng mùa Thu tháng Tám

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Nói đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, bên cạnh vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của Việt Nam và thế giới. “Vâng lệnh cụ Hồ, ông Võ Nguyên Giáp đã biến mệnh lệnh ấy thành hành động mang tầm chiến lược. Thứ nhất, với tư tưởng người trước súng sau, khơi thêm nước cho cá vẫy vùng. Một mặt xây dựng mở rộng khu giải phóng, củng cố khu giải phóng. Thứ hai, ông là người đề xuất mở trường quân chính kháng Nhật để đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự đầu tiên, sau trở thành những cán bộ nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa" - PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, từng nhận định.

Xây dựng lực lượng quân sự cho cách mạng

Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp - thời điểm đó, là nhà cách mạng trẻ mới 29 tuổi, vừa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi từ Huế đến Hà Nội - được cho là có cuộc gặp gỡ đầu tiên với “đồng chí Vương” tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc. Năm 1942, một năm sau khi trở về Tổ quốc xây dựng lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng, liên tục nhắc nhở “đồng chí Văn” rằng phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự.

Thực ra, trước đó, trong thời gian ở Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp nên đã giới thiệu ông đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An. Và dấu ấn lịch sử là việc tháng 12/1944, Người giao Võ Nguyên Giáp chọn lựa những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất với những vũ khí tốt nhất, lập thành một đội vũ trang mang tên là “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Thời điểm đó, một lần nữa, Bác nhắc lại: Việc quân sự thì giao cho chú Văn.

Sắc lệnh số 7 về buôn bán và chuyên chở thóc gạo do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ngày 5/9/1945.

Không phụ lòng tin tưởng, trông đợi của Bác, ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Tại lễ ra mắt, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Các đồng chí! …Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Ngay sau đó là đánh thắng trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế đấu tranh cách mạng cho toàn dân. Lực lượng quân sự cho cuộc cách mạng mùa Thu được đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp xây dựng đã ra đời từ thời điểm ấy. Và cũng từ thời khắc ấy, quân đội ta từ vỏn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ trở thành quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng ngày hôm nay.

Bộ trưởng trẻ nhất của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trong cuốn hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” do nhà văn Hữu Mai thể hiện, “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chia sẻ nhiều hồi ức vô giá về những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng mùa Thu. Đại tướng cho biết, vào những ngày này, ông cùng các đồng chí trong Ủy ban Dân tộc giải phóng được phân công về Hà Nội trước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ lâm thời (theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong lần ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 9/1945. (Ảnh: TTXVN)Ngày 28/8/1945, theo đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cơ cấu gồm 13 bộ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và trong danh sách 13 thành viên của Chính phủ lâm thời có tên nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp. Ông được giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị... 

Một điều ít người biết tới là từ năm 1934 đến năm 1937, nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp đã từng theo học và tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Luật của Đại học Đông Dương - nơi đã đào tạo nhiều luật sư, luật gia nổi tiếng như luật gia Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe. Đó có lẽ là một trong những nguyên cớ khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn vị đại tướng trẻ cho vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Với một chính quyền còn quá non trẻ, Bộ Nội vụ với những công việc được giao như nghiên cứu xây dựng, kiện toàn chính quyền nhà nước các cấp… thực sự là những trọng trách. Năm đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp mới 34 tuổi. Điều này cho thấy sự tin cậy và kỳ vọng đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho ông.

Dù chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khoảng thời gian vỏn vẹn 6 tháng nhưng Bộ trưởng 34 tuổi Võ Nguyên Giáp thời điểm ấy đã là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thấu hiểu sự tin cậy ấy, dù mọi thứ đều hết sức mới mẻ, dù phải đối mặt với bộn bề khó khăn của những ngày đất nước trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”… Bộ Nội vụ dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp vẫn khẩn trương bắt tay vào việc thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao phó. Trong đó, “đầu việc” cần kíp nhất là tham gia xây dựng các thể chế cho nền hành chính dân chủ và pháp quyền; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương...

Danh sách thành viên Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 1/1/1946.

Sau cách mạng tháng Tám, hệ thống chính quyền cách mạng trong buổi đầu chưa thống nhất đồng bộ, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xây dựng cho được hệ thống chính quyền địa phương thống nhất, có sức mạnh, củng cố được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền cách mạng, ngăn chặn được âm mưu phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch từ cấp cơ sở. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã kịp thời đề xuất những biện pháp để khắc phục, mở đầu bằng việc, cuối tháng 10/1945, Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã được thành lập, do đích thân Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban.

Bên cạnh đó,  Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và các ủy viên, Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL ngày 22/11/1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban Hành chính (UBHC), trong đó nêu rõ: “Hội đồng nhân dân do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, và là cơ quan đại diện cho nhân dân. Ủy ban Hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra, và là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho nhân dân, vừa đại diện cho chính phủ”.

Dù chỉ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khoảng thời gian hơn 6 tháng (từ ngày 28/8/1945 đến 2/3/1946) nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh, trong đó có khoảng 30 sắc lệnh do chính ông ký, có tính chất pháp quy hành chính trên nhiều ngành/lĩnh vực như chỉ đạo giải tán các tổ chức chính trị phản động, xóa bỏ các chế độ, chính sách của chính quyền thực dân phong kiến; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân. Các sắc lệnh ông ký đã mang lại lợi ích to lớn cho một chính quyền cách mạng còn non trẻ với thù trong, giặc ngoài.

Có thể nói, Bộ trưởng 34 tuổi Võ Nguyên Giáp thời điểm ấy đã là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận