Sợ kết hôn, ngại sinh con từ rất nhiều năm nay đã là thực trạng ngày càng đáng báo động của giới trẻ Trung Quốc. Vấn nạn này không những đi ngược với truyền thống văn hóa Trung Quốc vốn rất coi trọng hôn nhân mà còn được dự báo nếu kéo dài, sẽ trở thành mối đe dọa tiềm tàng khôn lường đối với đất nước tỷ dân.
Thế hệ 6K và slogan “hôn nhân không nằm trong kế hoạch ưu tiên”
6K là cách nói đầy ẩn ý của báo chí về thế hệ đang nguyện tôn thờ “6 Không”, đó là: “Không nghề, không tiền, không nhà, không vị thế, không kết hôn, không sinh con” đang có chiều hướng ngày càng đông đảo tại Trung Quốc. Không tiền hay còn được mô tả là nghèo túng, chỉ giàu các khoản nợ là bởi theo một số thống kê, có tới 77% người trẻ tuổi Trung Quốc (ước tính chiếm khoảng 40% dân số) đang… vay tín dụng, trong đó, có tới 51% được các tổ chức cho vay xem là… không đủ khả năng chi trả.
Cũng bởi thực trạng “không nghề, không tiền, không nhà, không vị thế” ngày càng phổ biến nên từ đó, khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng chuộng 2K khác, đó là “không kết hôn, không sinh con”. Thậm chí, theo nhiều nhà quan sát, “không kết hôn, không sinh con” nhiều năm qua đã không còn là hiện tượng được ưa chuộng mà đã trở thành thực trạng ngày càng đáng báo động tại Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức công bố mới đây bởi Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng các cặp đôi kết hôn trong nửa đầu năm 2024 tại quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013 và dự báo, số lượng đăng ký kết hôn tại Trung Quốc cho cả năm 2024 rất có thể sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980 khi nước này ghi nhận 7,2 triệu cặp đôi kết hôn. Từng đạt mức cao kỷ lục 13,46 triệu trong cả năm 2013, số lượng đăng ký kết hôn tại Trung Quốc bắt đầu giảm kể từ năm 2014. Con số này giảm xuống dưới 10 triệu vào năm 2019 và tiếp tục giảm xuống còn 6,83 triệu vào năm 2022. Ngoài câu chuyện sợ kết hôn còn là thực trạng ngày càng nhiều người Trung Quốc đang trì hoãn cuộc sống hôn nhân, với độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu tăng lên 28,67 vào năm 2020 từ mức 24,89 vào năm 2010.
Theo nhiều chuyên gia, nỗi sợ căn cốt nhất, lớn nhất, mang tính gốc rễ nhất của thực trạng “sợ hôn nhân, ngại sinh con” tại Trung Quốc đó là việc giới trẻ nước này, nhất là phụ nữ, ngại mất đi tính độc lập mà bao lâu này, từ thực tế truyền thống văn hoá gia đình của nước này, họ mới tạo dựng được.
|
Hệ lụy của những ám ảnh
“Tất cả chúng ta đều cảm thấy cuộc sống đô thị hiện đại rất thuận tiện để có thể chọn cuộc sống độc thân. Hơn nữa, việc kết hôn và sinh con gần như đồng nghĩa với sự căng thẳng, áp lực trong cuộc sống đối với những người trẻ tuổi”; “Nghĩ về việc kết hôn khiến chúng tôi căng thẳng hơn là hạnh phúc”; “kinh tế không cho phép nên quyết định không sinh con"; “Tôi là một phụ nữ trưởng thành. Tôi muốn có một sự nghiệp vững chắc và những mối quan hệ tốt trước. Tôi chỉ không muốn bị ràng buộc vào cuộc sống gia đình quá sớm”… đó là cách mà giới trẻ Trung Quốc lý giải về xu hướng 2K “không kết hôn, không sinh con” hay “Double Income, No Kids” - tăng thu nhập, không có con mà họ ngày càng ưa chuộng.
Trong những cách lý giải đó, như đã nói ở trên, nỗi lo tài chính 4K “không nghề, không tiền, không nhà, không vị thế” thường nổi lên như căn nguyên lớn nhất. Thực tế này là hoàn toàn dễ hiểu bởi chi phí sinh hoạt siêu đắt đỏ đã trở thành “đặc điểm nhận diện tại hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc hiện nay. Căn nguyên này càng trở nên ám ảnh khi những năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng trưởng chậm lại khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt khiến áp lực tài chính ngày càng đè nặng lên người trẻ nước này.
Dù vậy, theo phân tích của nhiều chuyên gia, nỗi ám ảnh, mối lo tài chính chỉ là phần nổi của tảng băng “sợ hôn nhân, ngại sinh con” tại đất nước tỷ dân. Bởi theo khảo sát, ngay cả nhiều người trẻ giàu có không áp lực về tài chính tại Trung Quốc cũng ngại lập gia đình, sinh con. Nói như Jacob Cooke, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp tiếp thị WPIC Marketing & Technologies, người trẻ tại Trung Quốc sẵn sàng chi tiêu nhiều cho sở thích cá nhân, hoạt động giải trí, chăm sóc thú cưng, tham gia các bộ môn thể thao thay vì đầu tư vào hôn nhân.
Người trẻ Trung Quốc hiện nay khi đề cập tới chuyện lập gia đình còn luôn ám ảnh nhiều nỗi sợ khác như: không còn quỹ thời gian cho cái tôi bản thân, ảnh hưởng tới lối sống một mình, lối sống thụ hưởng mà phần đa trong số họ đang lựa chọn; sợ- ngại giao tiếp; không có cảm xúc, sợ phải yêu lần nữa khi từng có những mối tình không vui vẻ trước kia; lo sợ về mặt tối của hôn nhân khi tại Trung Quốc từng xuất hiện hàng loạt vụ bạo lực gia đình tàn bạo hay tỷ lệ ly hôn không ngừng tăng lên…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nỗi sợ căn cốt nhất, lớn nhất, mang tính gốc rễ nhất của thực trạng “sợ hôn nhân, ngại sinh con” tại Trung Quốc đó là việc giới trẻ nước này, nhất là phụ nữ, ngại mất đi tính độc lập mà bao lâu nay, từ thực tế truyền thống văn hoá gia đình của nước này, họ mới tạo dựng được.
Một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 với khoảng 2.900 thanh niên thành thị chưa kết hôn cho thấy 44% phụ nữ không có ý định lập gia đình. Họ tập trung xây dựng sự nghiệp, có sở thích riêng, yêu thích cuộc sống độc lập hơn các mối quan hệ lãng mạn truyền thống.
“Độc lập khỏi đàn ông đã trở thành biểu tượng của phụ nữ đương đại, trong khi nền tảng tình cảm và sự ổn định nghề nghiệp trở thành điều kiện tiên quyết cho hôn nhân” - một cuộc khảo sát được nhiều tổ chức, trong đó có Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết. Lý giải thêm về xu hướng “độc lập khỏi đàn công” này, bà Pan Wang, tác giả cuốn sách “Tình yêu và hôn nhân ở Trung Quốc toàn cầu hóa”, cho hay sở dĩ người trẻ, đặc biệt là phụ nữ Trung Quốc lười kết hôn, sợ kết hôn là bởi xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng, một thế hệ phụ nữ mới lớn lên quyết tâm sử dụng trình độ học vấn để gia nhập nền kinh tế và cạnh tranh để giành các cơ hội và nguồn lực, họ đã tạo ra những không gian mới cho mình trong xã hội và đạt được mức độ an toàn tài chính mà hầu hết phụ nữ ở thế hệ trước chỉ có thể đạt được thông qua hôn nhân.
Cùng chung quan điểm, bà Song Ye Liu, giảng viên Đại học Hoàng gia London, cho rằng phụ nữ Trung Quốc thế hệ Z có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước. Họ thường ưu tiên sự nghiệp của mình hơn là kết hôn sau khi hoàn thành đại học”. “Những gì họ muốn là một tương lai nghề nghiệp tốt hơn, một cơ hội để có tất cả, sự nghiệp, gia đình cũng như khả năng hoàn thiện bản thân. Nếu không có những điều này, thật khó để thuyết phục họ sinh con trước”, bà Song Ye Liu lý giải.
Từ vị trí một quốc gia đông dân nhất thế giới tới việc đối mặt với vấn nạn “sợ hôn nhân, ngại sinh con” ngày càng đáng quan ngại của một bộ phận người dân, chính phủ Trung Quốc nhiều năm qua đã phải đề ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh thêm con. Tuy nhiên, cho đến nay, con số ngày càng tăng tỷ lệ người trẻ Trung Quốc không lập gia đình, không sinh con đã cho thấy những biện pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, muốn thay đổi được tình hình, ngoài việc Trung Quốc cần đảm bảo một xã hội mà người dân có nhiều thuận lợi hơn khi có con, thì những chính sách khuyến khích sinh và kết hôn phải bớt đi phần cứng nhắc và phù hợp hơn với thực tế mà thế hệ Z của Trung Quốc ngày nay phải đối mặt./.
Hà Anh