Quy tụ sức mạnh làm nên chiến thắng 30/4

Những ngày tháng 4, nắng phương Nam như đổ lửa nhưng không ngăn được bước chân của bao người đến với Sài Gòn-TP.HCM để nhớ về sự kiện lịch sử của dân tộc.

 

 

Ngày 30/4/1975, cách đây 44 năm, khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sài Gòn đón chào quân giải phóng như đón những người con xa trở về sau bao năm dài xa cách. Không có cảnh tắm máu, không có cảnh hoang tàn, đổ nát của một đô thị sau cuộc chiến. Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn.

Là một lão thành cách mạng của TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Tổng thư ký công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến cho hay, ông sống và hoạt động cách mạng ở thành phố này đã hơn nửa thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Đặc biệt, trong quãng thời gian từ 1954 - 1960, cả miền Nam như một địa ngục bởi sự tàn sát của chế độ Mỹ - Diệm khiến lòng dân căm phẫn. Không khuất phục trước sự tàn bạo này, ông và đồng đội cùng nhân dân miền Nam trực tiếp tham gia các cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, từ phong trào Đồng Khởi, rồi đến cuộc Tổng tiến công - nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và kết thúc là đại thắng mùa xuân năm 1975.

Theo ông Nguyễn Trọng Xuất, cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa, vì vậy đã huy động được sức mạnh toàn dân tham gia, ngay cả từng người dân ở trong lòng địch và dân chính là cách mạng.

TP.HCM ngày nay là một thành phố năng động, phát triển bậc nhất cả nước.       Ảnh: P.V

Đặc biệt, không thể quên vai trò quan trọng của đồng bào Nam bộ. Ngay trong lòng đô thị Sài Gòn, mỗi người dân yêu nước bằng hành động của mình đã cùng nhau thúc giục xuống đường tranh đấu. Đó là người mẹ, người chị bàn Cờ; đó là sinh viên các trường đại học, là nhân sĩ, trí thức, là nhà sư... Với sinh viên, học sinh, họ đã có những đêm không ngủ cùng nhân dân miền Nam đốt xe Mỹ, dùng lời ca, tiếng hát để đấu tranh chống lại chế độ Mỹ - Ngụy. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người trực tiếp tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” vẫn giữ nguyên cảm xúc bồi bồi như những năm tháng xuống đường: “Tiếng nói của sinh viên, học sinh là tiếng nói của đồng bào. Bởi vậy, những lời họ nói ra là nhân dân đều hưởng ứng như lời hiệu triệu, khơi dậy ý thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người và đòi hòa bình. Chính tiếng hát đó đi vào cuộc đấu tranh như một thứ vũ khí khiến quân thù khiếp sợ”.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Trong các cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, vai trò của quân dân miền Nam hết sức vĩ đại. Nếu không có nhân dân miền Nam thì chúng ta không đánh được Mậu Thân, không có chiến thắng của ngày 30/4.

Đồng bào Sài Gòn - Nam bộ đã chở che, đùm bọc cho bộ đội miền Bắc, coi các chiến sĩ như con em trong gia đình. Còn những bộ đội Cụ Hồ luôn coi đồng bào Nam bộ là ruột thịt, đánh giặc nhưng luôn ý thức phải bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân. Chính vì thế nên được dân tin, dân thương, dân bảo vệ.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, đơn vị vào tiếp quản Sài Gòn ngay trong ngày 30/4/1975 cho rằng, nhờ kết hợp nhịp nhàng giữa các mũi: Bộ đội tấn công, nhân dân nổi dậy, toàn dân tham gia đánh giặc và bảo vệ các vị trí chủ yếu trong lòng địch nên TP. Sài Gòn được giữ nguyên vẹn. Tất cả hệ thống điện, nước nhanh chóng được khôi phục. Nhiều nhà báo nước ngoài đã rất ngạc nhiên về điều này. Không khí Sài Gòn ngay trong ngày giải phóng ngoài sức tưởng tượng của họ. Thiếu tướng Phan Khắc Hy bồi hồi: “Bộ đội đánh giặc thì dân cũng tham gia. Ngày 1/5/1975, tôi đã đi chợ Sài Gòn, đi dạo phố Sài Gòn rồi. Tại các cửa hàng, cửa hiệu người ta vẫn bán hàng bình thường”.

Sau bao năm nhưng hình ảnh và không khí của ngày Sài Gòn được giải phóng vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân thành phố này. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể lại: 44 năm trước, Dinh Độc lập là nơi hội tụ của các cánh quân và là ngày hội của anh em Nam - Bắc chung một nhà sau bao năm xa cách. “Góp phần vào giải phóng miền Nam là toàn dân. Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn ngày 2/5/1975 lúc trả tự do cho chính quyền Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập đã nhận định: Trong cuộc chiến đấu này không có ai thua và thắng, thật ra là người Việt Nam thắng, người Việt Nam đều thắng. Và ông Dương Văn Minh đã trả lời lại: Các anh là người đóng vai trò quan trọng, quyết định trong việc giải phóng miền Nam”, KTS. Nguyễn Hữu Thái xúc động nhớ lại.

Quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc đã làm nên chiến thắng của ngày 30/4/1975. Sau 44 năm giải phóng, trải qua nhiều chặng đường phát triển, Sài Gòn - TP.HCM đã trở thành đô thị sáng tạo và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây đang là nơi đất lành, thu hút người tài trong nước và Việt kiều trên thế giới quy tụ về để cùng chính quyền xây dựng thành phố thông minh với nhiều khâu đột phá từ Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phát huy tinh thần anh dũng của ngày 30/4, người dân thành phố mang tên Bác từng bước vượt qua mọi thách thức, đồng thuận cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 54, đưa TP.HCM phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là thành phố đáng sống ngang tầm với khu vực và trên thế giới./.
 

“Không có nhân dân thì chúng ta không bao giờ thành công. Lòng yêu nước của người dân Nam bộ luôn hướng về Tổ quốc, hướng về đất nước và hướng về Bác Hồ của chúng ta”.

Đại tướng Phạm Văn Trà.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận