…Sau hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, lướt sóng êm ru trên mặt biển xanh biêng biếc, tàu cao tốc Superdong Côn Đảo I đi từ cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) ra Côn Đảo đã đến nơi. Vừa đặt chân xuống bến tàu, ông Lê Trung Bình, cán bộ hưu trí, nhà ở TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) - người ngồi chung hàng ghế với tôi trên tàu đã thốt lên: “Ồ! Côn Đảo hôm nay, khác hẳn so với năm 2000. Dạo đó, Côn Đảo đâu có nhiều tàu lớn neo đậu, xe bốn bánh (nhiều nhất là taxi), xe hon-đa đâu có tấp nập như bây giờ”.
Rảo mắt quanh nơi mình vừa đến, tôi nhận thấy cầu tàu Côn Đảo đang được mở rộng hơn. Bên những con đường mang tên các bậc tiền bối cách mạng, như: Huỳnh Thúc Kháng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn..., rất nhiều công trình đang xây dựng, trong đó đa phần là khách sạn. Rõ ràng tâm thế Côn Đảo đang dồn sức chỉnh trang, nâng cấp để đón du khách tham quan, nghỉ dưỡng.
Trước năm 2019, Côn Đảo đón khoảng 600 đến 700 du khách mỗi ngày. Từ tháng 2/2019 - khi ngành du lịch Vũng Tàu và Sóc Trăng phối hợp mở tuyến vận tải biển (2 chuyến/ngày, mỗi chuyến chở 306 người), từ cảng Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng ra Côn Đảo và ngược lại; cộng với đường bay Cần Thơ - Côn Đảo tăng chuyến, nên lượng khách đến Côn Đảo tăng hơn 4 lần.
Các dịp lễ, Tết, lượng khách thăm Côn Đảo tăng đáng kể. Dịp này, ngoài du khách tham quan, nhiều địa phương, ban, ngành đã “thưởng” cho cán bộ hưu trí hoặc tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích ra thăm Côn Đảo. Ông Nguyễn Anh Quất, cán bộ hưu trí, nhà ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ bày tỏ: “Theo tôi, nơi này trong tương lai không chỉ trở thành điểm du lịch, mà phải là địa chỉ để học tập, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.
…Ngồi cạnh tôi là chị Hồ Thị Thanh Bé, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Chị là con gái đầu lòng của ông Hồ Thanh Tòng, nguyên Bí thư đầu tiên của tỉnh Côn Đảo (1976). Chị Bé tâm sự: “Khi ba chị còn sống, mỗi lần ra Đảo, ông đều đưa mấy chị em đến nghĩa trang viếng mộ các liệt sĩ anh hùng. Ba bảo: Các con nên tìm hiểu nhiều hơn khí tiết trung liệt, sự hy sinh cao của bao lớp cha anh đang nằm đây. Qua đó, có thêm nghị lực để cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức, có như thế, mỗi lần đứng trước anh linh những bậc tiền nhân sẽ không thẹn lòng”.
…Dừng chân ở khu biệt giam các chiến sĩ cách mạng, nhìn những thân tượng khắc họa, mô tả các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù còng quyện chân tay, thân thể còm cõi, da bọc xương, nhiều người quặn lòng. Bạn Trần Thu Thủy, nhân viên Văn phòng UBND TP. Hà Nội bộc bạch: “Đọc những tài liệu về nói sự hy sinh gan dạ, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo, em rất khâm phục. Hôm nay, tận mắt thấy chuồng cọp, nơi biệt giam các chiến sĩ cách mạng nhỏ thó, bó hẹp giữa những bức tường cao ngất ngưởng và dây kẽm gai bao quanh, kín như bưng, ngột ngạt vô cùng; kẻ thù còn dùng đủ trò tra tấn dã man, tàn bạo với các chiến sĩ, em càng thương và trân quý ý chí sắt đá của các bậc tiền nhân”.
Mỗi người đến Côn Đảo đều có những nguyện vọng, cơ duyên riêng, nhưng đến đây, ai cũng không thể không ghé qua những địa chỉ cần đến, như: Các khu giam giữ các chiến sĩ cách mạng, bảo tàng, Nghĩa trang Hàng Dương, miếu thờ bà Phi Yến... Trong đó, Nghĩa trang Hàng Dương, luôn là địa chỉ du khách tìm đến đầu tiên. Nơi đây chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam bị tù đày qua nhiều thế hệ. Nghĩa trang được phân làm 5 khu, hiện có hơn 1.900 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có 25 ngôi mộ tập thể, mỗi ngôi chôn cất hàng chục, có mộ hàng trăm tử tù. Anh Phạm Văn Việt, nhân viên quản trang cho biết: Hằng ngày, cán bộ, công nhân viên ở đây phải dọn vệ sinh từ 2 - 8 giờ sáng, giữ cho nghĩa được trang sạch sẽ, tôn nghiêm. Đêm đêm, cán bộ, nhân viên quản trang phải nhanh tay quét dọn, thu gom và tiêu hủy rác.
Dạo quanh một số địa điểm trên đảo, tôi nhận thấy các tuyến đường ở đảo không hề có tình trạng rác vứt bừa bãi, không có người buôn bán hàng rong. Rõ ràng bà con Côn Đảo đã có ý thức về việc giữ vệ sinh, môi trường cho đảo trong lành, sạch sẽ.
…Nửa đêm, tháp tùng một nhóm bà con ra nghĩa trang, tôi thấy rất đông người tới thăm ngôi mộ của Liệt nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Những bó hoa cúc, những bông hồng trắng muốt, những chiếc nón lá, có cả lược, gương và bánh, trái bày, sắp quanh mộ chị.
Trong dòng người viếng trang Hàng Dương vào những ngày tháng Tư lịch sử này, có đông cán bộ hưu trí, cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành đến từ Bắc chí Nam. Họ bày tỏ sự thán phục, kính trọng về các chiến sĩ cách mạng đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ.
…Đi dưới tán những gốc bàng đại thụ, những thảm cỏ xanh Côn Đảo tháng Tư, tôi bất giác nhớ đến lời bài hát “Cỏ non thành cổ”ca ngợi những hy sinh xương trắng, máu đào của các chiến sĩ tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị: “Cỏ xanh non tơ - cỏ xanh non tơ, xin chớ vô tình với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình...”./.