Song vẫn còn đó những chứng tích, những câu chuyện lịch sử vẹn nguyên giá trị nhắc nhớ các thế hệ sau trân trọng công lao của lớp cha anh đi trước đã ngã xuống...
Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên những ngày này trở nên náo nhiệt hơn bởi dòng người từ khắp muôn phương trở về thăm lại chiến trường xưa. Hòa trong dòng người tấp nập đó là những màu xanh áo lính đã bạc theo thời gian. Họ là những cựu chiến binh của chiến trường Điện Biên Phủ ngày nào. Với họ, từng tấc đất, từng chiến hào, từng lô cốt đều thấm đẫm những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng.
65 năm mới có dịp trở lại chiến trường xưa, nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Thắng, nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô, thuộc Đại đoàn 308 vẫn nhớ như in giây phút sinh tử khi cùng 11 đồng chí trong tiểu đội vác bộc phá lên đồi A1. Đối với thực dân Pháp, đồi A1 là “Cối xay thịt”, còn đối với ông Thắng, đồi A1 là nơi tưởng niệm những đồng đội của ông mãi mãi ra đi, bởi mỗi ngày ở đó có hàng trăm chiến sĩ hy sinh dưới pháo đạn, bom mìn của quân thù. Trong tâm trí của ông không bao giờ quên cảnh tượng vác bộc phá đi dọc chiến hào và vấp phải những mảnh xác người vẫn còn vương vãi vì bom, mìn, trong đó có cả đồng đội của mình. Tiểu đội ông khi đó đi lên 11 người thì 9 người mãi mãi không trở về. Đến hôm nay, sau 65 năm mới trở lại chiến trường xưa, ông chỉ biết lặng nhìn những đổi thay của mảnh đất Điện Biên và nhớ tới những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để Điện Biên tươi đẹp như ngày hôm nay.
Nghẹn ngào xúc động, cựu chiến binh Phạm Thắng chia sẻ: “Đồi A1 ngày hôm nay khác xa với đồi A1 của 65 năm trước. 85 tuổi được trở lại chiến trường xưa, được một lần nữa đứng trên ngọn đồi A1, tôi thực sự cảm ơn những người bà con của mình đã xây dựng để Điện Biên có được ngày hôm nay. Và du khách đến tham quan đồi A1 hãy đừng quên tại nơi này, hàng nghìn chiến sĩ ta đã hy sinh để có được ngày hôm nay”.
Còn ông Phạm Bá Miều, nguyên là Tiểu đội Trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Sư đoàn chủ công đánh cứ điểm A1 thì nhớ lại một trận đánh ác liệt nhất để đột phá vào cứ điểm A1. “Đêm 6/5, mình nổ bộc phá làm sập hầm, thế nhưng địch vẫn chống trả ác liệt. Đến tối 7/5, khi bắt được tướng De Castre ra kêu gọi binh lính đầu hàng thì lúc đó các nơi mới kéo cờ trắng ra hàng. Nhiều đồng chí của mình đã hy sinh. Tôi không thể quên ngày 8/5/1954, khi chúng tôi đi nhặt thi thể của đồng đội để đưa về nghĩa trang A1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giơ tay chào ly biệt rồi dặn chúng tôi: “Các đồng chí không để một đồng đội nào hy sinh mà không được đưa về nghĩa trang với đồng đội””, cựu chiến binh Phạm Bá Miều kể lại.
Nếu như trên mặt đất, bộ đội chủ lực băng chiến hào trực tiếp đánh trả quân địch, thì dưới các hầm ngầm có một lực lượng vô cùng quan trọng vẫn âm thầm vừa cầm súng chiến đấu vừa chăm sóc vết thương cho thương binh. Đó là lực lượng quân y đường hầm.
Ông Bùi Văn Đáp, cựu chiến binh lực lượng quân y đường hầm ngày nào giờ vẫn khắc sâu trong tâm trí giây phút chữa trị cho một bệnh nhân nữ được mổ vết thương lồng ngực chuyển sang khu Trung thương của ông. Nhưng do bệnh nhân khó thở, lại không còn thuốc nên cả đêm ấy, 5 người trong kíp trực ngồi thay nhau làm chỗ tựa cho bệnh nhân dễ thở và động viên tinh thần, nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được đồng đội. Rồi mỗi ngày trôi qua, ông Đáp lại phải chứng kiến những đồng đội của mình lần lượt ra đi vì trong điều kiện chiến tranh, không có đủ thuốc men, thiết bị để cứu chữa, trong khi những vết thương của thương binh quá nặng. “Ngày nào cũng như ngày nào, chúng tôi điều trị, khám xét, cắt lọc hoặc rửa vết thương. Khoảng 14 giờ hằng ngày, tôi làm danh sách chuyển thương binh về tuyến sau. Đến 17 giờ lại nhận thương binh ở mặt trận về và tiếp tục chuyển thương binh cũ đi. Ước lượng mỗi đêm như thế chuyển khoảng 100 thương binh. Khi đó, một người phải làm việc bằng 4, bằng 5 người, thế nên hầu hết cán bộ quân y phải thức liên tục trong 56 ngày đêm ngày đêm, chỉ tranh thủ ngủ gật được lúc nào thì ngủ”.
Đối với mỗi người con trên mảnh đất Điện Biên, những ngày tháng 5 lịch sử bao giờ cũng tràn đầy ý nghĩa. Và ở bất cứ đâu trên mảnh đất này, chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện về sự đánh đổi tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng, thậm chí là máu xương cho mảnh đất này.
Ông Nguyễn Hữu Chấp ở tổ 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, cựu chiến binh sư đoàn 312, sư đoàn chủ công của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh trận mở màn Him Lam và bắt sống tướng De Castre cho biết: “Khi vào trận đánh, anh em không bi quan hay dao động, sợ chết, sợ bị thương mà tinh thần luôn hồ hởi, vui vẻ và tin tưởng”.
65 năm đã đi qua nhưng những ký ức của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Họ là những con người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của Điện Biên. Câu chuyện của họ vẫn sẽ còn mãi như lời khẳng định rằng chúng ta hướng tới tương lai, nhưng không bao giờ quên lịch sử./.