Đã thành thông lệ thường niên kể từ năm 2011 đến nay, sự kiện " Tuần lễ tiêm chủng thế giới" 2019 (World Immunization Week) được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 4 (từ ngày 24-30/4). Suốt 8 năm qua, sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đưa ra thông điệp - bảo vệ cuộc sống bằng vắc-xin phòng bệnh thông qua tiêm chủng- đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành từ 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc cả 5 châu lục.
Từ nỗ lực của những “người mở đường”
Sự lan truyền và tác hại của hàng loạt những “căn bệnh lạ”, nhu cầu sinh tồn… đã khiến con người, từ rất lâu, nung nấu tìm ra một “vũ khí” hữu hiệu để chống lại bệnh tật. Nhưng hình thức mô phỏng của cái gọi là vắc-xin, tiêm chủng mở rộng (TCMR) nhờ thế cũng manh nha xuất hiện. Từ thế kỷ thứ 10, người Trung Quốc được cho là đã lấy vết sẹo của bệnh nhân đậu mùa, nghiền nhỏ rồi thổi vào mũi người khỏe mạnh để ngăn bệnh tật.
Tuy nhiên, cái gọi là vắc-xin và tiêm chủng thực sự chỉ hiện diện từ thế kỷ 18 gắn với tên Edward Jenner- một bác sĩ danh dự trong hội Hoàng gia London (Anh). Lịch sử y học thế giới ghi nhận Edward Jenner có công lao to lớn trong việc thiết lập ra "đế chế" vắc-xin giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp hoàn cầu. Mọi chuyện khởi đầu từ “thảm họa đậu mùa”.
Căn bệnh đậu mùa xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử nhân loại, trở thành đại dịch từ thế kỷ thứ 6, bắt nguồn từ châu Phi, sau đó lan sang châu Âu, châu Á. Trong hai thế kỷ 17 và 18 bệnh đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người. Nước Anh của Edward Jenner là một trong những “tâm điểm” của đại dịch. Năm 1773, ước tính cứ 10 người Anh mắc bệnh thì có đến 9 tử vong. Người nào sống sót cũng bị lở loét, mặt rỗ, bị cả cộng đồng ghẻ lạnh, tẩy chay. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc nên số người mắc tăng lên rất nhanh. Các bác sĩ như Edward Jenner nghiên cứu, tìm kiếm căn nguyên căn bệnh, nhưng vô vọng.
Cho đến một ngày, rất tình cờ, Edward Jenner phát hiện một điều lạ là những người vắt sữa bò sau khi mắc bệnh Đậu mùa ở bò thì tuyệt nhiên không bị đậu mùa nữa. "Liệu có thể lây căn bệnh đậu bò sang người để phòng được bệnh đậu mùa ở người hay không?" - trong Edward Jenner lóe lên một ý nghĩ táo bạo. Edward Jenner đến gặp Sarah Nelmes - một cô gái chuyên làm nghề vắt sữa bò đang bị bệnh đậu bò. Ông chiết lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay Sarah Nelmes rồi cấy dịch này vào cánh tay của cậu bé 8 tuổi khỏe mạnh cùng làng tên là James Phipps. Sau đó Phipps đã có những triệu chứng của bệnh đậu bò. 48 ngày sau, Phipps khỏi hẳn bệnh đậu bò, Jenner liền tiêm chất có chứa mầm bệnh Đậu mùa vào người Phipps. Một điều kỳ lạ đã xảy ra: Phipps không mắc bệnh.
Chưa yên tâm, để tiếp tục tìm cho mình sự khẳng định chắc chắn hơn, bất chấp mọi ngăn cản, Jenner đã mạo hiểm đến mức liều lĩnh khi quyết định tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người… cậu con trai chỉ mới 10 tháng tuổi của mình. Và điều kỳ lạ tiếp tục xảy ra: cậu bé không bị bệnh.
Và “quy trình” 3 bước mà Edward Jenner thiết lập nên sau đó: Lấy ít vi trùng bệnh Đậu mùa trên một con bò mắc bệnh; Làm cho vi trùng yếu đi; Tiêm các vi trùng này vào cơ thể người qua đường máu đã được vị bác sĩ người Anh gọi lên là "vaccination" - tiêm chủng - hình thức sơ khai ban đầu của công cuộc tiêm chủng vắc xin ở người ngày nay. Rất nhanh chóng, "vaccination" của Jenner đã trở thành “khắc tinh” của căn bệnh đậu mùa, quét sạch đại dịch ra khỏi châu Âu. Năm 1798, phương pháp "vaccination" của Jenner được nhân rộng ra khắp thế giới.
Hơn nửa thế kỷ sau đó, phương pháp "vaccination" hay tiêm chủng và vắc xin đã thực sự có những bước tiến vượt bậc nhờ công lao của Louis Pasteur. Ông đã trở thành “ân nhân của nhân loại” khi tìm được vắcxin để chủng ngừa các bệnh bệnh dịch tả gà, bệnh than, đặc biệt là bệnh chó dại. Từ thành công ban đầu này, chỉ trong vòng 1 năm, đã có hơn 2.500 người, chiếm khoảng 99,5% bệnh nhân bị chó dại cắn được chủng ngừa và cứu sống. Ngày 14/11/1888, Viện Pasteur đầu tiên đã được thành lập tại Paris. Thành tựu nổi bật đầu tiên của Viện Pasteur là xác định cơ chế gây bệnh của bệnh bạch hầu.
Tới thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ 20
Từ những bước đi khai phá của “những người mở đường”, ngày nay cả thế giới đã phải ghi nhận cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin cũng như xem vắc-xin và tiêm chủng đó là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 khi cứu giúp hàng triệu mạng sống và tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.
Tiêm chủng giờ đây không chỉ bảo vệ trẻ em khỏi những căn bệnh đã có vắc-xin từ nhiều năm trước như bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi… mà còn phòng ngừa được các bệnh như viêm phổi, tiêu chảy do Rota vi-rút, là những nguyên nhân tử vong chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, nhờ một số loại vắc-xin mới hiện nay mà thanh thiếu niên và người lớn có thể được bảo vệ khỏi các bệnh nguy hiểm như cúm, viêm màng não, ung thư cổ tử cung, viêm gan siêu vi.
Nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vắc-xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc Bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.
Theo ước tính của WHO, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam. sau gần 1,5 năm triển khai hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, đến nay đã có 11.183 (99%) trạm y tế; 2.261 cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã sử dụng hệ thống để quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân. Năm 2018 vừa qua là năm thứ 18 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 13 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Dịch sởi theo chu kỳ được khống chế, số mắc rubella ở mức thấp. Năm 2018, Bộ Y tế đưa vaccine mới là vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV) vào Chương trình TCMR với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI).
Tuần lễ tiêm chủng thế giới: Tiếp tục hành trình nâng cao nhận thức
Tiêm chủng đã được công nhận rộng rãi như một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là bất chấp những lợi ích từ vắc-xin, trên thế giới vẫn còn có đến hơn 19 triệu trẻ em bỏ lỡ lịch tiêm chủng thường lệ, trong đó 13 triệu trẻ em chưa từng được tiêm phòng. Bên cạnh lý do không được tiếp cận với vắc-xin, tại một số quốc gia, nhiều gia đình đã từ chối hoặc trì hoãn việc tiêm phòng cho con cái của họ vì sự hoài nghi đối với vắc-xin. Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện phong trào tẩy chay vắc-xin. Đây cũng chính là lý do khiến dịch sởi bùng phát trên quy mô toàn cầu trong thời gian gần đây.
Đó chính là lý do mà từ năm 2011 đến nay, WHO đã đề ra sáng kiến thiết lập “Tuần lễ tiêm chủng (Immunization Week)” như một sự kiện thường niên, diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 4, mỗi năm một thông điệp nhưng tất cả đều hướng mới một mục tiêu cao nhất: nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng, rằng tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động thành công và hiệu quả nhất. Đến nay, đã có 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc cả 5 châu lục tham gia sự kiện này để bảo vệ sức khỏe người dân.
Cũng khuôn khổ Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay còn có chương trình Vaccine Heroes tôn vinh những Anh hùng vaccine - từ cha mẹ, cộng đồng đến cán bộ y tế và những nhà đổi mới sáng tạo.
“Ngày nay, hơn bao giờ hết, trẻ em đang được tiếp cận với vaccine. Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với UNICEF và tất cả các đối tác toàn cầu và quốc gia trên khắp thế giới, những người đang làm việc không mệt mỏi để đảm bảo rằng tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những đất nước nghèo nhất trên thế giới, có thể được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm đe dọa đến tính mạng” - thông điệp của bà Violaine Mitchell, Quyền Giám đốc phụ trách phân phối vaccine của quỹ Bill & Melinda Gates có lẽ cũng là thông điệp cao nhất của Tuần lễ Tiêm chủng thế giới gửi tới cộng đồng.
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm nay (kéo dài từ 24-30/4) có một điểm đặc biệt là diễn ra đồng thời cùng một chiến dịch đồng thời trên mạng xã hội có tên là #VaccinesWork. Từ khóa #VaccinesWork từ lâu đã được sử dụng trên mạng để tập hợp những người vận động cho tiêm chủng. Năm nay, UNICEF hợp tác với Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, Tổ chức WHO và Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (Gavi, the Vaccine Alliance) nhằm đưa vaccine vươn xa hơn nữa. Với mỗi lượt “thích” hay “chia sẻ” nội dung trên mạng xã hội sử dụng hashtag #VaccinesWork trong tháng 4, Quỹ Bill & Melinda Gates sẽ đóng góp 1 USD cho UNICEF, tới tối đa là 1 triệu USD để đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được dùng vaccine cần thiết cho sự sống còn và sức khỏe của mình.
|
vắc-xin; tuần lễ tiêm chủng thế giới; phía sau một thông điệp