Theo nhìn nhận của các chuyên gia, Pakistan là minh chứng điển hình của cái gọi là “hệ lụy thảm khốc từ biến đổi khí hậu toàn cầu”. Không phải đến mùa hè năm nay, từ nhiều năm qua, quốc gia Nam Á này đã liên tiếp là nạn nhân của hàng loạt những đợt lũ lụt và nắng nóng kinh hoàng. Biến đổi khí hậu đã khiến cuộc sống người dân quốc gia này nhiều năm qua không khác gì địa ngục trần gian là mấy.
Con số thảm khốc “4 ngày, hơn 400 người chết vì… nắng nóng”
Mùa hè 2024, nắng nóng thực sự đáng sợ không kém tử thần khi là nguyên nhân khiến hàng nghìn người trên khắp thế giới này phải thiệt mạng, trong đó Pakistan là một trong những minh chứng điển hình. Ngày 27/6 vừa qua, Tổ chức phi lợi nhuận Edhi Foundation cho biết chỉ trong 4 ngày gần đó, chỉ riêng tại Karachi - thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của đất nước, họ đã tiếp nhận 427 thi thể tử vong vì… nắng nóng. “Chúng tôi có 4 nhà xác ở Karachi và chúng tôi đã đến giai đoạn không còn chỗ để lưu giữ thi thể” - Faisal Edhi, người đứng đầu quỹ này cho biết.
Đó mới chỉ là số người thiệt mạng, tình trạng “địa ngục trần gian” của người Pakistan gây nên bởi nắng nóng còn là việc hàng nghìn người phải nhập viện hoặc sống cuộc sống vật vã bởi cái nóng toàn ở mức trên 40 độ C. "Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã điều trị và truyền nước cho khoảng 300 bệnh nhân bị tiêu chảy, nôn mửa và sốt vì nắng nóng quá mức. Chúng tôi đã hướng dẫn họ cách tự xử lý ở nhà như uống nhiều nước hơn và ở những nơi mát mẻ” - Ông Nizauddin Sheikh (Giám đốc Bệnh viện Dân sự Karachi) của Pakistan cho biết. Thảm cảnh còn tồi tệ hơn khi nắng nắng cực độ lại cộng dồn với tình trạng mất điện trên diện rộng.
"Ngoài việc sử dụng năng lượng mặt trời, chúng tôi còn phun nước lên người để chống nóng. Mỗi ngày chỉ có 7 tiếng có điện. Trong 7 tiếng này, họ tiếp tục cắt điện trong 15 phút, 20 phút và 30 phút" - một người dân sống ở thành phố Jacobabad- nơi được coi là một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất với mức nhiệt độ luôn trong khoảng 48 - 50 độ C than thở. Chính quyền ở Karachi đã phải kêu gọi người dân ở trong nhà, uống đủ nước và tránh đi lại khi không cần thiết, cho dựng hàng nghìn lều chống nắng cho người dân khi có việc sinh hoạt ngoài trời.
Nắng nóng, mất điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới tính mạng, chất lượng cuộc sống mà cả việc học tập, làm việc của người dân Pakistan. Theo ước tính của Tổ chức phi chính phủ Save the Children, chỉ từ đầu hè 2024 đến nay, có đến hơn một nửa số học sinh tại Pakistan đã phải ngừng việc học do… nắng nóng.
Tới thân phận “nạn nhân điển hình” của biến đổi khí hậu toàn cầu
Không phải đến tận bây giờ mà từ nhiều năm qua, Pakistan đã là một trong số những quốc gia luôn phải hứng chịu những diễn biến tồi tệ của thời tiết cực đoan. Theo khảo sát của nhiều tổ chức, Pakistan đã phải chịu đựng những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt kể từ năm 2015, đặc biệt là ở tỉnh Sindh ở phía bắc và tỉnh Punjab phía nam, gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng và đe dọa sức khỏe của người dân. Năm 2022, nắng nóng với nền nhiệt có lúc lên tới 50 độ C, mức cao nhất kể từ 122 năm qua đã từng bủa vây nhiều địa phương của Pakistan. Thời điểm đó, theo dữ liệu của Cục Khí tượng Pakistan (PMD), các thành phố Jacobabad và Sibi ở tỉnh Sindh phía đông nam nước này đã ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục là 47 độ C vào trung tuần tháng 4. PMD nói đây là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận tại bất kỳ thành phố nào tại Bắc bán cầu vào ngày hôm đó.
"Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua tình trạng mà nhiều người gọi là “năm không có mùa xuân”", Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, Sherry Rehman, thời điểm đó cho biết trong một tuyên bố.
Không chỉ nắng nóng, Pakistan còn là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu những đợt lũ lụt nặng nề. "Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của chúng tôi là rất lớn và trải dài trên khắp Pakistan" - người đứng đầu Pakistan từng chia sẻ như vậy với bao giới quốc tế trước trận lũ lụt kinh hoàng ảnh hưởng đến hơn 33 triệu người dân nước này hồi năm 2022. Mức độ thiệt hại về kinh tế ước tính là từ 30-35 tỷ USD, nhưng Chính phủ Pakistan cho rằng đó chỉ là “ước tính sơ bộ, con số có thể nhiều hơn”, với hơn 30.000km đường giao thông bị phá hủy cùng với cầu, đường sắt và đường dây điện, 4 triệu ha hoa màu bị cuốn trôi. Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Pakistan cũng nhấn mạnh thêm rằng thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của đất nước này là đáng kể và cần ít nhất 10 tỷ USD để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và cung cấp viện trợ cho những người bị ảnh hưởng. Ngày 30/8/2022, Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia của Pakistan cũng thông báo rằng tổng số người chết vì mưa lũ ở Pakistan kể từ giữa tháng 6, ít nhất là 1.136 người và 1.634 người bị thương - những con số kinh hoàng.
“Đời này tôi chưa từng chứng kiến sự tàn phá, ngập lụt và đau đớn như thế này đối với người dân đất nước. Hàng triệu người mất nhà cửa, trở thành người tị nạn khí hậu tại chính quê hương mình ", Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif từng thốt lên đau đớn trước những hệ lụy thảm hốc bởi biến đổi khí hậu gây ra cho đất nước, người dân của ông.
Công lý nào cho Pakistan?
Theo một Hội đồng chuyên gia về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới, Pakistan là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu, cũng phải đối mặt với nguy cơ có những cơn mưa gió mùa tần suất dầy hơn, một phần do các dòng sông băng rộng lớn phía Bắc hiện đang tan chảy khi nhiệt độ tăng. “Pakistan đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng các quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu”, Ubina Khursheed Alam, điều phối viên về khí hậu của thủ tướng, cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad vào tuần trước.
Điều trớ trêu, như lời Thủ tướng Pakistan từng than thở tại nhiều diễn đàn LHQ là, Pakistan mặc dù chỉ chiếm 0,8 lượng khí thải carbon trên toàn thế giới nhưng lại đang phải gánh chịu hậu quả của thảm họa khí hậu toàn cầu.
Rất gay gắt và vô cùng bức xúc, ông Shehbaz Sharif từng tuyên bố phải “đòi lại công lý” cho Pakistan. “Tôi xin nói rõ, đây là vấn đề công bằng khí hậu. Chúng tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai, cũng không cáo buộc ai, chúng tôi chỉ đang nói điều này không phải do chúng tôi gây ra, chúng tôi chỉ là nạn nhân” - ông Shehbaz Sharif cũng nhấn mạnh "những nước phát triển, những quốc gia phát thải nhiều, cần chịu trách nhiệm và hỗ trợ chúng tôi” và rằng “các nước cần chủ động hỗ trợ, Pakistan không thể rơi vào tình thế phải "cầm bát ăn xin" những nước phát thải lớn”.
“Đời này tôi chưa từng chứng kiến sự tàn phá, ngập lụt và đau đớn như thế này đối với người dân đất nước. Hàng triệu người mất nhà cửa, trở thành người tị nạn khí hậu tại chính quê hương mình".
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif
|
Phản ứng của Pakitan đã nhận được sự chia sẻ sâu sắc từ người đứng đầu LHQ. Trong một phát biểu tại Trụ sở LHQ ở New York, Tổng thư ký António Guterres từng nhấn mạnh: “Pakistan cần và xứng đáng nhận được sự hỗ trợ to lớn từ cộng đồng quốc tế”. Mặc dù đóng góp ít hơn 1% lượng khí thải toàn cầu, người dân Pakistan phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao gấp 15 lần do các tác động liên quan đến khí hậu”. Người đứng đầu LHQ cũng cho rằng: “Pakistan là nạn nhân kép - của sự hỗn loạn về khí hậu và của hệ thống tài chính toàn cầu lỗi thời và bất công của chúng ta, ngăn cản các nước có thu nhập trung bình tiếp cận các nguồn lực cần thiết để đầu tư vào khả năng thích ứng và phục hồi” và rằng cách thế giới phản ứng hiện nay trước các cuộc đấu tranh của Pakistan là một “thử nghiệm quỳ tím” cho công lý khí hậu.
Nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng chia sẻ với Pakistan. Tuy nhiên, nói như Thủ tướng Sharif, ông rất biết ơn vì “những lời nói và tuyên bố rất cảm động”, “tất cả đều rất ổn nhưng quan trọng hơn là việc chứng minh thực tế những tuyên bố này thành hành động”. Theo ông Sharif, cam kết 100 tỷ USD mỗi năm trong quỹ khí hậu dành cho các quốc gia kém phát triển đi đầu trong vấn đề khẩn cấp về khí hậu vẫn chưa được thực hiện. "Số tiền đó ở đâu?" - ông hỏi. “Đã đến lúc chúng tôi đặt câu hỏi và nhắc nhở các quốc gia này thực hiện các cam kết và lời hứa mà họ đã đưa ra”.
Câu hỏi của lãnh đạo Pakistan, thực sự đáng quan ngại là, tới nay, vẫn chưa có câu trả lời./.
Hà Anh