Viện trợ nhân đạo tại Gaza: Lửa hy vọng chỉ le lói…

IPC cảnh báo nạn đói khắp Dải Gaza vẫn hiện hữu trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tiếp diễn và việc tiếp cận viện trợ nhân đạo còn hạn chế.

 

Mới đây nhất, ngày 25/6/2024, thủ lĩnh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh tuyên bố sẽ không chấp nhận đề xuất ngừng bắn nào đối với Dải Gaza, nếu không đảm bảo việc Israel rút toàn bộ quân đội khỏi khu vực này. Tuyên bố này dường như đang nhấn chìm ngọn lửa cứu trợ nhân đạo vốn bấy lâu vẫn cố le lói nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Từ những bếp từ thiện phập phồng ngọn lửa trong bom đạn

Với nhiều người dân Gaza, hình ảnh những tình nguyện viên khoác trên mình chiếc áo phông đen đồng phục trên đó có dòng chữ World Central Kitchen (WCK), không ngại nóng bức, hiểm nguy miệt mài nấu nên những bữa ăn cứu trợ tại các căn bếp di động khắp Dải Gaza, đã không còn xa lạ suốt hàng năm qua. Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, World Central Kitchen đã triển khai các nhóm từ thiện trên khắp Dải Gaza, thành lập hai nhà bếp chính ở thành phố Rafah phía nam và thị trấn trung tâm Deir al-Balah, đến nay đã cung cấp hơn 50 triệu suất ăn tại Dải Gaza. Đối tượng phục vụ của World Central Kitchen là những người dân sống trong khu vực chiến sự, thiếu lương thực và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn hằng ngày.

Xe tải chở hàng viện trợ di chuyển vào miền Trung Dải Gaza ngày 18/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, để có được con số 50 triệu suất ăn quý giá ấy, World Central Kitchen đã phải vật lộn để duy trì hoạt động thiện nguyện của mình. Trước đó, đầu tháng 4/2024, World Central Kitchen đã tưởng phải ngừng hoạt động vĩnh viễn sau khi 7 nhân viên bị thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel. Phải tới hơn một tháng sau đó, với rất nhiều nỗ lực, những căn bếp từ thiện của World Central Kitchen mới có thể đỏ lửa trở lại, tiếp tục cung cấp suất ăn cho người dân Gaza tại một số khu vực của dải đất này đồng thời đang nuôi hy vọng có thể mở rộng việc hỗ trợ ở vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này, đặc biệt là khu vực phía tây và phía bắc Rafah, thành phố Khan Younis ở phía nam Dải Gaza và khu vực Al Mawasi.

Dù vậy, mong muốn này của World Central Kitchen là không dễ biến thành hiện thực bởi tình hình chiến sự không ngừng diễn tiến phức tạp với những mối nguy hiểm khôn lường. Trước các đòn tấn công của Israel, các bếp ăn dã chiến phải liên tục thay đổi vị trí nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dân địa phương và các tình nguyện viên và nói như một trong những đầu bếp chính của World Central Kitchen, ông Mohamed Hamooda, những đầu bếp như ông đã, đang phải duy trì căn bếp trong nỗi lo âu phập phồng bởi bom đạn có thể nhằm trúng họ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, những chiến dịch tấn công quân sự ngày càng gia tăng cộng với việc khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm và nguồn nước sạch, là những lực cản cực lớn tới hoạt động của những bếp từ thiện như chuỗi bếp của World Central Kitchen.

Các tổ chức viện trợ quốc tế lớn cảnh báo gần như không thể hoạt động ở Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tới nỗi quan ngại về "nguy cơ diệt chủng"tại Gaza

Cách đây hơn hai tháng, ngày 4/4/2024, người đứng đầu tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) - bà Isabelle Defourny đã bày tỏ quan ngại về "nguy cơ diệt chủng" khi 13 tổ chức nhân đạo lớn bị hạn chế hoạt động viện trợ vào vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này và rằng, hiện "không có điều kiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở Gaza". Gaza đang dần trở nên không phù hợp cho cuộc sống của con người. Tình hình tại đây đã vượt qua ngưỡng kinh hoàng tột độ” - bà Defourny nhận định.

Từ đó đến nay, hơn 2 tháng, mọi chuyện không mấy tiến triển, thậm chí theo nhận định được đưa ra ngày 25/6 của Cơ quan phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), tình hình nhân đạo tại Dải Gaza sẽ tiếp tục xấu đi và công tác viện trợ gặp khó khăn hơn. Cụ thể, theo báo cáo cập nhật của IPC, trên 495.000 người, tức hơn 20% dân số Gaza, đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ở mức nghiêm trọng nhất.

Người dân chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Dải Gaza. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

IPC cảnh báo nguy cơ cao xảy ra nạn đói khắp Dải Gaza vẫn hiện hữu trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tiếp diễn và việc tiếp cận viện trợ nhân đạo còn hạn chế. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan LHQ hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) - điều phối gần như toàn bộ hoạt động viện trợ cho Gaza - ông Philippe Lazzarini thông báo Cơ quan này chỉ có thể đảm bảo được nguồn tài trợ cho Gaza đến cuối tháng 8 tới bởi UNRWA đang thiếu trầm trọng nguồn tài trợ kể từ tháng 1/2024. Nhiều nước đình chỉ tài trợ UNRWA sau khi Israel cáo buộc hàng chục nhân viên của cơ quan này liên quan đến vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023.

Cũng trung tuần tháng 6 vừa qua, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cũng lên tiếng cho biết việc không thể vận chuyển hàng cứu trợ an toàn qua cửa khẩu Kerem Shalom và việc tiếp tục đóng cửa cửa khẩu Rafah càng làm trầm trọng thêm những thách thức đối với các hoạt động cứu trợ. Cụ thể, có tới 25% nhiệm vụ cứu trợ gặp trở ngại, 12% bị từ chối tiếp cận và 12% bị hủy bỏ do các lý do hậu cần, hoạt động hoặc an ninh.

Xe tải chở hàng viện trợ cho Dải Gaza tập trung gần cửa khẩu Rafah bên phía Ai Cập, ngày 23/3/2024. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Cho đến nay, báo cáo về mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng đói  cho thấy gần như mọi người ở Dải Gaza đang phải vật lộn để có cái ăn, tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính đang ảnh hưởng đến hơn 90% dân số ở Gaza và hơn 495.000 người - tương đương hơn 20% dân số 2,3 triệu người của vùng đất này - dự kiến ​​sẽ phải trải qua mức độ cao nhất của nạn đói trong những tháng tới. Trong đó, khu vực phía Bắc Dải Gaza vẫn là nơi ghi nhận nạn đói trầm trọng nhất. Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ lo ngại nạn đói có thể lan tới khu vực Trung và phía Nam do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Rafah, khiến hơn 1 triệu người phải di tản và nguồn viện trợ hạn chế.

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của sự khó khăn trong công tác cứu trợ tại dải đất này. Một nhóm cơ quan viện trợ, do LHQ dẫn đầu, ước tính khoảng 7% số trẻ ở Gaza có thể bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tăng mạnh so với con số 0,8% trước khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023. "Chiến tranh đã cướp đi tuổi thơ của trẻ em ở Gaza và những người sống sót đang phải chịu tổn thương sâu sắc. Nhiều em trong số đó sẽ mang những vết sẹo suốt đời" - UNRWA cảnh báo.

Ngọn lửa viện trợ nhân đạo, thắp lên từ hàng năm qua bởi những tấm lòng từ tâm và nỗ lực của nhiều quốc gia, từ thực tế vẫn chưa hạn ngày kết thúc của cuộc xung đột Israel-Hamas đang phập phồng chờ tắt. Mối đe dọa cướp bóc và tấn công từ các băng nhóm vũ trang cũng là những nguyên nhân cản bước các nhóm cứu trợ tiếp cận Gaza. Theo những thông tin mới nhất, các nhóm viện trợ cho biết hàng nghìn tấn hàng tiếp tế vẫn bị mắc kẹt ở miền Nam Gaza vì điều kiện quá nguy hiểm để di chuyển, các cơ quan viện trợ đã quyết định rằng họ không thể mạo hiểm tính mạng của các tình nguyện viên dù chỉ cách nơi những người Palestine đang mòn mỏi chờ đợi chỉ vài dặm. “Nhiều nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng trong cuộc chiến này hơn bất kỳ cuộc chiến nào kể từ khi Liên hiệp quốc ra đời” - James Elder - người phát ngôn của UNICEF đau xót cho biết.

Các em nhỏ chờ được phát thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza, ngày 8/6/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

 Ngày 17/6, Phát ngôn viên LHQ Farhan Haq nói với hãng tin AP rằng, “các hoạt động nhân đạo ở Gaza nên được tạo điều kiện thuận lợi đầy đủ và mọi trở ngại phải được dỡ bỏ. Chúng tôi cần có khả năng cung cấp viện trợ một cách an toàn trên khắp Gaza”. Trước đó, ngày 31/5, LHQ đã cảnh báo hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza đang không được chuyển tới những người có nhu cầu, đồng thời hối thúc Israel thực thi trách nhiệm pháp lý trong vấn đề này. Nhưng những cảnh báo gay gắt này đã không hề được lắng nghe. Và khi những kêu gọi của lương tri cố tình bị lãng quên, thì một thực tế đang hiện hữu là nạn đói với mức độ nghiêm trọng không thể lường trước.

“Ở Gaza, có những người hiện phải sử dụng thức ăn chăn nuôi, ăn cỏ, uống nước thải. Trẻ em hầu như không có gì để ăn trong khi những chiếc xe tải viện trợ đang đậu bên ngoài Rafah” - chia sẻ của người đứng đầu khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - bà Hanan Balkhy - khiến tất cả những con người có lương tri phải đau đớn./.

Việc không thể vận chuyển hàng cứu trợ an toàn qua cửa khẩu Kerem Shalom và việc tiếp tục đóng cửa cửa khẩu Rafah càng làm trầm trọng thêm những thách thức đối với các hoạt động cứu trợ tại Gaza.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận