Biểu tượng bị hoả hoạn

Cả thế giới cùng với người dân Paris bàng hoàng, đau xót khi biểu tượng đặc trưng và nổi tiếng nhất là nhà thờ Đức Bà bị hoả hoạn.

Ngày 15/4 vừa qua, cả thế giới cùng với người dân Paris và nước Pháp bàng hoàng, đau xót khi biểu tượng đặc trưng và nổi tiếng nhất là nhà thờ Đức Bà bị hoả hoạn.

 

Lịch sử thăng trầm

Thủ đô Paris của nước Pháp còn có nhiều tên gọi khác nhau như thành phố của tình yêu, thành phố của ánh sáng hay thành phố của cuộc sống. Trong thời gian gần đây, nó là nạn nhân của khủng bố và bạo lực hỗn loạn. Ngày 15/4 vừa qua, đô thị này gặp phải thảm hoạ mới khi biểu tượng đặc trưng nhất và cũng nổi tiếng nhất cho nó là nhà thờ Đức Bà bị hoả hoạn. Cả thế giới cùng với người dân Paris và nước Pháp sững sờ và bàng hoàng, đau lòng và xót xa khi phải nhìn thấy ngọn lửa bao trùm nhà thờ và tháp nhà thờ gãy đổ.

Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris không chỉ đơn thuần là một nhà thờ thiên chúa giáo thuần tuý hay một di sản văn hoá của nhân loại theo sự công nhận của tổ chức UNESCO. Nó là nhân chứng lịch sử và một phần lịch sử của nước Pháp. Nó là linh hồn tín ngưỡng của người dân Pháp và nước Pháp. Nó là một phần bản sắc của nước Pháp. Chính vì thế mà vụ hoả hoạn này tác động vô cùng mạnh mẽ và sâu đậm tới tình cảm và tâm lý của người Pháp. Du khách đến Paris có thể không trèo tháp Effel nhưng không thể không tới thăm nhà thờ này. Hàng năm có khoảng 13 triệu lượt người tới thăm nhà thờ Đức Bà Paris.

Lịch sử nhà thờ này đầy thăng trầm với biến cố lịch sử nước Pháp, với bị tàn phá và được xây dựng lại. Nhà thờ Đức Bà Paris được giám mục Maurice de Sully cho xây dựng năm 1163 và khu vực thờ Chúa đầu tiên được khánh thành năm 1182. Năm 1240, tháp phía nam được xây dựng xong và 10 năm sau hoàn thành xây dựng tháp phía bắc. Nhà thờ này dài 128m, rộng 40m và cao tới 33m. Vị trí xây nhà thờ được vị giám mục kia lựa chọn vì nó nổi bật bên bờ sông Sen và vì vốn ở đấy đã từng có một ngôi đền La mã. Khu mái nhà vừa bị cháy rụi trong vụ hoả hoạn còn có biệt danh là "Rừng" bởi có tới 1.300 thân cây sồi lớn được chặt từ 24ha rừng đem về trong thế kỷ 13. Ở khắp châu Âu không có mái một nhà thờ nào khác không bị hề hấn gì bởi thời gian và thế sự. Nguy cơ bị hoả hoạn ở đấy luôn rất cao. Vì thế, các biện pháp phòng ngừa hoả hoạn cũng rất nghiêm ngặt.

Những giá trị của biểu tượng

Thời diễn ra cuộc cách mạng ở Pháp, nhà thờ này bị tàn phá và làm nơi chứa rượu vang, hoàn toàn không được hoạt động tôn giáo. Chính Napoleon Bonaparte là người đã trả lại cho nhà thờ này giá trị tín ngưỡng của nó vào năm 1802 và cũng chính ở đây hai năm sau, Napoleon đã tự đặt lên đầu mình vương miện hoàng đế Pháp. Nhưng rồi nhà thờ này bị xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Hồi ấy, đã có không ít ý kiến cho rằng nên phá bỏ nhà thờ này đi hơn là trùng tu lại nó.

Cho tới thời điểm ấy, nhà thờ này cũng chỉ như rất nhiều nhà thờ thiên chúa giáo khác ở nước Pháp và ở châu Âu. Nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới và được nước Pháp phát hiện lại giá trị nhờ tác phẩm "Kẻ gác chuông ở nhà thờ Đức Bà" hay "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo. Tên của nguyên tác chỉ là Nhà thờ Đức Bà. Nhờ tác phẩm này của Victor Hugo mà nhà thờ được quan tâm trùng tu lại. Nhà văn đã vĩnh cửu nhà thờ trong văn học và về sau các nhà làm phim đã vĩnh cửu hoá nhà thờ này trong nghệ thuật thứ bảy.

Mục tiêu mà ông Macron tham vọng là toàn bộ nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được tái tạo trong vòng 5 năm tới được xem là một thách thức lớn bởi trong ngày 16/4, nhiều chuyên gia văn hoá và bảo tồn Pháp đã nhận định việc tái tạo nhà thờ Đức Bà Paris sẽ rất phức tạp và có thể kéo dài hàng chục năm trời, thậm chí vài thập kỷ, do phần bị hoả hoạn thiêu huỷ là phần kiến trúc bằng gỗ lâu đời và tinh vi nhất của nhà thờ.

Cùng với sự hồi sinh về thể chất của nhà thờ là sự trỗi dậy giá trị tín ngưỡng và tinh thần của nhà thờ này đối với nước Pháp và người dân Pháp. Bốn cái chuông ở nhà thờ này vang lên hồi lâu khi thủ đô Paris được giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít Đức. Tướng Charles de Gaulle đã đến đây đầu tiên khi về Paris để tuyên cáo nền cộng hoà mới cho nước Pháp. Tang lễ của ông de Gaulle và của cựu tổng thống Pháp Francois Mitterrand cũng được tiến hành ở nơi đây. Nhà thờ này thuộc về sở hữu của nhà nước Pháp. Năm 1979, tổ chức UNESCO công nhận nó là di sản văn hoá chung của nhân loại. Cát bụi thời gian và dòng người hằng ngày nườm nượp tới thăm nhà thờ làm cho nó luôn ở trong tình trạng bị ảnh hưởng và cần phải được thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Năm 2019, công việc đại tu sửa nhà thờ được bắt đầu và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2022. Vậy mà rồi hoả hoạn xảy ra. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố với thế giới và cam kết với người dân Pháp là sẽ phục hồi nhà thờ này. Ông Macron quả quyết là chỉ sau 5 năm nữa nhà thờ sẽ đẹp hơn trước. Rất có thể bởi nguồn tiền cần thiết cho việc phục dựng chắc không thiếu. Nhưng có nhiều cái cổ kính hơn 800 năm nay sẽ mãi mãi không thể phục hồi lại được. Có cái gì trên đời này mới mà đồng thời lại cổ kính được đâu.

Và trách nhiệm bảo tồn

Vụ hoả hoạn này thật sự là một thảm hoạ đối với nước Pháp bởi nhà thờ Đức Bà được coi là trái tim của thủ đô Paris và của nước Pháp. Nó là biểu tượng và trọng tâm của đạo Thiên chúa ở Pháp. Trước nhà thờ có điểm mốc được coi là mốc cây số 0 của nước Pháp để tính khoảng cách trong nước Pháp. Nó không chỉ đơn thuần là một kiệt tác về kiến trúc của thế giới mà còn là một hiện thân cho truyền thống văn hoá và tôn giáo của cả châu Âu. Nó gắn bó với nước Pháp và người dân đất nước này như thể là một phần của họ. Cho nên không có gì là khó hiểu khi người Pháp đau đớn và bàng hoàng cũng như khi cả thế giới đồng cảm và ngậm ngùi.

Chính trường và nội bộ xã hội nước Pháp đang trong tình trạng rối bời và sôi động. Nhưng sau vụ hoả hoạn này, tất cả dường như đã khác trước. Người Pháp đột nhiên thấy cần phải đoàn kết nhau lại. Chính trường nước Pháp đột nhiên tĩnh lặng. Cú sốc quá lớn và tác động của nó đòi hỏi chính giới và xã hội đất nước này phải suy nghĩ và hành động khác trước.

Vụ hoả hoạn này còn cho thấy một di tích lịch sử và di sản văn hoá, tôn giáo có thể đưa lại tác động to lớn như thế nào về nhiều phương diện trong phạm vi quốc gia và trên khắp thế giới. Quốc gia khác nhau và dân tộc khác nhau nhưng dường như con người thuộc tất cả các quốc gia và dân tộc trên thế giới lại vẫn rất giống nhau ở cảm nhận về cái đẹp và về những giá trị nhân văn mà tiền nhân làm nên rồi lưu truyền lại đời sau theo lịch sử. Vụ hoả hoạn này còn nhắc nhở con người trên trái đất về trách nhiệm bảo tồn những cái đẹp và giá trị ấy để chúng trường tồn với lịch sử.

Trong lúc này, việc quyên góp xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris vẫn tiếp tục. Tính đến cuối giờ chiều ngày 16/4, tổng cộng đã có hơn 114 triệu euro được người dân Pháp và các nước quyên góp thông qua hai trang web chính thức của Quỹ di sản Pháp. Lượng người quyên góp quá đông thậm chí đã buộc Quỹ này mở thêm 1 trang web khác. Nếu tính khoản đóng góp của các công ty và các gia đình giàu có thì số tiền quyên được có thể lên đến hơn 700 triệu euro. Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo cho biết trong vài tuần tới chính quyền thành phố sẽ tổ chức một hội nghị lớn quy tụ các nhà tài trợ và đóng góp tài chính cho việc tái tạo nhà thờ Đức Bà Paris.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận