Khát vọng Nhật Bản từ Niên hiệu mới Reiwa

Niên hiệu "Reiwa" tượng trưng cho hy vọng rằng người dân sẽ đạt được khát vọng của mình, như những bông hoa mơ nở rộ sau mùa Đông khắc nghiệt.

 

Niên hiệu mới của Nhật Bản sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/5, khi Thiên hoàng Akihito chính thức thoái vị và Hoàng Thái tử Naruhito đăng quang. Hoàng Thái tử lên ngôi Vua cũng đồng nghĩa với việc mở ra một thời đại phát triển mới cho Nhật Bản.

Khát vọng phát triển   

Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Thiên hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Hệ thống niên hiệu của Nhật Bản chỉ từ sau năm 701 mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ. Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Thiên hoàng tại vị. Niên hiệu lâu dài nhất của Nhật Bản là Chiêu Hòa (64 năm) của Thiên hoàng Hirohito (1926-1989). Hiện tại niên hiệu của Thiên hoàng Akihito là Bình Thành (Heisei). Đến nay, Nhật Bản đã có 250 niên hiệu khác nhau. Trong khoảng 200 năm trở lại đây, một triều đại cũng là toàn bộ thời gian trị vì của một Thiên Hoàng.

Ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, công bố niên hiệu mới Lệnh Hòa của Nhật Bản, áp dụng từ ngày 1/5/2019 (ảnh: Reuters)

Đúng 11h30 phút ngày 1/4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã chính thức thông báo niên hiệu mới của Nhật Bản là Lệnh Hòa (Reiwa-令和). Và như vậy từ hàng trăm năm nay, niên hiệu mới của Nhật Bản vẫn kế thừa chữ Wa-Hòa thể hiện sự phát triển mới trong từng giai đoạn dựa trên truyền thống và lịch sử tốt đẹp của dân tộc.

Hai chữ “Lệnh Hòa” lấy tựa đề từ bài thơ “Mai hoa ca” trong tập Manyoshu (phiên âm tiếng Việt là Vạn Diệp Tập) được xuất bản từ thế kỷ thứ 8 thời kỳ Nara. Manyoshu quy tụ những tác giả trên toàn Nhật Bản trong suốt 4 thế kỷ từ thế kỷ 5 đến thế kỷ thứ 8 với các tác giả từ Hoàng đế, Công chúa, Vương phi, Tướng lĩnh, cho tới binh sĩ, nông dân, người đốn củi, kẻ ăn mày... với gần 400 nhà thơ được định danh, còn lại là khuyết danh. Chữ Lệnh được lấy từ đoạn thơ sau: Sơ xuân lệnh nguyệt 初春令月/ Khí thục phong hòa 氣淑風和/ Mai phi kính tiền chi phấn 梅披鏡前之粉/ Lan huân bội hậu chi hương 蘭薫珮後之香

Tạm dịch: Đầu xuân tháng đẹp/ Khí trong gió hòa/ Trước gương hoa mai tỏa phấn/ Bên người hoa lan xông hương.

“Lệnh nguyệt” trong bài thơ trên vừa có nghĩa là tháng tốt lành bởi bài thơ được sáng tác vào ngày 13 tháng giêng, năm thiên bình thứ hai (năm 730). Thời điểm này cũng là lúc mùa Xuân bắt đầu, cây cối bắt đầu đâm trồi nảy lộc và sự xanh tươi sẽ tới rất gần.

Thủ tướng Abe Shinzo giải thích rằng niên hiệu "Reiwa" tượng trưng cho hy vọng rằng tất cả người dân sẽ đạt được khát vọng của mình, như những bông hoa mơ nở rộ sau mùa Đông khắc nghiệt.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản yêu cầu các Đại sứ Nhật Bản tại các nước trên thế giới giải thích niên hiệu Reiwa có nghĩa là "Hài hòa tốt đẹp". Đa số người dân hài lòng với niên hiệu mới này, bởi họ luôn luôn mong muốn Nhật Bản phát triển và yên bình.

Đánh dấu sự thay đổi nền kinh tế thế giới

Niên hiệu mới được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao về mặt ý nghĩa đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, nó cũng đánh dấu sự thay đổi của nền kinh tế thế giới.

Giáo sư Yamamoto - Trường Đại học Tokyo cho rằng, niên hiệu mới ngoài việc thể hiện giá trị văn hóa của Nhật Bản còn thể hiện giá trị quan trọng đối với thế giới, đó là thời kỳ của sự ổn định và phát triển, đặc biệt là sự tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới.

Giáo sư danh dự trường Đại học Yokohama nhận định, thời kỳ niên hiệu thay đổi cũng ứng với sự biến động lớn của nền kinh tế thế giới. Ví dụ như vào thời Minh Trị khi đó bắt đầu thực hiện việc dùng đơn vị tiền tệ chung trên thế giới, thời kỳ Đại Chính đến Chiêu Hòa đánh dấu sự chuyển giao trung tâm kinh tế từ Anh sang Hoa Kỳ.

Hiện tại, trong niên hiệu Lệnh Hòa có khả năng sẽ đánh dấu sự di chuyển các cực thế giới từ nhất cực Mỹ sang nhiều cực khác nhau như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Thời kỳ hiện tại, Trung Quốc đang nổi lên như một nền kinh tế lớn và nước này cũng có ý muốn tạo nên một đồng đô la Mỹ của Trung Quốc, gây ảnh hưởng và chuyển đổi thái cực của nền kinh tế thế giới.

Tại Nhật Bản, trong những năm qua nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp. Tuy các chính sách của Thủ tướng Abe luôn ưu tiên phát triển kinh tế, song vẫn chưa tạo ra được bứt phá với một mức tăng trưởng có thể yên tâm. Với niên hiệu mới, nền kinh tế Nhật Bản hy vọng sẽ tạo ra một mức tăng trưởng mới đáp ứng nguyện vọng của dân chúng.

Thời khắc cho niên hiệu mới bắt đầu

Theo dự kiến thì gần một tháng nữa Thiên hoàng Akihito sẽ thoái vị và thời kỳ Heisei hiện nay sẽ khép lại. Và từ ngày 1/5, Nhật Bản sẽ chính thức bắt đầu sử dụng niên hiệu mới, đồng thời đánh dấu thời đại của Thiên hoàng Naruhito.

Thiên hoàng Akihito dự kiến sẽ tiếp tục đảm nhiệm các nhiệm vụ trên tư cách biểu tượng đất nước cho tới lúc thoái vị vào ngày 30/4. Từ ngày 17/4, Thiên hoàng và Hoàng hậu Michiko sẽ tới thăm tỉnh Mie trong vòng 3 ngày. Thiên Hoàng sẽ tới dự một buổi lễ trước ngày thoái vị tại Đền Ise, nơi thờ tổ tiên trong hoàng tộc.

Vào ngày 26/4, Thiên hoàng và Hoàng hậu sẽ dự buổi lễ trao giải cho Giải thưởng Học thuật MIDORI, và đó sẽ là công việc cuối cùng ở ngoài Hoàng cung trên tư cách Thiên hoàng và Hoàng hậu.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (ảnh: Reuters)Vừa qua, Nhật Bản đã chính thức tổ chức hội nghị lần thứ 4 của Ủy ban tổ chức Lễ đăng quang Thiên hoàng dự kiến diễn ra vào ngày 1/5 ngay sau khi Nhật Hoàng Akihito thoái vị, nhường ngôi cho Hoàng thái tử. Tại cuộc họp này, Nhật Bản đã quyết định hàng loạt nghi thức sẽ được tiến hành tại buổi lễ trên.

Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng đây là buổi lễ tiêu biểu của nhân dân Nhật Bản. Thủ tướng nhấn mạnh, toàn Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để đón sự kiện mang tính lịch sử của đất nước.

Lễ Thoái vị sẽ được tổ chức tại khu chính điện của Hoàng cung vào lúc 17h ngày 30/4. Sau khi Thủ tướng Abe đọc lời chúc từ với tư cách là đại biểu của nhân dân, Thiên hoàng sẽ có lời phát biểu.

Những vật tượng trưng cho Hoàng vị là kiếm, bảo ngọc, quốc Ấn (Quốc tỉ) và Triện Thiên hoàng sẽ được dâng lên hương án và Nhà vua và Hoàng hậu cùng an tọa. Tất cả có 338 người tham gia vào Lễ thoái vị, bao gồm các Đại thần, nội các chính phủ và quan chức địa phương (riêng nội các là 169 người).

Lễ tiếp truyền bảo vật Vua sẽ được tổ chức vào lúc 10h30 phút sáng ngày 1/5 với nghi thức tiếp nhận kiếm, bảo ngọc, quốc Ấn và triện thiên hoàng. Nghi lễ này chỉ có 26 người tham gia bao gồm các đại thần và đại biểu nội các Nhật Bản.

Cùng ngày 5/1, sau Lễ đăng quang, từ 11h10 phút là nghi thức Lễ yết Triều sau thoái vị. Tại Lễ này, Thiên hoàng mới sẽ có lời bố cáo đầu tiên với tư cách là Thiên hoàng. Lễ đăng quang cũng có 338 khách tham gia với thành phần như Lễ thoái vị.

Ngoài Lễ đăng quang và thoái vị, các nghi thức lễ khác như lễ tuyên bố đăng quang trong và ngoài nước dự kiến sẽ diễn ra vào 22/10. Các nghi lễ chúc mừng được phân ra làm 4 phần, bắt đầu từ cuối tháng 10. Ngoài lãnh đạo của 195 nước có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, các đại sứ các nước tại Nhật Bản cũng sẽ được mời tham gia vào một số nghi thức lễ.

Trên thế giới, quốc gia tồn tại chế độ Hoàng thất không còn nhiều, nhưng mỗi sự thay đổi của vương triều đều tập trung sự chú ý của thế giới. Nhật Bản từ đây hy vọng sự thay đổi tích cực mới, ứng với cuộc sống bình yên, vui vẻ của dân chúng.

 
 

Bình luận

    Chưa có bình luận