NATO - chuyện của 70 năm…

Tròn 70 năm tuổi, NATO đã đi một hành trình dài, đã bước lên đài vinh quang của vị thế 'Khối Liên minh quân sự hùng mạnh nhất hành tinh'.

 

Ngày 4/4 này, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tròn 70 năm tuổi. 7 thập kỷ qua, Liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này mang trong mình rất nhiều những câu chuyện thú vị…

Cuộc khai sinh từ những âu lo

Năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, chiến thắng ròn rã và nhuộm màu huyền thoại trước phát xít Đức đã biến Liên Xô trở thành thế đối trọng đáng gờm trong mắt ngay cả những đồng minh trước đó. Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Liên Xô đã đưa nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ vào nỗi âu lo mơ hồ, rằng với đà này, rất có thể vị thế, an ninh của họ sẽ bị suy suyển, bị ảnh hưởng, rằng rất có thể sẽ có những cuộc chiến tranh mới và một mình họ liệu có thể đương đầu…

Quang cảnh một phiên họp của NATO (Ảnh: gmfus.org)Nhưng không thể ngồi yên để những âu lo xâm chiếm, 3 năm sau thế chiến thứ II, một số nước Tây Âu đã có những động thái đầu tiên. Tháng 3/1948, Anh, Pháp và ba nước Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) đã cùng bắt tay vào một Liên minh quân sự với tên gọi Hiệp ước Phòng thủ tập thể Brussels - đây có thể coi là hình hài ban đầu từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Gần một năm sau, tháng 1/1949, trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ,  Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã cảnh báo các lực lượng dân chủ và chủ nghĩa cộng sản đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu nguy hiểm, ông kêu gọi một liên minh phòng thủ giữa các quốc gia Bắc Đại Tây Dương và Mỹ. 3 tháng sau đó, ngày 4/4/1949, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký ở Washington và chính thức có hiệu lực vào tháng 8/1949 với 12 thành viên sáng lập gồm: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ý, Luxembourg, Iceland, Bồ Đào Nha, Na Uy và Đan Mạch.

Trong số những nước thành viên sáng lập NATO này có khá nhiều điều đặc biệt như Bỉ là quốc gia duy nhất gia nhập NATO đúng vào ngày thành lập khối 4/4/1949; Iceland - một quốc gia không có… quân đội nhưng vẫn tham gia một Liên minh quân sự (dĩ nhiên dù không có quân đội, Iceland vẫn có lực lượng vệ binh quốc gia, tuần duyên và lực lượng gìn giữ hòa bình); Luxembourg - đại công quốc chỉ có quân đội với khoảng vài trăm quân và sĩ quan chỉ huy, nhưng lại là một trong những quốc gia năng nổ nhất trong việc thành lập NATO; Bồ Đào Nha - quốc gia đứng ngoài cuộc thế chiến thứ hai nhưng cũng là quốc gia gia nhập NATO ngay từ ngày đầu tiên.

Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng định Brussels năm 2017 (Ảnh: rte.ie)Những năm đầu 1950, sự nóng lên của cuộc “Chiến tranh Lạnh” khắp châu Âu đã một lần nữa làm gia tăng thêm nhiều nỗi âu lo về an ninh của nhiều quốc gia, vì thế như một lẽ đương nhiên, NATO liên tục đón nhận thêm các thành viên mới. 70 năm qua, từ 12 thành viên ban đầu, NATO đã 6 lần được mở rộng, liên tục kết nạp thêm thành viên gồm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (1952), Cộng hòa Liên bang Đức (1955), Tây Ban Nha (1982), Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary (1997). Chỉ trong một ngày 29/3/2004, 7 quốc gia đã gia nhập NATO bao gồm: Bungari, Estonia, Litva, Latvia, Rumani, Slovakia, Slovenia (2004). 4 năm sau, ngày 1/4/2009, Albania trở thành quốc gia tiếp theo gia nhập NATO dù quốc gia này cũng không hề tiếp giáp với biển bắc Đại Tây Dương. Năm 2009, một sự kiện đặc biệt là Albania và Croatia - hai quốc gia cùng thuộc Nam Tư cũ, đã gia nhập NATO cùng ngày. Và thành viên trẻ nhất của NATO là Montenegro - nước mới chỉ gia nhập tổ chức này ngày 5/6/2017. Như vậy, tính tới thời điểm này, NATO bao gồm 28 thành viên. Thành viên thứ 29 đang được dự đoán sẽ là Bắc Macedonia. Tháng 6/2018, NATO đã gửi giấy mời gia nhập tới quốc gia này và ngày 6/2/2019 vừa qua, Macedonia đã ký nghị định thư gia nhập NATO sau khi giải quyết ổn thỏa vấn đề đổi tên nước với Hy Lạp.

Những “cuộc chiến” không lối thoát

Đồng minh nhưng chẳng đồng lòng - đó có lẽ là cụm từ chân xác nhất để nói về  thực trạng trong lòng Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Kết lại bên nhau trong cùng một mong muốn nhưng trên hành trình hiện thực hóa ước vọng ấy suốt 70 năm qua, nội bộ gần 30 thành viên của NATO đã phải đối mặt với không ít những bất đồng, những mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn lớn nhất, như căn nguyên thường thấy của mọi cuộc mâu thuẫn, vẫn là câu chuyện quyền lực, lợi ích và tiền bạc. Hoa Kỳ là một cường quốc, một thế lực, là đối trọng lớn nhất trong liên minh NATO nhưng với 17 quốc gia còn lại, điều đó không đồng nghĩa với việc quyền chỉ huy NATO luôn nằm trong tay Mỹ. Chính vì vậy, nhiều thập kỷ qua, các nước thành viên trong khối NATO đã lên tiếng đòi phân chia quyền lực công bằng tương đối giữa các quốc gia trong Liên minh.

Ngân sách từ lâu cũng là một “cuộc chiến” dai dẳng nữa trong lòng NATO, và như một thế đối nghịch, nếu trong “cuộc chiến” quyền lực, các thành viên Liên minh nuôi nỗi ấm ức với Mỹ thì trong vấn đề tiền bạc, kẻ ấm ức nhất không ai khác lại là Mỹ. Theo thống kê, hiện Mỹ chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và trước hội nghị lần này mới chỉ có ba nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia. Thậm chí tới nay dù các thành viên NATO từ năm 2014 đã nhất trí hoàn thành mục tiêu nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, song hiện mới chỉ có một số ít thành viên NATO triển khai thực hiện mục tiêu nêu trên. “Cuộc chiến” tiền bạc giữa Mỹ và NATO càng trở nên gay gắt kể từ thời Tổng thống D.Trump - người với “cá tính ghê gớm” thường thấy đã nhiều lần chẳng hề nể nang mà “phang thẳng” đầy gay gắt vào chính các đối tác của Mỹ trong NATO là "ăn bám Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng", rằng "các nước thành viên NATO phải đóng góp công bằng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu họ không làm được điều đó thì thật không công bằng đối với những người dân Mỹ phải nộp thuế", rằng các quốc gia thành viên của NATO phải chi 2% GDP cho quốc phòng ngay lập tức chứ không phải đợi tới năm 2025.

Lực lượng đặc biệt của Estonia trong cuộc tập trận chung của NATO tại Estonia (ảnh: Getty Images)Nhưng điều đáng nói là những “cuộc chiến” ấy đều là những cuộc chiến đến giờ NATO vẫn chưa tìm thấy lối ra. Chừng nào châu Âu vẫn còn lúng túng trong bài toán tài chính cho ngân sách chung của NATO thì chừng đó hẳn sẽ còn phải ngậm ngùi trong cán cân quyền lực với người bạn Mỹ.

Những cuộc khủng hoảng tồi tệ và tương lai bất định

Tròn 70 năm tuổi, NATO đã đi trọn một hành trình dài, đã bước lên đài vinh quang của vị thế là “Khối Liên minh quân sự hùng mạnh nhất hành tinh”. Nhưng giờ đây, bước sang năm tồn tại thứ 71, những “cuộc chiến” không lối thoát trong nội tại tổ chức này, sự đổi thay đáng kể trong cục diện đời sống chính trị, an ninh, quốc phòng thế giới, hàng loạt những thách thức an ninh, từ các phong trào Hồi giáo cực đoan, tới cuộc khủng hoảng người di cư và quan hệ với Nga; những cuộc khủng hoảng tồi tệ mà NATO đã từng phải nếm trải, đặc biệt là việc năm 2011, NATO can thiệp quân sự vào Libya, không quân NATO không kích các mục tiêu quân sự Libya và hậu thuẫn lật đổ chính quyền Gaddafi… đã cho thấy NATO đã không còn đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề toàn cầu, đồng nghĩa với việc đẩy NATO đến bên bờ vực của việc: Tồn tại hay không tồn tại?

Tổng thống D.Trump Mỹ như phong thái “thẳng tưng” và mạnh miệng thường thấy đã nhiều lần lên tiếng cho rằng “NATO đã lỗi thời”, thậm chí đã có lúc ông Trump thảo luận về việc rút hoàn toàn khỏi liên minh gần 70 tuổi này và rằng ông không thấy lập trường của NATO. Pháp một số quốc gia châu Âu thời gian qua lại bồi thêm ý tưởng về cái gọi là “quân đội chung của châu Âu”, rằng người châu Âu có thể bảo vệ lợi ích của châu Âu mà không cần quá phụ thuộc vào Washington.

Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower là tư lệnh tối cao đầu tiên của NATO vào năm 1951 và cho đến nay vị trí Tư lệnh Tối cao NATO, đã thành “luật bất thành văn” thường do một tướng hoặc đô đốc người Mỹ đảm nhiệm, có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động quân sự trên thế giới của liên minh. Hiện nay, tướng Scaparrotti là sĩ quan thứ 18 của quân đội Mỹ nắm giữ vị trí này.

Tất cả đang đẩy Liên minh hùng mạnh một thời vào một tương lai bất định. Nhưng, về phần mình NATO dường như vẫn tràn đầy niềm hy vọng. Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, tướng Petr Pavel, từng cho rằng không nên coi phát biểu của ông Trump về việc Mỹ có thể từ bỏ những cam kết trong hiệp ước NATO là nghiêm túc. Theo ông Pavel, điều khoản phòng vệ tập thể của Điều 5 Hiệp ước NATO là rất rõ ràng và NATO có trách nhiệm bảo vệ các quốc gia thành viên vô điều kiện trong trường hợp các nước này bị tấn công. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã có 70 năm lịch sử, khẳng định hiệp ước này có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ cũng như là các đồng minh và mang tính ràng buộc mà không tổng thống Mỹ nào sẽ "dám" thay đổi.

Không ai cấm cản nổi những hy vọng, những ước mơ, chỉ có điều tương lai sẽ ra sao là điều không ai có thể đoán định. Nhưng một NATO già cỗi và cần phải đổi thay cho “hợp thời” là điều hoàn toàn chắc chắn.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận