Ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị đã họp mở rộng bàn vấn đề miền Nam và chủ trương: “Trong khi địch dùng hành động quân sự đánh ta, ta cần phải chủ động tiến công địch…”. Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khoá III) khẳng định: "Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”.
Nối tiếp những nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, từ giữa năm 1973, kế hoạch giải phóng miền Nam bắt đầu được triển khai hoạch định, cân nhắc và hoàn thiện từng bước theo thời gian diễn tiến trên chiến trường và qua đến 8 lần sửa đổi, mới có được bản chốt cuối cùng.
Khẩn trương, thần tốc là yêu cầu tiên quyết
Sau thắng lợi của Hiệp định Paris, với việc nhận diện rất sớm và chính xác thời cơ, ta đã có những ý tưởng đầu tiên về một bản kế hoạch giải phóng miền Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo không bỏ lỡ thời cơ, tính khẩn trương, thần tốc đã là một trong những yêu cầu số 1.
Tháng 4/1973, theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Tổng tham mưu bắt đầu tiến hành xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
Cùng thời gian đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị hình thành một Tổ Trung tâm trong Bộ Tổng tham mưu có nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch này. Tất cả các thành viên trong tổ vốn là những chỉ huy dày dạn trận mạc và có kinh nghiệm lịch sử chiến tranh. Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tổ trưởng. Tổ có các đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng và hai đồng chí Cục phó là Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức.
Theo hồi ức của Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, một trong 4 người tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, với trách nhiệm cao trước Tổ quốc, dân tộc, các thành viên Tổ Trung tâm - vốn là những chỉ huy dày dạn trận mạc đã tranh luận rất sôi nổi về nhận định tình hình và phản ứng của địch: Một là, quân đội Sài Gòn bắt đầu suy yếu nhưng yếu đến mức nào và thời gian chống đỡ kéo dài bao lâu? Hai là, khi chính quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Mỹ có can thiệp không?
Từ kinh nghiệm chiến trường, từ nhãn quan chính trị, với sự kỹ càng, thận trọng rất cao, Tổ Trung tâm đã đưa ra nhiều nhận định về cục diện, tình hình thế trận, tương quan lực lượng hai bên. Các thành viên Tổ Trung tâm, từ việc nắm vững mục đích và yêu cầu chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lần này là dứt khoát phải tiêu diệt bằng được đội quân địch hơn một triệu tên, có kinh nghiệm chiến đấu, có trang bị mạnh nên phải có một kế hoạch hết sức chặt chẽ, hợp lý, có khả năng thực thi cao.
8 lần sửa đổi trong nửa năm và phương án chốt hạ
Ngày 5/6/1973, bản Dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. lần thứ nhất ra đời trong đó ghi rõ: “Phương hướng chiến trường, phương hướng chủ yếu các đòn chủ lực: 1- Hướng tiến công chủ yếu là Nam bộ. 2- Còn hướng chủ yếu của chủ lực ta là: Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ. Chủ yếu là Tây Nguyên, vì địa hình tốt, bảo đảm phát huy được binh khí kỹ thuật, kết hợp được đòn tiến công chủ lực với đòn tiến công nổi dậy của đồng bằng Quân khu V; bảo đảm liên tục tiến công, có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, địch hiện tương đối yếu”.
Từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 8/1973, kế hoạch chiến lược tiếp tục được dự thảo thêm ba lần, mỗi lần đều được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho ý kiến để bổ sung sửa chữa. Mỗi lần dự thảo và bổ sung đều thấy xuất hiện những vấn đề mới cần được tiếp tục trao đổi, thảo luận. Trong lần dự thảo thứ ba, Tổ Trung tâm đi sâu phân tích những đặc điểm của cuộc tổng khởi nghĩa, dự kiến thời cơ tổng khởi nghĩa có thể diễn ra và các biện pháp chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để tiến hành tổng khởi nghĩa, tổng công kích, lấy phát động quần chúng làm khâu chủ yếu nhất, trọng điểm số 1 là Sài Gòn. Tổng công kích - tổng khởi nghĩa trở thành vấn đề nổi bật được thảo luận rất nhiều trong những lần Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược.
Cũng theo Trung tướng Lê Hữu Đức, ngày 20/7/1974, đồng chí Lê Duẩn lại có cuộc gặp riêng với Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Bản kế hoạch đã dự thảo đến lần thứ 5, ngày 26/4/1974. Tại cuộc gặp này, đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo kỹ về tình hình quân ta và quân địch trên các chiến trường. Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn nói: “Hôm nay mời các anh ra đây để bàn chuyện lớn: Chúng ta phải giải phóng miền Nam ngay sau khi Mỹ rút...”. Và đồng chí đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo, xác đáng vào kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu. Cuối cùng, đồng chí nói: “Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Tổng tham mưu là Bộ Chính trị phải có nghị quyết về tình hình mới, thống nhất hành động, thống nhất ý chí để huy động sức mạnh của cả nước vào sự nghiệp lớn lao này”. Sau buổi làm việc ấy, Tổ Trung tâm dự thảo lần thứ 6 “Kế hoạch tổng tiến công, tổng công kích” ngày 15/8/1974.
Kế hoạch này được sửa đổi 8 lần, đến cuối năm 1973, cơ bản thống nhất kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (dự kiến 1975 - 1976). Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, bản dự thảo lần thứ 8 được trình ra cuộc họp của Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, có các đồng chí phụ trách các chiến trường tham dự.
Bản dự thảo này nêu ra 3 phương án. Theo đó, Phương án I: Tổng tiến công chiến lược. Hướng chủ yếu là Tây Nguyên. Hướng tiến công chủ yếu và nổi dậy là miền Đông và Sài Gòn; Phương án II: Tổng tiến công và nổi dậy song song. Tập trung lực lượng vào hai trọng điểm Sài Gòn - miền Đông và Trị Thiên - Đà Nẵng; Phương án III: Tổng nổi dậy kết hợp tổng tiến công.
Cuối cùng, sau hơn nửa năm chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, qua 8 lần Dự thảo sửa chữa, một Phương án - Kế hoạch giải phóng miền Nam cũng đã được quyết nghị. Bộ Chính trị đã lựa chọn phương án I đồng thời có một quyết định vô cùng sáng suốt, thể hiện và nâng cao nghệ thuật quân sự lên một tầm cao mới: “Nếu tạo được thời cơ vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”.
Đất nước trọn niềm vui, non sông liền một dải
Từ sự ra đời của Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị họp Hội nghị từ ngày 3/9 - 7/10/1974 để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị họp và cơ bản nhất trí với nội dung bản dự thảo Kế hoạch chiến lược do Cục Tác chiến chuẩn bị; đồng thời quyết định: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch và các thành, thị khác, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Bộ Chính trị khẳng định: Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn. Hai mươi năm nhân dân cả nước chiến đấu mới tạo được thời cơ này. Ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, địch gượng dậy được, các thế lực xâm lược bành trướng mạnh lên, tình hình sẽ phức tạp vô cùng. Về mặt thời gian, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, đặc biệt: “Phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975”.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh và quyết định: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tối 29, sáng ngày 30/4, với lực lượng áp đảo cần thiết, gồm 5 quân đoàn, binh khí kỹ thuật hiện đại đồng loạt tiến công vào trung tâm đô thành Sài Gòn, ta đã nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu chủ yếu, làm chủ thành phố. Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sài Gòn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Những kỳ công, những quyết tâm chiến lược đã mang đến ngày toàn thắng, đất nước trọn niềm vui, non sông thống nhất, liền một dải./.
Hà Anh