Đã hơn một tháng rưỡi, cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc do làn sóng đình công của các bác sĩ thực tập vẫn căng thẳng và bế tắc. Ngày càng nhiều bệnh nhân xấu số phải chấp nhận "án tử" còn người thân bất lực trước hiện thực đau lòng khi các bác sĩ cương quyết từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Khi người bệnh bị bỏ mặc chênh vênh bên bờ vực sinh tử
Báo chí đang xôn xao trước sự việc chiều ngày 30/3 vừa qua, một bé gái 33 tháng tuổi bị rơi xuống mương và tử vong, khi bị 9 bệnh viện từ chối cấp cứu. Cụ thể, bé gái sảy chân bị rơi xuống con mương sâu 1m cạnh nhà ở ấp Boeun, huyện Boeun, tỉnh Chungcheong Bắc, miền Trung Hà Quốc. Ngay sau đó, bé được cha đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện ở địa phương trong tình trạng đã ngừng tim.
Đến 17h33 cùng ngày, mạch của bé gái đã đập trở lại, bệnh nhi chuyển sang giai đoạn phục hồi tuần hoàn tự phát (ROSC), tuần hoàn máu cũng lưu thông lại. Các bác sĩ tại bệnh viện này nhận định bé gái vẫn cần phải chuyển đến bệnh viện cấp cao hơn để phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện đã từ chối tiếp nhận vì thiếu giường bệnh và đến 19h ngày 30/3, bé gái rơi vào tình trạng ngừng tim và được tuyên bố tử vong sau đó 40 phút.
Điều đau lòng là trường hợp bé 33 tháng tuổi này không phải là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng y tế, làn sóng đình công của các bác sĩ tại Hàn Quốc để rồi bị buộc phải chấp nhận “án tử” khi vẫn còn có cơ hội được sống. Trước đó, hồi cuối tháng 2/2024, dư luận Hàn Quốc đã được phen ồn ào trước thông tin một bệnh nhân ngoài 80 tuổi bị tử vong do ngừng tim sau khi bị 7 trung tâm cấp cứu tại thành phố Daejeon từ chối tiếp nhận.
Lee Jun (32 tuổi), một nhân viên văn phòng và là người giám hộ của một bệnh nhân ung thư, đã không giấu nổi sự tức giận và bất lực trước tình hình hiện tại. "Tôi không hiểu làm thế nào mà các bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ cấp cao, lại có thể biện minh cho việc từ bỏ công việc đối với những bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Rõ ràng là các bác sĩ đang đình công chỉ để cố gắng đảo ngược một chính sách mà họ cho rằng đe dọa đến lợi ích của họ" - Lee nói trong bức xúc khi theo kế hoạch ban đầu, mẹ của Lee Jun sẽ được phẫu thuật trong tháng 3 tại Trung tâm Y tế Samsung. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật hiện đã bị hoãn vô thời hạn.
Yoon, một bệnh nhân mãn tính ở độ tuổi 80 đang được điều trị tại bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) cho biết ông cảm thấy mình sẽ "ra đi sớm" do cuộc đình công của cộng đồng y bác sĩ; còn bệnh nhân Park, người mắc chứng suy tim và đã có 10 năm được điều trị y tế tại Trung tâm Y tế Asan, đã ví việc các bác sĩ từ chức giống như việc "đẩy bệnh nhân xuống vực". "Nếu bác sĩ rời đi, điều đó giống như đẩy bệnh nhân ra khỏi vách đá và bảo họ hãy tự sống sót mà không đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ hay lời khuyên nào" - ông Park nói.
Tiếng kêu thảm của lương tri sau những bế tắc
Với nhiều người dân Hàn Quốc, nước này hiện không trong tình trạng khẩn cấp như hồi dịch Covid-19 nhưng lại có bệnh nhân tử vong do không có bác sĩ cấp cứu là một điều khó chấp nhận, việc bác sĩ rời bỏ lĩnh vực y tế giống như một "bản án tử hình dành cho bệnh nhân", đó là sự thiếu nhân văn, đi ngược lại lương tri và lời thề Hippocrates. Như xúc cảm của Oh Myung-jin (44 tuổi), người đang phải chăm sóc cho hai thành viên trong gia đình. Người cha 70 tuổi của Oh bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4 và cần tiếp tục xạ trị và hóa trị liên tục, còn cô con gái đang học cấp 2 đang phải chiến đấu với căn bệnh dị tật động tĩnh mạch cột sống, một tình trạng rối loạn bất thường của các mạch máu trên, trong hoặc gần tủy sống, suốt một năm nay tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH), nếu không được điều trị, tình trạng hiếm gặp này có thể gây tổn thương vĩnh viễn tủy sống, gây khó khăn khi đi lại và dẫn đến yếu chi dưới.
“Các bệnh nhân và gia đình họ đều đang phải hứng chịu cú sốc này. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ mà con gái và cha tôi đã nhận được, nhưng các bác sĩ không nên gây áp lực lên chính phủ bằng cách lợi dụng sức khỏe của bệnh nhân để ngăn cản việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y. Giữ mạng sống của người dân làm con tin là đi ngược lại lời thề Hippocrates, vốn nhấn mạnh đến việc hành động vì lợi ích của bệnh nhân” - Oh bức xúc.
Bản thân Bộ Y tế Hàn Quốc cũng đã phải lên tiếng thừa nhận thực tế đau lòng rằng việc các bác sĩ ngừng việc tập thể ở quy mô lớn là chưa từng xảy ra ở quốc gia nào trên thế giới.
Tuy nhiên, khi thực tế vẫn cứ tiếp diễn những vụ việc đau lòng, ngày càng nhiều bệnh nhân bị buộc phải chấp nhận án tử hay chênh vênh bên bờ vực sinh tử thì cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc, khởi phát suốt từ ngày 20/2 đến nay vẫn trong tình trạng căng thẳng và bế tắc.
Tính đến ngày 28/3, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập trên cả nước đã đình công để phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 suất kể từ năm 2025, so với mức 3.058 suất như hiện tại. Số ca phẫu thuật đã giảm từ 200 đến 220 ca mỗi ngày, xuống còn 100 ca, với khoảng 50% số ca mổ bị hoãn lại. 5 bệnh viện đa khoa lớn của Hàn Quốc thiệt hại hơn 1 tỷ won (gần 18,4 tỷ đồng) mỗi ngày, trong đó riêng Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul đóng cửa 10 trên tổng số 60 khu. |
Đặc biệt, tính đến đầu tháng 4 này, một nửa số ca phẫu thuật điều trị ung thư tại Hàn Quốc đã phải lùi lịch do các bác sĩ đình công và các giáo sư y khoa giảm giờ làm. Một số bệnh viện tuyến đầu đã hạn chế khám ngoại trú do thiếu nhân viên. Các bác sĩ tại phòng khám tư nhân cũng thông báo sẽ biểu tình "đúng luật pháp" bằng cách giảm giờ làm xuống mức giới hạn theo quy định là 40 giờ mỗi tuần.
Trong khi đó, hiện chưa có dấu hiệu chính phủ sẽ nhượng bộ, thay đổi kế hoạch. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã mời các bác sĩ tham gia thảo luận về ngân sách y tế của chính phủ, tuy nhiên ông Yoon vẫn nhấn mạnh "sẽ không có sự thỏa hiệp nào trong việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y", bất chấp việc ngày càng có nhiều tiếng nói trong đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền thúc giục ông nên "linh hoạt" về số chỉ tiêu bổ sung. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ không lùi bước trước những cải cách "cần thiết". Ông cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh nghề y là biện pháp thiết yếu để ứng phó với tình trạng dân số già của đất nước. Còn về giới y tế Hàn Quốc, họ cho rằng bác sĩ dù là một trong những nghề được tôn trọng và trả lương cao nhất ở Hàn Quốc song điều kiện làm việc khắc nghiệt, nhiều người làm 80 giờ một tuần.
Thậm chí triển vọng đàm phán giữa chính phủ và bác sĩ có chiều hướng xấu đi khi Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), liên minh bác sĩ lớn nhất đất nước, bầu ông Lim Hyun-taek làm tân lãnh đạo bởi ông Lim là một trong những người phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ.
Nhằm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng y tế, từ ngày 25/3, Chính phủ Hàn Quốc điều động tăng cường 200 nhân sự bổ sung, bao gồm 100 bác sĩ quân y và 100 nhân viên y tế công cộng đến 60 cơ sở y tế. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để giảm bớt khó khăn cho ngành y tế. Việc đối thoại tìm tiếng nói chung để giải quyết khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và một khi chính phủ và ngành y tế vẫn cân đong đo đếm từng khoảng cách đàm phán, khi lòng tin giữa hai bên vẫn chưa được tạo dựng, khi lời thề Hippocrates đang bị xếp xuống hàng thứ yếu thì người thiệt thòi nhất vẫn là các bệnh nhân, những người đang giành giật sự sống hàng ngày trên các giường bệnh./.
Hà Anh