Barbra Streisand - 'Huyền thoại sống' hay 'Nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ'

Nữ diễn viên, ca sĩ, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Barbra Streisand mới được Hiệp hội Diễn viên điện ảnh Mỹ (SAG) tôn vinh với giải Thành tựu trọn đời.

 

Việc ngày 24/2 vừa qua, nữ diễn viên, ca sĩ, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Barbra Streisand được Hiệp hội Diễn viên điện ảnh Mỹ (SAG) tôn vinh với giải Thành tựu trọn đời không làm công chúng ngạc nhiên. Bởi nhiều thập kỷ qua, người phụ nữ Mỹ gốc Do Thái này đã là một trong số rất ít nhân vật phi thường của làng giải trí Mỹ và thế giới khi sở hữu trong tay cả kho giải thưởng danh giá, tài năng nghệ thuật thiên phú cùng tinh thần thiện nguyện hiếm có. Với họ, bà thực sự xứng đáng là “Nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ”, thậm chí là “huyền thoại sống”.

“Nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ”

Những nhân vật gốc Do Thái thường thông minh, phi thường hơn người. Nhân loại đã không ít lần thốt lên điều đó với niềm ganh tị khó giấu. Tuy nhiên, đó lại là sự thật. Sự nghiệp huy hoàng của nữ diễn viên, ca sĩ, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Barbra Streisand là thêm một minh chứng cho điều đó.

Barbra Streisand và Thái tử Charles vào thập niên 1970.Năm 1962, ở tuổi tròn 20, Barbra - cái tên Barbra Streisand tự rút gọn để dễ phân biệt hơn, lần đầu xuất hiện ở sân khấu Broadway trong một vai diễn nhỏ của vở nhạc kịch I Can Get It for You Wholesale. Một vai diễn nhỏ, xuất hiện chớp nhoáng nhưng chất giọng cao vút hiếm có đã khiến cái tên Barbra được các ông bầu ghi nhớ ngay lập tức. Cũng trong năm đó, cô ca sĩ 20 tuổi đã có cho mình hợp đồng ghi âm đầu tiên với hãng sản xuất âm nhạc danh tiếng Columbia Records. Và chẳng mấy ai làm được điều Barbra đã làm, năm 1963, một năm sau “khởi nghiệp”, album đầu tiên của cô có tên là The Barbra Streisand Album đã giành được tới 2 giải Grammy danh giá. Ngay sau đó, cô ca sĩ trẻ Barbra tiếp tục lập kỷ lục khi có tới 3 album đồng thời xuất hiện ở top 10 album nhạc Pop trên bảng xếp hạng Billboard. Cũng thời gian này, cô gái trẻ đã trở thành nhân vật trang bìa của tạp chí danh tiếng Time - điều ít nghệ sĩ cùng thời làm được. Không dừng lại ở đó, trong suốt những năm 70 của thế kỷ trước, tên tuổi của bà luôn thống trị các bảng xếp hạng nhạc pop với những bài hát The way we were, Evergreen, No more tears, Woman in love...

Trong suốt sự nghiệp thu âm của mình, Streisand đã đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 với 11 album - một kỷ lục đối với nghệ sĩ nữ. Chưa kể, bà còn có 5 đĩa đơn quán quân trên Billboard Hot 100, gồm The Way We Were, Evergreen, You Don't Bring Me Flowers, No More Tears (Enough Is Enough) Woman In Love. Với lượng đĩa bán ra đã đạt hơn 150 triệu bản trên toàn thế giới, Streisand đã là một trong những nghệ sĩ thu âm ăn khách nhất mọi thời, số lượng album bán ra chỉ xếp sau vua nhạc rock Elvis Presley và nhóm danh ca Beatles huyền thoại.

Không chỉ sở hữu chất giọng cao vút hiếm có, Barbra Streisand còn khiến không ít đồng nghiệp ngỡ ngàng bởi tài năng diễn xuất thiên phú. Sau vai diễn ra mắt trên sân khấu Broadway năm 19 tuổi, Barbra tiếp tục cho thấy bà là một diễn viên siêu tài năng. Barbra đã là nữ diễn viên gốc Do Thái đầu tiên đảm nhận vai diễn Fancy Brice trên sân khấu Broadway trong vở nhạc kịch ăn khách Funny Girl on the Great White Way (1964) và sau đó là đóng vai này trong bản chuyển thể điện ảnh có tên Funny Girl năm 1968. Bộ phim này đã đem về cho bà giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Tiếp đó, Streisand xuất hiện trên màn bạc với bộ phim tình cảm lãng mạn The Way We Were (1974) và phiên bản mới của A Star Is Born (1976). Bộ phim cực kỳ thành công này đã đem về cho Streisand giải Oscar Nhạc nền xuất sắc nhất.

Tuy nhiên, chừng ấy chưa hết về “Barbra phi thường”. Sự đa tài của bà còn được thể hiện rõ nét khi bà thử sức ở vai trò đạo diễn với các dự án điện ảnh Yentl (1983) và sau đó là The Prince of Tides (1991) và The Mirror Has Two Faces (1996). Chỉ riêng bộ phim Yentl do Barbra vừa sản xuất, đạo diễn, viết kịch bản và đảm trách một vai đã nhận được tới 5 đề cử Oscar và mang về cho Barbra giải thưởng Quả cầu vàng dành cho đạo diễn xuất sắc nhất năm 1984.

Những hình ảnh của Barbra Streisand.

Giờ đây, ở tuổi 82, Barbara Streisand nắm trong tay “chiến tích” mà ít nữ nghệ sĩ trên thế giới làm được: 2 giải Oscars, 10 giải Grammy (trong đó có giải Thành tựu trọn đời và giải Huyền thoại), 5 giải Emmy, 1 giải Tony đặc biệt, gần 10 giải Quả cầu Vàng, giải Peabody, Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ, Huân chương Bắc đẩu bội tinh của nước Pháp, danh hiệu "Ngôi sao Thập kỷ". Nghệ sĩ dương cầm người Canada - Glenn Gould đã gọi giọng hát đầy cảm xúc và biểu cảm của bà là “một trong những kỳ quan của thời đại” còn báo chí thế giới gọi là là “nghệ sĩ của thế kỷ”.

“Chú vịt con xấu xí”, mối quan hệ đặc biệt với vua Charles và tâm hồn đẹp hiếm có

“Tôi là một chú vịt con xấu xí” - Barbra Streisand từng nhiều lần nửa đùa nửa thật chia sẻ với báo giới như vậy mỗi khi có ai đó nói về nhan sắc của bà, trong đó nữ nghệ sĩ từng nói, bà từng cân nhắc việc chỉnh sửa chiếc mũi to của mình.

Nhưng tâm hồn Barbra Streisand lại lấp lánh sáng hơn rất nhiều, và chính tâm hồn đẹp đó đã làm nên một phiên bản Barbra Streisand độc nhất trong làng nghệ sĩ toàn cầu, hơn thế còn khiến bà trở thành một trong những nhân vật giàu sức lan tỏa nhất.

“Tôi không phải là một đứa trẻ hạnh phúc. Tôi đã đi xem phim rất nhiều để trốn tránh thực tại. Tôi thích tạo niềm tin cho mình từ thế giới của những bộ phim” - Streisand từng chia sẻ với người bạn thân Robert Rodriguez trong một cuộc phỏng vấn trên sân khấu. Nhưng điều huyền diệu là tuổi thơ không hạnh phúc đã không thể khiến trái tim Barbra Streisand chai sạn mà ngược lại, càng trở nên dễ đồng cảm trước những con người, những điều chưa may mắn. Cả cuộc đời mình, điều khiến Barbra Streisand say mê dành nhiều tâm huyết nhất, sau âm nhạc và điện ảnh, có lẽ không gì khác là các công việc thiện nguyện và xã hội. Bà không tiếc tiền cho các hoạt động từ thiện. Các buổi hòa nhạc của bà thường là những sự kiện gây quỹ, như việc sử dụng You’ll Never Walk Alone - MV năm 2020 để tôn vinh những người lao động nghèo.

Bà còn mua cổ phiếu của Disney cho Gianna Floyd, con gái nhỏ của George Floyd, người đàn ông da màu bị các sĩ quan cảnh sát Minneapolis sát hại vào năm 2020. Buổi diễn đầu tiên của bà ở Anh ngày 18/7/2007, vé đã bán sạch ngay sau 20 phút dù giá cho một ghế hạng tốt nhất lên đến 600 bảng. Tuy nhiên, toàn bộ tiền bán vé sẽ được chuyển vào Quỹ Streisand, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường, nhân quyền và trẻ em bất hạnh. Bà còn thành lập Trung tâm tim mạch phụ nữ tại Bệnh viện Cedars-Sinai ở Los Angeles cũng như gây quỹ chăm sóc y tế tại Ukraine. Ngoài ra, bà còn tham gia vào cuộc cách mạng về công bằng lương ở Hollywood, quan tâm tới giáo dục và công bằng xã hội, việc kiểm soát súng và quyền của cử tri ở Mỹ.

Có lẽ chính bởi tâm hồn đẹp và tài năng phi thường, Barbra Streisand đã làm không ít trái tim phải mê đắm, trong số đó, theo nhiều đồn thổi có Thái tử nay là Vua Charles. Tờ The Sun từng tung thông tin cho rằng, Vua Charles được cho là đã chọn Streisand là “người đẹp duy nhất” của ông khi còn là sinh viên tại Đại học Cambridge (Anh), rằng với ông, Barbra Streisand ẩn chứa sự quyến rũ khủng khiếp với sức hấp dẫn giới tính tuyệt vời.

Bản thân Barbra Streisand từng chia sẻ, hai người gặp nhau lần đầu vào năm 1974 khi Vua Charles đang làm nhiệm vụ cho Hải quân Hoàng gia Anh ở San Diego (California, Mỹ) và còn độc thân. Ông đã thực hiện chuyến đi ngắn từ San Diego đến Los Angeles, nơi thần tượng của ông đang thực hiện phần mới của bộ phim đình đám Funny Girl (phần đầu năm 1968) tại phim trường Columbia Studios (Hollywood).

“Sự thật là cả Thái tử Charles và tôi đều nhút nhát nhưng bằng cách nào đó chúng tôi vẫn kết nối được với nhau, bởi vì điều đó minh chứng cho sự khởi đầu của một tình bạn bất ngờ”, Streisand từng viết. Trong cuốn hồi ký của mình, Barbra Streisand dùng từ “phi thường” để mô tả tình bạn của bà với Vua Charles./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận