Giá nhiên liệu và phân bón tăng vọt, trong khi nhà chức trách tiếp tục ban bố một loạt quy định khắt khe mới về môi trường… tất cả đã bất ngờ đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng nông nghiệp chưa từng có. Trước làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng của nông dân, chính phủ các nước châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp, tuy nhiên, khủng hoảng nông nghiệp vẫn đang là bài toán hết sức nan giải tại châu lục này.
Khi người nông dân châu Âu nổi cơn thịnh nộ
Ngày 22/2, nông dân Tây Ban Nha đã điều khiển hàng trăm máy cày tiến vào thành phố Madrid để tham gia cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng cạnh tranh không công bằng với các đối tác bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, nhiều nông dân nước này đã xuống đường bằng máy kéo trong ngày 6/2, làm tắc nghẽn giao thông từ Seville và Granada ở phía Nam đến Girona gần biên giới Pháp. Đây là những hành động hưởng ứng làn sóng phản đối của nông dân ở các nước châu Âu khác trước tình trạng chi phí tăng cao, quan liêu và cạnh tranh từ các quốc gia bên ngoài EU. Nhiều người đã phải vật lộn để duy trì hoạt động và một số buộc phải đóng cửa trang trại. Theo chính phủ Tây Ban Nha, tới nay có hơn 4.000 nông dân đã tham gia cuộc biểu tình.
Tại Pháp, tình hình cũng gay gắt không kém là bao. Từ giữa tháng 11/2023, nông dân Pháp đã triển khai nhiều cuộc biểu tình dưới sự dẫn dắt của Liên minh quốc gia Các nghiệp đoàn Nông dân (FNSEA) và Nghiệp đoàn Nông dân trẻ (SJA). Tới tháng 1/2024, phong trào biểu tình trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Ngày 29/1/2024, nông dân Pháp đã đổ các thùng sản phẩm nhập khẩu ra đường và dựng nhiều rào chắn trên tuyến cao tốc chính nối thủ đô Paris với thành phố Lille ở phía Bắc đất nước. Trước đó, ngày 25/1, hàng trăm chiếc máy kéo đã chặn ngang đường cao tốc A16 nối Pháp với Bỉ. Sang tháng 2/2024, một số nông dân ở Pháp vẫn tiếp tục phong trào biểu tình, bất chấp lời kêu gọi ngừng phong tỏa các tuyến đường của hai nghiệp đoàn nông dân lớn tại nước này.
Tại Hy Lạp, ngày 20/2 vừa qua, cảnh sát ước tính ít nhất 8.000 nông dân nước này cùng 130 máy kéo đã tham gia biểu tình. Họ đổ về quảng trường trung tâm Athens, đậu máy kéo phía trước tòa nhà Quốc hội để phản đối trong bối cảnh họ phải chịu chi phí sản xuất và giá năng lượng tăng cao.
Điều đáng nói là các cuộc biểu tình không chỉ diễn ra tại Pháp, Tây Ban Nha mà trên khắp châu Âu, từ Đức, Hy Lạp cho đến Cộng hoà Czech, đang chứng kiến các cuộc biểu tình trên quy mô lớn của người nông dân. Trên khắp các ngả đường tại EU nhiều tháng qua, các hoạt động biểu tình, tuần hành bằng xe kéo, phong tỏa đường cao tốc... diễn ra ở nhiều nơi.
Có thể nói, châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng khủng hoảng nông nghiệp nghiêm trọng chưa từng có đe dọa đến sự ổn định của lục địa này. Nguồn cơn của làn sóng thịnh nộ này thì khá đa dạng. Tuy nhiên, tựu chung, nông dân châu Âu phẫn nộ bởi các nông dân biểu tình nói họ đang phải đối mặt với các loại chi phí và thuế ngày càng tăng, nạn quan liêu, các quy định môi trường quá khắt khe và sự cạnh tranh từhàng nhập khẩu giá rẻ. Nhiều người nông dân chỉ trích các quy định khắt khe mà EU áp đặt để bảo vệ môi trường khiến họ không cạnh tranh được với nông dân ở các khu vực khác, chẳng hạn như Mỹ Latinh hoặc các nước châu Âu ngoài EU.Cụ thể, các quy định trợ cấp mới của EU, chẳng hạn yêu cầu phải bỏ không 4% đất nông nghiệp để phục hồi hệ sinh thái, tức là không thể trồng trọt trên phần đất này trong một khoảng thời gian.Nông dân xứ bò tót cũng kêu gọi chính phủ hành động để tăng cường trợ cấp và hợp lý hóa các thủ tục hành chính nhằm ứng phó với vô số thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt. Tại Đông Âu, các cuộc biểu tình của nông dân tập trung vào "sự cạnh tranh không công bằng" vì lượng lớn hàng nhập từ Ukraine - quốc gia đã được EU bỏ các hạn ngạch và thuế kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, trong khi họ cho rằng hàng hóa này không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường vốn đã áp lên nông dân EU.
"Nông dân ở một số nước châu Âu đã xuống đường trong những tuần gần đây khi họ phản đối "Thỏa thuận xanh" (Green Deal) của EU đặt ra các quy định nông nghiệp cho 27 thành viên của khối trong nhiều thập niên" - kênh Euronews chỉ ra thêm.
Các cuộc biểu tình không chỉ diễn ra tại Pháp, Tây Ban Nha mà trên khắp châu Âu, từ Đức, Hy Lạp cho đến Cộng hoà Czech, đang chứng kiến các cuộc biểu tình trên quy mô lớn của người nông dân. Trên khắp các ngả đường tại EU nhiều tháng qua, các hoạt động biểu tình, tuần hành bằng xe kéo, phong tỏa đường cao tốc... diễn ra ở nhiều nơi.
|
Cần giải pháp căn cơ, bền vững
Trước làn sóng thịnh nộ của nông dân, chính phủ các nước châu Âu đang cấp tập tìm giải pháp. Chính phủ Pháp đã công bố hàng loạt biện pháp mới nhằm xoa dịu nỗi bất bình của nông dân nước này. Trong số các biện pháp mới có việc lập tức cấm nhập khẩu rau và hoa quả từ các nước ngoài EU nếu những mặt hàng này sử dụng thuốc trừ sâu Thiaclopride; gói hỗ trợ 150 triệu euro (162 triệu USD) để giúp các chủ trang trại nuôi gia súc; giảm thuế đối với các trang trại có sự chuyển giao thế hệ... Tuy nhiên, điều này dường như vẫn không xoa dịu được nông dân Pháp. Theo họ, những nhượng bộ của chính phủ là chưa thoả đáng và rằngnhững biện pháp mới đã hoàn toàn bỏ qua nông nghiệp bền vững, một vấn đề quan trọng đối với tương lai nông nghiệp.
Mới đây, các hiệp hội nông dân đã gửi cho Chính phủ Pháp bản yêu sách chi tiết, nhấn mạnh đây là yêu cầu “chính phủ phải thực hiện”,trước mắt là hỗ trợ khẩn cấp “cho những lĩnh vực đang gặp khủng hoảng nhất", giải ngân các khoản trợ cấp thuộc khuôn khổ Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP) và lâu dài là “từ bỏ thương mại tự do", tạo một mức thu nhập xứng đáng cho tất cả nông dân.
Để xoa dịu người nông dân, chính phủ Đức thu hẹp các kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel; Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha tuyên bố sẽ phân bổ thêm 269 triệu euro (289 triệu USD) để hỗ trợ cho gần 140.000 nông dân nước này nhằm góp phần giảm bớt những tác động tiêu cực của tình trạng hạn hán kéo dài và xung đột ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Bỉ đã đưa các đề nghị của nông dân vào chương trình nghị sự cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Nông nghiệp EU, sẽ diễn ra ngày 26/2…
Ở cấp EU, ngày 7/2, thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã tạm gác lại đề xuất cấm sử dụng thuốc trừ sâu nhằm nhượng bộ yêu cầu của nông dân nhiều nước thành viên. Trước đó, EU đã đề xuất hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine bằng cách áp dụng "phanh khẩn cấp" đối với những sản phẩm dễ bị ảnh hưởng nhất như gia cầm, trứng và đường. EU cũng đã hoãn thực hiện quy định về đất bỏ hoang cho nông dân trong năm 2024, theo đó không bắt buộc nông dân phải duy trì 4% diện tích đất bỏ không trong lúc vẫn nhận được trợ cấp của EU. Dẫu vậy, việc nông dân châu Âu tiếp tục biểu tình những ngày qua cho thấy vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Bà Ursula von der Layen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU, mới đây xác nhận sẽ xem xét lại quy định yêu cầu cắt giảm thuốc trừ sâu đối với nông dân vào năm 2030.
Tuy nhiên, những giải pháp đó có giải quyết được một cách rốt ráo những bất bình của nông dân châu Âu hay không, hay vẫn để ngọn lửa bất bình âm ỉ cháy rồi một ngày nào đó lại bùng lên. Đó thực sự là vấn đề không dễ hoá giải. "Cùng câu hỏi đang được đặt ra trên khắp châu Âu: Làm thế nào để chúng ta tiếp tục sản xuất nhiều hơn nhưng chất lượng hơn? Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu? Làm thế nào chúng ta có thể tránh được sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài?" - những điều thủ tướng Pháp Gabriel Attal nêu hồi đầu tháng 2 cũng chính là những vấn đề hóc búa nhất với châu Âu hiện nay./.
Hà Anh