Kinh tế toàn cầu 2024: Đậm sắc màu ảm đạm!

Dự báo của nhiều định chế tài chính đều cho thấy kinh tế thế giới vẫn đang trên đà giảm dù nguy cơ suy thoái đã bớt phần nào.

 

Thương mại toàn cầu suy yếu, giá vốn cao, nợ công tăng cao, đầu tư liên tục thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng, những cuộc bầu cử thay đổi chính quyền liên tiếp ở nhiều quốc gia, đặc biệt là sự giảm tốc của nhiều nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã khiến bức tranh kinh tế toàn cầu 2024 được cho là không sáng sủa hơn năm 2023 là bao. Dự báo của nhiều định chế tài chính đều cho thấy kinh tế thế giới vẫn đang trên đà giảm dù nguy cơ suy thoái đã bớt phần nào. Sự hồi phục được dự đoán sẽ chỉ bắt đầu vào những năm tiếp sau đó.

Quá nhiều dự báo bi quan

Ngay từ tháng 10/2023, báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo của năm 2024 xuống còn 2,9% đồng thời cho rằng vẫn còn những biến số từ lạm phát hay các rủi ro mới sẽ còn xảy đến. Tháng 12/2024, Fitch Ratings nhận định, với tác động toàn diện của việc thắt chặt tiền tệ, sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc và nền kinh tế khu vực đồng euro trì trệ, tăng trưởng thế giới dự kiến chỉ ở mức 2,1% vào năm 2024. Công ty S&P Global Market Intelligence dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ ở mức 2,3%, thấp hơn mức ước tính 2,7% của năm 2023.

Kinh tế thế giới 2024 đậm màu ảm đạm nhưng không phải không có những tia hy vọng. (Ảnh: Reuters)Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán tăng trưởng sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2024, từ mức 2,9% trong năm nay, trước khi tăng lên 3% vào năm 2025, do tăng trưởng thu nhập thực tế phục hồi và lãi suất thấp hơn. Trước đó, OECD cũng dự báo tăng trưởng chậm lại do chỉ số PMI yếu, tăng trưởng tín dụng chậm lại và niềm tin người tiêu dùng liên tục ở mức thấp. Cũng theo OECD, các nền kinh tế tiên tiến nhìn chung phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường mới nổi. Theo OECD, bên cạnh các vấn đề vận chuyển, sự gia tăng căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng là rủi ro đáng kể đối với thương mại và lạm phát, trong đó xung đột ở Trung Đông đe dọa sự ổn định của thị trường năng lượng.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất vừa công bố trung tuần tháng 1/2024, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà ghi nhận nửa thập kỷ tăng trưởng tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Cụ thể, theo World Bank, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, giảm xuống 2,4% từ mức 2,6% của năm 2023. Các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% trong năm 2024, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ trước. Đến cuối năm nay, người dân ở khoảng 40% quốc gia có thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Theo ông Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của World Bank, tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất - mắc kẹt trong nợ và khả năng tiếp cận thực phẩm khó khăn.

Đặc biệt, trong báo cáo "Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng 2024" mới được công bố hồi đầu tháng 1/2024, LHQ đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. Theo đó, LHQ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái.

"Có quá nhiều điều đang diễn ra trên khắp thế giới, biến động địa chính trị, các cuộc xung đột. Tất cả những điều này đều đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu và quá trình hồi phục", ông Ajay Banga - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh. Trong đó, như nhìn nhận của báo Pháp Le Monde, tác động tiêu cực lớn nhất đối với các nền kinh tế là những thay đổi địa chính trị.

Ngân hàng phát triển châu Á dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay. (Ảnh: XNA/ VNA)

Năm 2024 được xem là năm bất định, đầy u ám của nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, như đường hầm, dù nhỏ bé đến đâu vẫn có lối ra, nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế cho rằng, khe cửa “vượt gió ngược” của kinh tế toàn cầu dù vô cùng hẹp nhưng không phải là không le lói sáng.

Mong manh cơ hội lật ngược tình thế

Năm 2024 vì thế được xem là năm bất định, đầy u ám của nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, như đường hầm, dù nhỏ bé đến đâu vẫn có lối ra, nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế cho rằng, khe cửa “vượt gió ngược” của kinh tế toàn cầu dù vô cùng hẹp nhưng không phải là không le lói sáng. Thậm chí theo nhiều chuyên gia, điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm, thậm chí giới chuyên gia còn tin tưởng về triển vọng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Như dự báo của chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý, với lạm phát giảm đều đặn và tăng trưởng ổn định. Trong nhiều yếu tố có thể giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu năm 2024, IMF nhắc đến sự cải thiện nhanh chóng về trí tuệ nhân tạo có thể thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhanh chóng, mặc dù đây là một thách thức lớn đối với người lao động. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ trên thế giới ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) hồi đầu tháng 2/2024, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết bà tin tưởng vào triển vọng kinh tế thế giới trong năm nay bất chấp những bất ổn, rằng theo nhìn nhận của bà, nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức chống chịu hiệu quả trước các bất ổn do xung đột và đang trong quá trình phục hồi nhanh chóng. Các chuyên IMF cũng nhận định kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm". Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.

Còn với châu Á, ngân hàng phát triển châu Á dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và rằng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tương đối lạc quan. "Các nền kinh tế đang phát triển châu Á tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức. Lạm phát trong khu vực cũng đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, từ lãi suất cao đến các thách thức khí hậu như El Nino. Chính phủ các nước khu vực cần luôn cảnh giác để đảm bảo kinh tế có khả năng phục hồi và tăng trưởng bền vững" - ông Albert Park - Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hàng loạt nền kinh tế thị trường mới nổi cũng cho thấy sức bền và khả năng phục hồi mạnh mẽ. Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là có thể đạt mức tăng GDP khoảng 4%.

Nhìn vào những dự đoán của tình hình thế giới năm 2024 dễ thấy kinh tế thế giới 2024 chắc chắn sẽ còn rất nhiều những cơn gió ngược. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự chống đỡ kiên cường của kinh tế thế giới trong năm 2023 vừa qua, hoàn toàn có thể nuôi hy vọng về câu chuyện “lách qua khe cửa hẹp”. Như góc nhìn đầy lạc quan của báo The National (UAE): “Tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024, nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm”. Triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng vào năm 2024 hoàn toàn là điều có thể nuôi niềm tin./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận