Khủng bố ở New Zealand thức tỉnh thế giới

Đất nước New Zealand và thế giới lại bị thức tỉnh về hoạt động khủng bố và về trách nhiệm cũng như quyết tâm chống khủng bố.

 

Không chỉ có đất nước New Zealand mà còn cả thế giới bị chấn động bởi vụ khủng bố xảy ra ngày 15/3 vừa qua tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Chrischurch của New Zealand.

Chấn động cả thế giới

Một người đàn ông da trắng, người Australia, đã xả súng ở hai nhà thờ Hồi giáo kia khiến 49 người bị thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương trước khi bỏ chạy và bị cảnh sát bắt giữ. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern coi vụ việc này là hành động tấn công khủng bố.

Đã từ rất nhiều năm nay, khủng bố dưới nhiều hình thức khác nhau xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Xả súng vào đông người như vừa rồi ở New Zealand cũng đã xảy ra ở Mỹ, ở châu Âu, châu Phi và cả châu Â. New Zealand không biệt lập với thế giới nhưng đảo quốc này cho tới nay không xảy ra vụ tấn công khủng bố nào như vụ việc vừa rồi.

Lần gần đây nhất xảy ra chuyện bom mìn nổ là vào năm 1985 khi mật vụ Pháp đặt mìn nổ phá và làm chìm con thuyền Rainbow Warrior của tổ chức Greenpeace (tạm dịch là Hoà bình xanh), xảy ra vào ngày 10/7/1985. Thủ tướng New Zealand khi ấy là ông David Lange đã coi vụ việc này là "khủng bố quốc tế được nhà nước hậu thuẫn". Bộ trưởng quốc phòng Pháp Charles Hernu buộc phải từ chức và 2 điệp viên của Pháp bị bắt giữ, đưa ra xét xử và tuyên phạt tù trong khi những kẻ đồng phạm khác trốn thoát.

New Zealand được công nhận chung trên thế giới và người dân ở nơi đây cũng cảm nhận là đất nước thanh bình, trong nội bộ xã hội có sự đồng thuận và hài hoà sâu rộng giữa các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và văn hoá, cởi mở với thế giới bên ngoài và xã hội hiện đại. Vì thế, câu hỏi vì sao lại có thể xảy ra ở đất nước này chuyện khủng bố như vừa rồi càng khó được trả lời và càng lâu chưa được trả lời thì cú sốc do vụ việc gây ra đối với người dân và đất nước này cũng như đối với thế giới bên ngoài càng lớn và càng dai dẳng.

Các nạn nhân vụ xả súng hôm 15/3 được cấp cứu (ảnh: internet)Cho tới hiện tại, cảnh sát New Zealand xác định chỉ có một thủ phạm. Đấy là một người Australia da trắng 28 tuổi. Kẻ này không hành động một cách ngẫu hứng hay bột phát mà có chuẩn bị từ lâu, biết rất rõ muốn gì và ý thức được đầy đủ về hậu quả của hành động của mình. Những chứng cứ mà cảnh sát có được trong quá trình điều tra tới nay đều cho thấy người này đã bị cuồng tín và cực đoan hoá cao độ, có quan điểm cho rằng chỉ người da trắng mới thượng đẳng và chỉ có sử dụng súng đạn mới có thể giải quyết được mọi việc. Trong suy nghĩ và hành động của anh ta hội tụ đủ hết những suy nghĩ cực đoan điên rồ của những kẻ khủng bố hay xả súng sát hại nhiều người ở Mỹ và châu Âu. Anh ta không hề giấu giiếm những điều ấy mà còn thể hiện công khai dưới những hình thức như viết ra hẳn tuyên ngôn cho hành động của mình hoặc gửi thư tới Thủ tướng Jacinda Ardern.

Động cơ sâu xa

Vụ khủng bố vừa rồi nhằm vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch. Vì thế, câu hỏi không thể không được đặt ra ở đây là vụ khủng bố này có động cơ thù hằn và bài xích người theo đạo Hồi hay không. Ở New Zealand, người theo đạo Hồi chỉ là thiểu số rất nhỏ và xưa nay ở nơi đây đạo Hồi đâu phải là vấn đề lớn hay nhạy cảm về chính trị xã hội nội bộ hay an ninh quốc gia. Vì thế, nhân tố tôn giáo trong chuyện này, nếu có, thì cũng chỉ có tác động nhỏ.

Xem ra, chỉ có thể trả lời được câu hỏi vì sao khủng bố như thế lại có thể xảy ra ở một đất nước như New Zealand bằng 3 giải thích sau.

Thứ nhất, khủng bố trong thế giới ngày nay không chỉ luôn có thêm những hình thức mới mà còn không loại trừ bất cứ quốc gia nào và nơi nào trên thế giới. Có nhiều nơi, nguy cơ bị tấn công khủng bố luôn tiềm tàng và thường trực trong khi ở tất cả mọi nơi đều không còn có thể loại trừ khả năng xảy ra khủng bố. Cũng vì thế mà bài học đầu tiên mà cả thế giới chứ không chỉ có New Zealand có thể và phải rút ra được từ vụ khủng bố vừa rồi là không được lơi là trong cuộc chiến chống khủng bố, trong ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ khủng bố. Đối với tất cả các nước trên thế giới, cuộc chiến chống khủng bố chỉ có thể thành công khi có những biện pháp chính sách đúng đắn ở trong nước và hợp tác hiệu quả với các nước khác trên thế giới.

Thứ hai, khủng bố và cực đoan hoá liên quan hữu cơ với nhau, bất kể về chính trị hay văn hoá, sắc tộc hay tôn giáo. Có cái xuất hiện trước, có cái xuất hiện sau, nhưng chúng luôn cộng hưởng hiệu ứng với nhau. Trong khi ở nhiều nơi khác trên thế giới, sự tương tác này là kết quả, của tác động từ bên ngoài và diễn biến ở bên trong thì ở New Zealand xem ra cà hai đều du nhập từ bên ngoài vào. Bài học từ đây đối với New Zealand và các nước khác trên thế giới là phải kết hợp đối phó khủng bố với đẩy lùi cực đoan hoá, phải kết hợp đối phó cực đoan hoá với đẩy lùi khủng bố. Muốn đẩy lùi cực đoan hoá thì không thể không tạo dựng môi trường chính trị xã hội ở trong nước sao cho cực đoan hoá không thể trỗi dậy và lây lan. Muốn đẩy lùi khủng bố thì không thể không coi trọng việc đàm bảo an ninh, nghiêm trị hành vi khủng bố và triệt tiêu mọi khả năng có được công cụ gây khủng bố. Chỉ sử dụng luật pháp không thôi chưa thể đủ. Phải có được sự đoàn kết thống nhất và đồng thuận hài hoà sâu rộng trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội.

Thứ ba, ở New Zealand cho tới nay, luật pháp về mua bán, sở hữu và sử dụng vũ khí khá lỏng lẻo. Điều này không có gì là khó hiểu bởi đất nước vốn thanh bình và hài hoà như thế suốt lâu nay thì mấy ai để ý đến chuyện vũ khí kia. Từ sau vụ khủng bố vừa rồi, chuyện này đã trở nên hoàn toàn khác trước. Bà Ardern đã ý thức được điều này nên đã quyết định xiết chặt quy định pháp luật về sản xuất, buôn bán, sở hữu và sử dụng vũ khí, tuyên bố trong vòng 10 ngày sẽ thông qua luật pháp mới liên quan. Quyết sách này của bà Ardern là cần thiết và đúng đắn.

Câu hỏi về chống khủng bố

Vụ khủng bố vừa rồi ở New Zealand còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các mạng xã hội. Lần đầu tiên có một vụ tấn công khủng bố được truyền trực tiếp trên các mạng xã hội và ứng dụng truyền thông. Kẻ khủng bố đã lợi dụng những mạng xã hội và ứng dụng này để có được tác dụng tối đa của hành động khủng bố. Vậy giờ phải và nên nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của các mạng xã hội và ứng dụng truyền thông trong vụ việc này. Facebook hay Youtube đã xoá đi hàng triệu hình ảnh và video clip mà kẻ khủng bố đã đưa lên hay được người sử dụng chia sẻ, nhưng vẫn không thể xoá được hết và vào thời điểm những bức ảnh hay video clip đều đã gây nên tác động.

Ở đâu cũng vậy cho tới nay, vụ khủng bố nào cũng làm cho nơi đó và thế giới không còn được như trước nữa. Lần này ở New Zealand cũng vậy. Đất nước này và thế giới lại bị cảnh báo và thức tỉnh về hoạt động khủng bố và về trách nhiệm cũng như quyết tâm chống khủng bố để không còn khủng bố nữa.

Người dân New Zealand đã bắt đầu nộp lại vũ khí theo lời kêu gọi của Chính phủ sau vụ xả súng kinh hoàng tại hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15/3. Hiện, cảnh sát New Zealand chưa có liệu cụ thể về số lượng vũ khí đã được người dân giao nộp nhưng cũng đã phát đi khuyến cáo rằng trong bối cảnh an ninh đang được thắt chặt và tình hình hiện tại, người dân nên gọi cho cảnh sát trước khi giao nộp vũ khí. Trước đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết kế hoạch chi tiết sửa đổi luật sở hữu súng sẽ được Chính phủ công bố trong tuần tới nhưng cũng để ngỏ các biện pháp như mua lại súng và cấm một số loại súng trường bán tự động.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận