Jamal Khashoggi - 'Chiến binh vì sự thật'

Jamal Khashoggi, một trong những nhà báo được Time bình chọn 'Nhân vật của năm' đã sống và ra đi, thực sự như một chiến binh.

 

Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử 91 năm của cuộc bình chọn thường niên “Nhân vật của năm”, danh hiệu danh tiếng này đã được Time dành cho các nhà báo, những người mà theo đánh giá của tạp chí danh tiếng này là “Những chiến binh trong cuộc chiến vì sự thật”. Và Jamal Khashoggi - một trong những nhà báo ấy đã sống và ra đi, thực sự như một chiến binh.

Nhà báo ồn ào của năm

Chín thập kỷ qua, bất chấp những biến thiên của thời cuộc, Time vẫn kiên định giữ cho mình một quan điểm lựa chọn “Nhân vật của năm”: nhân vật giàu sức ảnh hưởng nhất trong năm, cả theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Và sự lựa chọn cho “Nhân vật của năm” 2018 một lần nữa cho thấy, Time vẫn trung thành với luận điểm ấy. Đến thời điểm này, gần 4 tháng kể từ ngày 2/10/2018 khi nhà báo Jamal Khashoggi được nhìn thấy lần cuối cùng trên camera an ninh đi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và không trở ra nữa, gần như không ngày nào trên các phương tiện truyền thông quốc tế thôi nhắc về ông. Việc một nhà báo, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng mất tích ngay trong lãnh sự quán - một địa điểm ngoại giao vẫn được xem là nơi ẩn náu an toàn cho các công dân - càng khiến dư luận xôn xao. Thêm vào đó, việc lượng thông tin không ngừng được tung ra, nhưng theo kiểu nhỏ giọt, không nhất quán không những giữa các bên mà ngay trong một chủ thể (như phía Arab Saudi từ chỗ khẳng định không biết tin tức gì, nhấn mạnh những đồn đoán về việc Khashoggi bị bắt cóc là "vô căn cứ" sau đó hai tuần lại thừa nhận Khashoggi đã bị giết bên trong lãnh sự quán ở Istanbul vì "một vụ ẩu đả) càng khiến dư luận không ngừng tò mò, quan tâm. Trong các cuộc bàn thảo chính trị quốc tế lớn, “vấn đề Jamal Khashoggi” cũng liên tục được các chính trị gia nhắc tới, xem đó là yếu tố tác động mạnh tới tình hình địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là khu vực Trung Đông.

Jamal Khashoggi - một trong những nhà báo đã sống và ra đi, thực sự như một chiến binh. Nguồn internet

Giới báo được phen hao tổn giấy mực khi Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi, bị nghi ngờ là vị “đạo diễn” chính của “vở bi kịch Jamal Khashoggi”. Ồn ào đến mức, nhiều tờ báo bình luận rằng, Hoàng gia Arab Saudi nói chung và Thái tử Mohammed bin Salman giàu có, quyền lực là thế, nhưng cũng chẳng thể làm gì một khi cơn khủng hoảng truyền thông mang tên Jamal Khashoggi đã bùng nổ và cách duy nhất chỉ là ngồi im chờ mọi sự lắng xuống. Có thể nói, sức ảnh hưởng của vụ việc Jamal Khashoggi đã vượt lên một vụ giết người, mất tích đơn thuần để trở thành một scandal chính trị mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Và những sự bí ẩn của Jamal Khashoggi

Nhưng, cũng từ tầm ảnh hưởng quá lớn của “vấn đề Jamal Khashoggi”, giới quan sát mới lật lại, nếu Jamal Khashoggi không phải là một cây bút kiêm nhà bình luận chính trị danh tiếng, thì liệu sự mất tích bí ẩn của ông có khiến thế giới xôn xao đến thế không? Và rằng nếu không là một cây bút đầy thế lực và giàu sức ảnh hưởng, có lẽ sẽ không có sự mất tích mang đậm sắc màu trinh thám ly kỳ bí ẩn đến thế. Sinh năm 1958, Jamal Khashoggi từ lâu đã là một nhà báo nổi tiếng không chỉ tại Saudi Arabia mà còn khắp thế giới Arab. Trong suốt sự nghiệp báo chí của mình, ông dường như không thực sự dừng chân lâu ở một cơ quan truyền thông nào. Sau khi khởi nghiệp viết lách cho tờ tiếng Anh Saudi Gazette rồi Arab News, Jamal Khashoggi lại chuyển sang đầu quân cho tờ Okaz, nhưng cũng chỉ được 2 năm (1985-1987). Chưa đầy 4 năm (1987-1990), Jamal Khashoggi đã liên tiếp “nhảy việc” tại… 4 tờ báo Arab, bao gồm Al Sharq Al Awsat, Al Majalla và Al Muslimoon.

Giai đoạn “hoàng kim” nhất của Jamal Khashoggi được xem là vào giữa những năm 1980. Khởi đầu là bài phỏng vấn ông trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden lúc ông trùm này còn là một chiến binh du kích ở Afghanistan gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Nhiều người nói rằng nếu không phải mối quan hệ riêng tư đã có từ lâu giữa gia đình bin Laden và Jamal Khashoggi, Jamal Khashoggi đã không thể có cơ hội tiếp cận trùm khủng bố này.

Jamal Khashoggi sinh ra trong một gia tộc “không phải dạng vừa” và chính gia thế ấy cũng góp phần tạo nên vị trí của Jamal Khashoggi trong thế giới Arab sau này. Ông nội của Jamal Khashoggi là Mohammed Khashoggi - bác sĩ riêng của Nhà vua Abdelaziz al Saoud, người sáng lập ra Vương quốc Arab Saudi. Chú của Khashoggi là Adnan Khashoggi - nhà môi giới buôn bán vũ khí nổi tiếng. Điều này đã giúp Jamal Khashoggi một thời gian dài có được những mối quan hệ khá mật thiết với nhiều quan chức Chính phủ và Hoàng gia Saudi Arabia. Ông thậm chí còn từng là cố vấn truyền thông của một số thành viên Hoàng gia và làm việc tại các Đại sứ quán Saudi Arabia ở London và Washington trong giai đoạn 2003-2007.

Tuy nhiên, mọi sự bắt đầu đổi khác từ khoảng đầu những năm 2000. Jamal Khashoggi đột ngột bị sa thải khỏi vị trí TBT tờ Jamal Khashoggivào năm 2003. Năm 2007, ông trở lại với chức vụ này nhưng rồi lại bị buộc phải từ chức vào năm 2010. Nguyên nhân được cho là do nhật báo đóng ở tỉnh Asir, phía Tây Nam Ả Rập Saudi này dưới thời Jamal Khashoggi lãnh đạo đã đăng tải quá nhiều bài viết biếm họa phản bác, chỉ trích chính phủ và những thay đổi đang diễn ra tại Arab Saudi kể từ khi Vua Salman chỉ định người con trai út Mohammed bin Salman làm Thái tử. Trong khi báo giới khắp Trung Đông đang hết lời ca ngợi Mohammed bin Salman là con người của đổi mới, của cải cách thì Jamal Khashoggi liên tục một mực khẳng định qua các bài báo của mình rằng vị Thái tử này đang cố gắng củng cố quyền lực của mình, bao gồm cả việc bắt giữ các nhà tài phiệt, doanh nhân và thậm chí là các thành viên Hoàng gia. Không một thể chế nào để yên cho các phần tử chống đối. Giông bão bắt đầu đổ xuống đầu Jamal Khashoggi sau những bài báo ấy. Gia đình Hoàng gia Saudi Arabia ra lệnh cấm xuất bản các bài viết của Jamal Khashoggi, cấm ông xuất hiện trên truyền hình.

Tháng 6/2017, việc Jamal Khashoggi rời Saudi Arabia tới sống lưu vong tại Mỹ được xem như một điều đương nhiên phải thế. Cũng từ thời điểm này, với việc đảm nhận viết bình luận cho nhật báo Mỹ Washington Post, Jamal Khashoggi liên tục có những bài viết lên án chính quyền Saudi Arabia nói chung, Thái tửMohammed bin Salmannói riêng, vì thái độ chống lại Qatar, tranh chấp với Lebanon và Canada, chính sách cứng rắn của Vương quốc Hồi giáo này đối với những người bất đồng chính kiến, hay việc bắt giữ một số nhà hoạt động nữ quyền như Loujain al-Hathloul, người đứng thứ 3 trong danh sách 100 phụ nữ Arab quyền lực nhất năm 2015…

“Nhân vật của năm” thuộc về nhóm “Những người hộ vệ” gồm: Các nhà báo của Hãng thông tấn Reuters là Wa Lone và Kyaw Soe Oo; nhà báo Jamal Khashoggi, cây bút bình luận của Washington Post vừa bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 10; nhà báo Maria Ressa, người sáng lập và điều hành trang tin Rappler của Philippines; nhân viên Tòa soạn báo Capital Gazette của Mỹ, nơi xảy ra vụ xả súng khiến 5 người thiệt mạng hồi tháng 6.

Nỗ lực của “chiến binh vì sự thật”

Hơn ai hết, Jamal Khashoggi dự cảm rất rõ về những mối nguy hiểm luôn lơ lửng đe dọa sự sống của ông. Xuất hiện trên chương trình "Upfront" của đài Al Jazeera TV (Qatar) hồi tháng 3/2018, Jamal Khashoggi không ngần ngại nói rõ rằng ông buộc rời khỏi quê hương bởi rất lo ngại cho sự an toàn của bản thân, rằng môi trường ngày càng tồi tệ đối với nhà báo kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salmantiếp quản vị trí thừa kế ngai vàng. Nhưng trước đó, trong nhiều bài viết, chia sẻ của mình trên các phương tiện truyền thông, Jamal Khashoggi đã không ít lần bày tỏ sự kiên định về góc nhìn mà ông đã và đang đeo đuổi: bảo vệ sự thật. Lúc sinh thời, Jamal Khashoggi đã nhắc đi nhắc lại rằng thực ra những gì ông viết về chính quyền Arab Saudi, về Thái tử Mohammed bin Salman, không hề với mong muốn tạo ra một “cuộc chiến”, rằng ông chỉ muốn bày tỏ sự lo ngại của mình về hướng đi của đất nước quê hương dưới sự lèo lái của nhà cải cách này, rằng ông chỉ muốn Thái tử hãy biết lắng nghe những lời can gián và chỉ trích - điều đó sẽ tốt hơn cho đất nước Arab Saudi, sự thật bao giờ cũng đắng chát hơn những lời ngợi ca ngọt ngào…

Nhưng rõ ràng mong muốn của nhà báo lừng danh này đã không được lắng nghe. Và khi nỗ lực thuyết phục Jamal Khashoggi trở lại Arab Saudi của “vị đạo diễn” ẩn danh thất bại, thì đòn trả thù bạo tàn đã xảy đến với nhà báo 60 tuổi này như một điều đương nhiên. Jamal Khashoggi đã ra đi mãi mãi, trong một vở kịch trinh thám mà đến giờ phút này vẫn chưa được hạ màn. Nhưng có lẽ nhà báo này ở nơi xa, sẽ mãn nguyện hơn nhiều nếu kẻ thủ ác sớm được đưa ra ánh sáng. Và trong những tháng ngày chờ đợi, có lẽ sẽ còn rất lâu, một điều an ủi cho Jamal Khashoggi là những nỗ lực của những “chiến binh vì sự thật” như ông đã được ghi nhận, bởi những cuộc bình chọn danh giá như “Nhân vật của năm”. “Sự thao túng và bóp méo sự thật là vấn đề chung trong rất nhiều câu chuyện nổi bật của năm nay. Những cá nhân và tập thể được vinh danh đã phải chấp nhận và đương đầu với rủi ro rất lớn để cất lên tiếng nói của chân lý, trở thành nguồn cảm hứng truyền đi dũng khí đấu tranh chống bạo lực, tham nhũng, bất bình đẳng...” - ghi nhận ấy của Time có lẽ sẽ là nguồn động viên to lớn để các nhà báo giúp họ có thêm dũng khí trong cuộc chiến vì sự thật, vững tin hơn trên tâm thế “chiến binh” của mình.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận