“Tôi biết chúng ta có sự chia rẽ nội bộ. Chúng ta phải vượt qua nó. Chúng ta không thể để sự nhỏ mọn, giận dữ và tính đảng phái trong chính trị cản trở trách nhiệm của chúng ta với tư cách là một quốc gia vĩ đại…”. Đó là lời kêu gọi tựa như trần tình của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước những luồng ý kiến trái chiều về chính sách ứng phó với hai điểm nóng Israel và Ukraine của Nhà Trắng.
“Nặng gánh hai vai”
Đó là “tình cảnh” của nước Mỹ lúc này. Khi cuộc xung đột Israel-Hamas bùng nổ, Nhà Trắng ngay lập tức hiểu rằng hơn lúc nào hết cần thể hiện trách nhiệm với một trong những đồng minh thân cận nhất của mình. “Chúng tôi có nghĩa vụ với đồng minh, đối tác của mình" - Tổng thống Mỹ công khai khẳng định.
Với “vị thế” đồng minh thân cận lâu năm, Israel đã và vẫn đang nhận được nguồn viện trợ ổn định và cao nhất từ Mỹ. Theo nhiều tài liệu, tổng số tiền Mỹ đã viện trợ cho Israel kể từ sau Thế chiến thứ II đến nay là không dưới 150 tỷ USD- con số mà không một đồng minh nào khác của Mỹ nhận được. Các khoản viện trợ từ “người anh” Mỹ đảm bảo cho “người anh em” Israel có vị thế quân sự vượt trội hơn bất cứ nước nào trong khu vực.
Điểm nhấn trong chuỗi viện trợ liên tục này là năm 1999, Washington đã ký bản ghi nhớ đầu tiên về cam kết viện trợ quân sự hàng tỷ USD mỗi năm cho Tel Aviv. Năm 2011 khi triển khai hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng - hệ thống phòng không nhiều lớp, nòng cốt là tổ hợp đánh chặn phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối mới mang tên Stunner, được thiết kế để đánh chặn tên lửa và rocket ở cự ly từ 40 đến 200km - hết sức tốn kém, Israel được cho đã được Washington tài trợ một phần ngân sách cũng như hỗ trợ không ít thiết bị lắp đặt. Năm 2012, Israel nhận từ Mỹ khoảng 3,1 tỷ USD.
Năm 2016, hai nước lại tiếp tục nhất trí về một thỏa thuận có thời hạn 10 năm trị giá 38 tỷ USD, bao gồm các khoản tài trợ thường niên của Mỹ cho Israel để mua thiết bị quân sự và theo đó, trung bình hàng năm, Israel hiện nhận được khoảng 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ. Theo Insider, cũng bởi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nên quốc gia Do Thái này còn được Mỹ dành cho những đặc quyền riêng có, ngoài chuyện tiền bạc, đơn cử như việc Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới được Mỹ chế tạo phiên bản tiêm kích tàng hình F-35I riêng theo yêu cầu.
Còn với Ukraine, khối lượng viện trợ mà nước Mỹ dành cho quốc gia này kể từ khi cuộc chiến tranh với Nga bùng nổ đến nay cũng đã lên mức kỷ lục. Cụ thể, theo thống kê được Washington Post công bố hồi đầu tháng 8/2023 sau khi phân tích dữ liệu của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022, Ukraine đã nhận tổng cộng 66,2 tỷ USD viện trợ từ Mỹ. Trong số đó, 43,1 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp, 20,5 tỷ USD viện trợ kinh tế và 2,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ cho một đồng minh hoặc đối tác kể từ vài thập kỷ qua, có thời điểm vượt qua cả số viện trợ cho Israel.
Trong khoản viện trợ quân sự trực tiếp, Mỹ đã chuyển cho Ukraine số vũ khí, trang bị quân sự trị giá 23,5 tỷ USD, hỗ trợ an ninh trị giá 18 tỷ USD và 1,5 tỷ USD để mua vũ khí. Còn theo một con số thống kê khác kể từ khi cuộc chiến với Nga bùng nổ, Quốc hội Mỹ tới nay đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, 91% ngân sách viện trợ được phân bổ, trong đó có 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự, 28,5 tỷ USD viện trợ kinh tế, 13,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và 18,4 tỷ USD để tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng Mỹ nhằm duy trì nguồn cung vũ khí cho Kiev.
Căng thẳng cuộc chiến “viện trợ”
Là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine nhưng cũng chính việc những khoản tiền hỗ trợ khổng lồ liên tục “bay” ra ngoài biên giới nước Mỹ trong bối cảnh kinh tế Mỹ không mấy khấm khá đã là nguồn cơn cho những phản ứng tiêu cực, xung đột, cả âm ỉ, cả công khai trong lòng nước Mỹ thời gian qua. Cuộc thăm dò của Associated Press-NORC ngày 15/2/2023, chỉ 26% trường hợp được khảo sát ủng hộ việc Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo một cuộc thăm dò do đài CNN của Mỹ công bố ngày 4/8/2023, 55% người Mỹ cho rằng Quốc hội nước này không nên tiếp tục cấp thêm ngân sách cho Ukraine. 71% đảng viên Đảng Cộng hòa, 55% đảng viên độc lập và 38% đảng viên Đảng Dân chủ cho biết Quốc hội Mỹ không nên phê duyệt thêm ngân sách cho Kiev. Còn theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất được hãng tin ABC News và Washington Post thực hiện và công bốngày 25/9/2023 vừa qua, có đến 41% người được hỏi nói Mỹ đang làm quá nhiều để hỗ trợ Ukraine, tăng từ mức 33% vào tháng 2 và 14% và tháng 4/2022.
Những ý kiến phản đối việc duy trì viện trợ cho Ukraine ngày càng dữ dội, đặc biệt là luồng ý kiến trái chiều ngày càng gay gắt giữa Nhà Trắng và Hạ viện Mỹ. “Lý do tôi phản đối gói viện trợ là vì trên thực tế nó sẽ làm tổn hại vị thế của Mỹ cả trong lẫn ngoài nước, và nó không đại diện cho một quan điểm chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa dân tộc. Dường như gói viện trợ là một phần của chủ nghĩa toàn cầu thiếu tập trung, điều mà rất nhiều người trong đảng Cộng hòa đã chấp nhận trong nhiều thập kỷ qua” - đó là phản ứng của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley hồi năm 2022 trước việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine.
Khi xảy ra cuộc xung đột Israel-Hamas, những phản ứng này còn gay gắt hơn nữa. Chính quyền Mỹ hiện đang đề nghị Quốc hội Mỹ phê duyệt phần còn lại 24 tỷ USD trong gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, tuy nhiên, mọi sự đang trở nên hết sức khó khả thi. "Tôi đã thông báo cho lãnh đạo quốc hội và Tổng thống Biden rằng tôi sẽ không đồng ý thông qua gói ngân sách nào có điều khoản tăng thêm viện trợ của Mỹ cho Kiev” - tuyên bố của Rand Paul, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky không là quan điểm thiểu số trong giới nghị sĩ Mỹ thời điểm này.
“Đảm bảo Israel và Ukraine thành công là điều quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
|
“Khoản đầu tư thông minh” hay nỗ lực xoa dịu của Washington
Để xoa dịu cả những nỗi ấm ức trong lòng nước Mỹ và cả những âu lo từ Ukraine rằng việc Washington tăng cường viện trợ quốc phòng cho Israel khi xung đột với Hamas xảy đến liệu có tác động tới viện trợ cho Ukraine hay không, quan chức chính quyền ông Biden đã lên tiếng khẳng định Washington hoàn toàn có thể làm được cả hai. “Mỹ là quốc gia “đủ lớn”, có khả năng kinh tế để có thể hỗ trợ cả hai” - Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố.
Cũng trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục vào tối 19/10, ông Biden thông báo sẽ tăng cường viện trợ quân sự của Washington lên tới 100 tỷ USD cho Ukraine và Israel, kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt khẩn cấp và cho rằng đây là “khoản đầu tư thông minh” với nước Mỹ. "Khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh Mỹ trong nhiều thế hệ. Nó sẽ giúp quân đội Mỹ tránh khỏi nguy hại. Nó cũng giúp chúng ta xây dựng thế giới an toàn, hòa bình và thịnh vượng hơn cho con cháu chúng ta", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh. Ông Biden còn cảnh báo “sự hỗn loạn có thể lan rộng ở những nơi khác trên thế giới nếu Washington không hành động”, rằng “nếu Mỹ “buông” Ukraine hay quay lưng với Israel thì không chỉ hai đối tác này của Mỹ gặp nguy hiểm mà các giá trị Mỹ, sự lãnh đạo và các liên minh của Mỹ cũng sẽ rơi vào nguy cơ tương tự”.
“Tôi biết chúng ta có sự chia rẽ nội bộ. Chúng ta phải vượt qua nó. Chúng ta không thể để sự nhỏ mọn, giận dữ và tính đảng phái trong chính trị cản trở trách nhiệm của chúng ta với tư cách là một quốc gia vĩ đại…” - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh điều này khi kêu gọi người Mỹ đoàn kết, đồng lòng hỗ trợ cho Israel và Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính phủ Mỹ vừa mới thoát khỏi nguy cơ đóng cửa vào phút chót, kinh tế Mỹ đang được cho là có dấu hiệu hụt hơi, nội bộ các đảng, đặc biệt là đảng Cộng hòa đang chia rẽ, trong bối cảnh nhiều người Mỹ đang tự hỏi vì sao nước này cần hỗ trợ Israel và Ukraine, thì “sứ mệnh khẩn cấp nhằm thuyết phục người Mỹ" viện trợ cho Ukraine và Israel của Nhà Trắng đang thực sự khó khăn./.
Hà Anh