Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Cuba và tấm lòng nặng tình với 'đất lửa'

Cách đây 50 năm, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến thăm Quảng Trị, trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Cũng những ngày trung tuần tháng 9 này, cách đây tròn nửa thế kỷ, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã đến thăm Quảng Trị, trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhưng ít người biết rằng, để có được sự hiện diện hết sức đặc biệt tại “đất lửa" ngày ấy, là bắt nguồn từ tấm lòng tha thiết, sự quyết tâm hết mức của Fidel.

Từ quyết tâm hết mức của Fidel

Trong suốt 47 năm lãnh đạo đất nước, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã được xem là vị lãnh đạo bị mưu sát nhiều nhất thế kỷ XX khi đã sống sót qua 637 kế hoạch ám sát, trong đó có 164 nỗ lực ám sát được thực sự triển khai. Nói điều này để thấy, vào năm 1973 - là thời điểm cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đang hồi ác liệt nhất - ý định sang thăm Việt Nam của vị lãnh tụ Cuba thực sự là thách thức rất lớn đối với những người làm công tác bảo vệ ông. Tuy nhiên, vì sự tha thiết rất mực của Chủ tịch Fidel Castro, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã được thực hiện, dù không hề dễ dàng.

Đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị (Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam). (Ảnh: TTXVN)

Về điều này, trong cuốn sách mang tên “Những ghi chép chưa công bố về chuyến đi lịch sử của Fidel đến Việt Nam 1973", trong đó có tư liệu của José Miguel Miyar Barruecos, bác sĩ riêng của Chủ tịch Cuba Fidel Castro, hé lộ: “Vào khoảng 9 giờ 5 phút ngày 11/9/1973, trợ lý Orlando Fundora thông báo cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro về cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Chile Sanvador Allende đã bắt đầu. Fidel Castro phân tích tình hình xác định sự kiện này gây nguy hiểm lớn cho phái đoàn nên cần thực hiện các biện pháp đặc biệt. Trước hết, giảm 2 ngày thời gian ở lại thăm Việt Nam; bỏ chặng đi tiếp theo; thay đổi đường về nước…”.

Còn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén, khi phát biểu trong Lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam ngày 12/9 vừa qua thì nhấn mạnh: “Tin chấn động về vụ ám sát Tổng thống Chile Salvador Allende, nguy cơ đánh bom mìn, các cây cầu bị phá hủy, làng mạc bị tàn phá và mối đe dọa của một cơn bão đã không ngăn cản được chuyến đi đưa Fidel đến tỉnh Quảng Bình, mảnh đất bị đánh bom, phá hủy và anh hùng; vượt qua sông Bến Hải và thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại bờ nam sông Bến Hải vào sáng 15/9/1973. (Ảnh: Tư liệu)

Theo tư liệu của bác sĩ José Miguel Miyar Barruecos: “4 giờ 30 (6 giờ Việt Nam) ngày 12/9/1973, máy bay cất cánh từ sân bay New Delhi của Ấn Độ chở phái đoàn hạ cánh tại sân bay Hà Nội sau 5 giờ 40 phút bay. Sáng ngày 13/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn đến thăm Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng hôm sau, lúc 8 giờ 30 ngày 14/9/1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thảo luận với Chủ tịch Fidel Castro về tình hình vùng giải phóng miền Nam, có thể gây nguy hiểm cho chuyến đi. Chủ tịch Fidel Castro vẫn quyết định đi”. “Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro nhất quyết yêu cầu được đi thăm Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để được thăm hỏi và động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Lúc đầu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chần chừ vì lo ngại an ninh cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của Fidel Castro, cuối cùng lãnh đạo Việt Nam đồng ý.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm thị xã Đông Hà năm 1973. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 14/9/1973, đúng 9 giờ, phái đoàn ra sân bay Gia Lâm để vào vùng giải phóng miền Nam tại tỉnh Quảng Trị, được bảo đảm an ninh đặc biệt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro cùng một số người bước vào chiếc máy bay AN-24 của lực lượng Không quân Việt Nam. Đúng 9 giờ 35 phút máy bay bắt đầu cất cánh từ sân bay Gia Lâm và đến sân bay Đồng Hới vào hồi 10 giờ 50 phút….” - Bác sĩ José Miguel Miyar Barruecos hé lộ.

Fidel, “đất lửa” và Việt Nam

“Đúng 4 giờ 58 phút của ngày 15/9/1973, trời đang ban đêm, Chủ tịch Cuba Fidel Cartro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng rời Vĩnh Linh trên 2 chiếc xe ôtô theo Quốc lộ 1 để băng qua sông Bến Hải bằng cầu phao. Đúng 5 giờ 30 phút, phái đoàn chính thức có mặt ở vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, bờ nam sông Bến Hải. Đúng 5 giờ 55 phút, phái đoàn đi qua Dốc Miếu, tiếp tục hành trình phái đoàn đi qua địa điểm Quán Ngang của huyện Gio Linh rồi vào Đông Hà, sau đó theo Quốc lộ 9 đến Cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đúng thời điểm 7 giờ 15 phút. Lúc ấy rất đông các chiến sĩ giải phóng quân cũng như nhân dân Quảng Trị vui mừng đón đoàn” - những tư liệu do bác sĩJosé Miguel Miyar Barruecos ghi lại.

Tại cao điểm 241, Chủ tịch Cuba Fidel Castro hai tay cầm lá cờ truyền thống của Sư đoàn 304 hô vang: “Các đồng chí hãy cầm lá cờ này tiến vào giải phóng miền nam”. (Ảnh: Tư liệu)

Sự vui mừng, tình cảm nồng hậu, tha thiết mà người dân đất lửa dành cho Fidel Castro được chính vị lãnh tụ của cách mạng Cuba nói lên trong bài diễn thuyết ấn tượng tại Quảng Trị ngày đó. Trong cảm nhận của Chủ tịch Fidel Castro: “Chúng tôi đã được nhân dân đón tiếp một cách rất trìu mến, một sự trìu mến không phải phát sinh từ xã giao mà là nảy sinh ra từ mối tình đoàn kết, mối tình anh em và sự nhất trí của hai dân tộc chúng ta trong sự nghiệp đấu tranh… Chúng tôi đã qua ranh giới của lãnh thổ được giải phóng, qua vĩ tuyến 17. Ở đó, ở hai bên bờ sông Bến Hải, chúng tôi thấy người dân Việt Nam sống và sinh hoạt rất giống nhau. Con người Việt Nam dù ở bên này hay bên kia sông Bến Hải đều hoàn toàn giống nhau, cùng một tiếng nói, cùng một tâm hồn. Ở đây, chúng tôi đã thấy rõ việc chia cắt đất nước này là một điều vô lý, là một tội ác, là một điều không đúng…

Đoàn chúng tôi đi dọc theo đường số 1 trong vùng giải phóng, vượt qua hàng rào điện tử “rất nổi tiếng” của McNamara. Chúng tôi đã đi thăm những công sự kiên cố của căn cứ Dốc Miếu mà các lực lượng địa phương Quảng Trị đã chiếm lại được cũng như những vị trí khác nằm trên phòng tuyến này. Và trên đường đi tới thị xã Đông Hà, chúng tôi đã đi theo đường số 9 hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tiếp đó, chúng tôi đã đến thăm tập đoàn cứ điểm mạnh ở phía tây Đông Hà và cao điểm nổi tiếng 241. Ở đó, tại thực địa, chúng tôi đã thấy rất rõ những chiến công rất to lớn của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính trên ngọn đồi 241, chúng tôi đã tham dự một cuộc mít-tinh của quần chúng cùng với đại diện của các lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân.

Ở đây, chúng tôi đã thấy tinh thần chiến đấu rất cao của các chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân. Tại Cam Lộ, chúng tôi đã họp mặt với các đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và với các vị lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Chúng tôi thấy rất rõ không khí hòa bình và trật tự đang bao trùm lên khắp nơi ở vùng này. Ở đó, mọi người đang lao động, đồng ruộng đang được cày cấy, đất đai đang được khai khẩn kể cả bằng máy kéo”.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro phát biểu tại buổi mít-tinh sáng 15/9/1973 tại cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. (Ảnh Tư liệu)

Điều đáng trân trọng hơn nữa, sau chuyến đi đến với đất lửa đầy quả cảm của lãnh tụ Fidel, Cuba đã giúp Việt Nam xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, Khách sạn Thắng Lợi, cử chuyên gia xây dựng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh cũng như nhiều công trình khác. Chủ tịch Fidel Castro cũng đã gửi một số thiết bị máy thi công trị giá khoảng 6 triệu USD và cử 73 chuyên gia Cuba sang giúp Việt Nam tiếp thu công nghệ xây dựng đường giao thông hiện đại.

Với sự giúp đỡ đó, lần đầu tiên trên tuyến đường mòn len lỏi giữa những cánh rừng già Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị đã được trải nhựa 6km nối gần lại huyện Cam Lộ, nơi đặt trụ sở Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khơi thông tuyến vận tải quan trọng từ Quảng Trị đi A Lưới và đi tiếp vào Tây Nguyên, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Chuyến đi của vị lãnh tụ cách mạng Cuba, những hỗ trợ ân nghĩa, chí tình ấy thực sự là những viên than hồng trong tuyết lạnh, đáng giá, đáng trân trọng vô cùng./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận