Khi cháy rừng trở thành ác mộng thường xuyên…

Suốt từ ngày 9/8 đến nay, "cháy rừng ở Hawaii' đã là từ khoá được thế giới nhắc đến nhiều nhất, với nỗi xót xa, đau đớn nhất.

 

Suốt từ ngày 9/8 đến nay, “cháy rừng ở Hawaii” đã là từ khoá được thế giới nhắc đến nhiều nhất, với nỗi xót xa, đau đớn nhất. Hàng trăm mạng người đã bỏ lại sau làn khói đen kịt, hàng nghìn người vẫn còn đang mất tích và con số chết chóc, thương vong này được cho là sẽ còn tăng lên… Và điều nhân loại quan ngại nhất là, với tần suất các đợt cháy rừng xảy ra trên khắp thế giới như những năm qua, “thảm hoạ Hawaii” chắc chắn không là thảm hoạ cuối cùng…

Cháy rừng như… tận thế

Đó là cụm từ đã được nhiều người sử dụng nhất khi mô tả về những gì đã xảy đến tại đảo Maui của Hawaii ngày 8/8/2023. Cho tới nay, giới chức Mỹ chưa thể xác định chính xác nguyên nhân khiến cháy rừng bùng phát vào tối 8/8. Tuy nhiên, thảm hoạ được cho là bắt đầu khi ba ngọn lửa bùng phát ở Maui tối 8/8, sau đó, theo các chuyên gia, sự kết hợp của nhiệt độ cao, thảm thực vật khô và gió lớn đã khiến ngọn lửa lan nhanh với tốc độ kinh hoàng. Trước đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) đã ban bố cảnh báo gió lớn và thời tiết khô nóng trên quần đảo Hawaii. Cũng theo NWS, cơn bão Dora ở cách đảo hàng trăm cây số cũng là một phần nguyên nhân gây ra những cơn gió giật, với sức gió lên tới gần 130km/h. Vị trí cô lập của hòn đảo Maui cũng là một phần lý do tạo điều kiện cho “thần lửa” tung hoành. Khi ngọn lửa bùng lên dữ dội, các đội cứu hỏa ở Maui đã ngay lập tức vào cuộc chiến đấu với các đám cháy, tập trung ở hai khu vực: điểm du lịch nổi tiếng Tây Maui và vùng núi sâu trong đảo. Tuy nhiên, do gió giật, máy bay không thể đổ nước dập lửa từ trên cao hoặc ước tính chính xác hơn về quy mô đám cháy. Ngọn lửa lan quá nhanh cũng khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác.

Cảnh hoang tàn ở thị trấn Lahaina, phía tây đảo Maui của Hawaii, sau trận cháy rừng. (Ảnh: AFP)

Tất cả những nguyên cớ này đã giúp ngọn lửa hung tàn nhanh chóng biến thiên đường nghỉ dưỡng trở thành hoả ngục. Lahaina - nơi từng là cố đô của vương triều Hawaii hồi thế kỷ 19 - gần như bị thiêu trụi. Tính riêng tại Lahaina, vài nghìn ngôi nhà, khoảng 2.200 công trình đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn, ước tính thiệt hại hơn 6 tỉ USD. Nhưng thiệt hại về người còn khủng khiếp hơn nhiều lần. Tinh tới cuối ngày 14/8, Thống đốc bang Hawaii Josh Green cho biết số người chết do trận cháy rừng kinh hoàng ở Hawaii đã lên đến 99 người, trung bình mỗi ngày các nhân viên cứu hộ tìm thấy 10 - 20 thi thể, khoảng 1.300 người vẫn đang mất tích, dự kiến còn số thương vong còn tăng lên gấp nhiều lần khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục lục lọi trong những đống đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Với các quan chức và truyền thông Mỹ, vụ cháy rừng này đã là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất trong lịch sử bang Hawaii cũng như toàn nước Mỹ suốt hàng thế kỷ qua, với số người chết cao hơn cả thảm họa sóng thần làm 61 người chết năm 1960.

Thảm hoạ cháy rừng ở Maui là vụ cháy rừng nguy hiểm nhất mà Mỹ từng chứng kiến ​​trong hơn 100 năm qua. (Ảnh Getty)Thảm hoạ cháy rừng ngày càng khủng khiếp

Hơn cả những con số chết chóc, thực tế số vụ cháy rừng ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ trên khắp thế giới còn là thực tế tồi tệ và đáng quan ngại hơn nữa. Chỉ riêng ở Tây Ban Nha, chỉ trong nửa đầu năm 2023, hơn 65.000ha rừng đã bị thiêu rụi, đại diện cho 55% tất cả các vùng đất bị đốt cháy trong Liên minh châu Âu. Tây Ban Nha là quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng về tổng diện tích rừng bị cháy, tiếp theo là Pháp với 21.273ha, Romania 19.909ha và Bồ Đào Nha 7.061ha. Tại Canada, 8 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong năm nay. Còn trước đó, năm 2020, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) từng ra báo cáo cho biết, chỉ trong vòng hai thập kỷ vừa qua, thế giới đã bị mất khoảng 100 triệu ha rừng. Chỉ riêng các đám cháy ở Nga đã thiêu rụi 4,7 tỷ cây xanh, gấp 7 lần số lượng cây được trồng, theo Tổ chức Hòa bình Xanh. Trong một tháng, các đám cháy ở Nga đã thải ra lượng khí carbon bằng tổng lượng khí thải CO2 của Thuỵ Điển trong cả năm. Những vụ cháy rừng tại Amazon, tại Siberia của Nga, tại Hy Lạp cũng là những thảm hoạ với sức tàn phá khủng khiếp chả kém thảm hoạ mới xảy đến tại Hawaii là bao. 

Trong tương lai, mọi sự cố với rừng còn khủng khiếp hơn nữa. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) trong báo cáo công bố ngày 23/2/2023 đã dự báo số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2030, 30% vào năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này. Cũng theo báo cáo này, trong vòng 28 năm tới, nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng trong một năm nào đó có thể tương tự như "mùa Hè đen" của Australia năm 2019 - 2020 hay các đám cháy lớn ở Bắc Cực vào năm 2020 có thể tăng tới 31 - 57%. Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ áp dụng “Công thức sẵn sàng ứng phó cháy rừng” mới. Theo đó, 2/3 các khoản chi sẽ dành cho việc lập kế hoạch, phòng ngừa, chuẩn bị và phục hồi, và 1/3 còn lại sẽ dành để triển khai các biện pháp ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Thậm chí, UNEP còn cho rằng đã đến lúc con người cần học cách sống chung với… lửa và thích nghi với sự gia tăng về tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các đám cháy rừng trên toàn cầu.

Một góc thị trấn Lahaina sau vụ cháy rừng. (Ảnh: Reuters)Thủ phạm gọi tên… biến đổi khí hậu

Khi thảm hoạ tại Hawaii xảy ra, trong cuộc truy tìm nguyên nhân, các nhà khoa học đã đồng nhất chỉ ra chính biến đổi khí hậu là tác nhân hàng đầu biến thiên đường nghỉ dưỡng này thành mồi lửa trong nháy mắt. Khi lượng mưa hàng năm giảm xuống, nhiệt độ trung bình ở Hawaii đã tăng lên khiến thảm thực vật càng khô hạn và cháy rừng xảy đến như một điều đương nhiên.

Nhưng biến đổi khí hậu không phải chỉ bị gọi tên trong thảm hoạ Hawaii. Cũng trong báo cáo ngày 23/2/2023, UNEP đã lên tiếng cảnh báo số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên khắp thế giới sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới do hệ quả của việc Trái Đất ấm lên. Báo cáo chỉ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng trở nên tồi tệ hơn thông qua các đợt hạn hán ngày càng tăng, nhiệt độ không khí ngày càng cao, độ ẩm tương đối thấp, sấm chớp và gió mạnh dẫn đến mùa cháy rừng nóng hơn, khô hơn và kéo dài hơn. Ngược lại, cháy rừng khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên ngày càng trầm trọng, bởi chúng tàn phá các hệ sinh thái nhạy cảm và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới. Đơn cử chỉ riêng trong tháng 7 và 8/2021, cháy rừng gia tăng đã thải ra hơn 2,5 tỷ tấn CO2 làm Trái Đất ấm lên, tương đương với lượng khí phát thải hằng năm của cả Ấn Độ.

Nhân viên cứu hỏa tại Hy Lạp nỗ lực dập đám cháy rừng tại Glatsona, đảo Evia. (Ảnh Getty)Vì thế, trước cái vòng luẩn quẩn giữa cháy rừng và nhiệt độ tăng, phần đa các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, giải quyết nạn cháy rừng không chỉ là ứng phó khi nhiệt độ tăng cao và ngọn lửa bùng phát, mà còn phải bằng hành động phòng ngừa sớm, trong đó có nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 27/7/2023, Tổng Thư ký LHQ Guterres từng nhấn mạnh các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu phù hợp với dự báo và hàng loạt cảnh báo của giới khoa học. Tuy nhiên, tốc độ của hiện tượng này đang diễn ra "đáng kinh ngạc".

Lực lượng cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng tại New South Wales, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)Người đứng đầu LHQ cũng nhắc lại lời kêu gọi nhanh chóng hành động sâu rộng, đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch: “Không khí không thể thở được. Nắng nóng tới ngưỡng không thể chịu đựng. Trong khi đó, các mức lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch và hành động chống biến đổi khí hậu hiện không thể chấp nhận được". "Các nhà lãnh đạo phải đi đầu. Đừng do dự thêm nữa. Đừng tiếp tục viện thêm cớ. Đừng chờ đợi thêm người khác hành động trước" - ông Guterres cảnh báo.

Tuy nhiên, ai - quốc gia nào sẽ dũng cảm và chịu hành động trước - đó lại là câu hỏi không dễ có câu trả lời, bởi cuộc chiến với biến đổi khí hậu, với việc từ bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch gắn liền với bài toán lợi ích. Mà phàm ở đời, lợi ích là cái rất khó để ai đó từ bỏ dễ dàng. Những thảm hoạ như ngày tận thế ở Hawaii… không ai đảm bảo rằng sẽ không còn xảy đến…./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận