Số phận đặc biệt của con tàu
Paul G. Allen thuộc diện những người lắm tiền nhiều của nhất trên thế giới. Điều này không có gì là khó hiểu vì Allen cùng với Bill Gates đã thành lập và gây dựng nên tập đoàn Microsoft. Bill Gates chi tiền thành lập một quỹ phục vụ lợi ích cộng đồng còn Paul Allen thì chi cho một nhóm nghiên cứu tìm kiếm những con tàu nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ và thế giới. Những con tàu này đều có vai trò đối với lịch sử thế giới nhưng số phận lại hết sức bi thảm là giờ đều ở đâu đó trong lòng đại dương mênh mông và sâu thẳm. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu của Allen đã tìm thấy chiếc tàu sân bay USS Lexington của Mỹ ở cách bờ biển Australia 800km. Mới đây, nhóm này phát hiện vị trí xác chiếc hàng không mẫu hạm USS Hornet của Mỹ ở độ sâu 5.300m gần quần đảo Solomon, gần 77 năm sau khi nó bị chìm bởi hoả lực tấn công của không quân và hải quân Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Paul Allen không còn được chứng kiến và tận hưởng kết quả này vì đã qua đời vào tháng 10/2018 ở tuổi 65.
Trong lịch sử hải quân Mỹ, chiếc hàng không mẫu hạm này có số phận hùng lẫn bi đặc biệt nhất. Nó tham gia trận hải chiến quyết định thế trận giữa Mỹ và Nhật Bản trên chiến trường ở khu vực Nam Thái Bình Dương năm 1942 nhưng lại lập kỷ lục về đoản thọ khi chỉ hoạt động được có 1 năm và 6 ngày. Nó chiếm giữ vị trí rất đặc biệt trong lịch sử chiến tranh của nước Mỹ còn bởi từ chiếc tàu sân bay này, không quân Mỹ tiến hành lần đầu tiên cuộc không kích vào thủ đô Tokyo của Nhật Bản, gây thiệt hại không nhiều nhặn gì về người và của cho Nhật Bản nhưng tạo ra được tác động tâm lý và dư luận vô cùng to lớn và vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ trong những tháng năm đầu tiên tham gia vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Giá trị lịch sử
Việc tìm kiếm ra được xác của con tàu này không đến nỗi quá khó khăn đối với nhóm chuyên gia nghiên cứu của Paul Allen. Khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã cho phép con người trên trái đất soi rọi những bí ẩn ở nơi tận cùng sâu thẳm giữa lòng đại dương. Tài liệu về hải trình và về những gì đã xảy ra với USS Hornet vẫn còn rất đầy đủ. Tiền của và công sức bỏ ra cho việc tìm kiếm nó vốn không thiếu và cũng không bị tiếc. Sinh thời, Paul Allen đặc biệt quan tâm tới việc này vì ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó đối với nước Mỹ. Đối với Paul Allen và nước Mỹ, tìm kiếm xác con tàu này giống như tìm lại một niềm tự hào của nước Mỹ.
USS Hornet là một trong 7 tàu sân bay thuộc hạng Yorktown của Mỹ và được hải quân Mỹ đưa vào sử dụng trong tháng 10/1941, trước khi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng. Nó có trọng tải 29.000 tấn, dài 251m, rộng 37m, tốc độ vận hành tối đa là 61km/h. Lực lượng tối đa trên con tàu này là 2.900 người. Nó được bọc thép cục bộ, trang bị các loại vũ khí, kể cả pháo hạm cỡ lớn, có chỗ cho từ 70 đến 90 chiếc máy bay.
Tháng 3/1942, tức là sau khi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng và nước Mỹ chính thức nhảy vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, con tàu này được đưa từ Mỹ sang khu vực Nam Thái Bình Dương. Nó mang theo 16 chiếc máy bay ném bom tầm trung loại North American B-25 với phạm vi bay là 2.200km. Loại máy bay ném bom này nhỏ và có thể mang theo bom đạn trọng lượng 1,3 tấn.
Từ boong tàu của chiếc hàng không mẫu hạm này, thượng uý phi công Mỹ James Harold Doolittle và đồng đội ngày 18/4/1942 đã xuất phát tiến hành cuộc tập kích đầu tiên của quân đội Mỹ vào đảo lãnh thổ chính của Nhật Bản để trả thù và rửa hận cho "Vết nhơ Trân Châu Cảng". Sau cuộc không kích, những chiếc máy bay không bị bắn hạ không còn đủ nhiên liệu để trở lại USS Hornet mà phải hạ cánh xuống biển hoặc ở vùng bờ biển của Trung Quốc.
Tháng 6/1942, chiếc tàu sân bay này cùng với hai chiếc tàu sân bay khác của Mỹ là USS Yorktown và Enterprise tiến hành cuộc hải chiến quyết định ở vùng quần đảo Midway với hải quân và không quân Nhật Bản. Mỹ cho rằng chiến thắng của Mỹ trong trận đánh này đã làm cho hải quân của Nhật Bản không còn có thể phục hồi được và không còn là đối thủ của hải quân Mỹ nữa. Thật ra, USS Hornet chỉ đóng vai trò "dây máu ăn phần" khi máy bay cất cánh từ đây đa phần bị bắn rụng hoặc không tìm thấy mục tiêu tấn công, còn chính con tàu lại bị không quân và hải quân Nhật Bản làm cho bị hư hỏng nặng.
USS Hornet được đưa về sửa chữa ở Trân Châu Cảng. Tháng 8/1942, nó được điều đến vùng quần đảo Solomon vốn do Anh quản lý nhưng đang bị Nhật Bản đánh chiếm một phần, cụ thể là thả neo ở gần đảo Guadalcanal. Ngày 24/10/1942, tàu sân bay Enterprise cũng được điều động đến đó. Nhiệm vụ của cả hai con tàu này là chặn đánh quân đội Nhật Bản mà Mỹ cho rằng đang tiến về phía đảo Guadalcanal.
Ngày 26/10/1942 xảy ra trận không chiến và hải chiến ở nơi đó. Hai chiếc tàu sân bay của Nhật Bản là tàu Zuiho, Shokaku và một số tàu chiến nữa của Nhật Bản bị hư hại. Nhưng USS Hornet bị tổn thương nặng hơn cả. Nó bị trúng ba quả bom, hai quả thuỷ lôi của Nhật Bản và hứng chịu hai chiếc máy bay của Nhật Bản bị hỏng rơi xuống. Con tàu bị hư hại nặng nề đến mức không còn có thể di chuyển được và máy bay trên đó không còn có thể cất cánh được. Nó được chiếc tuần dương hạm của Mỹ Northampton kéo đi nhưng rồi vẫn không tránh khỏi những quả thuỷ lôi định mệnh của không quân và hải quân Nhật Bản. USS Hornet bị nghiêng hẳn sang bên, bị tràn nước và không còn có thể sửa chữa tại chỗ. Sau khi nhận được thông tin là tàu chiến của hải quân Nhật Bản đang tiếp cận, phó đô đốc hải quân Mỹ William Halsey ra lệnh thuỷ thủ rời tàu và đánh chìm con tàu. Cho tới tận mãi sau này, phía Mỹ vẫn đưa tin rằng con tàu sân bay USS Hornet không phải chìm do bị thuỷ lôi của Nhật Bản mà do phía Mỹ tự đánh chìm bằng ít nhất 9 quả thuỷ lôi từ các tàu chiến của Mỹ và từ sự nổ tung của kho đạn pháo lớn ở trên con tàu.
Một huyền thoại đối với nước Mỹ
Thực tế không phải như vậy. USS Hornet bị chìm bởi trúng 4 quả thuỷ lôi với biệt danh "Mũi giáo dài" 610mm phóng từ hai pháo hạm Makigumo và Agikumo của hải quân Nhật Bản. Nó bị chìm rất nhanh, mang theo 140 thuỷ thủ - theo số liệu của Mỹ - xuống đáy đại dương. Những hình ảnh cuối cùng về con tàu này ở trên mặt biển đều chỉ thể hiện sự tang thương, chết chóc và huỷ hoại, hiện thân cho kết cục rất bi thảm của con tàu lớn.
77 năm sau, thế giới được nhìn thấy nó nằm trong lòng đại dương sâu. Môi trường sinh thái ở độ sâu ấy đã giúp nó gần như không bị ăn mòn gì. Ở dưới đấy, nó trông như thể đang cập cảng nào đó. Sau 77 năm, nó lại hiện ra trước thế giới và lôi kéo thế giới hồi tưởng về một thời kỳ lịch sử. Giống như con tàu Titanic, nó mang theo không ít bí mật lịch sử và chắc sẽ ở lại nơi tăm tối sâu thẳm ấy mãi mãi bởi ở Mỹ hiện chưa ai đề cập gì đến việc trục vớt nó. Cứ ở đấy, con tàu này vẫn là một huyền thoại đối với nước Mỹ. Được trục vớt lên rồi, biết đâu nó chẳng còn được như thế nữa.