“Sóng nhiệt” - cụm từ được dùng chỉ khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường - có lẽ là cụm từ được nhắc đến trên khắp toàn cầu mùa hè 2023. Hàng triệu người ở cả ba lục địa Á - Âu - Mỹ đã, đang hứng chịu thời tiết nắng nóng gay gắt chưa từng có, đe dọa phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ. Theo giới chuyên gia, các đợt sóng nhiệt bao trùm toàn cầu là cái giá quá đắt của thực trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên ngoài tầm kiểm soát.
Điêu đứng trong sóng nhiệt
Trung Quốc có lẽ là một trong những quốc gia hứng chịu sóng nhiệt gay gắt nhất mùa hè này. Theo tờ Beijing Evening News, trong tháng 6/2023 vừa qua, Bắc Kinh đã trải qua tổng cộng 14 ngày ghi nhận nhiệt độ trên 35 độ C, bằng với mức cao kỷ lục hồi tháng 7/2000. Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này - nơi nhiệt độ lên tới 52,2 độ C ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương (Xinjiang). Trước đó, kể từ cuối tháng 5, những đợt nắng nóng kỷ lục đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân ở khắp các khu vực phía nam và phía đông Trung Quốc. Đơn cử như ngày 29/5, Thượng Hải đã trải qua một ngày trong tháng 5 nóng kỷ lục trong vòng 100 năm qua, với mức nhiệt 40,2 độ C.
Việc nhiệt độ tăng cao kỷ lục cũng đã khiến lưới điện bị căng thẳng khi máy điều hòa không khí được bật hết công suất tại các gia đình, văn phòng và nhà máy ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến. Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập khẩn cấp đầu tiên tại khu vực phía đông của Trung Quốc, mô phỏng tình trạng mất điện đột biến và mất điện khi phải đối mặt với bất kỳ sự cố mất điện quy mô lớn nào.
Nhật Bản cũng đã, đang trải qua những ngày nóng nực chưa từng có mùa hè này. Một số nơi tại Nhật Bản ngày 16/7 đã trải qua mức nhiệt cao nhất trong 4 thập niên. Giới chức Nhật Bản đã ban hành cảnh báo về sốc nhiệt đối với hàng chục triệu người tại 20 trong tổng số 47 tỉnh tại nước này. Sở Cứu hỏa Tokyo đang chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống số lượng cuộc gọi cấp cứu tăng vọt do nguy cơ nhiệt độ cũng như số bệnh nhân sốc nhiệt tiếp tục tăng trong thời tiết nắng nóng.
Tại Mỹ, cái nóng còn khủng khiếp hơn. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), nhiệt độ tại một số vùng sa mạc của Mỹ đã vượt 120 độ F (48,8 độ C) vào ban ngày và duy trì trên 90 độ F (32,2 độ C) vào ban đêm. Thung lũng Chết ở California trong ngày 16/7 có nhiệt độ lên tới 128 độ F (53,33 độ C). Hệ thống cấp cứu Mỹ quá tải bệnh nhân vì nắng nóng kỷ lục. Tại hạt Maricopa, bang Arizona (Mỹ), thời tiết nóng đến mức mọi người được đưa vào phòng cấp cứu với những vết bỏng nặng, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Chính quyền một loạt bang của Mỹ như California, Nevada, Arizona, New Mexico, Louisiana, Texas, Arkansas, Mississippi, Alabama, Oklahoma và Florida đã ban bố cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng cùng với các hướng dẫn để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người dân.
Đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ tăng cao kỷ lục đang càn quét châu Âu. Những ngày trung tuần tháng 7 này, các vùng của Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Italy đều đang trải qua nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng trên 40 độ C. Ngày 17/7, nhiệt độ đã lên tới 40 độ C tại 60% diện tích lãnh thổ của Italy. Đặc biệt, Liên hợp quốc (LHQ) thông báo mức nhiệt 48,8 độ C ghi nhận trên đảo Sicily của Italy ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu. Trong vòng 18 tháng qua, Italy đã đối mặt với hàng loạt thách thức do thời tiết cực đoan gây ra, bao gồm nắng nóng kéo dài và hạn hán xảy ra hồi năm 2022. Điều này đã khiến sản lượng nông nghiệp của Italy sụt giảm và mực nước ở phần lớn sông chính của Italy tụt xuống mức thấp lịch sử.
Điều kiện siêu nắng nóng đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng và khiến du khách bị mắc kẹt trong lúc mùa du lịch đang ở giai đoạn đỉnh điểm tại Hy Lạp. Ngày 24/7, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cảnh báo nước này đang trong tình trạng “chiến tranh” khi phải đối phó với các đám cháy rừng tiếp tục lan rộng trong bối cảnh nắng nóng gay gắt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với một châu lục với dân số già hoá như châu Âu, mối đe doạ từ sóng nhiệt còn nguy hiểm hơn nữa. Nhiều chuyên gia ví von, cái nóng thiêu đốt bao trùm khắp lục địa già đã trở thành đại dịch Covid-19 mới, cô lập, đe doạ những người lớn tuổi.
“Nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các biện pháp quan trọng cần thiết, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một tình huống thảm khốc”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres
|
Thế giới cần sẵn sàng đối mặt với đợt sóng nhiệt dữ dội hơn nữa
Đó là cảnh báo của Chuyên gia cấp cao Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) John Nairn. Ông dự báo tuy hàng loạt nước đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong những ngày này, song khả năng cao các kỷ lục này sẽ bị phá vỡ lần nữa trong thời gian tới. Đồng góc nhìn, đài CBS (Mỹ) chạy dòng tít ngày 14/7: "Nhiệt độ cao phá kỷ lục, lũ lụt, cháy rừng và mưa lớn đang tàn phá thế giới. Đó chỉ mới là bắt đầu". Tiến sĩ Diana Francis - đứng đầu phòng thí nghiệm khoa học môi trường và địa vật lý tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi - cho biết sự nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát và các dấu hiệu của điều này đã được quan sát thấy ở nhiều nơi trên thế giới, từ nhiệt độ khắc nghiệt ở Mỹ, đến lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha và mức băng biển thấp nhất được ghi nhận. Giám đốc dịch vụ khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ông Christopher Hewitt cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, với hiện tượng El Nino có thể kéo dài và gây tác động cho đến năm 2024.
Theo WMO, nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca đau tim và tử vong. Tổ chức này cho biết, đa số lo ngại dồn vào ban ngày khi nhiệt độ lên đến mức tối đa, nhưng thực tế ban đêm mới là khoảng thơi gian tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là với nhóm những người dễ bị tổn thương. Vì lẽ đó, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo: "Thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước".
Phần lớn các tổ chức khí hậu, chuyên gia đều đồng nhất quan điểm rằng, nhiệt độ tăng và sóng nhiệt thường xuyên hơn là kết quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy biến đổi khí hậu đã khiến các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra ở châu Á cao gấp 30 lần. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao là do tình trạng biến đổi khí hậu. Bộ này dự báo số ngày “cực nóng” trong mùa hè năm nay sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh thế giới đang ấm dần và hiện tượng mà các chuyên gia dự đoán là "siêu El Nino".
Từ thực tế đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo: “Nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các biện pháp quan trọng cần thiết, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một tình huống thảm khốc”. LHQ trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Vì thế, việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trở thành yêu cầu cấp bách. Nói như ông Creon Butler, Giám đốc chương trình tài chính và kinh tế toàn cầu của Chatham House: “Diễn biến của biến đổi khí hậu tùy theo quá trình giảm phát thải toàn cầu hiện nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như các đợt nắng nóng chưa từng có mà Nam Âu, Mỹ và Trung Quốc phải hứng chịu trong tuần này, sẽ trở nên thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn. Hậu quả kinh tế và tài chính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng rất rõ ràng, đặc biệt là do chi tiêu để thích ứng với những gì sắp xảy ra đang thiếu nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, cắt giảm như thế nào lại vẫn là đề tài tranh cãi bất tận, không hồi kết trong vô số những cuộc họp bàn về biến đổi khí hậu từ trước tới nay./.
Hà Anh