Ngày Dân số Thế giới 2023: Quá nhiều âu lo

Già hóa dân số là một thách thức không nhỏ đối với kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Kể từ năm 1990, Ngày Dân số Thế giới là sự kiện thường niên diễn ra vào 11/7 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia tăng dân số trên toàn thế giới. Thông điệp của Ngày Dân số Thế giới 2023 là nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, nói đến dân số, thế giới còn quá nhiều vấn đề âu lo không dễ giải quyết. 

Thách thức của quốc gia vừa lên ngôi “đông dân nhất thế giới”

Tháng 4/2023, sau nhiều tranh cãi về số liệu, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã chính thức khẳng định, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào giữa năm 2023, khi đó dân số Ấn Độ đạt gần 1 tỷ 430 triệu người. Trung Quốc giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới ít nhất kể từ năm 1950, khi Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu công bố dữ liệu dân số.

Vượt qua “kỷ lục” lâu năm ấy của Trung Quốc là niềm tự hào hay nói như bà Poonam Muttreja - Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ (PFI) việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình tăng trưởng của Ấn Độ. Dân số trẻ, lại đông sẽ mang lại cho nền kinh tế nhiều ưu thế có thể hiện thực hoá mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, cũng mang lại những thách thức không hề nhỏ cho quốc gia Nam Á này. Đó là việc tạo sẽ phải tạo ra tới 90 triệu việc làm mới trước năm 2030. Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế mà không đi kèm với mở rộng thị trường việc làm khiến tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Bùng nổ dân số cũng sẽ gây áp lực vô cùng lớn lên cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội, các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục… của Ấn Độ. Giải quyết những thách thức này không hề đơn giản và nếu không giải quyết được, đồng nghĩa với bất ổn xã hội sẽ ngày càng tăng. Đó thực sự là nỗ lo của Ấn Độ bên cạnh niềm vui trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo MarketWatch, công ty con của Dow Jones & Company (Mỹ), số liệu của LHQ tính đến ngày 14/4/2023 cho thấy, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với dân số 1.425.782.975 người, trong khi quy mô dân số của Trung Quốc là 1.425.748.032 người. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Già hoá dân số và vấn đề không của riêng quốc gia nào

“Nhật Bản đang đứng trước ngưỡng cửa tồn vong của xã hội”- đó là lời chia sẻ đầy buồn bã của Thủ tướng nước này Kishida khi nói về sự suy giảm tỷ lệ sinh và già hoá dân số hiện nay tại Nhật Bản. Tháng 9/2022, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ người từ 75 tuổi trở lên vượt 15% dân số.Số người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản cũng tăng khoảng 60.000 người lên 36,27 triệu, chiếm 29,1% dân số, cao nhất từ trước tới nay, đưa Nhật Bản trở thành nước có tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cao nhất trên thế giới.Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia của Nhật Bản dự báo đến năm 2040 số người cao tuổi sẽ chiếm 35,3% dân số nước này. Một ngôi làng ở Nhật Bản thậm chí đã trải qua 25 năm mà không ghi nhận thêm một ca sinh nào. “Đất nước sẽ tiêu vong nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài. Chính những người trải qua thời kỳ suy vong sẽ phải đối mặt với tổn thất to lớn. Điều đó sẽ để lại di chứng nặng nề cho thế hệ sau”, bà Masako Mori - một cố vấn cho Thủ tướng Fumio Kishida nhận định trước thực trạng này.

Dân số Hàn Quốc đang ngày càng già hoá. (Ảnh: AFP)Điều đáng nói là thực trạng này, đã, đang không chỉ xảy ra tại đất nước Mặt trời mọc. Một quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc hiện cũng đang phải cấp tập đối phó cho cái gọi là “già hoá dân số”, khi nhiều năm nằm trong danh sách một trong những quốc gia có tốc độ dân số già nhanh nhất thế giới và có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã tăng vọt từ 76.000 vào năm 2017 lên 89.643 vào năm 2022. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước phải đóng cửa do thiếu trẻ em trong độ tuổi đến trường, tổng số trường vẫn không thay đổi trong nhiều năm. Già hoá dân số ngày càng tăng khiến Hàn Quốc ngày càng vất vả trong việc tạo dựng hệ thống phúc lợi dành cho người cao tuổi, hệ thống lương hưu vẫn chưa hoàn thiện theo kịp tình hình…

EU đối mặt vấn đề già hóa dân số do tỷ lệ sinh thấp. (Ảnh tư liệu: THX/TTXVN)

Tại các quốc gia châu Âu, già hoá dân số cũng đã trở thành vấn đề đau đầu với các chính phủ. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhân khẩu học (CED) ở Barcelona, ông Albert Esteve, châu Âu là một trong những khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất trên thế giới (một nửa dân số châu Âu hiện nay ở độ tuổi trên 44,4) trong khi tỷ lệ sinh thấp. Thực tế này đang đặt ra bài toán khó cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động…

Nhìn chung, theo cơ quan dân số của LHQ, già hoá dân số và giảm tỷ lệ sinh đang là vấn đề toàn cầu. Theo LHQ, với tỷ lệ sinh như hiện nay, từ năm 2050, số trẻ em ra đời trên thế giới có thể sẽ thấp hơn số người qua đời. Vào thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 1,6 tỷ người, tức là hơn 16% dân số. Theo các chuyên gia, thực tế này đang gây áp lực lên thị trường lao động và phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già hơn sẽ cần nhiều hơn nhu cầu về y tế, tình trạng thiếu lao động sẽ ngày càng trầm trọng.Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng những thách thức toàn cầu như bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu và xung đột, tranh giành tài nguyên có thể bắt nguồn từ tình trạng quá tải dân số. Nói như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, già hóa dân số sẽ là một thách thức không nhỏ đối với kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Người cao tuổi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới

Có thể ai đó sẽ ngạc nhiên rằnng giữa thời đại AI, nhân loại vẫn nói tới chuyện bình đẳng giới. Nhưng đó lại là thực tế đang hiện hữu và ngày Dân số Thế giới năm 2023 nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới. Với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta", LHQ cho biết hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua. Vì thế, LHQ nhấn mạnh mục đích nâng cao nhận thức, huy động sự quan tâm của toàn xã hội, những nỗ lực không ngừng để phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế, xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.

Tại Pháp, số ca sinh nở vào năm 2022 là 723.000, thấp nhất kể từ năm 1946 đến nay. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Suốt nhiều thập kỷ, bình đẳng giới vẫn là mục tiêu chưa đạt được tại nhiều nơi trên thế giới, đủ thấy hiện thực hoá mục tiêu này không hề là việc dễ dàng. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Bởi, như thông điệp tử Ngày Dân số Thế giới 2023: Chúng ta phải thúc đẩy bình đẳng giới để tạo ra một thế giới vốn với những tiềm năng vô hạn được công bằng, có khả năng chống chịu và bền vững hơn; Đầu tư vào bình đẳng giới hôm nay là đầu tư cho tương lai chung của chúng ta… Trước mắt, chiến dịch của UNFPA khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhân Ngày Dân số Thế giới 2023 sẽ tập trung vào quyền sinh sản của phụ nữ - dựa trên góc độ bình đẳng giới và quyền con người./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận