Chung tay hành động vì một tương lai không ô nhiễm nhựa: Việc không thể chần chừ!

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: hậu quả của ô nhiễm rác thải nhựa đối với đời sống con người "thực sự thảm khốc".

 

Nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay, thông điệp nóng bỏng nhất mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres muốn gửi tới cả thế giới là lời kêu gọi nhân loại chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa. Nếu mọi sự chậm trễ, người đứng đầu LHQ khẳng định: hậu quả của ô nhiễm rác thải nhựa đối với đời sống con người "thực sự thảm khốc".

Con người đang sản xuất ra khoảng 460 triệu tấn nhựa mỗi năm

Cũng trong thông điệp này, Tổng Thư ký LHQ nêu bật thực trạng mỗi năm có tới hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới và hơn 30% lượng nhựa trong số này chỉ được sử dụng một lần. Mỗi ngày có hơn 2.000 xe rác chở đầy nhựa đổ ra biển, sông và hồ.

Nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa. (Ảnh: IRNA/TTXVN)Nhiều nghiên cứu trước đó cũng cho rằng con người đang sản xuất ra khoảng 460 triệu tấn nhựa mỗi năm, và nếu không hành động khẩn trương, con số này sẽ tăng gấp 3 vào năm 2060. Đáng quan ngại, theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), có đến trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng lượng rác được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường. Cũng theo OECD, quy trình sản xuất nhựa cũng khiến Trái Đất nóng lên khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019. Còn theo Hội đồng Môi trường LHQ (UNEA), lượng chất thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể lên tới 23 đến 37 triệu tấn mỗi năm kể từ năm 2040, gần gấp 3 lần lượng rác thải ghi nhận năm 2016. Ở người, các mảnh nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai.

Rác thải nhựa tràn ngập tại hồ Suchitlan ở El Salvador ngày 9/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)Và hệ lụy của việc “22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường”, theo người đứng đầu LHQ là "thực sự thảm khốc". "Vi nhựa có trong thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta hít thở... Nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta càng sản xuất nhiều nhựa, chúng ta càng đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch và chúng ta càng làm khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn" - Tổng Thư ký LHQ khẳng định. Còn người đứng đầu Chương trình Môi trường LHQ Inger Andersen thì nhấn mạnh thói quen vứt bỏ đồ nhựa đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của Trái Đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây hại cho sức khỏe của con người và những người dễ bị tổn thương nhất chính là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cần hành động nhanh để ngăn chặn ô nhiễm nhựa

"Mọi thứ quá rõ ràng: chúng ta cần một hành động toàn cầu nhanh, tham vọng và có ý nghĩa để ngăn chặn ô nhiễm nhựa" - đó là tuyên bố mang ngụ ý cảnh báo của lãnh đạo Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) -  thiết chế đã được thiết lập năm 2022 trong nỗ lực của Hội đồng môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA) để “đánh bại ô nhiễm nhựa".

Rác thải nhựa đang tràn ngập các bãi biển trên thế giới. (Ảnh: EURACTIV)Nhưng giữa quyết tâm, mong muốn và hiện thực lại là hai việc hoàn toàn khác nhau. Công cuộc ngăn chặn ô nhiễm nhựa của thế giới đang vướng phải quá nhiều rào cản lớn. Trong đó, một trong những rào cản lớn nhất là bất đồng giữa các bên trong việc xây dựng một thoả thuận ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa.  “Nếu không có khung pháp lý chung, chúng ta sẽ không thể giải quyết được thách thức toàn cầu ngày càng tăng về ô nhiễm nhựa” - Thuỵ Sỹ, một quốc gia thành viên của INC tuyên bố.

Tuy nhiên, tại Vòng đàm phán đầu tiên trong 5 vòng đàm phán của INC (gọi tắt là INC-1) diễn ra tại Uruguay từ ngày 2/11 - 2/12/2022 với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ 160 nước, không phải thành viên nào cũng đồng nhất với quan điểm của Thuỵ Sỹ. Đơn cử như Mỹ và Saudi Arabia. Washington muốn một hiệp ước giống với cấu trúc của Thỏa thuận khí hậu Paris, trong đó, các quốc gia đặt ra các mục tiêu và kế hoạch hành động giảm khí thải nhà kính của riêng họ, còn Saudi Arabia cho biết nước này muốn một hiệp ước tập trung vào rác thải nhựa được xây dựng dựa trên “cách tiếp cận từ dưới lên trên và dựa trên hoàn cảnh quốc gia”.

Từ kết quả của vòng đàm phán đầu tiên, nỗ lực của việc hướng tới một thỏa thuận lịch sử về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa vào năm tới đã thất bại. Điều này cũng không quá ngạc nhiên bởi công cuộc chống ô nhiễm nhựa gắn chặt với bài toán lợi ích vốn chằng chéo của hàng trăm quốc gia.

Một người đàn ông nhặt rác nhựa ở một bãi rác gần khu ổ chuột Dandora của Nairobi, Kenya. (Ảnh: AP)

“Tất cả chúng ta, gồm các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phải hành động để chấm dứt cơn nghiện sử dụng nhựa, ủng hộ lối sống không rác thải và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự. Cùng nhau, chúng ta hãy định hình một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người”.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres

Thách thức là rất lớn, nhưng không phải là không thể vượt qua

“Thách thức là "rất lớn, như tất cả chúng ta đều nhận thức được, nhưng không phải là không thể vượt qua... Cả thế giới đang hướng về chúng ta" - tuyên bố của Trưởng đoàn đàm phán Peru, ông Gustavo Meza-Cuadra Velazquez tại Vòng đàm phán thứ hai của INC (gọi tắt là INC-2), vừa diễn ra từ ngày 29/5 - 2/6 tại thủ đô Paris của Pháp có lẽ là điều đáng để 175 năm quốc gia tham gia Vòng đàm phán suy ngẫm.

Cũng chính từ quyết tâm ấy, 175 năm quốc gia đã bước vào Vòng đàm phán thứ hai, xem xét một loạt biện pháp như: ban hành lệnh cấm quy mô toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, áp dụng nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" và hạn chế sản xuất nhựa mới. Tuy nhiên, mâu thuẫn trái chiều giữa các bên tại Vòng đàm phán thứ hai dường như cũng không hạ nhiệt so với Vòng đàm phán đầu tiên là bao. Mười người mười ý. Một nhóm nước sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch như Mỹ, Nga và Trung Quốc muốn có một hệ thống tự nguyện, ít tham vọng hơn, trong đó họ được tự do thiết lập các khuôn khổ của riêng mình. Một bên là nhóm khoảng 20 quốc gia cùng với các tổ chức bảo vệ môi trường muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa hoàn toàn vào năm 2040 bằng cách cắt giảm sản xuất nhựa và hạn chế một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa. Một liên minh các doanh nghiệp bao gồm một số tập đoàn tiêu dùng lớn nhất thế giới thì vận động các quy tắc được tiêu chuẩn hóa để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm giảm sản xuất, tái sử dụng và tái chế cũng như loại bỏ dần các hóa chất độc hại.

Toàn cảnh Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, diễn ra ngày 27/5 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris. (Ảnh: TTXVN)Mâu thuẫn còn rất lớn nhưng điều an ủi là, các bên tham gia đàm phán đã nhất trí giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký, xây dựng bản dự thảo đầu tiên để phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển.

Theo kế hoạch, có 5 vòng đàm phán để các bên thống nhất về một thỏa thuận chính thức chống ô nhiễm nhựa. Vòng đàm phán tiếp theo diễn ra tại Nairobi vào tháng 11 tới, vòng đàm phán thứ 4 ở Canada vào tháng 4/2024 và được kỳ vọng sẽ chính thức thông qua tại vòng đàm phán cuối cùng tổ chức ở Hàn Quốc vào cuối năm 2024.

Cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa rõ ràng còn quá nhiều thách thức. Nhưng, bởi hệ lụy từ ô nhiễm nhựa thực sự quá tàn khốc, nên thông điệp Ngày Môi trường Thế giới năm nay tựa như một mệnh lệnh: "Đánh bại ô nhiễm nhựa". “Tất cả chúng ta, gồm các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phải hành động để chấm dứt cơn nghiện sử dụng nhựa, ủng hộ lối sống không rác thải và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự. Cùng nhau, chúng ta hãy định hình một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người” - Tổng Thư ký LHQ kêu gọi. Và ông một lần nữa không quên nhấn mạnh: mọi vấn đề đều có giải pháp./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận