Tìm Tổng thư ký mới: Mối bận tâm mới của NATO

Bên cạnh câu chuyện phê chuẩn thành viên mới là Ukraine, Thụy Điển, thì việc lựa chọn ai sẽ là Tổng thư ký mới của khối đang là mối bận tâm mới của NATO.

 

Với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời gian gần đây, những mối tranh cãi dường như chưa bao giờ chấm dứt. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới, bên cạnh câu chuyện phê chuẩn thành viên mới là Ukraine, Thụy Điển, thì việc lựa chọn ai sẽ là Tổng thư ký mới của khối đang là mối bận tâm mới của NATO.

Khi ông Jens Stoltenberg không muốn gia hạn nhiệm kỳ

Cách đây 9 năm, tháng 10/2014 khi cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg trở thành tân Tổng thư ký NATO, đã có nhiều ý kiến nghi ngại cho rằng, cựu Thủ tướng Na Uy dường như không phải là một lựa chọn thích hợp cho chức tổng thư ký NATO bởi ông là một nhà kinh tế không có kinh nghiệm quốc phòng. Cho dù trước đó, ông Jens Stoltenberg từng trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Na Uy khi trở thành thủ tướng ở tuổi 40 vào năm 2000 và tại vị cho tới năm 2001. Sau đó, ông trở lại ghế thủ tướng và phục vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2005 - 2013.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 3/4/2023. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)Cho tới nay, sau 9 năm tại vị, ông Jens Stoltenberg được đánh giá là không những vượt qua nhiều thách thức lớn mà còn có những thành tích xuất sắc bảo đảm sự ổn định của liên minh quân sự, đơn cử như trong thời gian chiến sự đang diễn ra ở Ukraine. Cũng chính bởi “những thành tích xuất sắc” này mà đã có những thông tin cho rằng phía NATO muốn một lần nữa kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thư ký (dự kiến kết thúc vào ngày 30/9/2023) của ông Jens Stoltenberg đến tháng 4/2024, trong bối cảnh NATO vẫn đang tìm cách duy trì sự ổn định khi cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, các thành viên khối cũng muốn ông Jens Stoltenberg là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức tại Washington vào tháng 4/2024.

Dù vậy, về phần mình, một con người tài năng như ông Jens Stoltenberg dường như không bao giờ thiếu cho mình những cơ hội lớn. Mới đây tờ Welt am Sonntag (Đức) cho biết, ông Jens Stoltenberg có thể trở thành Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khi ông David Malpass rời nhiệm sở cùng thời điểm trên. Cũng có nhiều thông tin cho biết bản thân ông Jens Stoltenberg cũng không muốn gia hạn nhiệm kỳ sau khi đã có tới 9 năm tại vị trên cương vị Tổng Thư ký NATO. “Nhiệm kỳ của Tổng Thư ký Stoltenberg đã được kéo dài 3 lần và ông đã phục vụ tổng cộng gần 9 năm”, phát ngôn viên của ông Stoltenberg xác nhận cựu Thủ tướng Na Uy sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào tháng 10 tới và cho biết Stoltenberg không có ý định gia hạn nhiệm kỳ hiện tại.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu tại Copenhagen ngày 2/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 - 12/7 ở Vilnius (Litva), theo đề nghị của NATO. Một trong những vấn đề nóng nhất trước thềm hội nghị là chuyện kết nạp Ukraine vốn đang gây chia rẽ giữa các nhóm thành viên trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Trong khi các lãnh đạo NATO nhất trí hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để khởi động tiến trình kết nạp Ukraine, nhóm các thành viên Đông Âu muốn liên minh đưa ra cam kết thực chất và vạch ra lộ trình gia nhập cụ thể cho Kiev. Bên cạnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius sẽ bàn về công tác tổ chức hỗ trợ cụ thể cho Ukraine trong bối cảnh hiện nay, bàn cách thức cải thiện hợp tác trong những tình huống cụ thể và làm rõ việc sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết. Một vấn đề cũng rất nóng khác là việc Thổ Nhĩ Kỳ còn lần chần trong việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu ngày 16/5 xác nhận rằng nước này muốn Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tranh cãi về “chủ trò” mới của NATO

Chỉ có 31 quốc gia thành viên nhưng việc đạt được sự đồng thuận tuyệt đối trong khối dường như chưa bao giờ là điều dễ dàng với NATO. Trong khi nhiều quốc gia còn ngập ngừng muốn dò ý ông Jens Stoltenberg, giữ ông lại trên cương vị Tổng thư ký thì nhiều thành viên của khối quân sự này lại muốn tìm được nhân vật thay thế ông Stoltenberg trong hoặc thậm chí trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở Litva vào giữa tháng 7. Nghĩa là chuyện thay thế ông Jens Stoltenberg không những cần mà còn rất gấp gáp.

Binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Orzysz, Ba Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)Và với một vị trí “khó nhằn” lại trong một thời gian ngắn như vậy, việc tìm kiếm chủ nhân mới không là chuyện dễ dàng, nói như  hãng thông tấn Reuters (Anh), bất cứ ai nắm giữ vị trí Tổng thư ký NATO ở thời điểm này sẽ phải đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh hỗ trợ Ukraine đồng thời đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào xung đột với Nga.

Chưa kể, như đã nói, NATO luôn nổi tiếng là “chín người mười ý”, chưa bao giờ dễ dàng trong việc đạt được sự đồng thuận. Thêm vào đó theo nhiều nguồn tin không chính thức nhân vật ấy còn phải nhận được sự ủng hộ từ Washington - nơi luôn có nguồn tài trợ lớn nhất cho NATO.

Đơn cử như trong chuyện tìm người thay thế ông Jens Stoltenberg, Pháp đang tỏ ý muốn một nhân vật đến từ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng có hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU, Hà Lan được cho sẽ giới thiệu bộ trưởng quốc phòng của họ, bà Kajsa Ollongren, Anh cũng muốn đề cử Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng đang được đề xuất… Trong khi đó, nhiều nước thành viên lại ưu ái cựu thủ tướng hoặc tổng thống để đảm bảo Tổng thư ký của NATO có ảnh hưởng chính trị ở cấp cao nhất, còn một số nước khác lại cho rằng đã đến lúc NATO nên có một nữ Tổng thư ký đầu tiên và nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký.

Cờ của các nước thành viên bên ngoài trụ sở chính NATO ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)Một nhân vật nào có thể là một nhân vật chính trị và ngoại giao tiếng tăm, được lòng cả châu Âu và Mỹ, một nhân vật nào có khả năng làm cầu nối xoa dịu hết, làm vừa lòng, không đụng chạm với hết thảy các bên trong câu chuyện Ukraine đang quá nóng… thực sự là bài toán quá hóc búa. “Chưa có sự đồng thuận”, là điều một quan chức NATO vừa lên tiếng thừa nhận, trong khi đó chính quyền Biden dường như đang chưa quá bận tâm nhiều đến chuyện tìm người kế nhiệm ông Stoltenberg.

Bốn tổng thư ký gần nhất của NATO là người Anh, Hà Lan, Ðan Mạch và Na Uy. Anh đã đóng góp 3 tổng thư ký trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm của NATO. Và quốc gia nào sẽ đóng góp nhân sự cho vị trí lãnh đạo cao nhất của NATO… đó đang là mối bận tâm lớn nhất của khối này cũng như của dư luận quốc tế hiện nay./.

Trong khi nhiều quốc gia còn ngập ngừng muốn dò ý ông Jens Stoltenberg, giữ ông lại trên cương vị Tổng thư ký NATO thì nhiều thành viên của khối quân sự này lại muốn tìm được nhân vật thay thế ông Stoltenberg trong hoặc thậm chí trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở Litva vào giữa tháng 7.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận