Boston, chiếc bàn đá và người thợ bánh đặc biệt trên đất Mỹ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tham gia làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của khách sạn Omni Parker House từ 1911 đến năm 1913.

 

“Thật thú vị để lưu ý rằng một nhà cách mạng tài danh, lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam lừng danh từng tham gia làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của khách sạn Omni Parker House từ 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này…” - những gì nữ văn sĩ Susan Wilson người Mỹ từng viết chính là câu chuyện đầy thú vị đã xảy ra hơn trăm năm trước, tại một nơi được mệnh danh là “Thành phố trí thức” của nước Mỹ.

Thành phố của những trí thức, danh nhân và sự lựa chọn của người thanh niên Việt đặc biệt

Thành phố Boston thuộc bang Massachussetts (Mỹ) là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ đồng thời cũng được mệnh danh là “Thành phố trí thức”. bởi thành phố này có lẽ là nơi hội tụ nhiều trường Đại học nhất nước Mỹ. Tại đây, có không dưới 60 trường đại học, trong đó Trường Đại học Harvard vô cùng danh tiếng. Hơn nữa, Boston còn là “điểm hẹn” của nhiều chính khách, các danh nhân Mỹ như Malcolm Little (MalcolmX), nhà hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nước Mỹ, trong đó có nhà thơ Palple Waldo Emerrnon và nhà văn Charles Dickens lừng danh…

Mặt tiền khách sạn Omni Parker House, ở số 60 phố School St., Boston, MA 02108 United States, nơi từ cuối năm 1911 - 1913, Bác Hồ của chúng ta dưới cái tên Văn Ba, từng là người thợ làm bánh mì ở đây.

Nói tới Boston, nói tới điểm hẹn thi vị ấy không thể không nhắc tới Omni Parker House, một trong những khách sạn lâu đời nhất của thành phố này khi được xây dựng từ năm 1855 theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ của Anh, cao 7 tầng và tọa lạc ngay khu trung tâm sầm uất của Boston. Không biết có phải vì nét cổ kính lâu đời ấy không mà không biết tự bao giờ, Omni Parker House đã là nơi hội họp thường xuyên của các cây bút xuất sắc của nước Mỹ, trong số này có Emerson, Thoreau, Hawthorne và Longfellow. Do Parker House gần khu vực nhà hát của Boston, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của thế kỷ thứ 19 đã coi đây như nhà của mình, gồm có những Charlotte Cushman, Sarah Bernhardt, Edwin Booth, và anh trai của ông là John Wilkes Booth… Omni Parker House cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc hội đàm, các cuộc gặp tay đôi của các chính trị gia. MalcolmX khi tới Boston cũng đã lựa chọn Omni Parker House làm điểm dừng chân… Dòng họ John Fitzgerald Kenedy cũng đã chọn Omni Parker House làm đại bản doanh mở cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ thứ 35…

Hiện chưa có tài liệu nào lý giải vì sao, từ đất nước hình chữ S xa xôi và trong bối cảnh thông tin quá ít ỏi về nước Mỹ bên kia bán cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, người đầu bếp Văn Ba, trong những năm 1911 - 1913 đã không đến thủ đô Washington DC mà lựa chọn Boston, lựa chọn khách sạn Omni Parker House khi dừng chân tại nước Mỹ. Không thể khẳng định, nhưng có lẽ chăng, sự mẫn cảm, dự đoán thiên tài của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dẫn đường cho sự lựa chọn của Người bởi Boston vẫn được xem là cái nôi của cách mạng Mỹ, nơi từng diễn ra các cuộc tuần hành, biểu tình đòi quyền sống, đòi làm việc tốt hơn cho phụ nữ nói riêng và những người lao động nói chung. Những cuộc đấu tranh ấy cũng hướng tới những điều mà chàng thanh niên Việt và đất nước của Người đang kiếm tìm. Nữ văn sĩ Susan Wilson dường như cũng chung quan điểm khi cho rằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh tìm đến làm việc ở Omni Parker House, bởi khách sạn này nằm gần con đường mang tên Tự Do (Freedom trail), nơi mỗi bước chân đều có dấu ấn lịch sử về cuộc cách mạng giành tự do cho nước Mỹ…Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo, đội ngũ nhân viên khách sạn Omni Parker House đã lưu giữ hình ảnh chân thực và sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)Chiếc bàn bánh và những ngày nghiền ngẫm về độc lập, tự do

Một điều thú vị là cũng rất đáng trân trọng là từ ngày chàng thanh niên Văn Ba - Nguyễn Tất Thành chọn điểm dừng chân đến nay cũng đã trăm năm có hơn nhưng trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu ấn về người thanh niên Việt đặc biệt ngày ấy vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Giờ đây, khi đến Omni Parker House, cửa chính của khách sạn có gắn tấm biển ghi dòng chữ: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một người chạy bàn. Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống. Nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng...”. Bên trong khách sạn, gian bếp dưới tầng hầm, nơi Bác Hồ của chúng ta từng làm việc, mọi thứ dường như vẫn như ngày hôm qua: trần nhà chi chít những ống dẫn và xả khí đốt, 4 bức tường màu vàng nhạt bao quanh dãy kệ bánh và miệng lò nướng. Trên một bức tường của khách sạn có trang trí nhiều hình ảnh của các danh nhân thế giới, trong đó có hình Bác Hồ thời trẻ, với dòng chữ: “Năm 1911-1912, nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam đã từng làm việc tại tiệm bánh Parker House” .

Đặc biệt nhất là một chiếc bàn dài bằng đá trắng xám, trên có đặt một cái khuôn ép bánh to cùng những chậu bột bánh, cạnh những chiếc bánh được nhồi dang dở ở giữa phòng. Chiếc bàn đã bị vỡ mảnh bằng bàn tay ở góc phải trong cùng là nơi Bác Hồ đã dùng làm bánh kem Boston Cream Pies và Lemon Meringue Pies, món ăn tráng miệng nổi tiếng của khách sạn Omni Parker House. Trên bàn đặt một tờ giấy ghi dòng chữ: “Hồ Chí Minh từng là thợ làm bánh tại Parker House trong 2 năm 1911 - 1913. Người đã sử dụng chiếc bàn đá như trong bức ảnh bên cạnh và nó được sử dụng tại quầy bánh của chúng tôi cho đến ngày nay”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo, đội ngũ nhân viên khách sạn Omni Parker House đã lưu giữ hình ảnh chân thực và sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo những người điều hành khách sạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc trên chính chiếc bàn dài ấy. Đến nay, hiện vật mang ý nghĩa lịch sử và tuổi đời hơn 100 năm vẫn được những người thợ làm bánh, những người quản lý, nhân viên trong khách sạn trân trọng lưu giữ cẩn thận như một niềm tự hào riêng có đồng thời cũng là cách để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyện kể rằng Viện Bảo tàng Quốc tế cũng như nhiều nhà sử học đã ngỏ ý muốn mua lại chiếc bàn đá cũ kỹ, sứt mẻ này, nhưng Ban Giám đốc khách sạn đều từ chối, bởi với họ, “Chiếc bàn là hiện vật vô giá, là đồ dùng làm việc của một nhà lãnh đạo xuất chúng, một nhà văn hóa lớn của thế giới... Đây còn là nhân chứng quan trọng của lịch sử" và rằng, “chiếc bàn đó để ở Omni Parker House mới thực sự có giá trị lịch sử”.

Nhưng rõ một điều rằng, Nguyễn Tất Thành - Văn Ba vượt vạn dặm tới Omni Parker House, tới Boston không chỉ để làm bánh. Theo Tiến sĩ sử học người Mỹ Nathaniel Sheiley, thời gian sống và làm việc ở Mỹ, là quãng thời gian Bác Hồ đã nghiên cứu thấu đáo lịch sử, thâm nhập cuộc sống của người dân, chứng kiến những bước ngoặt lịch sử, cả tính cách, văn hóa, các phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc và cộng đồng nước Mỹ, cả những phong trào đấu tranh của người dân thành phố này. Giáo sư người Mỹ Kevin Bowen và nhiều nhà sử học khác bổ sung thêm khi cho rằng, tại đây, Bác Hồ đã đọc và nghiền ngẫm Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - văn kiện đã tạo cảm hứng cho người thanh niên Việt Nam trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Trong thời gian rảnh rỗi của mình và vào ngày nghỉ, Văn Ba cùng nhiều người dân thành phố và những người nhập cư mới tới phòng đọc của Thư viện công cộng Boston. “Với kiến thức của ông về Trung Quốc và vốn tiếng Pháp, tiếng Anh ngày càng hoàn thiện, ông liên tục cập nhật tin tức của thế giới và viết bài tại nhà, liên hệ với Phan Chu Trinh, gia đình và chính quyền ở Huế, nơi ông tìm cách xin gửi tiền về nhà như nhiều người nhập cư quanh ông vẫn làm...” - Giáo sư Kevin Bowen cho biết.

Khách sạn Omni Parker House ngày nay. (Ảnh: KT)Quá khứ là cầu nối hữu hiệu nối liền hiện tại và hướng tới tương lai. "Tôi mong rằng khách sạn Omni Parker House tiếp tục là điểm dừng chân có ý nghĩa cho những người Việt Nam và bạn bè quốc tế quan tâm tìm hiểu về chặng đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những đóng góp của Người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Mỹ và kết nối tư tưởng độc lập, tự do, vì sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia, dân tộc và lợi ích Nhân dân hai nước" - Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã ghi lưu bút như vậy khi tới thăm khách sạn Omni Parker House trong chuyến thăm Mỹ tháng 5/2022./.

Theo những người điều hành khách sạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc trên chính chiếc bàn dài ấy. Đến nay, hiện vật mang ý nghĩa lịch sử và tuổi đời hơn 100 năm vẫn được những người thợ làm bánh, những người quản lý, nhân viên trong khách sạn trân trọng lưu giữ cẩn thận như một niềm tự hào riêng có đồng thời cũng là cách để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận