Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ khi đó là Clinton, trong tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam đã nhấn mạnh: “Thời khắc này giúp chúng ta có cơ hội băng lại vết thương của chính mình. Tất cả những gì ngăn chia chúng ta trước kia, hãy để lại cho quá khứ. Hãy để thời khắc này, nói theo Kinh Thánh, là lúc để hàn gắn, là lúc để xây dựng”.
Và thực tế, nửa thế kỷ qua kể từ ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều cựu binh Mỹ đã nỗ lực để hàn gắn vết thương quá khứ.
Chiến tranh Việt Nam là trải nghiệm đáng quên
“Với chúng tôi, những cựu chiến binh Mỹ, chiến tranh Việt Nam là một trải nghiệm vô cùng đáng quên trong cuộc đời. Đó là sự hối tiếc của chúng tôi. Bởi vậy, khi chứng kiến những gánh nặng mà người Việt Nam phải chịu đựng để giải quyết hậu quả chiến tranh, tôi nhận thấy mình cần phải quay lại, có trách nhiệm trong việc xây dựng lại, hàn gắn lại những vết thương”, đó là trải lòng của Chuck Searcy, cựu binh Mỹ, người từng tham chiến ở Việt Nam những năm 1967 - 1968, với báo chí.
Cũng bởi những day dứt, sự thôi thúc của trách nhiệm ấy, hơn hai thập kỷ qua, Chuck Searcy đã chọn mảnh đất hình chữ S là đi đi về về, trên tư cách là thành viên rồi lãnh đạo Đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP), rồi sau này là Chủ tịch Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình phân hiệu 160 (VFP160), người đồng sáng lập nên dự án RENEW tại Quảng Trị. Công việc đầu tiên của Chuck Searcy trên đất Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, khi ông có một hợp đồng 3 năm làm việc cho một chương trình của cựu binh Mỹ giúp đỡ những người bị khuyết tật do Chính phủ Mỹ tài trợ. Chính những năm tháng ấy, lăn lộn trên mảnh đất một thời là bom đạn ác liệt, Chuck Searcy hiểu rằng ông và nước Mỹ còn quá nhiều việc phải làm. “Nhưng khi tôi chứng kiến những gánh nặng mà người Việt phải chịu đựng để giải quyết hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và chất độc da cam, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm để cố gắng đóng góp, dù chỉ là hành động nhỏ, để giải quyết các vấn đề này" - Chuck Searcy chia sẻ.
Theo Chuck Searcy, có một thế hệ người Mỹ đang phải đối mặt với hậu quả của chất độc da cam nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với con số ước lượng khoảng 3 triệu trẻ em và người lớn Việt Nam đang chịu đựng. Theo Chuck, kể từ khi chiến tranh kết thúc, có một thực tế đau lòng là khoảng 32% nạn nhân chết vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là trẻ em dưới 17 tuổi. Trong khi đó, chất độc da cam dường như sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nữa. Bên cạnh đó, kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, 100.000 người Việt - hầu hết là nông dân và trẻ em - đã chết và bị thương do các tai nạn đến từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. "Thật xót xa cho những đứa trẻ vô tội phải trả giá cho sai lầm trong quá khứ dù chúng không làm gì sai" - Chuck Searcy chia sẻ.
Từ sự nặng lòng ấy, năm 2001, dù bộn bề với rất nhiều dự án tại VFP, Chuck Searcy vẫn đứng ra làm người đồng sáng lập RENEW - dự án rà phá bom mìn và cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho nạn nhân bom mìn, chủ yếu tại Quảng Trị - nơi từng bị xem là “mảnh đất chết” trong chiến tranh năm xưa. “Rà phá tất cả bom mìn trong đất nước này là một mục tiêu không thực tế nhưng giảm thiểu và chấm dứt các vụ tai nạn, thương vong, đồng thời giúp trẻ em và người lớn của Việt Nam có niềm tin rằng họ an toàn trước các đe dọa của bom mìn là một mục tiêu có thể đạt được” - Chuck Searcy quyết tâm nói được và đã làm được. Nhiều năm qua, dù “nói tiếng Việt kém” nhưng Chuck Searcy đã là cái tên, gương mặt quen thuộc với người dân Quảng Trị. Hơn hai thập kỷ qua, RENEW đã di dời hàng tấn bom đạn, từ năm 2018, trên đất Quảng Trị không có người gặp tai nạn thương tích do vật liệu nổ chiến tranh. “Đó là một ví dụ tuyệt vời của thành công”, Chuck Searcy nói. Từ Quảng Trị, với nỗ lực của Chuck Searcy, dự án đang được mở rộng sang đất lửa Quảng Bình, Quảng Ngãi… sẽ càng có thêm nhiều con người, nhiều số phận được giúp đỡ, được tránh khỏi những hiểm hoạ bom mìn…
Vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong công tác khắc phục ảnh hưởng của bom mìn còn sót lại của chiến tranh suốt hơn hai thập kỷ qua, năm 2003, Chuck Searcy vinh dự được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Nhưng với người đàn ông Mỹ cao gầy, tóc bạc trắng này, những nụ cười, những ấm áp chân tình mà ông được đón nhận trên mảnh đất hình chữ S, mới là những điều ông trân quý nhất. Với ông, điều quan trọng nhất lúc này là mở ra cho quan hệ Việt - Mỹ những cơ hội hợp tác mới. Người Mỹ bình thường, các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, các giáo sư và sinh viên, doanh nhân... giờ đây đã có thể làm ăn với các đồng nghiệp Việt Nam ở một cấp độ tin tưởng và hợp tác. Và điều quan trọng nữa là hai bên đã hợp tác để giải quyết hậu quả chiến tranh, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn. Trong Chuck Searcy còn văng vẳng lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói trong lần ông được gặp vị tướng tài của Việt Nam năm 1995: “Việt Nam và Mỹ phải luôn luôn là bạn”.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) ở thủ đô Washington tháng 7/2015, nhân chuyến thăm chính thức Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Đó cũng là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại”.
|
“Điều quan trọng là hướng đến tương lai, hòa bình”
“Vụ thảm sát ở Sơn Mỹ là một tội ác. Tôi tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm, một tội ác và tội ác ấy đã góp phần gây ra nhiều đau khổ, tang thương và chết chóc cho nhân dân Việt Nam. Trở về Mỹ và nghĩ về những gì mình đã làm, tôi không thể nào xóa được ký ức. Điều quan trọng là tôi hướng đến tương lai, hòa bình để chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam”, đó là trải lòng trong nghẹn ngào xúc động của Mike Boehm, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Năm 1969 sau khi trở về Mỹ, tâm trí của Roy Mike Boehm vẫn luôn ám ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh, đặc biệt là vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho dù ông không tham gia.
Cũng bởi sự day dứt ám ảnh ấy, năm 1992, Mike Boehm lần đầu quyết định quay trở lại mảnh đất Việt Nam, quyết định về với Mỹ Lai, với 11 cựu chiến binh khác trong khuôn khổ Dự án Cựu chiến binh Mỹ tái thiết Việt Nam (Veteran's Vietnam Restoration Project - VVRP). Mike Boehm từng không quên được cảm giác rằng ông đã rất e sợ sẽ phải đối mặt với sự hận thù của người dân ở đó, rằng: "Chúng tôi không biết sẽ được đón nhận ra sao, sẽ được đối xử như thế nào”.
Nhưng khi đến với Mỹ Lai, mọi sự đã không như ông e ngại. “Bởi vì họ đều biết chúng tôi là những cựu chiến binh, nhưng chúng tôi đã được đối xử một cách tôn trọng hơn cả những gì chúng tôi trông đợi” - Mike Boehm trải lòng. Cũng bởi sự tôn trọng ấy, Mike Boehm và các đồng sự càng thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn với người dân trên mảnh đất hình chữ S. Năm 1994, ông sáng lập tổ chức phi chính phủ Madison Quakers, đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ người dân nơi đây.
Và cho tới nay, 30 năm qua, Mike Boehm đã là người gắn bó, đồng hành và giúp đỡ phụ nữ Sơn Mỹ và tỉnh Quảng Ngãi, thân thuộc tới mức người dân nơi đây gọi ông là “Ông Mai phụ nữ”. 30 năm qua, ông cùng Tổ chức Madison Quakers, Inc đã phối hợp Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội hướng về phụ nữ, trẻ em nghèo trong tỉnh. Các hoạt động như vay vốn ưu đãi, xây mái ấm tình thương, tặng xe đạp, học bổng, nước sạch với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Qua đó, nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
Nói về Mike Boehm , ông Phan Văn Đỗ - đại diện Tổ chức Madison Quackers tại Việt Nam từng nói: "Ông Mike hy sinh cuộc sống riêng tư của mình, tự nhận mình là người nghèo ở Mỹ. Suốt nhiều năm qua, ông ấy đã lặng lẽ quyên góp quỹ từ Mỹ để rồi tháng 3 hằng năm lại đến Quảng Ngãi giúp phụ nữ nghèo. Tấm lòng nhiệt thành của ông thật đáng trân trọng". Còn người cựu chiến binh Mỹ chỉ bộc bạch: "Hy vọng những việc làm nhỏ bé của tôi góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam”.
Suốt 30 năm qua, cứ đến tháng 3 hàng năm, Mike Boehm lại đến Việt Nam để giúp những người phụ nữ nghèo Quảng Ngãi và có mặt tại Lễ tưởng niệm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát. Trong bộ áo dài, khăn đóng truyền thống của Việt Nam, ông kéo một khúc vĩ cầm tưởng nhớ những nạn nhân của vụ thảm sát, bản nhạc có tên “Ashokan Farewell” (Vĩnh biệt Ashokan). Quan niệm “trở lại Việt Nam như được về nhà”, với tiếng vĩ cầm, với những nỗ lực chia sẻ của mình, điều mong muốn lớn nhất của người cựu binh là hàn gắn phần nào vết thương chiến tranh mà đất nước ông đã gây ra cho Việt Nam; đồng thời gửi gắm thông điệp kêu gọi mọi người trên thế giới hãy sống nhân ái, hòa bình. “Tất cả quá khứ đều liên kết với tương lai nhưng chúng ta tốt nhất nên để quá khứ sang một bên và cùng nhau hướng tới tương lai” - ông Mike Boehm nói./.
Hà Anh