Thời cơ và chớp thời cơ có vai trò quan trọng trong mọi cuộc cách mạng, đặc biệt là trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Việc bản kế hoạch chiến lược Tổng tiến công được thực hiện thần tốc mau lẹ, vô cùng sáng tạo, hiệu quả đã là minh chứng cho điều này, đúng như quyết tâm “làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”.
Quyết tâm lớn từ thời cơ lớn
Mỹ thất bại đau đớn trước đòn tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam và cuộc tập kích không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng vào cuối tháng 12/1972. Chính phủ Mỹ buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973); đơn phương rút quân chiến đấu và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973)… Thời cuộc đã tạo ra những thời cơ lớn chưa từng có.
Chỉ ít lâu sau khi quân Mỹ rút quân về nước, ngày 19/4/1973, lãnh đạo chủ chốt ở các chiến trường miền Nam đã được triệu tập về Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình, chuẩn bị nội dung cho hội nghị Bộ Chính trị, định ra chủ trương, phương hướng cho cách mạng miền Nam.
Ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng với sự tham gia của một số đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường. Sau khi nghiên cứu, thảo luận, Hội nghị thống nhất nhận định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn sau Hiệp định Paris là tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khoá III) họp 2 đợt (đợt I từ ngày 19/6 - 6/7/1973, đợt II từ ngày 1/10 - 4/10/1973) đã định hướng cho việc hình thành chiến lược giải phóng miền Nam. Hội nghị khẳng định: "Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công".
Ngày 21/7/1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra hội nghị quan trọng, do Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn chủ trì, có sự tham gia của đại diện Quân ủy Trung ương, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu). Hội nghị đánh giá: “Thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta giải phóng miền Nam đã xuất hiện... Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, các thế lực xâm lược được hồi phục thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng…”.
Thần tốc cho bản kế hoạch tổng tiến công lịch sử
Quyết tâm lớn, thời cơ lớn là một chuyện, thực thi thời cơ ấy như thế nào là câu chuyện khác. Việc thực thi bản Kế hoạch tổng tiến công 1975 là một minh chứng. Tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ trong bức điện khẩn lịch sử của đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7/4/1975 đã được lĩnh hội, quán triệt trong việc thực hiện bản Kế hoạch Tổng tiến công.
Cụ thể, từ tháng 4/1973, theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Cùng thời gian đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị hình thành một tổ trung tâm trong Bộ Tổng tham mưu có nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch này. Tất cả các thành viên trong tổ vốn là những chỉ huy dày dạn trận mạc. Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Tổ có đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng và hai đồng chí Cục phó là Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức.
Theo hồi ức của Trung tướng Lê Hữu Đức, một trong 4 người tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, ngày 5/6/1973, bản Dự thảo lần thứ nhất ra đời. Mọi sự khẩn trương tới mức, chỉ từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 8/1973, kế hoạch chiến lược đã được dự thảo 3 lần, mỗi lần đều được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho ý kiến để bổ sung sửa chữa. Tổng công kích - tổng khởi nghĩa trở thành vấn đề nổi bật được thảo luận rất kỹ trong những lần Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược.
Cũng theo Trung tướng Lê Hữu Đức, ngày 20/7/1974, đồng chí Lê Duẩn có cuộc gặp riêng với Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Bản kế hoạch đã dự thảo đến lần thứ 5, ngày 26/4/1974. Tại cuộc gặp này, đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo kỹ về tình hình quân ta và quân địch trên các chiến trường. Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn nói: “Hôm nay mời các anh ra đây để bàn chuyện lớn: Chúng ta phải giải phóng miền Nam ngay sau khi Mỹ rút...”. Đồng chí Lê Duẩn cũng đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng vào kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu. Cuối cùng, đồng chí nói: “Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Tổng tham mưu là Bộ Chính trị phải có nghị quyết về tình hình mới, thống nhất hành động, thống nhất ý chí để huy động sức mạnh của cả nước vào sự nghiệp lớn lao này”. Sau buổi làm việc ấy, tổ trung tâm dự thảo lần thứ 6 “Kế hoạch tổng tiến công, tổng công kích” ngày 15/8/1974.
Bản kế hoạch này còn được sửa đổi thêm hai lần nữa. Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 9, đầu tháng 10/1974 thông qua dự thảo kế hoạch lần thứ 7, thận trọng nhận định: Ta phải vừa đánh vừa tiếp tục theo dõi phản ứng của Mỹ nhằm hạn chế khả năng can thiệp của chúng.
Từ ngày 18/12/1974 đến 2/1/1975, Bộ Chính trị họp nhằm xem xét lần cuối bản dự thảo kế hoạch chiến lược. Dự thảo lần này không những đã được bổ sung một số điểm, điều chỉnh một số chỉ tiêu mà còn được chỉ huy các chiến trường nghiên cứu, góp ý kiến. Cuối cùng, bản dự thảo nhan đề “Kế hoạch chiến lược sắp tới” được Bộ Chính trị chính thức thông qua. Quyết tâm chiến lược trong kế hoạch được thể hiện thành hai bước, mỗi bước đều có chỉ tiêu giành thắng lợi cụ thể. Bước 1- năm 1975: Mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy, làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện cho năm 1976; hướng tiến công chiến lược đầu tiên là Tây Nguyên, cụ thể là Nam Tây Nguyên; bước 2 - năm 1976: Tổng tiến công và nổi dậy, đánh chiếm Sài Gòn, giành toàn thắng.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, bản kế hoạch chiến lược tấn công giải phóng miền Nam đã được hoàn thành. Theo lời kể của Trung tướng Lê Hữu Đức, “lúc này, anh Văn đã 65 tuổi, lại mới mổ thận, nhưng làm việc mỗi ngày 15, 16 tiếng đồng hồ. Anh ăn ngủ ngay ở Tổng hành dinh trên một chiếc giường đơn kê ở phòng làm việc. Đại tướng thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, kiểm tra trực ban tác chiến và quân báo để nắm tình hình. Giao ban buổi sáng, sau khi nghe Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục báo cáo, Đại tướng bổ sung, giao nhiệm vụ, rồi viết mệnh lệnh chiến đấu. Còn đồng chí Lê Duẩn thì chủ trì các cuộc họp của Bộ Chính trị. Theo sự phân công của Bộ Tổng Tham mưu, cứ 19 giờ hằng ngày, tôi đến gặp anh Ba báo cáo tình hình chiến sự và xin ý kiến chỉ đạo. Ấn tượng về đồng chí Lê Duẩn đối với tôi là người có tầm nhìn chiến lược, luôn chăm chú lắng nghe ý kiến của mọi người, đề xuất những vấn đề mới, táo bạo trong chỉ đạo tác chiến”.
Quá trình hoàn thành bản kế hoạch đã thần tốc, việc thực thi kế hoạch còn thần tốc hơn nữa. Ngày 17/4/1975, khi thông qua phương hướng kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn (mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh), Bộ Chính trị nhấn mạnh: Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật nhanh và liên tục, dồn dập đến toàn thắng. Ngày 22/4/1975, kế hoạch tác chiến giải phóng Sài Gòn được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức phê duyệt.
Thực tiễn chiến trường năm 1975 đã chứng tỏ sự sáng suốt và thiên tài quân sự của Bộ Thống soái tối cao. Chiến dịch bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/4. Bốn ngày sau, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4 quân ta hoàn toàn làm chủ thành phố Sài Gòn, sau đó, tiếp tục phát triển thế tiến công giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua 3 đòn chiến lược chủ yếu (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn) diễn ra trong 55 ngày đêm, kế hoạch Tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam đã trở thành hiện thực./.
Khí thế “một ngày bằng hai mươi năm” đã giúp bản kế hoạch thành hình và được phê duyệt trong thời gian ngắn kỷ lục. Và cũng chính khí thế “một ngày bằng hai mươi năm” ấy đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chiến lược cuối cùng trưa ngày 30/4/1975 - Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, đất nước liền một dải. Một điều rất thú vị là trong suốt thời gian xây dựng với 8 lần dự thảo, bản kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được bảo đảm hết sức bí mật. |
Hà Anh